Ngày 24/05/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30/06/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/07/2018.
Theo đó, Thông tư số 52/2018/TT-BTC đã có những sữa đổi, bổ sung đáng chú ý như sau:
1. Mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh:
Trước đây, một số dự án có tính chất đặc biệt (cụ thể gồm: các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kinh tế xã hội của các huyện nghèo; các dự án đầu tư thuộc ngân sách cấp xã và các dự án do cấp xã làm chủ đầu tư; các dự án đầu tư thuộc kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, các dự án đầu tư sử dụng vốn trái phiếu chính phủ) được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế quản lý đặc thù theo quy định tại các Thông tư riêng. Tuy nhiên, hiện nay tất cả các dự án đầu tư sử dụng vốn từ nguồn Ngân sách Nhà nước đều được quy định thống nhất quản lý chung.
2. Bổ sung quy định đối với các công trình đặc thù, cụ thể là:
Thông tư số 52/2018/TT-BTC quy định các dự án đầu tư công trình bí mật nhà nước do các bộ, ngành và địa phương quản lý, Kho bạc Nhà nước chỉ kiểm soát về tính phù hợp, đầy đủ của chứng từ rút vốn và chuyển tiền theo đề nghị của chủ đầu tư. Các cơ quan và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về việc kiểm soát nội dung thanh toán và hồ sơ của dự án.
3. Sửa đổi quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư công:
Thông tư số 52/2018/TT-BTC quy định bổ sung một số nguyên tắc tạm ứng vốn nhằm tăng cường kiểm soát công tác thu hồi tạm ứng, do nhiều trường hợp nhà thầu không quay lại thực hiện thủ tục thu hồi hết số vốn đã tạm ứng và tất toán tài khoản tại Kho bạc Nhà nước do giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành chưa đạt tới 80% giá trị hợp đồng, mặc dù nhà thầu đã được thanh toán gần hết giá trị hợp đồng.
Như vậy có thể thấy, Thông tư số 52/2018/TT-BTC đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, đồng thời góp phần đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan tài chính từ Trung ương tới địa phương.
Ngày 30/06/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo Nghị định số 96/2018/NĐ-CP, các đối tượng được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi bao gồm:
1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất cây lương thực bao gồm:
– Toàn bộ diện tích giao để sản xuất cây lương thực, bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất;
– Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm. Diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm bao gồm đất có quy hoạch, kế hoạch trồng ít nhất một vụ lúa trong năm hoặc diện tích đất có quy hoạch, kế hoạch trồng cây hàng năm nhưng thực tế có trồng ít nhất một vụ lúa trong năm.
2. Hộ gia đình, cá nhân nghèo theo quy định được Nhà nước giao sử dụng đất nông nghiệp.
3. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để làm muối.
4. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức để trồng rau, màu, mạ; cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày kể cả cây vụ đông; cây ăn quả; hoa; cây dược liệu; nuôi trồng thủy sản (trừ nuôi trồng tại hồ, đập, sông, suối, đầm…); chăn nuôi.
5. Hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên đã nhận đất trong hạn mức được giao khoán ổn định của công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp (nông, lâm trường quốc doanh) để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
6. Tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tiêu, thoát nước khu vực nông thôn và đô thị trừ vùng nội thị.
7. Tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt tại địa bàn.
Như vậy, có thể thấy, so với các văn bản trước đây, Nghị định số 96/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm các đối tượng được hỗ trợ giá dịch vụ công ích thủy lợi, qua đó, Nghị định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc ứng dụng thủy lợi vào phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và diêm nghiệp.
Ngày 12/06/2018, Quốc hội ban hành Luật cạnh tranh số 23/2018/QH14 với nhiều điểm mới so với Luật cạnh tranh năm 2004. Luật cạnh tranh năm 2018 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019.
Theo đó, Luật cạnh tranh năm 2018 có một số nội dung mới đáng chú ý như sau:
1. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh dựa vào các yếu tố như: Mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận; rào cản gia nhập, mở rộng thị trường; hạn chế nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ hoặc hạn chế năng lực công nghệ; giảm khả năng tiếp cận, nắm giữ cơ sở hạ tầng thiết yếu; gây cản trở cạnh tranh trên thị trường thông qua kiểm soát các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực liên quan đến các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận…
2. Thời hạn được miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh: 05 năm kể từ ngày có quyết định hưởng miễn trừ.
3. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tích cực của việc tập trung kinh tế căn cứ vào một trong các yếu tố hoặc kết hợp giữa các yếu tố như: Tác động tích cực đến việc phát triển của ngành, lĩnh vực và khoa học, công nghệ theo chiến lược, quy hoạch của Nhà nước; tác động tích cực đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Như vậy, có thể thấy, Luật cạnh tranh năm 2018 đã quy định rõ các yếu tố là cơ sở để Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tác động cạnh tranh, đánh giá tích cực của việc tập trung kinh tế, đồng thời đây cũng là văn bản quy định rõ ràng về thời hạn được miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Ngày 30/06/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2018/NĐ-CP quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Nghị định số 95/2018/NĐ-CP quy định về một loại trái phiếu mới có tên gọi là trái phiếu xanh như sau:
1. Về định nghĩa: Trái phiếu xanh là một loại trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước.
2. Về trách nhiệm xây dựng: Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án phát hành trái phiếu Chính phủ xanh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Nội dung của đề án bao gồm:
– Mục đích phát hành;
– Khối lượng phát hành;
– Điều kiện, điều khoản của trái phiếu;
– Đối tượng mua trái phiếu;
– Phương thức phát hành;
– Việc đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch;
– Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu.
3. Về quy trình phát hành và giao dịch: Tương tự như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu xanh cũng được phát hành và giao dịch thông qua ba hình thức chủ yếu sau:
– Đấu thầu phát hành trái phiếu
– Bảo lãnh phát hành trái phiếu
– Phát hành riêng lẻ trái phiếu
– Giao dịch trái phiếu trên thị trường chứng khoán thông qua hình thức mua bán thông thường, mua bán lại và bán kết hợp mua lại, và các loại hình giao dịch khác theo quy định của pháp luật chứng khoán.
Bằng các quy định chi tiết và cụ thể, Nghị định số 95/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động phát hành, niêm yết, giao dịch trái phiếu xanh – một loại hình trái phiếu mới đang được xem như một kênh thu hút vốn hiệu quả cho các dự án bảo vệ môi trường, qua đó nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Ngày 30/6/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2018/NĐ-CP quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018.
Theo đó, Nghị định số 93/2018/NĐ-CP quy định về thực hiện vay, trả nợ của chính quyền địa phương như sau:
1. Căn cứ thực hiện vay, trả nợ của chính quyền địa phương
– Căn cứ dự toán ngân sách địa phương, tổng mức vay hàng năm và chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương được Hội đổng nhân dân tỉnh quyết định, Sở Tài chính chủ trì.
– Căn cứ dự toán ngân sách địa phương về trả nợ gốc và nguồn trả nợ gốc; trả lãi, phí và chi phí các khoản vay được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, Sở Tài chính chủ trì.
2. Tổ chức vay theo hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương
– Căn cứ dự toán ngân sách, kế hoạch vay, trả nợ hàng năm, chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và kế hoạch vay của chính quyền địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát hành trái phiếu.
– Trình tự, thủ tục: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến về điều kiện, điều khoản của trái phiếu chính quyền địa phương trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của địa phương.
3. Tổ chức vay lại từ nguồn vốn ODA (nguồn vốn hỗ trợ chính thức – Official Development Assistance), vay ưu đãi nước ngoài:
– Căn cứ thỏa thuận vay lại giữa Bộ Tài chính với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của từng chương trình, dự án; số vay lại được Thủ tướng Chính phủ giao trong dự toán ngân sách địa phương hằng năm; hình thức rút vốn và thực hiện giải ngân nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong phạm vi dự toán được giao.
4. Tổ chức vay từ các nguồn trong nước khác như: Vay từ ngân quỹ nhà nước; vay từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh; vay từ các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng trong nước.
Như vậy, Nghị định số 93/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể về nguyên tắc quản lý, hình thức và điều kiện vay, kế hoạch vay, trả nợ hàng năm của chính quyền địa phương, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác quản lý và xây dựng các kế hoạch tài chính của cơ quan quản lý nhà nước.
Ngày 30/06/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2018/NĐ-CP quy định về cho vay lại vốn ODA (nguồn vốn hỗ trợ chính thức – Official Development Assistance), vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Nghị định số 97/2018/NĐ-CP quy định về tỷ lệ vay lại vốn ODA, vay ưu đãi như sau:
1. Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
– Tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi cho địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên;
– Tỷ lệ cho vay lại là 40% vốn vay ODA, vay ưu đãi cho địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%;
– Tỷ lệ cho vay lại là 50% vốn vay ODA, vay ưu đãi cho địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50%;
– Tỷ lệ cho vay lại là 70% vốn vay ODA, vay ưu đãi cho địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh);
– Tỷ lệ cho vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;
– Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vốn ưu đãi cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương áp dụng cho từng thời kỳ ổn định ngân sách trước ngày 01 tháng 01 năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách.
2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập:
– Tỷ lệ vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên và kinh phí đầu tư;
– Tỷ lệ vay lại là 50% vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên và một phần kinh phí đầu tư.
3. Đối với doanh nghiệp
Doanh nghiệp đủ điều kiện vay lại toàn bộ vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư, nhưng không vượt quá 70% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bằng những quy định cụ thể về tỷ lệ cho vay đối với từng nhóm đối tượng, Nghị định 97/2018/NĐ-CP được đánh giá là cơ sở để các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp thuận lợi khi thực hiện thủ tục vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi, từ đó giảm bớt các vấn đề tiêu cực phát sinh trong việc cho phân bổ các nguồn vay ưu đãi tại địa phương.
Ngày 03/07/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 807/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 – 2020. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Quyết định số 807/QĐ-TTg quy định các biện pháp xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích như sau:
Thông qua các biện pháp cụ thể, Quyết định số 807/QD-TTg thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phục hồi các môi trường đã bị ô nhiễm để bảo đảm sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.
Ngày 02/07/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Quyết định số 800/QĐ-TTg đã điều chỉnh một số mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, cụ thể như sau:
Bên cạnh đó, Quyết định số 800/QĐ-TTg cũng sửa đổi, bổ sung một số giải pháp chủ yếu để thực hiện Chiến lược, bao gồm: Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện công tác quy hoạch gắn với công tác bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi thường nguồn nữ cán bộ, công chức, viên chức vào các chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp tại các cơ quan, tổ chức nhà nước với các chỉ tiêu cụ thể và giải pháp khả thi; định kỳ hàng năm tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
Có thể thấy, thông qua Quyết định số 800/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã có những điều chỉnh cụ thể và kịp thời về vấn đề bình đẳng giới, phù hợp với sự phát triển đời sống kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới, từ đó tăng cường sự hiểu biết của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng một xã hội công bằng văn minh và tiến bộ.
Ngày 26/06/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ và mức bảo lãnh Chính phủ được quy định cụ thể như sau:
– Có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động liên tục ít nhất 03 năm trước ngày nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh, đề nghị cấp bảo lãnh;
– Không bị lỗ trong 03 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
– Không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh, gồm nợ quá hạn với cơ quan cho vay lại, nợ quá hạn với Quỹ Tích lũy trả nợ, nợ quá hạn với bên cho vay đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, nợ quá hạn với các tổ chức tín dụng khác.
– Có phương án tài chính dự án khả thi được Bộ Tài chính thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
– Có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kèm theo kế hoạch bố trí vốn chủ sở hữu cụ thể theo tiến độ thực hiện dự án;
– Trong trường hợp phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về phát hành chứng khoán ra công chứng theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
– Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có chức năng huy động vốn để cho vay theo điều lệ được cấp có thẩm quyền ban hành;
– Khoản bảo lãnh nằm trong hạn mức bảo lãnh hằng năm đã được Chính phủ phê duyệt;
– Khoản vay được Chính phủ bảo lãnh được sử dụng để thực hiện, chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước theo quy định của Chính phủ.
– Đối với dự án do Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 70% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền.
– Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 60% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư.
– Mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu do ngân hàng chính sách phát hành là tối đa 100% hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bằng những quy định cụ thể và chi tiết, Nghị định số 91/2018/NĐ-CP được đánh giá đã siết chặt về cả điều kiện và mức bảo lãnh Chính phủ so với các văn bản trước đây, phù hợp với chủ trương chính sách do Đảng và Nhà nước đã đề ra trong công tác chi ngân sách đầu năm.