Ngày 21/04/2022, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 1400/TCHQ-TXNK năm 2022 về xử lý thuế hàng hóa thuê, mượn của doanh nghiệp chế xuất (“Công văn 1400”).
Theo đó, Công văn 1400 đã ghi nhận hướng dẫn của Tổng cục Hải quan liên quan đến Thủ tục hải quan đối với hàng hóa thuê, mượn của Doanh nghiệp chế xuất, sau đây sẽ là nội dung chi tiết:
Đối tượng áp dụng: Hàng hóa của doanh nghiệp nội địa thuê, mượn của doanh nghiệp chế xuất theo hình thức tạm nhập, tái xuất để phục vụ hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu.
Trường hợp doanh nghiệp chế xuất cho doanh nghiệp nội địa thuê, mượn hàng hóa để phục vụ sản xuất ra sản phẩm cho chính doanh nghiệp chế xuất thì:
– Doanh nghiệp chế xuất mở tờ khai tạm xuất, doanh nghiệp nội địa mở tờ khai tạm nhập;
– Sau khi kết thúc hợp đồng thuê, mượn, doanh nghiệp nội địa thực hiện thủ tục tái xuất, doanh nghiệp chế xuất thực hiện thủ tục tái nhập lại số hàng hóa đã cho thuê, mượn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu này.
Công văn 1400 có hiệu lực kể từ ngày 21/4/2022.
* Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.
Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!
Ngày 06/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 64/NQ-CP năm 2022 có liên quan đến một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 (“Nghị quyết 64/NQ-CP”).
Sau đây, hãy cùng Bizlawyer tìm hiểu về các giải pháp cụ thể của Chính phủ tại Nghị quyết 64/NQ-CP.
a) Cho phép các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời để bảo đảm tính đồng bộ; quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có nội dung chưa phù hợp thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn, bảo đảm thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
b) Cho phép điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt trong năm 2022 đối với các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, tạo thuận lợi cho việc điều hành, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Cơ bản hoàn thành các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia trong năm 2023.
c) Cho phép các quy hoạch nêu tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2019 được tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 được quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch; xem xét, lồng ghép các nội dung liên quan để đưa vào quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030.
d) Cho phép Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh mà chưa lựa chọn được nhà thầu. Việc chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nhà thầu được lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật. Trường hợp không áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc áp dụng mà không lựa chọn được nhà thầu thì người có thẩm quyền quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu khác để lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
đ) Cho phép sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành mà chưa được bố trí vốn và các quy hoạch được điều chỉnh tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này. Được phép huy động và sử dụng các nguồn vốn xã hội hóa, bảo đảm tuân thủ quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch của Luật Quy hoạch.
e) Nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia xác định định hướng phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế – xã hội; định hướng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời. Chưa thực hiện điểm n khoản 2 Điều 22 Luật Quy hoạch về Danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện.
g) Việc điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 trong trường hợp quy hoạch thấp hơn được phê duyệt trước nhưng có nội dung chưa phù hợp với quy hoạch cao hơn được thực hiện theo hướng không phải lập nhiệm vụ lập quy hoạch và giảm bớt một số thủ tục về điều chỉnh quy hoạch.
h) Giao Chính phủ nghiên cứu các quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đảm bảo độc lập, trên cơ sở tăng cường trách nhiệm cho các cấp, rút gọn thủ tục hành chính, không gây phiền hà và phát sinh chi phí, phù hợp với các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
i) Giao Chính phủ đánh giá tác động việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch; nghiên cứu khôi phục lại các quy hoạch sản phẩm cần thiết, mang tính chiến lược, đảm bảo không trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Nghị quyết 64/NQ-CP có hiệu lực kể từ ngày 06/5/2022.
* Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.
Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!
Ngày 28/4/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 25/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (“Thông tư 25”), thay thế Thông tư số 272/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016.
Theo đó, một số nội dung chính được sửa đổi, bổ sung như sau:
(1) Điều chỉnh các nội dung quy định về lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của các công ty trong lĩnh vực chứng khoán nhằm đồng bộ với Luật Chứng khoán năm 2019 và các Nghị định quy định chi tiết Luật. Cụ thể:
– Ngày 26/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 (thay thế Luật Chứng khoán năm 2006) và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
– Tiếp đó, ngày 31/12/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Nghị định số 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.
Một số điểm nổi bất trong các quy định mới:
* Quy định một số loại hình chứng khoán mới (chứng khoán phái sinh, chứng quyền có bảo đảm);
* Sửa đổi một số Giấy phép, giấy chứng nhận hoạt động chứng khoán so với quy định trước đây).
(2) Giảm hơn 90% mức thu phí quản lý công ty đại chúng chưa niêm yết và chưa đăng ký giao dịch. Theo đó, phí được thu, nộp 1 lần tại thời điểm công ty được Uỷ ban chứng khoán xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng với mức phí là 830.000 đồng.
Thông tư 25 có hiệu lực từ ngày 01/7/2022.
* Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.
Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!
Kể từ ngày 01/4/2022, Thông tư 05/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính chính thức có hiệu lực thi hành (“Thông tư 05”), nội dung của Thông tư 05 là hướng dẫn: (1) Tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa và; (2) Chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Theo Thông tư 05, Quy trình tái cơ cấu doanh nghiệp để chuyển thành công ty cổ phần bao gồm các bước cơ bản sau:
1. Xây dựng phương án tái cơ cấu: Triển khai kế hoạch tái cơ cấu, chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần; Hoàn tất phương án tái cơ cấu trình cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.
2. Tổ chức thực hiện phương án tái cơ cấu.
3. Hoàn tất việc chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần: Tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và đăng ký doanh nghiệp; Tổ chức quyết toán, bàn giao giữa doanh nghiệp tái cơ cấu và công ty cổ phần. Xử lý số cổ phần không bán hết.
Thông tư 05 có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2022. Thay thế cho Thông tư 69/2018/TT-BTC và Thông tư 50/2019/TT-BTC.
* Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.
Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!
Ngày 01/4/2022, Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành chính thức có hiệu lực (“Thông tư 02”), Thông tư 02 hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tại Thông tư 02, nội dung đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được quy định cụ thể như sau: Gồm đánh giá kết thúc, đánh giá tác động, đánh giá đột xuất.
I. Nội dung đánh giá kết thúc:
1. Tiến độ góp vốn điều lệ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, vốn pháp định (đối với ngành nghề yêu cầu phải có vốn pháp định), góp vốn đầu tư của dự án có vốn đầu tư nước ngoài; việc huy động và sử dụng vốn huy động theo quy định của pháp luật.
2. Tiến độ thực hiện dự án so với tiến độ được quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
3. Việc sử dụng đất, sử dụng lao động của dự án; việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
4. Việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
5. Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, các nguồn lực đã huy động, tiến độ thực hiện, lợi ích dự án.
6. Đề xuất và kiến nghị.
II Nội dung đánh giá tác động:
1. Đánh giá việc thực hiện mục tiêu, quy mô đầu tư (sự tuân thủ quy hoạch, phù hợp với nội dung Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan).
2. Đánh giá mức độ hoàn thành (theo nội dung và tiến độ đã đăng ký; nội dung và tiến độ được quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).
3. Đánh giá hiệu quả đầu tư (sử dụng lao động, đất đai; nộp ngân sách nhà nước; suất đầu tư; chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, kinh doanh) trên cơ sở so sánh chi phí và kết quả thực tế đạt được trong quá trình khai thác, vận hành.
4. Đánh giá trình độ công nghệ sản xuất, về chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, kinh doanh.
5. Đánh giá việc thực hiện chế độ báo cáo đối với các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
6. Đề xuất và kiến nghị.
III. Nội dung đánh giá đột xuất
1. Sự phù hợp của kết quả thực hiện dự án so với mục tiêu đầu tư.
2. Mức độ hoàn thành khối lượng công việc so với quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
3. Xác định những phát sinh ngoài dự kiến (nếu có) và nguyên nhân.
4. Ảnh hưởng của những phát sinh ngoài dự kiến đến việc thực hiện dự án, khả năng hoàn thành mục tiêu của dự án.
5. Đề xuất và kiến nghị.
Thông tư 02 có hiệu lực ngày 01/4/2022 và thay thế Thông tư 09/2016/TT-BKHĐT ngày 30/6/2016.
* Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.
Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!
Ngày 01/4/2022, Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành chính thức có hiệu lực (“Thông tư 02”), Thông tư 02 hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Sau đây là những nội dung chính của Thông tư 02:
1. Về giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Chủ đạo ở hoạt động theo dõi, cụ thể:
* Cơ quan đăng ký đầu tư theo dõi các nội dung sau:
a) Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của nhà đầu tư;
b) Tổng hợp tình hình thực hiện dự án;
c) Tổng hợp tình hình khai thác, vận hành dự án;
d) Tổng hợp tình hình thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản của dự án;
đ) Việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý của nhà đầu tư, tổ chức kinh tế;
e) Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, các vấn đề vượt quá thẩm quyền.
* Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo dõi nội dung sau:
a) Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của cơ quan đăng ký đầu tư;
b) Việc chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan đăng ký đầu tư;
c) Các nội dung theo dõi của Cơ quan đăng ký đầu tư bên trên.
** Cách thức tiến hành theo dõi: Thường xuyên, chuyên đề.
2. Về đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài: Gồm đánh giá kết thúc, đánh giá tác động, đánh giá đột xuất (chi tiết được quy định tại các Điều 20, 21, 22 Thông tư 02, bạn đọc quan tâm có thể tham khao thêm để biết thêm nội dung chi tiết).
Thông tư 02 có hiệu lực ngày 01/4/2022 và thay thế Thông tư 09/2016/TT-BKHĐT ngày 30/6/2016.
* Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.
Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!
Kể từ ngày 01/4/2022, Thông tư 05/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính chính thức có hiệu lực thi hành (“Thông tư 05”), nội dung của Thông tư 05 là hướng dẫn: (1) Tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa và; (2) Chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Theo Thông tư 05, việc tái cơ cấu doanh nghiệp phải đảm bảo 04 nguyên tắc sau:
– Thứ nhất: Phương án tái cơ cấu được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp tái cơ cấu với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mua bán nợ Việt Nam (sau đây gọi là Công ty Mua bán nợ Việt Nam) và/hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu (lập biên bản thỏa thuận giữa các bên). Công ty Mua bán nợ Việt Nam được quyền chủ động đàm phán mua nợ với các chủ nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật.
– Thứ hai: Công ty Mua bán nợ Việt Nam chỉ quyết định mua nợ sau khi đã thỏa thuận, thống nhất với cơ quan đại diện chủ sở hữu và có kết quả đàm phán mua nợ với các chủ nợ của doanh nghiệp tái cơ cấu. Phương án mua bán nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp phải đảm bảo có tính khả thi, có khả năng thu hồi vốn hiệu quả và đủ nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ với giá trị sổ sách khoản nợ để xử lý tài chính, chuyển đổi thành công doanh nghiệp sang công ty cổ phần theo quy định.
– Thứ ba: Trường hợp phương án mua nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp không khả thi và hiệu quả thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.
– Thứ tư: Ngoài các nội dung quy định tại Thông tư 05, doanh nghiệp tái cơ cấu, Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các cơ quan có liên quan thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP , Nghị định số 140/2020/NĐ-CP , Nghị định số 129/2020/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Thông tư 05 có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2022. Thay thế cho Thông tư 69/2018/TT-BTC và Thông tư 50/2019/TT-BTC.
* Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.
Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!
Ngày 28/03/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, trong đó đã quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quay trở lại thị trường lao động. Cụ thể như sau:
1. Đối tượng hỗ trợ: Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm.
2. Điều kiện hỗ trợ: Người lao động thuộc đối tượng nêu trên được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 01/04/2022 đến ngày 30/6/2022.
– Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2022 đến ngày 30/6/2022 (trừ hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó).
– Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội) tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
– Trường hợp: (i) người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ); (ii) người lao động mới tuyển dụng và có giao kết hợp đồng lao động nhưng chưa có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội: thì phải có tên trong danh sách trả lương của Người sử dụng lao động của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
3. Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/tháng.
4. Thời gian hỗ trợ: Tối đa 03 tháng.
5. Phương thức chi trả: Hàng tháng
6. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:
– Danh sách Người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội (thực hiện theo mẫu).
– Bản sao danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà (Trường hợp trong danh sách có người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; người lao động mới tuyển dụng và có giao kết hợp đồng lao động nhưng chưa có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội).
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/03/2022.
Ngày 28/03/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, trong đó đã quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
1. Đối tượng hỗ trợ: Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm.
2. Điều kiện hỗ trợ: Người lao động thuộc đối tượng nêu trên được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 01/02/2022 đến ngày 30/6/2022.
– Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 01/4/2022.
– Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội) tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
– Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ): thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
3. Mức hỗ trợ: 500.000 đồng/người/tháng.
4. Thời gian hỗ trợ: Tối đa 03 tháng.
5. Phương thức chi trả: Hàng tháng
6. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:
– Danh sách Người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội (thực hiện theo mẫu).
– Bản sao danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà (Trường hợp trong danh sách có người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/03/2022.