Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro chứng quyền có bảo đảm
Trả lời

Ngày 18/01/2018, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua Quyết định số 72/QĐ-UBCK ban hành Quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro chứng quyền có bảo đảm. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Theo đó, Quy chế này quy định về loại hình chứng quyền có bảo đảm (sau đây gọi tắt là chứng quyền), điều kiện để cổ phiếu niêm yết là chứng khoán cơ sở của chứng quyền, hạn mức chào bán, hồ sơ đăng ký chào bán và hoạt động phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền; áp dụng đối với tổ chức phát hành chứng quyền (sau đây gọi tắt là tổ chức phát hành) và các tổ chức, cá nhân có liên quan với một số điểm nổi bật như sau:

1. Chứng quyền có bảo đảm là chứng quyền mua dựa trên chứng khoán cơ sở là cổ phiếu niêm yết, thực hiện quyền kiểu châu Âu và có phương thức thanh toán bằng tiền (sau đây gọi tắt là chứng quyền).

2. Điều kiện để cổ phiếu niêm yết là chứng khoán cơ sở của chứng quyền

Chứng khoán cơ sở của chứng quyền là cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán tại Việt Nam đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Thuộc chỉ số VN30 hoặc HNX30 hoặc chỉ số tương đương thay thế (trong trường hợp tổ chức lại các Sở Giao dịch Chứng khoán);

  • Giá trị vốn hóa hàng ngày bình quân trong 06 tháng gần nhất tính đến ngày chốt dữ liệu xem xét từ 5.000 tỷ đồng trở lên;

  • Tổng khối lượng giao dịch trong 06 tháng gần nhất tính đến ngày chốt dữ liệu xem xét tối thiểu đạt 25% số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng bình quân trong 06 tháng gần nhất, trong đó: số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng bình quân trong 06 tháng gần nhất = (số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thời điểm đầu 06 tháng + số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thời điểm cuối 06 tháng)/2; hoặc giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trong 06 tháng gần nhất tính đến ngày chốt dữ liệu xem xét từ 50 tỷ đồng/ngày trở lên;

  • Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại ngày chốt dữ liệu xem xét từ 20% trở lên;

  • Có thời gian niêm yết từ 06 tháng trở lên tính đến thời điểm xem xét. Trường hợp cổ phiếu chuyển sàn niêm yết thì thời gian niêm yết được tính là tổng thời gian niêm yết ở cả hai Sở Giao dịch Chứng khoán;

  • Kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở có lãi và không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính gần thời điểm xem xét nhất, bao gồm báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán;

  • Không đang trong tình trạng bị cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, tạm ngừng giao dịch, không trong diện hủy niêm yết theo quy chế của Sở Giao dịch Chứng khoán.

Ngày chốt dữ liệu xem xét là ngày giao dịch cuối cùng của các tháng 3, 6, 9 và 12 trong năm.

3. Hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 107/2016/TT-BTC, trong đó:

  • Các quy trình nghiệp vụ (bao gồm quy trình về đăng ký chào bán, đăng ký lưu ký, niêm yết, tạo lập thị trường, phòng ngừa rủi ro, thực hiện chứng quyền) và quy trình kiểm soát nội bộ do tổ chức phát hành tự xây dựng đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và đặc điểm hoạt động của công ty.

  • Quy trình quản trị rủi ro theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Quy chế này.

  • Phương án bảo đảm thanh toán cho người sở hữu chứng quyền và phương án phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền theo mẫu quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Quy chế này.

  • Bản cáo bạch chào bán chứng quyền theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 107/2016/TT-BTC Tổ chức phát hành tham khảo mẫu Bản cáo bạch chào bán chứng quyền quy định tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Quy chế này.

4. Phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền

Khi tham gia phát hành chứng quyền, công ty chứng khoán phải phòng ngừa rủi ro bằng cách giữ cổ phiếu cơ sở theo đúng tỷ lệ và các bên đã chưa tìm được tiếng nói chung về tỷ lệ này vì cơ quan quản lý luôn muốn sản phẩm mới vận hành an toàn với rủi ro thấp trong khi công ty chứng khoán lại muốn linh hoạt hơn. Trong đó, hoạt động phòng ngừa rủi ro bao gồm các giao dịch mua, bán, vay và các giao dịch khác phù hợp với quy định pháp luật.

Trên cơ sở Quy chế này, tổ chức phát hành chào bán chứng quyền và thực hiện phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền để đảm bảo khả năng thanh toán cho người sở hữu chứng quyền, hạn chế một cách hiệu quả những tổn thất do rủi ro gây ra.

Chứng quyền có bảo đảm tại Quy chế này được đánh giá vừa là sản phẩm đầu tư, vừa là công cụ quản lý rủi ro với chi phí hiệu quả. Sản phẩm này có cách thức giao dịch giống như cổ phiếu và không bị hạn chế bởi tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài nên hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.

Quy định mới về thu hồi Giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài
Trả lời

Ngày 29/12/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 24/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép Văn phòng đại diện của Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động Ngân hàng. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26/02/2018.

Theo đó, việc thu hồi Giấy phép, thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

  1. Phải xác định khả năng thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trước và trong quá trình thanh lý tài sản, giải thể và thu hồi Giấy phép;

  2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ chấp thuận việc giải thể khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khả năng thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác;

  3. Trong quá trình giám sát thanh lý tài sản, nếu phát hiện tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định chấm dứt thanh lý và thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng;

  4. Trong quá trình thanh lý tài sản, nếu chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có khả năng thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, ngân hàng mẹ có nghĩa vụ thực hiện cam kết.

Ngoài ra, Thông tư 24/2017/TT-NHNN cũng quy định rõ các hành vi bị cấm trong quá trình thu hồi Giấy phép, thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gồm:

  1. Cất giấu, tẩu tán tài sản;

  2. Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;

  3. Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

  4. Tặng, cho, cầm cố, thế chấp và cho thuê tài sản;

  5. Ký kết hợp đồng mới không phải là hợp đồng nhằm thực hiện chấm dứt hoạt động;

  6. Chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, thứ tự phân chia tài sản khi thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng nước ngoài cũng được quy định cụ thể:

  1. Các khoản vay đặc biệt theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung);

  2. Các khoản lệ phí, chi phí thực hiện thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật;

  3. Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

  4. Các khoản chi trả cho người gửi tiền;

  5. Các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước;

  6. Các khoản nợ khác.

Có thể thấy, Thông tư số 24/2017/TT-NHNN đã quy định rõ ràng và chi tiết hơn về hoạt động thu hồi Giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài. Qua đó, đảm bảo tính minh bạch, chính xác và nhanh chóng, đồng thời góp phần tăng cường sự quản lý Nhà nước trong các hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực cấp phép thành lập và hoạt động ngân hàng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trả lời

Ngày 05/02/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 249/QĐ-NHNN về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực cấp phép thành lập và hoạt động ngân hàng thuộc vi phạm chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 06/02/2018.

Theo đó, Quyết định số 249/QĐ-NHNN đã công bố 03 thủ tục được sửa đổi, bổ sung, thay thế là: Thủ tục thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thủ tục gia hạn thời hạn thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thủ tục thu hồi giấy phép của văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, cụ thể như sau:

  1. Đối với thủ tục thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải thể tự nguyện hoặc bị thu hồi Giấy phép, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kết thúc thanh lý, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, trình Thống đốc có quyết định kết thúc thanh lý, thu hồi Giấy phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc có quyết định kết thúc thanh lý để tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục phá sản và sau 40 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kết thúc thanh lý, khi đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ ra Quyết định thu hồi Giấy phép.

  2. Đối với thủ tục gia hạn thời hạn thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi văn bản đề nghị gia hạn thời hạn thanh lý tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và sau 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ ra văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị gia hạn thời hạn thanh lý.

  3. Đối với thủ tục thu hồi giấy phép của văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài: Tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, văn phòng đại diện gửi 01 bộ hồ sơ tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và sau 32 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ ra Quyết định thu hồi Giấy phép.

Khi thực hiện các thủ tục trên, đối tượng thực hiện thủ tục hành chính không phải nộp lệ phí. Các thủ tục này đều do cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện, được sửa đổi, bổ sung, thay thế theo quy định của Thông tư số 24/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.

Như vậy, với Quyết định số 249/QĐ-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh, bổ sung đối với ba thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép thành lập và hoạt động ngân hàng thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình. Những sự thay đổi này được đánh giá là phù hợp và tạo thuận lợi cho các đối tượng thực hiện thủ tục khi xác định rõ tổng thời gian thực hiện thủ tục.

Lùi thời hạn chuyển đổi tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
Trả lời

Ngày 12/02/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 26/12/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/08/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Trước đây, Thông tư số 32/2016/TT-NHNN quy định các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản đến ngày 01/3/2018.

Nay, tại Thông tư số 02/2018/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có thông báo vào trước 01/06/2018 sau khi rà soát hồ sơ, hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được mở trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực.

Đồng thời, Thông tư số 02/2018/TT-NHNN cũng quy định trong vòng 24 tháng, các ngân hàng cần phối hợp với khách hàng hoàn thành việc thực hiện ký lại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán để chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán của pháp nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản thay vì thời hạn 12 tháng trước đây.

Có thể thấy, bằng việc dãn thêm thời hạn chuyển đổi lên một năm, Thông tư số 02/2018/TT-NHNN đã tạo điều kiện để ngân hàng và các khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có them thời gian để thực hiện chuyển đổi cũng như giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc chuyển đổi này.

Quy định về chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non
Trả lời

Ngày 05/01/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 20/02/2018. Theo đó, Nghị định số 06/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non như sau:

Trẻ em độ tuổi mẫu giáo (không bao gồm trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9-5-2017 của Chính phủ) đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm một trong những điều kiện sau:

          – Có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

          – Không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

          – Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

          Việc chi trả kinh phí hỗ trợ ăn trưa được thực hiện 2 lần trong năm học: Lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hằng năm; lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 2 hoặc tháng 3 hằng năm. Căn cứ vào thực tế quản lý và cách tổ chức ăn trưa của nhà trường, lãnh đạo cơ sở giáo dục mầm non thống nhất với ban đại diện cha mẹ trẻ em để lựa chọn thực hiện theo một trong hai phương thức chi hỗ trợ ăn trưa sau:

          – Phương thức 1- Cơ sở giáo dục mầm non giữ lại kinh phí hỗ trợ để tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ em (khuyến khích cơ sở giáo dục mầm non tổ chức nấu ăn cho trẻ em).

          – Phương thức 2- Chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em theo quy định.

Nghị định nêu rõ, trường hợp cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em chưa nhận được kinh phí hỗ trợ ăn trưa theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.

Trường hợp trẻ em chuyển trường, cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm trả lại hồ sơ đề nghị hỗ trợ ăn trưa cho cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em. Cơ sở giáo dục mầm non nơi trẻ em chuyển đến có trách nhiệm báo cáo phòng giáo dục và đào tạo trình Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định chuyển kinh phí hoặc cấp bổ sung kinh phí để cơ sở giáo dục mầm non nơi trẻ em chuyển đến thực hiện chi trả hỗ trợ ăn trưa theo quy định. Trẻ em thôi học, cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm thông báo phòng giáo dục và đào tạo báo cáo UBND cấp huyện dừng thực hiện chi trả chính sách.

Giáo viên mầm non thuộc 4 nhóm đối tượng sau được hưởng chính sách hỗ trợ:, cụ thể:

          – Giáo viên mầm non (gồm cả phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt ở các cơ sở công lập, nếu đủ tiêu chuẩn chức danh giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) trở lên thì được ký hợp đồng lao động, xếp lương ở chức danh giáo viên mầm non hạng IV, được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành như giáo viên mầm non là viên chức trong các cơ sở công lập. Thời gian và bậc lương hưởng khi thực hiện chế độ hợp đồng lao động được nối tiếp để xếp lương và thực hiện chính sách khi được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng làm việc.

          – Giáo viên mầm non (gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đang làm việc ở các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục được Nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Mức hỗ trợ của ngân sách thực hiện theo mức hỗ trợ đối với giáo viên công lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.

          – Giáo viên mầm non (gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được thanh toán tiền mua tài liệu học tập tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số theo quy định. Tiền mua tài liệu học tập được chi trả theo hóa đơn tài chính thực mua và được trả không quá 3 năm.

          – Giáo viên mầm non trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở công lập ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ hằng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng hỗ trợ là 9 tháng/năm. Tiền hỗ trợ được trả cùng với việc chi trả tiền lương của tháng và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định cụ thể thủ tục, hồ sơ xét duyệt hưởng chính sách cụ thể cho các đối tượng trẻ em và giáo viên mần non để được hưởng hỗ trợ này.

Có thể thấy, Nghị định số 06/2018/NĐ – CP được ban hành đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt, thiết thực của Nhà nước đối với trẻ em mẫu giáo – thế hệ tương lai của đất nước và những giáo viên mầm non đang dạy hợp đồng và giáo viên đang công tác ở những trường tư thục.

Quy định về tính khối lượng hoặc thể tích chất ma túy theo Bộ luật hình sự năm 2015
Trả lời

Ngày 02/2/2018, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 19/2018/NĐ-CP quy định về việc tính khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Nghị định số 19/2018/NĐ-CP quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại điểm k khoản 2, điểm e khoản 3, điểm đ khoản 4 Điều 248; điểm i khoản 1, điểm n khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 249; điểm i khoản 1, điểm o khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 250; điểm p khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 251 và điểm i khoản 1, điểm n khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 252 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017.

Việc ban hành của Nghị định số 19/2018/NĐ-CP là sự cần thiết trong thời điểm này để chi tiết, cụ thể hóa những nội dung chưa thực sự rõ ràng ở các văn bản hướng dẫn trước đó về cách tính khối lượng hoặc thể tích chất ma túy. Nghị định có một số nội dung đáng chú ý như sau:

1. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy

– Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy phải đảm bảo khách quan, khoa học và được thực hiện theo phương pháp, trình tự quy định của Nghị định này;

– Khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy theo quy định của Nghị định này là khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy thu giữ hoặc chứng minh được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Việc xác định khối lượng thuốc phiện trong xái thuốc phiện, thuốc phiện pha loãng, thuốc phiện pha trộn được tính theo thuốc phiện chứa 10% morphine làm căn cứ quy đổi;

– Tỷ lệ phần trăm về khối lượng hoặc thể tích của từng chất ma túy được tính theo quy định của Nghị định này nếu là số thập phân thì gồm một chữ số sau dấu phẩy và không làm tròn.

2. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được quy định cụ thể như sau:

Trường hợp các chất ma túy đó đều được quy định trong cùng một điểm của khoản 2, 3, 4 Điều 248; hoặc trong cùng một điểm của khoản 1, 2, 3, 4 Điều 249; hoặc trong cùng một điểm của khoản 1, 2, 3, 4 Điều 250; hoặc trong cùng một điểm của khoản 2, 3, 4 Điều 251; hoặc trong cùng một điểm của khoản 1, 2, 3, 4 Điều 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì cộng khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy lại với nhau và đối chiếu với quy định về khối lượng hoặc thể tích của nhóm chất ma túy đó trong các khoản của điều luật được áp dụng để xác định tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật được áp dụng.

Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định tại các điều luật trên được hướng dẫn cụ thể tại Điều 5 Nghị định này.

Nghị định số 19/2018/NĐ-CP được ban hành không chỉ đối với vấn đề quản lý công mà trên hết nó là cơ sở để các tổ chức bảo vệ pháp luật, nhân dân nắm rõ được các nội dung quan trọng liên quan tới chương tội phạm này.

Giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến áp dụng từ ngày 03/02/2018
Trả lời

Ngày 03/02/2018, Liên Bộ Công thương – Tài chính ban hành Công văn số 1073/BCT-TTTN về việc điều hành kinh doanh xăng dầu. Công văn số 1073/BCT-TTTN có hiệu lực kể từ ngày 03/02/2018.

Theo đó, Liên Bộ Công Thương Tài chính công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường, như sau: Xăng E5 RON92 giá 19.813.000 đồng/lít, tăng 284 đồng so với giá cơ sở kỳ trước; Dầu điêzen 0.05S giá 16.637.000 đồng/lít, tăng 278 đồng so với giá cơ sở kỳ trước; Dầu hỏa giá 15.270 đồng/lít, tăng 250 đồng so với giá cơ sở kỳ trước; Dầu Madút 180CST 3.5S giá 13.085 đồng/kg, tăng 170 đồng so với giá cơ sở kỳ trước.

Trước những diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây và thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định:

Thứ nhất, trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành.

Thứ hai, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu, cụ thể:        Xăng E5 RON92: 1.141 đồng/lít;       Xăng RON95: 400 đồng/lít; Dầu điêzen: 678 đồng/lít; Dầu hỏa: 710 đồng/lít; Dầu madút: 320 đồng/kg.

Thứ ba, giữ ổn định giá bán tất cả các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5 RON92: không cao hơn 18.672 đồng/lít; Dầu điezen 0.05S: không cao hơn 15.959 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 14.560 đồng/lít; Dầu madút 180CST 3.5S: không cao hơn 12.765 đồng/kg.

Thứ tư, thời điểm áp dụng:

– Trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu: Áp dụng từ 15 giờ 00 ngày 03 tháng 02 năm 2018.

– Điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu: Do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định nhưng không sớm hơn 15 giờ 00 ngày 03 tháng 02 năm 2018 đối với các mặt hàng xăng dầu.

– Kể từ 15 giờ 00 ngày 03 tháng 02 năm 2018, là thời điểm Liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố giá cơ sở kỳ công bố tại Công văn này cho đến trước ngày Liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CPThông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT.

Công văn số 1073/BCT-TTTN ban hành góp phần bình ổn giá thị trường xăng dầu dịp giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Bán tài sản công theo hình thức niêm yết giá
Trả lời

Ngày 29/12/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 144/2017/TT-BTC về việc hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2018.

Nội dung nổi bật nhất của Thông tư số 144/2017/TT-BTC là quy định việc bán tài sản công theo hình thức niêm yết giá thông qua hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công phải có đầy đủ các thông tin cần thiết như:

– Tên, địa chỉ, điện thoại của cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản;

– Tên tài sản, chủng loại, số lượng, chất lượng của tài sản kèm theo ít nhất 02 hình ảnh của tài sản; giá bán tài sản;

Số tiền đặt trước và hình thức nộp tiền đặt trước;

Địa điểm, thời hạn xem tài sản;

Quy định về người không được tham gia mua tài sản;

Thời hạn đăng ký và nộp tiền đặt trước;

Thời gian lựa chọn người được quyền mua tài sản

Người có nhu cầu mua tài sản đăng ký mua tài sản trực tiếp trên Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công trong thời hạn niêm yết; việc đăng ký mua tài sản được hoàn tất sau khi người có nhu cầu mua tài sản nộp tiền đặt trước theo quy định. Việc nộp tiền đặt trước được thực hiện thông qua ví điện tử hoặc các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật và thông tin đã niêm yết trên Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công

Thông tư này được kỳ vọng là sẽ góp phần quan trọng trong việc minh bạch hóa việc quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt nhằm hạn chế thất thoát trong việc bán tài sản công.

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm
Trả lời

Ngày 02/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Theo đó, Nghị định 15/2018/NĐ-CP có các nội dung chính như sau:
          1. Quy định chi tiết về các thủ tục: Thủ tục tự công bố sản phẩm; Thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm; Bảo đảm an toàn thực phẩm biến đổi gen; Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; Ghi nhãn thực phẩm; Quảng cáo thực phẩm; Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; Truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
          2. Phân nhóm các sản phẩm bao gói sẵn phải cấp giấy xác nhận phù hợp, bao gồm:
          – Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới sẽ đăng ký bản công bố tại Cục An toàn thực phẩm;
          – Sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi được đăng ký bản công bố tại Sở Y tế địa phương;
          – Các sản phẩm còn lại doanh nghiệp tự công bố theo hướng dẫn tại Nghị định này.
          3. Đối với việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, Nghị định quy định theo hướng giảm tối đa số lô sản phẩm phải kiểm nghiệm, đặc biệt là những sản phẩm đã công bố đăng ký chất lượng và các nhà máy đã có chứng nhận hệ thống GMP, HACCP…, khi nhập khẩu, hải quan chỉ kiểm tra hồ sơ, trừ trường hợp có cảnh báo và sản phẩm ra thị trường mà phát hiện sai phạm thì sẽ đưa vào dạng kiểm soát chặt.
          4. Nghị định cụ thể hóa và bổ sung thêm các đối tượng được miễn kiểm tra như: Sản phẩm mang theo người nhập cảnh, gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi của người nhập cảnh để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyến đi; quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế. Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng nhập khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước. Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hàng tạm nhập, tái xuất…
          5. Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới phải được đăng ký bản công bố sản phẩm tại Bộ Y tế và phải được liệt kê thành phần định lượng đối với từng phụ gia trong thành phần cấu tạo. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm có trách nhiệm chỉ được sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định.

          6. Các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn ghi trên giấy và hết thời hạn sử dụng của sản phẩm.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được đánh giá là đã đưa tinh thần cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vào nội dung, giúp giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo khung pháp lý thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

 

Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Trả lời

Ngày 28/21/2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 12/02/2018, riêng đối với các quy định tại Điều 17 Thông tư 36/2014/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 19/2017/TT-NHNN được áp dụng để xác định và tuân thủ tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn kể từ ngày 1/1/2018.

Theo đó, Thông tư 19/2017/TT-NHNN gồm 5 Điều sửa đổi, bổ sung một số giới hạn, tỷ lệ phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật các Tổ chức tín dụng, gồm giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp; tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

Quy định về giới hạn cấp tín dụng và giới hạn góp vốn, mua cổ phần cũng được sửa đổi thực hiện theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung Luật các Tổ chức tín dụng. Thông tư quy định rõ các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cấp tín dụng với thời hạn đến một năm cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu và khi cấp tín dụng phải đáp ứng các điều kiện: Đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định; có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro theo quy định của pháp luật về cấp tín dụng, hệ thống kiểm soát nội bộ và trích lập đủ số tiền dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp.

Một nội dung nổi bật khác trong Thông tư 19/2017/TT-NHNN là Ngân hàng nhà nước nới tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tối đa áp dụng cho các ngân hàng thương mại từ 40% lên 45% kể từ ngày 1-1-2018.

Thông tư 19/2017/TT-NHNN cũng sửa đổi một số nội dung quan trọng khác như sửa đổi, bổ sung cấu phần và cách xác định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; cách xác định tỷ lệ khả năng chi trả…; bổ sung một số nội dung về giải thích từ ngữ; quy định nội bộ, hướng dẫn chi tiết, quy định cách xác định, cấu phần một số tỷ lệ bảo đảm an toàn và quy định chuyển tiếp.

Những nội dung sửa đổi tại Thông tư hướng tới việc quy định chặt chẽ hơn việc cấp tín dụng, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Tuy nhiên, ở một chiều hướng khác, việc Thông tư nới lỏng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tối đa áp dụng cho các ngân hàng thương mại là đi ngược lại với thông lệ quốc tế, có thể tạo ra rủi ro tiềm ẩn cho cả hệ thống trong tương lai, đồng thời tạo ra sức ỳ và sự lệ thuộc của các doanh nghiệp khi không tự nâng cao giá trị bản thân để có thể tiếp cận được với nguồn vốn rất dài hạn trên thị trường chứng khoán.