Ngày 01/08/2017, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 08/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát Ngân hàng. Theo Thông tư số 08/2017/TT-NHNN nội dung chính được quy định như sau:
1. Giám sát ngân hàng bao gồm: Thu thập, tổng hợp và xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu của đối tượng giám sát ngân hàng theo yêu cầu; xem xét, theo dõi tình hình chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan; việc thực hiện kết luận thanh tra và khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng của đối tượng giám sát ngân hàng. Đồng thời, phân tích, đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, hoạt động, quản trị, điều hành và mức độ rủi ro đối với từng tổ chức tín dụng và toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thực hiện xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định.
2. Giám sát an toàn vĩ mô đối với nhóm và toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về mức độ lành mạnh tài chính; đánh giá hoạt động liên ngân hàng; đánh giá tình hình sở hữu, đàu tư; nhận diện, đánh giá thực trạng, xu hướng, mức độ rủi ro và tác động có khả năng xảy ra đối với nhóm và toàn bộ hệ thống.
3. Các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng bao gồm: khuyến nghị, cảnh báo; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý giám sát ngân hàng khác theo quy định của pháp luật.
Việc quy định về giám sát Ngân hàng nhằm phát hiện, cảnh báo các yếu tố tác động, xu hướng biến động tiêu cực, rủi ro gây mất an toàn hoạt động, các rủi ro, nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng và trường hợp sau khi thực hiện kế hoạch khắc phục, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng thực hiện kiến nghị cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý giám sát ngân hàng theo quy định của pháp luật từ đó sẽ có tác dụng giảm được các vi phạm trong lĩnh vực này.
Ngày 20/11/2017 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 17/2017/TT-NHNN với nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư số 40/2011/TT-NHNH quy định về việc cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của Ngân hàng Thương mại, Chi nhánh Văn phòng của Ngân hàng, Tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Thông tư này sẽ có hiệu lực vào ngày 05/12/2017. Thông tư số 17/2017/TT-NHNN có một số nội dung đáng chú ý như sau: 1. Ngân hàng Nhà nước không thực hiện cấp đổi đối với các nội dung hoạt động mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm cấp đổi; đồng thời, điều chỉnh tên nội dung hoạt động được phép phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Giấy phép được cấp đổi thay thế tất cả các Giấy phép, chấp thuận (là một phần không thể tách rời của Giấy phép) mà Ngân hàng Nhà nước đã cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó trước thời điểm cấp đổi. 2. Đối với hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối; hoạt động kinh doanh vàng miếng; hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh về ngoại hối, tiền tệ, tài sản tài chính khác trên thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế, việc cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan. 3. Đối với các nội dung hoạt động quy định tại khoản 24 Điều 4 Mẫu Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại (Phụ lục 01a) và khoản 23 Điều 4 Mẫu Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Phụ lục 01b), ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước; thủ tục, cấp bổ sung các nội dung hoạt động này vào Giấy phép thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan. 4. Trường hợp ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đề nghị cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép đồng thời với cấp đổi Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cấp đổi Giấy phép trong đó bao gồm nội dung cấp bổ sung theo đề nghị, trên cơ sở ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đáp ứng đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 18c Thông tư số 17/2017/TT-NHNN.
Vậy, có thể nhận thấy rằng việc điều chỉnh của NHNN lần này là sự cần thiết và kịp thời để điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn trong quá trình vận hành, tạo cơ sở và cơ hội để các Ngân hàng, tổ chức nước ngoài chủ động trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh một cách hợp lý.
Từ ngày 01/01/2018, sẽ áp dụng biểu thuế suất thuế nhập khẩu thông thường đối với hàng nghìn mặt hàng, mã hàng tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 45/2017/QĐ-TTg, thay thế cho Phụ lục tương ứng tại Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg ngày 01/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo quyết định, danh mục (mô tả hàng hóa và mã hàng 8 chữ số) các mặt hàng có mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi bằng 0% quy định tại mục I, mục II Phụ lục II Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan (quy định cũ tại Phụ lục II Nghị định số 122/2016/NĐ-CP).
Danh mục các mặt hàng áp dụng Biểu thuế suất nhập khẩu thông thường mới được xây dựng dựa trên Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ-CP.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu không có tên trong Danh mục Biểu thuế mới này và không thuộc diện áp dụng thuế suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt tại Điểm a. b Khoản 3 Điều 5 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì: Áp dụng mức thuế suất thông thường bằng 150% thuế suất nhập khẩu ưu đãi tại Phụ lục II Nghị định 125/2017/NĐ-CP.
Đây là nội dung mới, nổi bật của Nghị định 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 do Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP. Cụ thể:
– Thay thế 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP để thống nhất với danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam. Theo đó, danh mục Biểu thuế nhập khẩu ưu đã kèm theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP tăng 1.255 dòng thuế so với danh mục Biểu thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
– Bổ sung nguyên tắc kế khai tên hàng và mã hàng đối với mặt hàng thuộc nhóm có STT 211 tại Biểu thuế xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan và bổ sung 02 điều kiện xác định mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng có STT 211.
– Sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết về việc thực hiện thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan chung và hạn ngạch thuế quan riêng theo các Hiệp định.
– Bổ sung quy định về chương trình ưu đãi 0% thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô thuộc nhóm 49, 98, áp dụng từ ngày 16/11/2017 đến ngày 31/12/2022.
– Xe ô tô chở người từ 10 đến 15 chỗ ngồi (kể cả lái xe) đã qua sử dụng thuộc nhóm hàng 87.02 áp dụng mức thuế hỗn hợp quy định tại Phụ lục III, thay vì mức thuế tuyệt đối như quy định hiện hành.
Nghị định này là một quy định quan trọng, dần tiến tới dỡ bỏ hàng rào thuế quan, mở cửa hội nhập kinh tế toàn cầu.
Nghị định 125/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Từ ngày 1/12/2017, quy định về khu (điểm) chợ biên giới tại Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ hai nước Việt Nam – Trung Quốc sẽ được thực hiện theo Thông tư 17/2017/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành.
Nhằm hướng dẫn thực hiện quy định về khu (điểm) chợ biên giới tại Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ hai nước Việt Nam – Trung Quốc, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Thông tư 17/2017/TT-BCT. Thông tư quy định cụ thể trình tự, thủ tục thiết lập khu (điểm) chợ biên giới. Theo đó, Sở Công Thương các tỉnh biên giới chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan gồm các Bộ: Công an, Ngoại vụ, Y tế, Hải quan, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Bộ chỉ huy Quân sự, UBND huyện/thị xã/thành phố biên giới thuộc tỉnh tiến hành khảo sát địa điểm, đánh giá nhu cầu thiết lập khu (điểm) chợ biên giới.
Ngày 20/10/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 112/2017/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 227/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Thông tư 112/2017/TT-BTC có một số nội dung chính được quy định như sau:
Giảm phí kiểm định chất lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với trang phục thiết bị bảo hộ cá nhân được quy định như sau:
– Chất bột, chất tạo bọt chữa cháy giảm từ 400 nghìn đồng/kg xuống 300 nghìn đồng/kg.
– Dung dịch gốc nước chữa cháy giảm từ 400 nghìn đồng/lit xuống 300 nghìn đồng/lit.
– Sơn chống cháy chất ngâm tẩy chống cháy giảm từ 800 nghìn/kg xuống 400 nghìn/kg.
– Cửa chống cháy giảm từ 700 nghìn đồng/bộ xuống còn 500.000 đồng/bộ.
– Vật liệu chống cháy giảm từ 700 nghìn/m2 xuống còn 400 nghìn/m2.
– Van chặn lửa và các thiết bị ngăn lửa giảm từ 400 nghìn/cái xuống còn 300 nghìn/cái.
– Phương tiện cứu người giảm từ 500 nghìn/bộ xuống còn 400 nghìn/bộ.
– Quần áo chữa cháy giảm từ 400 nghìn đồng/bộ xuống còn 300 nghìn đồng/bộ;
– Mũ, ủng, găng tay chữa cháy giảm từ 200 nghìn đồng/cái xuống còn 150 nghìn đồng/cái;
– Mặt nạ phòng độc giảm từ 600 nghìn đồng/bộ xuống còn 400 nghìn đồng/bộ;
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 12 năm 2017.
Ngày 20 tháng 10 năm 2017, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 42/2017/TT-BCA quy định một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP về điều kiện an ninh, trật tự (ANTT) đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, trong thời hạn không quá 60 ngày, kể từ ngày được cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, Cơ quan công an có thẩm quyền phải thực hiện hậu kiểm đối với cơ sở kinh doanh được cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT.
Cơ sở kinh doanh bao gồm: doanh nghiệp; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Chi nhánh, cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động trong lĩnh vực ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của các cơ quan, tổ chức; Hộ kinh doanh.
Trước khi hậu kiểm, cơ sở kinh doanh được thông báo bằng văn bản nêu rõ nội dung hậu kiểm và thời gian thực hiện công tác hậu kiểm. Nội dung hậu kiểm bao gồm:
– Kiểm tra về điều kiện đối với người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh (chỉ áp dụng đối với trường hợp có nghi vấn) bằng hình thức xác minh lý lịch;
– Kiểm tra trực tiếp các điều kiện về an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh.
Việc hậu kiểm phải lập biên bản. Trường hợp phát hiện cơ sở kinh doanh không đáp ứng một trong các điều kiện về an ninh, trật tự thì xử lý như sau:
a) Thông báo bằng văn bản yêu cầu cơ sở kinh doanh tạm ngừng hoạt động kinh doanh ngành, nghề hoặc công đoạn của quá trình đầu tư. Đồng thời, yêu cầu cơ sở kinh doanh khắc phục vi phạm về điều kiện an ninh, trật tự trong thời hạn 40 ngày;
b) Trường hợp cơ sở kinh doanh có văn bản báo cáo đã khắc phục xong vi phạm điều kiện về an ninh, trật tự thì cơ quan Công an có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì ghi cụ thể vào biên bản để cơ sở kinh doanh tiếp tục hoạt động ngành, nghề hoặc công đoạn của quá trình đầu tư đã phải tạm ngừng kinh doanh trước đó;
c) Trường hợp trong thời hạn quy định mà cơ sở kinh doanh không khắc phục được vi phạm điều kiện về an ninh, trật tự thì cơ quan Công an có thẩm quyền ra quyết định thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề hoặc công đoạn của quá trình đầu tư mà cơ sở kinh doanh đã phải tạm ngừng hoạt động trước đó.
Báo cáo:
Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý (hoàn thành trong tuần cuối cùng của quý) tình hình, kết quả thực hiện các quy định về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh theo mẫu ĐK13 ban hành kèm theo Thông tư này gửi cơ quan Công an trực tiếp quản lý;
b) Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm báo cáo đột xuất các vụ việc hoặc thông tin liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh gửi cơ quan Công an nơi gần nhất và cơ quan Công an trực tiếp quản lý.
Kiểm tra:
Cơ quan Công an có thẩm quyền thực hiện kiểm tra định kỳ cơ sở kinh doanh không quá một lần trong một năm và phải kết hợp kiểm tra các nội dung khác liên quan đến an ninh, trật tự (nếu có).
Trước khi thực hiện kiểm tra, cơ quan Công an có thẩm quyền phải có văn bản thông báo trước 05 ngày làm việc cho cơ sở kinh doanh về thời gian, địa điểm, nội dung kiểm tra, thành phần đoàn kiểm tra.
Nội dung kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP và kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt. Cụ thể:
a) Kiểm tra, thanh tra các giấy tờ trong hồ sơ pháp lý; nội dung kinh doanh ghi trong Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp cho cơ sở kinh doanh với thực tế của cơ sở đang hoạt động;
b) Kiểm tra việc chấp hành các quy định tại Nghị định này và các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
c) Kiểm tra người và phương tiện, sản phẩm kinh doanh, dịch vụ liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh doanh theo quy định của pháp luật;
Kết thúc kiểm tra, thanh tra phải lập biên bản, ghi rõ kết quả và tồn tại hoặc vi phạm (nếu có). Trường hợp phát hiện cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự thì ngoài việc lập biên bản kiểm tra còn phải lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan tới các lĩnh vực khác nếu không thuộc thẩm quyền xử lý thì trưởng đoàn kiểm tra phải kịp thời báo cáo lãnh đạo quản lý trực tiếp để xin ý kiến chỉ đạo; không được tự ý giải quyết công việc không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trường hợp kiểm tra đột xuất, cán bộ phụ trách đoàn kiểm tra phải xuất trình Giấy chứng minh Công an nhân dân cho người đại diện của cơ sở kinh doanh (đối với đoàn kiểm tra hoặc cán bộ kiểm tra thuộc các lực lượng nghiệp vụ khác không trực tiếp quản lý cơ sở kinh doanh).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 12 năm 2017 và thay thế các Thông tư số 45/2009/TT-BCA(C11) ngày 14/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 52/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ và Thông tư số 33/2010/TT-BCA ngày 05/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Ngày 05/10/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 102/2017/TT-BTC quy định hướng dẫn một số điều quy định tại Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh Casino. Theo Thông tư 102/2017/TT-BTC, quy định về hồ sơ để người Việt Nam có đủ năng lực về tài chính để tham gia chơi tại điểm kinh doanh casino. Cụ thể như sau:
– Các chứng từ chứng minh có thu nhập chịu thuế từ bậc 3 trở lên theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân: Bản sao có chứng thực tờ khai thuế thu nhập cá nhân đã được cơ quan thuế quyết toán hoặc bản xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của cơ quan thuế chứng minh người chơi có thu nhập chịu thuế từ bậc 3 trở lên theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân trong vòng 01 năm trước khi vào chơi casino.
– Các chứng từ chứng minh người Việt Nam có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên gồm có:
Bản sao có chứng thực xác nhận thu nhập hàng tháng, bảng lương hàng tháng hoặc quyết định trả lương của cơ quan nơi người chơi đang công tác xác nhận trong 03 tháng gần nhất kể từ ngày vào chơi casino, trong đó thể hiện mức thu nhập hàng tháng từ 10 triệu đồng trở lên.
Bản sao có chứng thực hợp đồng cho thuê nhà, cho thuê tài sản của người chơi còn hiệu lực theo quy định của pháp luật, trong đó thể hiện tổng số tiền cho thuê hàng tháng từ 10 triệu đồng trở lên.
Bản sao có chứng thực sổ tiết kiệm ngân hàng, sao kê tài khoản tiền gửi ngân hàng của người chơi có thời hạn từ 01 năm trở lên và có phát sinh lãi hàng tháng từ 10 triệu đồng trở lên.
Các giấy tờ khác chứng minh được người chơi có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.
Trường hợp các hồ sơ nêu trên không chứng minh được thu nhập của người chơi đạt mức 10 triệu đồng/tháng, người chơi có thể xuất trình đồng thời nhiều hồ sơ để chứng minh có tổng thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.
– Người chơi chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các tài liệu được chứng thực quy định tại hai phần nêu trên khi xuất trình cho doanh nghiệp kinh doanh casino để vào chơi casino.
– Doanh nghiệp kinh doanh casino được phép thí điểm cho người Việt Nam vào chơi casino có trách nhiệm lưu giữ các hồ sơ theo quy định nêu trên trong thời hạn tối thiểu là 05 năm kể từ ngày cho phép người Việt Nam vào chơi casino để phục vụ công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2017.
Ngày 04/10/2017 Bộ Tài chính quy định Thông tư 101/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều quy định tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.
Thông tư này quy định chi tiết đối tượng áp dụng dành cho các doanh nghiệp kinh doanh đặt cược đua chó và đặt cược bóng đá quốc tế, các đối tượng được phép tham gia đặt cược, thành phần giám sát cuộc đua.
Ngoài ra việc quản lý tài chính và chế độ báo cáo của các Doanh nghiệp này cũng được quy định chi tiết , cụ thể hơn như:
– Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược phải thực hiện hạch toán riêng các khoản doanh thu, chi phí và lợi nhuận liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt cược và phải theo dõi riêng các khoản mục này trên hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính (Điều 9- Nguyên tắc hạch toán và quản lý doanh thu, chi phí).
– Báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp kinh doanh đặt cược phải được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập được phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. (Điều 12- Chế độ kế toán và công khai báo cáo tài chính).
Thông tư 101/2017/TT-BTC có hiệu lực từ 01/12/2017
Thông tư này ban hành ngày 15/11/2017 quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch.
Những nội dung chính của Thông tư này bao gồm:
1. Điều kiện của nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải:
– Nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải khách du lịch phải được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
– Nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải khách du lịch phải được đơn vị kinh doanh vận tải tập huấn nghiệp vụ du lịch.
– Đối với lái xe đồng thời là nhân viên phục vụ khi vận chuyển khách du lịch, đơn vị kinh doanh vận tải phải tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người lái xe như nội dung tập huấn đối với nhân viên phục vụ.
2. Quy định về trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải:
– Xe ô tô phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
– Xe ô tô phải được gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định;
– Xe ô tô phải được niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, bên cạnh giường nằm phải có bảng hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Thông tư này có hiệu lực ngày 01/01/2018 bãi bỏ Điều 4, Điều 5 của Thông tư Liên tịch số 19/2015/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 25 tháng 5 năm 2015.