Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Bản tin pháp luật Số 5/2024
Trả lời

QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP NGHIỆP VỤ VIỄN THÔNG TỪ NGÀY 01/7/2024
Trả lời

Nhằm đáp ứng xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số và tạo ra môi trường pháp lý rõ ràng, bình đẳng cho doanh nghiệp, Luật Viễn thông 2023 đã điều chỉnh điều kiện cấp giấy phép đối với nghiệp vụ viễn thông.

Cụ thể, theo Điều 38 Luật này, giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển chỉ được cấp cho tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài khi đáp ứng đủ 5 điều kiện, cam kết sau: Tuân thủ pháp luật Việt Nam; Không gây ô nhiễm môi trường biển; Chỉ thực hiện khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, thu hồi tuyến cáp viễn thông; Có đề án lắp đặt cáp phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, quy định pháp luật về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác liên quan; Chịu sự kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, thu hồi tuyến cáp trong vùng biển Việt Nam và chịu mọi chi phí cho các hoạt động này.

Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng được cấp cho tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện: Cam kết thiết lập mạng viễn thông dùng riêng chỉ để cung cấp dịch vụ cho các thành viên của mạng, không vì mục đích sinh lợi; Có phương án kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, các quy định của Luật Viễn thông 2023 về tài nguyên viễn thông, kết nối, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông; Có biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng và an ninh mạng.

Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông được cấp cho doanh nghiệp viễn thông khi đáp ứng đủ các điều kiện: Dịch vụ được đề nghị thử nghiệm là dịch vụ viễn thông chưa được quy định trong giấy phép viễn thông đã được cấp hoặc dịch vụ viễn thông có sử dụng tài nguyên viễn thông ngoài phạm vi tài nguyên đã được phân bổ; Phạm vi và quy mô thử nghiệm được giới hạn để đánh giá công nghệ, thị trường trước khi kinh doanh chính thức; Phương án thử nghiệm phù hợp với quy định của pháp luật về kết nối, giá dịch vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông.

Giấy phép thiết lập mạng viễn thông theo điểm d khoản 3 Điều 33 của Luật Viễn thông 2023 được cấp cho tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện: Cam kết thiết lập mạng viễn thông chỉ để cung cấp dịch vụ không vì mục đích sinh lợi; Có phương án kỹ thuật phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, các quy định của Luật Viễn thông 2023 về tài nguyên viễn thông, kết nối, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ viễn thông, bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông và các quy định pháp luật khác liên quan.

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2024.

Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.

Bizlawyer hân hạnh được đồng hành cùng Quý Bạn đọc!

QUY ĐỊNH MỚI VỀ VÍ ĐIỆN TỬ VÀ THẺ TRẢ TRƯỚC TỪ NGÀY 01/07/2024
Trả lời

Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã thay đổi khái niệm trong quy định liên quan đến ví điện tử và thẻ trả trước để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch điện tử, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Theo Điều 6 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, khái niệm về ví điện tử, thẻ trả trước và điều kiện để cung ứng, phát hành ví điện tử, thẻ trả trước được quy định như sau:

Ví điện tử và thẻ trả trước nói chung là các phương tiện lưu trữ tiền điện tử, được phát hành và cung ứng bởi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc cung ứng, phát hành và sử dụng ví điện tử, thẻ trả trước phải tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung cấp dịch vụ ví điện tử mà không phải là ngân hàng, cần đảm bảo rằng tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử tại ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được thấp hơn tổng số dư của tất cả các ví điện tử đã phát hành cho khách hàng. Ngoài ra, các tổ chức này chỉ cho phép sử dụng dịch vụ đối với các ví điện tử có liên kết với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của chính khách hàng.

Về dịch vụ ví điện tử, khoản 16 Điều 3 Nghị định này có quy định cụ thể như sau: “Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung cấp cho khách hàng để nạp tiền vào ví điện tử, rút tiền ra khỏi ví điện tử và thực hiện các giao dịch thanh toán”.

So với quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về dịch vụ ví điện tử, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP đã đưa ra những khái niệm và quy định rõ ràng hơn về khái niệm ví điện tử và dịch vụ ví điện tử, từ đó giúp cho việc quản lý thực hiện đối với các loại hình này được dễ dàng, thuận lợi hơn.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2024.

Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.

Bizlawyer hân hạnh được đồng hành cùng Quý Bạn đọc!

CÁC HÀNH VI NGHIÊM CẤM THEO LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ 2023
Trả lời

Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử. Tuy nhiên, để bắt kịp xu hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay, ngày 22/06/2023, Quốc hội ban hành Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 với sự điều chỉnh chi tiết các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

Theo Điều 6 Luật Giao dịch điện tử 2023, 08 hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử được quy định bao gồm:

Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.

Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.

Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.

Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.

Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2024.

Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.

Bizlawyer hân hạnh được đồng hành cùng Quý Bạn đọc!

CÁC TRƯỜNG HỢP BỊ ĐÌNH CHỈ HÀNH NGHỀ KINH DOANH DỊCH VỤ KẾ TOÁN
Trả lời

Thông tư số 23/2024/TT-BTC quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn về quản lý và kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán quy định các trường hợp bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán

Đến nay, sau hơn 3 thập kỷ phát triển, thị trường dịch vụ kế toán – kiểm toán tại Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại trường hợp doanh nghiệp và kế toán viên chưa tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực kế toán và các quy định pháp luật có liên quan. Do đó, cần phải có cơ chế điều chỉnh, chấn chỉnh kịp thời.

Ngày 12/4/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 23/2024/TT-BTC (“Thông tư số 23”) sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn về quản lý và kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán bao gồm các thay đổi nổi bật dưới đây:

Các trường hợp bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán từ ngày 01/7/2024

Theo đó, kế toán viên hành nghề bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, thực hiện các hoạt động thuộc các trường hợp: Có sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng; Không chấp hành quy định của cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra liên quan đến hoạt động hành nghề kế toán; Không thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 67 Luật Kế toán 2015.

Thứ hai, kế toán viên hành nghề không có đủ số giờ cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính;

Thứ ba, kế toán viên hành nghề vi phạm các trách nhiệm sau: Sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đã bị hết hiệu lực hoặc không còn giá trị trong các hoạt động nghề nghiệp kế toán; Không cung cấp thông tin định kỳ hoặc đột xuất liên quan đến hoạt động hành nghề dịch vụ kế toán của mình theo yêu cầu của Bộ Tài chính; Không chấp hành các quy định về thanh tra, kiểm tra việc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán của Bộ Tài chính.

Và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Quy định về kiểm tra các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán

Theo Thông tư này, Doanh thu dịch vụ kế toán bao gồm doanh thu từ các dịch vụ sau: dịch vụ làm kế toán; dịch vụ làm kế toán trưởng; dịch vụ lập, trình bày báo cáo tài chính và dịch vụ tư vấn kế toán theo báo cáo tình hình hoạt động hàng năm.

Về hoạt động kiểm tra, đối với doanh nghiệp kế toán có doanh thu từ dịch vụ kế toán trung bình trong 3 năm liền kề từ 20 tỷ đồng/năm trở lên, hoạt động kiểm tra trực tiếp sẽ thực hiện 3 năm/lần. Đối với các đơn vị không thuộc đối tượng trên, hoạt động kiểm tra trực tiếp sẽ được thực hiện ít nhất 5 năm/lần. Việc xác định đối tượng kiểm tra căn cứ vào doanh thu dịch vụ kế toán trung bình/năm trong 3 năm trước liền kề tính đến thời điểm kiểm tra.

Hàng năm, căn cứ vào thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, Bộ Tài chính rà soát, lập kế hoạch kiểm tra, tổng hợp danh sách đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán thuộc đối tượng kiểm tra trực tiếp hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán trong năm và thông báo cho từng đối tượng được kiểm tra chậm nhất là 10 ngày trước ngày bắt đầu cuộc kiểm tra.

Thông tư số 23/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn về quản lý và kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.

Bizlawyer hân hạnh được đồng hành cùng Quý Bạn đọc!

NHỮNG ĐỐI TƯỢNG NÀO THUỘC NHÓM NGƯỜI TIÊU DÙNG DỄ BỊ TỔN THƯƠNG?
Trả lời

Đối với 7 đối tượng thuộc nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã có quy định về trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với nhóm người tiêu dùng này.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 nói riêng và quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương xây dựng trên nguyên tắc kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định còn phù hợp với thực tiễn tại Luật năm 2010. Trong đó, những quy định về nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với nhóm đối tượng này nói riêng và với người tiêu dùng nói chung là những quy định được chú trọng trong Luật này.

Những nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Theo đó, 7 nhóm người tiêu dùng thuộc nhóm dễ bị tổn thương bao gồm: Người cao tuổi; Người khuyết tật; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số; Người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người bị bệnh hiểm nghèo và Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

Để bảo vệ quyền lợi nhóm người tiêu dùng trên, Luật này đã quy định một số trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó đáng chú ý là trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định phù hợp với từng đối tượng dễ bị tổn thương, đơn cử như phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong trường hợp chậm, từ chối ưu tiên hoặc từ chối tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng; không được từ chối giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tiêu dùng dễ bị tổn thương hay không được kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng…

Những hành vi bị nghiêm cấm của tổ chức, cá nhân kinh doanh

Khoản 1, Điều 10 Luật này cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh như sau:

Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh; về hình ảnh, giấy tờ, tài liệu chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh;

Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đề nghị giao kết hợp đồng hoặc có hành vi khác gây cản trở công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng;

Ép buộc người tiêu dùng mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn thông qua hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác có tính chất tương tự;

Ép buộc người tiêu dùng thanh toán cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng;

Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

Đánh tráo, gian lận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng;

Không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

Ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

Yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng;

Quy định điều khoản không được phép tại Điều 25 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;

Thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng trái quy định của pháp luật.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.

Bizlawyer hân hạnh được đồng hành cùng Quý Bạn đọc!

LOẠI BỎ ĐIỆN BÁN LẺ KHỎI DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ BÌNH ỔN GIÁ
Trả lời

Theo Luật Giá 2023, Điện bán lẻ không còn nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá nhưng được đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Luật Giá năm 2023 được ban hành với nhiều thay đổi căn bản, kỳ vọng sẽ khuyến khích cạnh tranh về giá; đẩy mạnh phân cấp trong quản lý giá theo nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, trong đó bao gồm việc ban hành 02 danh mục hàng hóa, dịch vụ đó là Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá

Sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá

Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo Luật Giá 2023, so với Luật Giá 2012, đã bổ sung thêm 2 mặt hàng là Phân DAP và Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Ở chiều ngược lại, Muối ăn và Điện bán lẻ không còn nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Như vậy, danh mục này theo Luật Giá 2023 sẽ bao gồm 9 hàng hóa, dịch vụ sau: Xăng, dầu thành phẩm; Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Thóc tẻ, gạo tẻ; Phân đạm, phân DAP, phân NPK; Thức ăn chăn nuôi; thức ăn thủy sản; Vắc – xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Thuốc bảo vệ thực vật; Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Phân cấp định giá đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

So với Luật Giá 2012, Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Luật Giá 2023 đã phân tách cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn cấp trung ương và địa phương trong định giá hàng hóa. Theo đó, đối với hàng hóa, dịch vụ sử dụng nguồn vốn trung ương hoặc do trung ương quản lý, cơ quan chuyên môn cấp Bộ là đơn vị định giá còn đối với các hàng hóa, dịch vụ sử dụng nguồn vốn địa phương hoặc do địa phương quản lý, trách nhiệm định giá thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Ngoài ra, đối với một số dịch vụ cá biệt như dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập; nước sạch hay sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đối với công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước, việc định giá cần có sự kết hợp của cơ quan chuyên môn cấp Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Luật Giá 2023 đã bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ như Vận chuyển khí thiên nhiên bằng đường ống cho sản xuất điện, Kiểm định kỹ thuật máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động… Đồng thời, Luật này cũng loại bỏ Thuốc lá điếu sản xuất trong nước, Dịch vụ quy hoạch ra khỏi danh mục do Nhà nước định giá.

Điều chỉnh các biện pháp bình ổn giá

Theo Luật Giá 2023, các biện pháp bình ổn giá bao gồm: Điều hòa cung cầu bao gồm: điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Điều hòa hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông; Các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật và Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ.

Đối với Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Luật Giá 2023 đã quy định cụ thể các hàng hóa, dịch vụ, bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ như dịch vụ vận chuyển khí thiên nhiên bằng đường ống cho sản xuất điện, dịch vụ kiểm định kỹ thuật máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động…, đồng thời đưa ra khỏi danh mục sản phẩm thuốc lá điếu sản xuất trong nước, dịch vụ quy hoạch.

Để đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn, Luật Giá 2023 cũng đã quy định trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trên cơ sở đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Quy định này đã thực sự nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, từ đó, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.

Luật Giá năm 2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.

Bizlawyer hân hạnh được đồng hành cùng Quý Bạn đọc!

MỘT SỐ THAY ĐỔI VỀ QUY ĐỊNH MUA, BÁN VÀ XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
Trả lời

Kể từ ngày 01/07/2024, các khoản nợ xấu được phép giao dịch và phương án thực hiện mua bán nợ xấu theo giá thị trường sẽ có sự thay đổi theo Thông tư 03/2024/TT-NHNN

 

Ngày 16/5/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 03/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (“VAMC”). Theo đó, một số thay đổi cần chú ý như sau:

 

Thứ nhất, thay đổi định nghĩa về “khoản nợ xấu”. Theo đó, khoản nợ xấu kể từ ngày 01/7/2024 là 1) Nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán và 2) Nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản đã mua của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ.”

 

Thứ hai, việc Công ty Quản lý tài sản mua nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện theo giá trị thị trường.

 

Thứ ba, mở rộng khả năng tiếp tục cấp tín dụng cho các khách hàng vay có khoản nợ xấu. Theo đó, Khách hàng vay có khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản và có phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư có hiệu quả được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục xem xét, cấp tín dụng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.

 

Thứ tư, VAMC sẽ công khai niêm yết thông tin các khoản nợ xấu lên website để thuận tiện giao dịch. Theo đó, VAMC sẽ có nghĩa vụ đăng và niêm yết thông tin khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã mua trên Sàn giao dịch nợ và website của Công ty Quản lý tài sản. Việc đăng và niêm yết thông tin phải phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

 

Thứ năm, bổ sung về điều kiện của các khoản nợ xấu mà VAMC được mua với giá thị trường. Theo đó, ngoài các điều kiện trước đây, VAMC còn phải: 1) Xác định giá trị thị trường của khoản nợ xấu, kể cả tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó; 2) Đánh giá hiệu quả kinh tế, rủi ro và khả năng thu hồi vốn mua khoản nợ xấu; 3) Phân tích, đánh giá thực trạng và triển vọng khoản nợ xấu, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ và các điều kiện thỏa thuận mua nợ với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán nợ và 4) Dự kiến các biện pháp khả thi xử lý nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

 

Thứ sáu, đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, công ty quản lý tài sản bán tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với giá bán có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ xấu.

 

Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.

Bizlawyer hân hạnh được đồng hành cùng Quý Bạn đọc!

Quy định mới về thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và lựa chọn Nhà đầu tư qua mạng theo phương thức đấu thầu kể từ ngày 26/07/2024
Trả lời

Ngày 12/6/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 10/2024/TT-BKHĐT. Theo đó, Thông tư đã sửa đổi, bãi bỏ một số quy định tại các Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT về thực hiện Dự án đầu tư có sử dụng đất và Thông tư số 10/2022/TT-BKHĐT lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Đối với quy định về việc thực hiện Dự án đầu tư có sử dụng đất:

Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tổ chức đấu thầu; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan xác định yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; Đối với dự án thực hiện tại khu kinh tế thì Ban quản lý khu kinh tế tổ chức xác định, phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu kinh tế (đối với dự án thực hiện tại khu kinh tế) là cơ quan tổ chức đấu thầu. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan xác định yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Đối với dự án thực hiện tại khu kinh tế thì Ban quản lý khu kinh tế tổ chức xác định, phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

 

Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thì nhà đầu tư đó nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư và điểm a khoản 2 Điều 30 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP mà không phải xác định giá sàn nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này. Như vậy, nếu trường hợp chỉ có môt nhà đầu tư đủ điều kiện thì sẽ thực hiện thủ tục theo Luật Đầu tư (không phải Luật Đấu thầu).

Đối với việc nộp hồ sơ dự thầu qua mạng:

Từ ngày 26/7/2024, các quy trình nộp hồ sơ dự thầu online sẽ quy định như sau:

  1. Nhà đầu tư nhập thông tin theo yêu cầu của E-KSQT, E-HSMST, E-YCSBNLKN trên Hệ thống theo định dạng webform, đính kèm file để tạo thành bộ E-HSQT, E-HSDST, E-HSĐKTHDA và nộp trên Hệ thống;
  2. Trường hợp liên danh, thành viên đứng đầu liên danh hoặc thành viên được phân công trong thỏa thuận liên danh nộp E-HSQT, E-HSDST, E-HSĐKTHDA và đồng thời đính kèm thỏa thuận liên danh lên Hệ thống;
  3. Hệ thống thông báo cho nhà đầu tư tình trạng nộp E-HSQT, E-HSDST, E-HSĐKTHDA (thành công hoặc không thành công) qua địa chỉ email mà nhà đầu tư đã đăng ký. Các thông tin được ghi nhận trên Hệ thống để làm căn cứ giải quyết kiến nghị, tranh chấp (nếu có) gồm: thông tin về bên gửi, bên nhận, thời điểm gửi, trạng thái gửi, số file đính kèm lên Hệ thống khi nhà đầu tư nộp E-HSQT, E-HSDST, E-HSĐKTHDA của nhà đầu tư;
  4. Hết thời hạn nộp E-HSQT, E-HSDST, E-HSĐKTHDA, bên mời thầu, Đơn vị chuẩn bị dự án hoặc Cơ quan, Đơn vị chủ trì tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án PPP, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế đối với dự án đầu tư có sử dụng đất truy cập vào Hệ thống và tiến hành đánh giá E-HSQT (trường hợp E-KSQT được lập theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư 10/2022/TT-BKHĐT), E-HSĐKTHDA của các nhà đầu tư đã nộp.
CẤM BÁN SẢN PHẨM BẢO HIỂM KHÔNG BẮT BUỘC VỚI VIỆC CUNG ỨNG SẢN PHẨM, DỊCH VỤ NGÂN HÀNG
Trả lời

Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024. Nội dung Luật có nhiều điểm mới tích cực, được đánh giá sẽ góp phần đảm bảo hoạt động tài chính của các TCTD phát triển lành mạnh, ổn định.

 

TCTD đóng vai trò quan trọng trong việc khơi thông, vận hành nền kinh tế. Do đó, các quy định liên quan đến các TCTD luôn được chú trọng, quan tâm và hoàn thiện. Luật các TCTD 2024, kể từ ngày 01/7/2024, sẽ thay thế hiệu lực của Luật các TCTD 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017. Một số quy định mới đáng chú ý như sau:

 

Thứ nhất, Luật Các TCTD năm 2024 cấm bán bảo hiểm không bắt buộc với cung ứng dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.  

 

Thứ hai, Luật Các TCTD năm 2024 mở rộng chủ thể phải cung cấp, công bố và công khai thông tin nhằm kiểm soát và tránh tình trạng thao túng, sở hữu chéo. Tại khoản 2 Điều 49 của Luật quy định: Cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của TCTD phải cung cấp cho TCTD các thông tin: a) Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày và nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này; b) Thông tin về người có liên quan theo quy định pháp luật; c) Số lượng, tỉ lệ sở hữu cổ phần của mình tại TCTD đó; d) Số lượng, tỉ lệ sở hữu cổ phần của người có liên quan tại TCTD đó.

 

Thứ ba, Luật Các TCTD năm 2024 giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông trong các TCTD. Cụ thể, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD; Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD. Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một TCTD khác. 

 

Đối với các cổ đông đang sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ so với quy định mới, kể từ ngày Luật Các TCTD năm 2024 có hiệu lực thi hành, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ sở hữu cổ phần quy định mới được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật Các TCTD năm 2024, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

 

Thứ tư, Luật Các TCTD năm 2024 bổ sung quy định về xét duyệt cấp tín dụng. Theo đó, TCTD phải có tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cấp tín dụng đối với các khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ gồm :a) Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cấp tín dụng qua thẻ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; b) Khoản cho thuê tài chính, khoản cho vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của TCTD phi ngân hàng; c) Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân; d) Khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô.

Thứ năm, Luật Các TCTD năm 2024 quy định về can thiệp sớm các TCTD yếu kém. Theo đó, Luật đã bổ sung một chương quy định dành cho việc can thiệp sớm các TCTD.

 

Thứ sáu, Luật Các TCTD năm 2024 giảm dần giới hạn cấp tín dụng. Mức tín dụng được quy định sẽ giảm dần qua từng năm, bắt đầu từ năm 2026. Quy định này một mặt làm giảm nguy cơ sở hữu chéo ngân hàng, một mặt lại ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp. Do đó, từ thời điểm sau khi Luật Các TCTD năm 2024 bắt đầu có hiệu lực đến năm 2026 (thời điểm bắt đầu áp dụng việc giảm dần mức cấp tín dụng), các doanh nghiệp cần có những phương án đầu tư, kinh doanh giảm dần việc phụ thuộc mức cấp tín dụng của TCTD, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài của mình.

 

Thứ bảy Luật Các TCTD năm 2024 bổ sung các quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

 

Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.

Bizlawyer hân hạnh được đồng hành cùng Quý Bạn đọc!