Ngày 05/12/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 06/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin về đấu thầu, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.
Theo quy định này, việc cung cấp thông tin về đấu thầu như: Thông tin về dự án; Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Kết quả lựa chọn nhà thầu; Hợp đồng; Hủy thầu; Thông tin về nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại từng dự án/gói thầu… được thực hiện trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày có Quyết định hoặc văn bản phê duyệt, ban hành các thông tin đó.
Việc cung cấp thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu được thực hiện trong vòng 02 ngày làm việc từ ngày Quyết định xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu được ban hành. Riêng thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời quan tâm, thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng, thông báo hủy thầu, thông báo gia hạn, điều chỉnh, đính chính các thông tin đã đăng tải được thực hiện theo tiến độ tổ chức lựa chọn nhà thầu và phải đảm bảo các quy định tương ứng liên quan về thời gian trong đấu thầu.
Ngoài ra để thắt chặt hơn hoạt động quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành kèm theo Thông tư 06/2017/TT-BKHĐT biểu mẫu về nội dung thông tin báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu, báo cáo tổng hợp kết quả lựa chọn nhà thầu và một số form mẫu liên quan đến báo cáo về tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu theo định kỳ hàng năm.
Thông tư 06/2017/TT-BKHĐT ban hành được coi là bước tiến lớn về vấn đề quản lý thông tin về đấu thầu, phục vụ việc theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu một cách khách quan, chính xác, trung thực nhất.
Ngày 10/11 2017, Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 4276/QĐ-BCT về việc sửa đổi, bổ sung tạm thời một số nội dung trong Quy chế pha màu xăng dầu thương phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 1273/2004/QĐ-BTM ngày 07/9/2004 của Bộ Thương mại, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018
Một số nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý của Quyết định 4276/QĐ-BTC là:
1. Quy định màu chỉ định, liều lượng màu pha đối với xăng không pha chì E5 RON 92 như sau: Màu chỉ định là màu xanh; liều lượng màu pha là 5 mg/lít, sản phẩm sau khi pha màu có dạng chất lỏng màu xanh lá cây.
2. Bãi bỏ quy định về màu chỉ định, liều lượng màu pha đối với các sản phẩm sau: Xăng không pha chì RON 83; xăng không pha chì RON 90; xăng không pha chì RON 92.
Quy định mới về màu chỉ định, liều lượng màu pha xăng dầu thương phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc phân biệt các loại xăng và hạn chế các hành vi lợi dụng pha lẫn các loại xăng để bán trục lợi trên thị trường.
Ngày 06/12/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20/08/2015 quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại Hàng hóa ASEAN có hiệu lực kể từ ngày 6/12/2017. Theo đó, Thông tư 27/2017/TT-BCT đã bãi bỏ một số quy định chưa phù hợp của Thông tư số 28/2015/TT-BCT và thay thế bằng các quy định phù hợp hơn như sau:
1. Bãi bỏ tiêu chí về: “Kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 USD”, quy định tại khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 28/2015/TT-BCT và thay bằng tiêu chí “là doanh nghiệp nhỏ và vừa trở lên”.
2. Bãi bỏ quy định về cách ghi “Tên viết hoa” của người được thương nhân ủy quyền trên Hóa đơn thương mại có nội dung khai báo xuất xứ tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư số 28/2015/TT-BCT.
3. Bổ sung trách nhiệm của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương: “Chỉ định đơn vị đào tạo có đủ năng lực đào tạo về lĩnh vực xuất xứ hàng hóa và cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ cho học viên” tại Mục e Khoản 7 Thông tư 28/2015/TT-BCT.
4. Bổ sung quy định: “Thương nhân được lựa chọn không được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với những lô hàng do cơ quan hải quan phân loại vào luồng vàng hoặc luồng đỏ.” tại khoản 6, Điều 7 của Thông tư số 28/2015/TT-BCT.
Các quy định tại Thông tư số 27/2017/TT-BCT là những điều chỉnh cần thiết sau gần hai năm thi hành Thông tư số 28/2015/TT-BCT nhằm phòng ngừa các rủi ro, vi phạm về xuất xứ hàng hóa trong công tác quản lý, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu khi thực hiện thí điểm thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Ngày 30/11/2017 Bộ tài nguyên và môi trường ban hành Thông tư số 49/2017/TT-BTNMT quy định kỹ thuật lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ.
Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ là tập hợp các hoạt động quản lý tổng hợp trên một vùng bờ cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định, được thực hiện theo lộ trình từ quy trình lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện, đến đánh giá, điều chỉnh và đề xuất hoàn thiện cho giai đoạn tiếp theo.
Thông tin, dữ liệu cần thu thập, tổng hợp để lập Chương trình bao gồm: Thông tin, dữ liệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; Thông tin, dữ liệu về hiện trạng môi trường, sự cố môi trường và ô nhiễm môi trường; Thông tin, dữ liệu về tình hình, diễn biến và rủi ro thiên tai; Thông tin, dữ liệu về quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ của các bộ, ngành và địa phương…
Về mục tiêu, Chương trình phải giải quyết được các tồn tại, bất cập, mâu thuẫn, xung đột trong quản lý khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với năng lực và nguồn lực triển khai thực hiện, bảo đảm phát triển bền vững.
Ngày 01/12/2017, Tổng cục Du lịch ban hành Công văn số 1615/TCDL-LH về điều kiện hành nghề hướng dẫn viên theo quy định của Luật Du lịch năm 2017 .
Theo đó, đối với điều kiện hành nghề hướng dẫn viên theo Luật Du lịch năm 2017 thì:
Hợp đồng (HĐ) lao động của hướng dẫn viên với doanh nghiệp lữ hành là HĐ không xác định thời hạn, HĐ xác định thời hạn, HĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Đối với hướng dẫn viên có HĐ không thời hạn hoặc có thời hạn từ 01 tháng trở lên sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo đúng quy định tại Luật BHXH.
Các doanh nghiệp sử dụng người lao động là hướng dẫn viên có trách nhiệm lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ BHXH và hàng tháng trích tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, đối với hướng dẫn viên không là nhân viên HĐ của doanh nghiệp lữ hành mà là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc là nhân viên của doanh nghiệp lữ hành khác thì phải có HĐ hướng dẫn theo quy định tại Luật Du lịch năm 2017 mới đủ điều kiện hành nghề hướng dẫn viên
Ngày 06/12/2017, Bộ Y tế ban hành Công văn số 6986/BYT-ATTP về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 09/11/2017 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2017. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các nội dung sau:
– Khẩn trường triển khai hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt;
– Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm an toàn thực phẩm (nếu có) theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch.
– Xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018, bắt đầu triển khai ngay từ tháng 12/2017.
Công văn số 6986/BYT-ATTPnhằm thúc đẩy công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Ngày 28/11/2017, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn 7767/TCHQ-GSQL về việc thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ về việc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó có yêu cầu tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại tại các địa bàn trọng điểm.
Theo đó, tăng cường công tác quản lý về giá, phân loại hàng hoá, thuế, công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Tập trung nguồn lực giải quyết thủ tục hải quan nhanh chóng cho doanh nghiệp, tránh phát sinh việc ùn tắc, ứ đọng hàng hoá tại khu vực cảng, cửa khẩu, địa điểm làm thủ tục hải quan. Thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hàng hoá tiểu ngạch và hàng hoá kinh doanh tạm nhập – tái xuất. Cụ thể:
– Đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, tái xuất qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới thì được thực hiện qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đã được cơ quan có thẩm quyền cho mở, nâng cấp, công bố theo Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền;
– Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trai phép mặt hàng nông sản, nhất là các mặt hàng nông sản nhập khẩu tiểu ngạch và tạm nhập – tái xuất có nguy cơ thẩm lậu vào thị trường nội địa;
– Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ các khu vực trọng điểm, không để xảy ra tình trạng hàng hóa vận chuyển không đúng tuyến đường, khu vực hoặc thẩm lậu vào nội địa.
Ngày 05/12/2017, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành Quyết định 1219/QĐ-BCĐ389 về việc ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Quyết định 1219/QĐ-BCĐ389, tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được quy định như sau:
1. Việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dựa trên các tiêu chí như: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, công tác năm của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện chỉ đạo về các vụ việc bắt giữ, điều tra, xử lý vi phạm.
2. Mỗi tiêu chí đều có điểm chuẩn, điểm trừ. Tổng điểm chuẩn của các tiêu chí là 100. Xếp loại các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo 4 mức độ theo thang điểm:
– Loại A (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ) đạt từ 91 – 100 điểm;
– Loại B (hoàn thành tốt nhiệm vụ); đạt từ 71 – 90 điểm;
– Loại C (hoàn thành nhiệm vụ) đạt từ 51 – 70 điểm;
– Loại D (không hoàn thành nhiệm vụ) đạt dưới 50 điểm.
3. Định kỳ 1 năm, các đơn vị đánh giá, phân loại và báo cáo kết quả công tác trước ngày 25/11 của năm.
Ngày 15/11/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT thay thế Thông tư số 29/2006/TT-BTTTT quy định việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử. Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT có hiệu từ ngày 01/6/2018.
Theo đó, nguyên tắc chung khi xây dựng cổng thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến là phải lấy người sử dụng làm trung tâm. Nguyên tắc này được thể hiện như sau:
Thứ nhất, đối với những giấy tờ, thông tin liên quan đến người sử dụng đã cung cấp một lần thành công cho một cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thì vẫn chính những giấy tờ, thông tin đó, nếu còn giá trị sử dụng theo quy định, không phải cung cấp lại khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau cho chính cơ quan nhà nước đó. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan thuộc, trực thuộc thì các giấy tờ, thông tin này không phải cung cấp lại khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau cho cơ quan thuộc, trực thuộc khác của bộ, tỉnh đó;
Thứ hai, phải đảm bảo rằng việc thực hiện các thủ tục hành chính được nhanh gọn hơn, giảm thiểu số lần người sử dụng phải đến cơ quan Nhà nước;
Thứ ba, cần phải đảm bảo thuận tiện cho người sử dụng.
Nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm trong xây dựng cổng thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến là một điểm tiến bộ và có ý nghĩa quan trọng trongcải cách, giảm thiểu thủ tục hành chính; tạo điều kiện cho người dân thực hiện các dịch vụ công được nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Ngày 16 tháng 11 năm 2017 Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 44/2017/TT-BGTVT quy định về mẫu hồ sơ yêu cầu và mẫu hồ sơ mời thầu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng, cảng cạn được đầu tư bằng vốn Nhà nước, thay thế cho Thông tư số 01/2014/TT-BGTVT được ban hành trước đó. Thông tư 44/2017/TT-BGTVT sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, trong đó có một số nội dung đáng chú ý sau:
Về mẫu hồ sơ thầu: Mẫu hồ sơ yêu cầu (quy định tại phụ lục I) áp dụng trong trường hợp lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu; Mẫu hồ sơ mời thầu (quy định tại phụ lục II) áp dụng trong trường hợp lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế; Mẫu hợp đồng cho thuê (quy định tại phụ lục III) áp dụng đối với tất cả các trường hợp chỉ định thầu, đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế.
Thông tư cũng nêu rõ, đối với hợp đồng đã ký thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng trước ngày Thông tư 44/2017/TT-BGTVT có hiệu lực sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến khi hết hiệu lực của hợp đồng. Đồng thời, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng, cảng cạn được đầu tư bằng các nguồn vốn khác sẽ do chủ đầu tư quyết định theo các quy định có liên quan.