Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản
Trả lời

Ngày 06/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Tại Nghị định này đã quy định chi tiết về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, bao gồm các điều kiện sau đây:

– Phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản;
– Phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban Quản lý dự án (đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản), tại sàn giao dịch bất động sản (đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản) các thông tin:
+ Thông tin về doanh nghiệp, bao gồm: tên, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại liên lạc, tên người đại diện theo pháp luật;
+ Thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định pháp luật, bao gồm: Loại bất động sản; Vị trí bất động sản; Thông tin về quy hoạch có liên quan đến bất động sản; Quy mô của bất động sản; Đặc điểm, tính chất, công năng sử dụng, chất lượng của bất động sản; thông tin về từng loại mục đích sử dụng và phần diện tích sử dụng chung đối với bất động sản là tòa nhà hỗn hợp nhiều mục đích sử dụng, nhà chung cư; Thực trạng các công trình hạ tầng, dịch vụ liên quan đến bất động sản; Hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất và giấy tờ có liên quan đến việc đầu tư xây dựng bất động sản; hợp đồng bảo lãnh, văn bản cho phép bán, cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; Các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có); Giá bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản;
+ Thông tin về việc thế chấp nhà, công trình xây dựng, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh (nếu có);
+ Thông tin về số lượng, loại sản phẩm bất động sản được kinh doanh, số lượng, loại sản phẩm bất động sản đã bán, chuyển nhượng, cho thuê mua và số lượng, loại sản phẩm còn lại đang tiếp tục kinh doanh;
(Đối với các thông tin đã công khai quy định tại điểm này mà sau đó có thay đổi thì phải được cập nhật kịp thời ngay sau khi có thay đổi);
+ Chỉ kinh doanh các bất động sản có đủ điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, đối với các trường nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án bất động sản theo quy định của pháp luật thì nhà đầu tư đó phải có vốn chủ sở hữu (i) không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha; (ii) không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2022.

Điểm mới trong việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn
Trả lời

Ngày 16/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập. Theo đó, Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn, bao gồm:

1. Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn: Là 02 năm (Trước đây thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 01 năm)
2. Xử phạt đối với hành vi cho, bán hóa đơn (trừ hành vi cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành và cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác): Mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (Trước đây mức phạt này áp dụng đối với hành vi cho, bán hóa đơn mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập).
3. Bổ sung xử phạt đối với hành vi “lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định”: Mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng;
4. Bổ sung xử phạt đối với hành vi “làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế”: Mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng;
5. Bãi bỏ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã nộp thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 26 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP”.
6. Sửa đổi quy định về trường hợp không tính tiền chậm nộp tiền phạt: Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn tiền phạt thì không tính tiền chậm nộp tiền phạt (Trước đây chỉ quy định trong thời gian xem xét, quyết định miễn tiền phạt).

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

Thay đổi mới về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực theo Luật SĐBS Luật XLVPHC năm 2020
Trả lời

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020 (Sau đây gọi chung và viết tắt là “Luật SĐBS).
Thông qua bài viết này, hãy cùng Bizlawyer tìm hiểu về những thay đổi mới về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực theo Luật SĐBS.

Lý do cần phải sửa đổi, bổ sung

– Thứ nhất: Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước được quy định từ năm 2012 (thời điểm ban hành Luật XLVPHC). Tại thời điểm hiện nay, mức phạt tiền này quá thấp so với sự phát triển kinh tế – xã hội.
– Thứ hai: Sau gần 08 năm (tính từ thời điểm ban hành Luật XLVPHC), một số hành vi vi phạm trong các lĩnh vực xảy ra ngày càng phổ biến, tinh vi, nguồn thu lợi bất hợp pháp là rất lớn, gây hậu quả lớn đến xã hội, làm thiệt hại kinh tế, thậm chí làm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người dân nhưng mức phạt tối đa áp dụng đối với hành vi vẫn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm, thiếu tính răn đe và không đủ sức phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính mới.
– Thứ ba: Việc bổ sung mức tiền phạt tối đa tại Điều 24 của Luật XLVPHC đối với một số lĩnh vực mới đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý quy định mức phạt tiền tối đa cụ thể làm căn cứ pháp lý để Chính phủ quy định trong quá trình thi hành Luật XLVPHC những năm qua cũng rất cần thiết.
– Thứ tư: Tên gọi một số lĩnh vực quy định tại Điều 24 của Luật cũng có sự thay đổi trong các luật được thông qua sau khi Luật XLVPHC được ban hành nên cũng cần chỉnh sửa cho thống nhất.

Định hướng sửa đổi, bổ sung

– Thứ nhất: Tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực;
– Thứ hai: Bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 Luật XLVPHC;
– Thứ ba: Chỉnh sửa tên gọi một số lĩnh vực cho phù hợp với các Luật hiện hành ban hành sau Luật XLVPHC.

Nội dung được sửa đổi, bổ sung

Tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như:
– Giao thông đường bộ: từ 40 triệu lên 75 triệu.
– Phòng, chống tệ nạn xã hội: từ 40 triệu lên 75 triệu.
– Cơ yếu: từ 50 triệu lên 75 triệu.
– Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia: từ 50 triệu lên 75 triệu.
– Giáo dục: từ 50 triệu lên 75 triệu.
– Điện lực: từ 50 triệu lên 100 triệu.
– Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: từ 100 triệu lên 200 triệu.
– Thủy lợi: từ 100 triệu lên 250 triệu.
– Báo chí: từ 100 triệu lên 250 triệu.
– Kinh doanh bất động sản: từ 150 triệu lên 500 triệu.

Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 08 lĩnh vực, như: Đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; kiểm toán nhà nước; cản trở hoạt động tố tụng; bảo hiểm thất nghiệp; in.

Sửa đổi tên của một số lĩnh vực như: Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng thành “trồng trọt”; sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi thành “chăn nuôi”; dạy nghề thành “giáo dục nghề nghiệp”; quản lý rừng, lâm sản thành “lâm nghiệp”; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác thành “hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác”; hạn chế cạnh tranh thành “cạnh tranh”; quản lý công trình thủy lợi; bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành “thủy sản”.

Trên đây là một số thay đổi mới về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực theo Luật SĐBS.

Luật SĐBS sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

* Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.

Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!

04 điểm mới đáng chú ý của Luật SĐBS Luật XLVPHC năm 2020
Trả lời

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020 (Sau đây gọi chung và viết tắt là “Luật SĐBS).
Thông qua bài viết này, hãy cùng Bizlawyer tìm hiểu 04 điểm mới đáng chú ý của Luật SĐBS tại phần những quy định chung.

Thứ nhất: Làm rõ thuật ngữ “tái phạm” và “vi phạm hành chính nhiều lần”

Luật XLVPHC hiện hành (Điều 2): Chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa quy định về “tái phạm” và “vi phạm hành chính nhiều lần”.
Luật SĐBS (khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC) giải thích từ ngữ “tái phạm”, theo đó: “Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.” Theo đó, nội dung này đã phân biệt được với nội hàm của “vi phạm hành chính nhiều lần” đã được giải thích tại Khoản 4 Điều 2 Luật XPVPHC hiện hành, theo đó: “Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý.”

Thứ hai: Về xử lý hành vi vi phạm hành chính nhiều lần

Luật XLVPHC hiện hành: Điểm d khoản 1 Điều 3 quy định “Một người […] vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm;”. Trong khi đó, điểm b khoản 1 Điều 10 lại quy định: “vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết tăng nặng. Hệ quả: Các quy định này đã tạo ra không ít khó khăn trong quá trình xem xét và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Luật SĐBS: Đã bổ sung quy định nhằm cụ thể hơn về nguyên tắc xử phạt đối với từng hành vi trong trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần”, cụ thể: “Một người […] vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;”. Điều này kỳ vọng có thể tháo gỡ được những khó khăn trong quá trình xem xét và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ ba: Về thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Luật SĐBS đã bổ sung điểm đ vào khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC hiện hành như sau: “đ) Trong thời hạn được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này mà cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.”.
Quy định này phản ánh sự chặt chẽ trong công tác quản lý của nhà nước trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính nói chung và áp dụng biện pháp xử lý hành chính nói riêng.

Thứ tư: Về những hành vi bị nghiêm cấm

Luật SĐBS bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính tại Điều 12 Luật XLVPHC hiện hành, cụ thể:
Sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 12 Luật XLVPHC hiện hành: “6. Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.”;
Bổ sung khoản 8a vào sau khoản 8 Điều 12 Luật XLVPHC hiện hành: “8a. Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.”.

Những quy định được sửa đổi, bổ sung nêu trên xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thi hành.
Trên đây là 04 điểm mới đáng chú ý tại Luật SĐBS.

Luật SĐBS sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

* Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.

Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!

Luật SĐBS Luật XLVPHC năm 2020 và những điểm mới cần biết
Trả lời

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020 (Sau đây gọi chung và viết tắt là “Luật SĐBS).
Thông qua bài viết này, hãy cùng Bizlawyer tìm hiểu về những thay đổi cơ bản, tổng quan nhất về Luật SĐBS.

  • Mục tiêu của việc xây dựng và ban hành Luật SĐBS:

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (“Luật XLVPHC”), góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bố cục của Luật SĐBS:

  • Luật SĐBS gồm 03 điều, cụ thể:

– Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC (có 75 khoản).
– Điều 2: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14).
– Điều 3: Hiệu lực thi hành.

  • Phạm vi được sửa đổi, bổ sung:

– Tổng số có 66/142 điều được sửa đổi bổ sung so với Luật XPVPHC hiện hành, trong đó:
– Sửa đổi, bổ sung toàn diện: 16 điều;
– Sửa đổi kỹ thuật: 11/142 điều;
– Bổ sung mới: 04 điều;
– Bãi bỏ: 03 điều.

  • Dự báo tác động:

Các quy định mới của Luật SĐBS dự báo sẽ có những tác động như sau:
– Thứ nhất: Đảo đảm tính công khai, minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi, dễ dàng cho người dân nhận thức chấp hành pháp luật và lực lượng chức năng thực thi công vụ trong thực tiễn.
– Thứ hai: Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định của Luật XLVPHC không còn phù hợp.
– Thứ ba: Các quy định cụ thể, rõ ràng chế tài xử lý:
+ Góp phần tích cực trong việc đấu tranh, phòng chống vi phạm hành chính trong tình hình mới, giúp cho các cá nhân, tổ chức hiểu rõ hơn về những hành vi vi phạm hành chính, từ đó có những hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật.
+ Khắc phục được những sai sót trong quá trình áp dụng Luật từ đó góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức, tạo niềm tin trong nhân dân.
+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
+ Bảo đảm thực thi pháp luật xử lý vi phạm hành chính nghiêm túc, thống nhất, chính xác, hiệu quả, bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã được Hiến pháp quy định.
– Thứ tư: Xây dựng một môi trường pháp lý minh bạch, khách quan, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần thay đổi diện mạo của nên kinh tế ở nước ta.
– Thứ năm: Bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, tiến tới các chuẩn mực quốc tế về quyền con người theo hướng công khai, minh bạch, công bằng, đặc biệt là các quy định về áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, các quy định liên quan đến người chưa thành niên vi phạm hành chính.

Nhìn chung, Luật SĐBS được thông qua đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.

Luật SĐBS sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

* Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.

Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!

Tăng mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động
Trả lời

Ngày 10/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tại Nghị định này đã quy định về việc tăng mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể:

– Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng) tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (ngân hàng nhận ký quỹ).
(Theo quy định hiện hành thì mức tiền ký quỹ là 1.000.000.000 (Một tỷ đồng) và doanh nghiệp dịch vụ chỉ được ký quỹ tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam).
– Doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng) đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ. Đây là quy định mới bổ sung so với quy định hiện hành.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

Quy định mới đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày)
Trả lời

Ngày 24/12/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn số 10943 /BYT-MT hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày). Theo đó, các đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày sẽ “Không phải cách ly y tế” song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt, không tiếp xúc với cộng đồng, đảm bảo an toàn cho người nhập cảnh ngắn ngày và những người tiếp xúc, không để lây nhiễm chéo trong quá trình làm việc và không lây nhiễm ra cộng đồng. Trong trường hợp người nhập cảnh dự kiến làm việc, hoạt động tại nhiều địa phương, cần phải có kế hoạch, phương án di chuyển rõ ràng và được địa phương liên quan chấp thuận cụ thể như sau:

  • Trước khi nhập cảnh phải có:

– Kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh
– Giấy chứng nhận bảo hiểm y tế quốc tế còn hiệu lực hoặc cam kết chi trả chi phí điều trị của đơn vị, tổ chức mời trong trường hợp người nhập cảnh bị mắc COVID-19.
– Trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 cần có các giấy tờ xác nhận theo quy định.

  • Tại nơi nhập cảnh phải:

– Xuất trình Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính,
– Xuất trình Giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19 (nếu có)
– Thực hiện nghiêm quy định 5K, cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong suốt thời gian ở Việt Nam.
– Được đưa đón về nơi lưu trú và di chuyển theo kế hoạch, phương án làm việc theo đúng quy định.

  • Tại nơi lưu trú:

– Phải bố trí chỗ ở riêng biệt cho người nhập cảnh tại nơi lưu trú để thuận tiện theo dõi, quản lý.
– Bố trí riêng phòng/khu vực lấy mẫu xét nghiệm SARS-COV-2 tại nơi lưu trú để lấy mẫu cho tất cả các người nhập cảnh (phòng/khu vực lấy mẫu phải được bố trí riêng biệt, thuận tiện đi lại;  Trường hợp không thể bố trí được phòng/khu vực riêng biệt thì có thể lấy mẫu tại phòng nghỉ của người nhập cảnh).
– Tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm SARS-COV-2 (bằng kỹ thuật RT- PCR/RT-LAMP) tại nơi lưu trú đối với tất cả người nhập cảnh:
+ Đối với trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19: (i) lưu trú dưới 03 ngày: xét nghiệm 01 lần vào ngày đầu; (ii) lưu trú từ 03 ngày trở lên: xét nghiệm 02 lần vào ngày đầu và ngày thứ 3.
+ Đối với các trường hợp khác: xét nghiệm 03 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 7.
+ Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì thực hiện theo hướng dẫn.

Ngoài ra, người nhập cảnh, người tiếp xúc gần với người nhập cảnh, tổ chức mời người nhập cảnh phải đáp ứng các yêu cầu về phương tiện đưa đón, tại nơi làm việc, trong các cuộc họp, ký kết theo đúng quy định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2021.

Ngân hàng được phát hành thẻ bằng phương thức điện tử
Trả lời

Ngày 16/11/2021, Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng (“Thông tư 17”). Thông tư 17 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.

Theo đó, tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.

Để thực hiện nội dung trên, tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định – Thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết trước khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng nhằm nhận biết khách hàng và xác định hạn mức giao dịch của thẻ theo quy định;

– Thực hiện kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng;
– Cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ được phát hành bằng phương thức điện tử;
– Cung cấp cho khách hàng hợp đồng phát hành, sử dụng thẻ và thực hiện giao kết hợp đồng phát hành, sử dụng thẻ với khách hàng đảm bảo quy định về pháp luật giao dịch điện tử;
– Thông báo tên tổ chức phát hành thẻ, tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực của thẻ, tên chủ thẻ, phạm vi và chức năng và các điều cấm theo quy định khi sử dụng thẻ cho khách hàng.

Giảm phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid – 19
Trả lời

Thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8374/VPCP-KTTH ngày 15/11/2021 về viêc rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối phương chịu ảnh hưởng bởi Covid 19, theo đó, ngày 24/12/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid (“Thông tư 120”), Thông tư 120 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.

Trong đó có tổng cộng 37 khoản phí, lệ phí được giảm từ 50% đến 90% so với mức biểu phí theo quy định của pháp luật tương ứng với từng khoản phí, lệ phí. Nổi bật các các loại phí sau:

– Phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay: Với mức thu bằng 90% mức thu phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 247/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay.

– Phí đăng ký giao dịch bảo đảm: Với mức thu bằng 80% mức thu phí quy định tại điểm a, điểm b và điểm d Mục 1 Biểu mức thu phí tại Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm; và bằng 80% mức thu phí quy định tại điểm c, điểm đ Mục 1 Biểu mức thu phí tại Điều 1 Thông tư số 113/2017/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 202/2016/TT-BTC.

– Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài: với mức thu bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Mục 1 Biểu mức thu tại Điều 4 Thông tư số 259/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xác minh giấy tờ tài liệu, lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ngoài ra, còn rất nhiều các khoản phí, lệ phí khác được giảm để hỗ trợ, tháo gỡ cho các đối tượng chịu tác động bởi Covid – 19 trên nhiều các lĩnh vực khác nhau. Có thể thấy, các chính sách này đã phần nào cho thấy được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, từ đó, góp phần tạo động lực cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, … sớm ổn định đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế.

Bản Tin Pháp Luật Số 12/2021
Trả lời