Ngày 19/01/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 552/BCT-TTTN về việc điều hành kinh doanh xăng dầu. Công văn này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó Công văn số 552/BCT-TTTN quy định chi tiết về vấn đề trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, cụ thể:
Giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành. Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá:
Xăng E5 RON92: không cao hơn 18.672 đồng/lít;
Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 15.959 đồng/lít;
Dầu hỏa: không cao hơn 14.560 đồng/lít;
Dầu madút 180CST 3.5S: không cao hơn 12.765 đồng/kg
Công văn số 552/BCT-TTTN ban hành nhằm mục đích bình ổn giá xăng, dầu trên thị trường, qua đó tránh trường hợp các doanh nghiệp lấy lý do chưa có văn bản chính thức nên tự động tăng giá làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.
Ngày 22/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 117/QĐ-TTg quyết định về mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Quyết định số 117/QĐ-TTg quy định:
Mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định áp dụng trong năm 2018 đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 5%/năm.
Đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là đối tượng sau: người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Các đối tượng trên được vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì được thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn cho vay thấp hơn.
Như vậy, có thể thấy, so với năm 2016 và 2017, mức lãi suất cũng như đối tượng được hưởng mức lãi suất nêu trên vẫn không thay đổi. Qua đó, Quyết định này tiếp tục thể hiện chính sách của Chính phủ là chính sách khuyến khích, duy trì các ưu đãi đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
Ngày 23/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật tiếp cận thông tin. Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP nêu rõ các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin; đồng thời Nghị định cũng quy định về tiếp cận thông tin của công dân thông qua tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và mẫu phiếu yêu cầu cung cấp thông tin và các biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin. Cụ thể như sau:
Bằng việc ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP, Chính phủ đã tạo ra khung pháp lý cụ thể để hỗ trợ cho mọi công dân, đặc biệt là các đối tượng ở vùng sâu vùng xa, các đối tượng bị khuyết tật được tiếp cận với thông tin dễ dàng và thuận tiện hơn. Qua đó, góp phần đảm bảo tốt hơn cho quyền công dân và quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Ngày 18/01/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 79/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Quyết định này có hiệu kể từ ngày ban hành.
Quyết định số 79/QĐ-TTg đã nêu rõ mục tiêu, định hướng phát triển, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện để phát triển ngành tôm, cụ thể như sau:
Về mục tiêu: Phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước, cụ thể: Trong giai đoạn 2017-2020 phải tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm tôm thông qua áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất; trong giai đoạn 2021-2025 phải hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm về nuôi tôm công nghệ cao với hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ.
Về định hướng phát triển:
– Phát huy tiềm năng về điều kiện tự nhiên;
– Phát triển ngành tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và các thành tựu khoa học kỹ thuật;
– Phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu của thị trường; nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tôm Việt Nam;
– Đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị;
– Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn.
Về nhiệm vụ: Quyết định 79/QĐ-TTg đã chỉ rõ từng nhiệm vụ với từng lĩnh vực cụ thể như: Đối với nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh; Đối với tôm nước lợ nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, nuôi quảng canh; Đối với nuôi tôm càng xanh; Đối với nuôi tôm hùm; Đối với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm tôm.
Về giải pháp thực hiện: Quyết định 79-TTg cũng vạch ra các giải pháp cụ thể từ khâu tổ chức và quản lý sản xuất; về mặt khoa học công nghệ và khuyến ngư; các giải pháp trong phát triển thị trường; giải pháp trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường; về cơ chế chính sách của Nhà nước; các giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành tôm; về nguồn vốn thực hiện và các giải pháp trong hợp tác quốc tế.
Có thể thấy rằng Quyết định 79-TTg đã vạch ra một kế hoạch khá cụ thể, chi tiết trong việc phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, qua đó có thể hy vọng rằng ngành tôm Việt Nam sẽ đi đúng hướng theo kế hoạch và đạt được các những kết quả đã vạch ra, góp phần vào sự phát triển nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới
Ngày 15/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ tiến hành, trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung, căn cứ chấm dứt điều tra vụ việc phòng vệ thương mại; cách xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; áp dụng, rà soát biện pháp phòng vệ thương mại; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình điều tra; miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đó, Nghị định này quy định trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, các nhà sản xuất trong một thị trường địa lý nhất định trên lãnh thổ Việt Nam có thể được coi là ngành sản xuất trong nước nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
Bên cạnh đó, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP còn quy định việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời, mức thuế, thời hạn áp thuế và việc gia hạn thời gian áp thuế thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 81 và khoản 1 Điều 89 của Luật Quản lý ngoại thương.
Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời được áp dụng không sớm hơn 60 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra. Trong trường hợp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời được áp dụng thấp hơn biên độ bán phá giá, mức trợ cấp trong kết luận sơ bộ hoặc trong trường hợp tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa bị điều tra vào Việt Nam yêu cầu gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời và khối lượng, số lượng hàng hoá bị điều tra của tổ chức, cá nhân xuất khẩu yêu cầu đó chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng khối lượng, số lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể gia hạn thời gian áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời nhưng thời gian gia hạn không quá 60 ngày. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương kết luận cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định về vụ việc.
Nghị định số 10/2018/NĐ-CP đã quy định chi tiết các biện pháp phòng vệ thương mại một cách chi tiết nhất, góp phần giảm thiểu những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng quản lý của Nhà nước trong các hoạt động thương mại.
Ngày 11/01/2018, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 439/VPCP – KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đối với việc quản lý, điều hành giá xăng dầu. Công văn này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, đối với việc công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi tình hình tiêu thụ xăng E5RON 92, RON 95 tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4,… trong Quý I năm 2018 để công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu phù hợp với thị trường và quy định pháp luật.
Đối với công tác điều hành giá xăng dầu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo liên Bộ Công Thương – Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng E5RON 92, RON 95 và các mặt hàng xăng dầu khác theo nguyên tắc hài hòa, đồng bộ, linh hoạt trong việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm kiểm soát mặt bằng giá xăng dầu.
Ngoài ra, Liên Bộ Công Thương – Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích của xăng E5RON 92 để người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm sử dụng;
Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Công văn số 439/VPCP – KTTH là những hướng đi nhằm tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu, đồng thời góp phần thực hiện tốt công tác quản lý phân phối, quy hoạch bảo đảm nguồn nguyên, nhiên liệu phục vụ xăng sinh học.
Ngày 29/11/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 26/2017/TT-BCT về quy định phương pháp, trình tự xác định chi phí hàng năm và giá điện của nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 18/01/2018.
Theo đó, Thông tư số 26/2017/TT-BCT quy định đối tượng áp dụng bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các Tổng công ty Điện lực.
Bên cạnh đó, Thông tư này còn quy định các phương pháp xác định chi phí hàng năm của nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu trong giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh và phương pháp, trình tự xác định giá điện của nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu trong giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Cụ thể:
Thứ nhất, phương pháp xác định tổng chi phí hàng năm N (CN) của nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu được xác định theo công thức sau:
CN = CVL + CTL + CKH + CDVMN + CSCL + CLV + CK
Trong đó:
CVL: |
Chi phí vật liệu năm N (đồng); |
CTL: |
Chi phí tiền lương năm N (đồng); |
CKH: |
Chi phí khấu hao tài sản cố định năm N (đồng); |
CDVMN: |
Chi phí dịch vụ mua ngoài năm N (đồng); |
CSCL: |
Chi phí sửa chữa lớn năm N (đồng); |
CLV: |
Chi phí lãi vay năm N (đồng); |
CK: |
Chi phí khác bằng tiền năm N (đồng). |
Thứ hai, phương pháp xác định giá điện kể từ thời điểm vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh cho nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu xác định được tổng mức đầu tư tính giá được tính theo công thức sau:
PC = FC + FOMCb
Trong đó:
FC: Giá cố định bình quân của nhà máy được xác định theo phương pháp quy định tại Khoản 2 Điều này (đồng/kWh);
FOMCb: Giá vận hành và bảo dưỡng tại năm áp dụng giá của nhà máy được xác định theo phương pháp quy định tại Khoản 3 Điều này (đồng/kWh).
Thông tư số số 26/2017/TT-BCT đã chỉ rõ trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục Điều tiết điện lực và Tổng công ty Điện lực đặc biệt trong giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh và giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Qua đó, đảm bảo tính cần thiết, kịp thời của quản lý nhà nước đối với hoạt động xác định giá điện.
Ngày 29/12/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 50/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.
Theo đó, Thông tư số 50/2017/TT-BYT có các nội dung sửa đổi, bổ sung như sau:
Thứ nhất, Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức lưu phim chẩn đoán hình ảnh bằng bản điện từ hoặc phim chụp; Thông tin chụp phim chẩn đoán hình ảnh của người bệnh nội trú phải được thể hiện trong Hồ sơ bệnh án và sổ Chẩn đoán hình ảnh; Trường hợp chuyển tuyến, cần chuyển các phim chẩn đoán hình ảnh kèm theo các giấy, phiế chuyển viện; Trường hợp người được chụp phim thuộc đối tượng khám ngoại trú thì trả phim đã chụp kèm theo bản trả lời kết quả tương ứng với phim đã chụp.
Thứ hai, các phẫu thuật phải sử dụng phiếu và vẽ lược đồ; các thủ thuật sử dụng phương pháp vô cảm toàn thân phải được thực hiện trong phòng mổ hoặc thủ thuật can thiệp đường mạch máu, đường thở phải sử dụng phiếu thủ thuật và vẽ lược đồ thủ thuật; các thủ thuật khác phải ghi chỉ định và nội dung thực hiện dịch vụ vào hồ sơ bệnh án có chữ ký xác nhận của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh.
Thứ ba, sửa đổi phần khái niệm, định nghĩa của chỉ tiêu số 20 về số ngày điều trị trung bình của 1 đợt điều trị nội trú “là một ngày trong đó, người bệnh được làm bệnh án nội trú, được hưởng ít nhất một trong các chế độ: theo dõi, chẩn đoán, điều trị hoặc chăm sóc”.
Thứ tư, sửa đổi tên thuốc theo Danh mục thuốc tân dược, bổ sung Danh mục thuốc đông y tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT, thông tư 05/2015/TT-BYT.
Thứ năm, phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề theo các nhóm chuyên khoa. Người hành nghề đã được cấp chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn thuộc chuyên khoa nào thì được phép thực hiện các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật của chuyên khoa đó.
Thứ sáu, đối với dịch vụ kỹ thuật y tế mà điều kiện thanh toán có quy định người thực hiện phải có Chứng chỉ đào tạo nhưng đã được cấp Giấy chứng nhận đào tạo thay cho Chứng chỉ đào tạo thì Giấy chứng nhận đào tạo được tiếp tục sử dụng theo quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP.
Thứ bảy, sửa đổi Danh mục dịch vụ kỹ thuật có quy định cụ thể điều kiện, tỷ lệ và mức giá thanh toán được chi tiết tại Thông tư này.
Thứ tám, sửa đổi, bổ sung Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế khi sử dụng dịch vụ kỹ thuật đặt stent động mạch vành phải sử dụng nhiều hơn một stent phủ thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế thì được hướng dẫn thanh toán và được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán thêm ½ chi phí đối với stent thứ hai theo giá mua vào của cơ sở khám chữa bệnh nhưng không cao hơn 18.000.000 đồng.
Thứ chín, sửa đổi quy định về dướng dẫn sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế có giường bệnh. Công khai thuốc dùng hàng ngày cho từng người bệnh bằng cách thông báo cho người bệnh trước khi dùng thuốc, đồng thời yêu cầu người bệnh hoặc người nhà ký nhận vào Phiếu công khai dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú hàng ngày.
Thông tư số 50/2017/TT-BYT đã hướng dẫn chi tiết liên quan đến việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời lưu ý đến sự hỗ trợ liên quan đến thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh có tham gia Bảo hiểm y tế.
Ngày 05/01/2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BXD Quy định về chi tiêu xây dựng Đô thị tăng trưởng xanh. Thông tư này sẽ có hiệu lực vào ngày 20/2/2018.
Thông tư số 01/2018/TT-BXD quy định cụ thể về các chỉ tiêu xây dựng tăng trưởng xanh như sau: Các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh gồm 24 chỉ tiêu được chia thành 4 nhóm. Danh mục và nội dung các chỉ tiêu được quy định chi tiết tại Phụ lục 1 và 2 ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể:
Nhóm chỉ tiêu kinh tế gồm 05 chỉ tiêu nhằm đánh giá hiệu quả tăng trưởng kinh tế về sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.
Nhóm chỉ tiêu môi trường gồm 10 chỉ tiêu nhằm đánh giá về chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị, mức độ áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, xả thải, phát thải khí nhà kính trong phát triển đô thị
Nhóm chỉ tiêu xã hội gồm 4 chỉ tiêu nhằm đánh giá về hiệu quả nâng cao chất lượng và điều kiện sống của người dân đô thị.
Nhóm chỉ tiêu thể chế gồm 5 chỉ tiêu nhằm đánh giá về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền đô thị đối với công tác xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, Thông tư số 01/2018/TT-BXD cũng quy định rõ mục đích lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh như sau:
Đề xuất các hoạt động ưu tiên thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh;Đánh giá thẩm định các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng có sử dụng nguồn vốn phục vụ mục tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh; Là cơ sở đề xuất việc rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu cụ thể trong quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị;Kiểm tra, giám sát các chương trình, kế hoạch của đô thị triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên tại các đô thị.
Việc ra đời Thông tư số 01/2018/TT-BXD là một bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chi tiêu trong xây dựng Đô thị với mục tiêu tăng trưởng xanh nhằm phát triền bền vững và cân bằng giữa phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống nói chung, đó sẽ là cơ sở đảm bảo tốt nhất cho sự vận hành của lĩnh vực Xây dựng nói riêng và xã hội nói chung.
Ngày 28/12/2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 14/2017/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2018.
Thông tư số 14/2017/TT-BXD quy định cụ thể về nguyên tắc xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị như sau:
Chi phí các dịch vụ công ích đô thị phải được tính đúng, tính đủ, phù hợp với quy trình kỹ thuật, điều kiện thực hiện, phù hợp với mặt bằng giá thị trường và khả năng cân đối ngân sách của địa phương.
Chi phí các dịch vụ công ích đô thị được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư này là cơ sở để xác định dự toán chi phí; xem xét, quyết định giá dịch vụ công ích thực hiện theo phương thức đấu thầu, đặt hàng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc cung ứng các dịch vụ công ích đô thị và là căn cứ để thương thảo, ký kết hợp đồng, thanh toán và quyết toán hợp đồng thực hiện các dịch vụ này.
Việc quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị phải tuân thủ các quy định có liên quan đến sản xuất và cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích đô thị. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định của Thông tư này để hướng dẫn xác định và quản lý chi phí thực hiện các dịch vụ công ích đô thị khác cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Bên cạnh đó, Số 14/2017/TT-BXD cũng quy định cụ thể về nội dung dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị như sau:
Dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị bao gồm các khoản: chi phí trực tiếp (chi phí vật liệu; chi phí nhân công; chi phí sử dụng xe, máy, thiết bị thi công), chi phí quản lý chung, lợi nhuận định mức và thuế giá trị gia tăng (nếu có). Tổng hợp dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị theo hướng dẫn tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.
Ngoài ra, việc xác định các thành phần chi phí trong dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị cũng được cụ thể hóa như sau:
Chi phí trực tiếp (CPTT) gồm: chi phí vật liệu, chi phí nhân công và chi phí sử dụng xe, máy, thiết bị thi công. Xác định chi phí trực tiếp theo hướng dẫn tại Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này.
Chi phí quản lý chung (C) bao gồm các chi phí có tính chất chung chi cho bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp, các chi phí gián tiếp phục vụ cho công tác quản lý, chi phí phục vụ công nhân (bao gồm cả chi phí bảo hộ lao động, chi phí công cụ lao động), chi trả lãi vay vốn ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, các khoản chi phí xã hội mà người sử dụng lao động phải nộp cho nhà nước (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp), các khoản phí, lệ phí, chi phí thuê tài sản, thuê mặt bằng nhà xưởng (nếu có); chi phí khấu hao, sửa chữa tài sản cố định phục vụ cho bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp, chi phí thuê kiểm toán của doanh nghiệp và các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động chung của doanh nghiệp khi thực hiện cung ứng dịch vụ công ích đô thị.
Việc ra đời Thông tư số 14/2017/TT-BXD là một bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị trong bối cảnh đất nước đang có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển kinh tế và xã hội, đó sẽ là cơ sở đảm bảo tốt nhất cho sự vận hành của lĩnh vực Xây dựng nói riêng và xã hội nói chung