Ngày 15/12/2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH, quy định chi tiết về việc liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo (sau đây gọi là “liên kết đào tạo”) bao gồm: đối tượng, hình thức liên kết đào tạo, tổ chức liên kết đào tạo, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết đào tạo. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 29/01/2018.
Theo quy định này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định, Nhà nước khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp liên kết để tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; trong đó, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác trong xác định chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, phát triển đội ngũ giảng viên doanh nghiệp, tổ chức tuyển sinh/tuyển dụng…
Đồng thời, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hợp tác để tổ chức và công nhận kết quả đào tạo một số môn học lý thuyết và thực hành.
Việc tổ chức liên kết đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu như: Ngành, nghề đào tạo dự kiến liên kết phải phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương, của doanh nghiệp; Đảm bảo yêu cầu về chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy.Khi tham gia liên kết đào tạo, các bên tham gia liên kết đào tạo được thống nhất mức thu lệ phí, tuyển sinh, học phí, thù lao cho người học trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp theo quy định.
Thông tư 29/2017/TT-BLĐTBĐT ban hành nhằm khắc phục những bất hợp lý trong quy định về liên kết đào tạo trước đây mở ra một bước đi mới cho các cơ sở đào tạo từ xa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của hình thức liên kết đào tạo, tiếp cận chất lượng của hình thức đào tạo chính quy.
Ngày 12/06/2017, Quốc hội đã ban hành Luật quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14. Qua đó, Nhà nước sẽ quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
Theo đó, Luật quản lý Ngoại thương Quy định việc quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
– Chỉ áp dụng biện pháp quản lý theo điều kiện trong các trường hợp cần thiết vì lý do trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuần phong mỹ tục, bảo vệ môi trường;
– Việc áp dụng biện pháp quản lý theo giấy phép, theo điều kiện phải bảo đảm công khai, minh bạch; tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan quản lý nhà nước và của thương nhân;
– Trên cơ sở tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
– Chính phủ sẽ quy định về:
+ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện;
+ Phương thức, phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với hàng hóa thuộc Danh mục;
+ Trình tự, thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu;
– Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm công bố công khai Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện và công bố điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc Danh mục;
Bên cạnh đó, Luật quản lý Ngoại thương cũng quy định hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau thì bị áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu: Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước; Gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng; Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục; Gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, Luật này cũng quy định hàng hóa bị cấm xuất khẩu trong các trường hợp sau: Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép xuất khẩu của cơ quan nhà nước; Bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật quản lý Ngoại thương sẽ là công cụ hữu hiệu của Nhà nước để quản lý ngoại thương, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, gắn với quản lý nhập khẩu. Cùng với đó sẽ bảo đảm được việc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia trong hoạt động ngoại thương.
Ngày 14/12/2017, Bộ Tài nguyên và môi trường đã ban hành Quyết định số 3199/QĐ-BTNMT về Quy trình thí điểm liên thông giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, chính thức có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo Quyết định này, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tiến hành thí điểm giải quyết liên thông đối với một số thủ tục sau:
1. Thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; thủ tục điều chỉnh, thay đổi nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và thủ tục điều chỉnh giấy phép xả nước thải vào nguồn nước;
2. Thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục cấp giấy phép nhận chìm ở biển và thủ tục giao khu vực biển; thủ tục điều chỉnh, thay đổi nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển và thủ tục sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển;
3. Thủ tục cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án và thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; thủ tục cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án và thủ tục điều chỉnh giấy phép xả nước thải vào nguồn nước;
4. Thủ tục cấp giấy phép nhận chìm ở biển và thủ tục giao khu vực biển; thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển và thủ tục sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển; thủ tục gia hạn giấy phép nhận chìm ở biển và gia hạn quyết định giao khu vực biển.
Theo đó, kể từ ngày 14/12/2017, khi thực hiện các thủ tục trên, tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ bằng hình thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Văn phòng một cửa (đối với thủ tục số 1,2,3), Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (đối với thủ tục số 4) hoặc hình thức dịch vụ công trực tuyến tại website: dvctt.monre.gov.vn. Thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ được thực hiện theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định.
Đây là quy định mới mang tính cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.
Ngày 15/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/07/ 2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/ 2015 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2018.
Theo đó, Nghị định số 146/2017/NĐ-CP sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) trường hợp sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác, cụ thể sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên, trừ các trường hợp sau:
– Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác và chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu (quy trình chế biến khép kín hoặc thành lập phân xưởng, nhà máy chế biến theo từng công đoạn) thì sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 12, Luật thuế GTGT.
– Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu (quy trình chế biến khép kín hoặc thành lập phân xưởng, nhà máy chế biến theo từng công đoạn) thì sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 12, Luật thuế GTGT.
– Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu chính không phải là tài nguyên, khoáng sản (tài nguyên, khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác) do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến thành sản phẩm xuất khẩu thì sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 12, Luật thuế GTGT.
Bên cạnh đó, Nghị định số 146/2017/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn thuế GTGT. Cụ thể:
– Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo; trường hợp vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa nếu sau khi bù trừ với số thuế phải nộp, số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế GTGT tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại;
– Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan;
– Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không bị xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế, gian lận thương mại trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ngày 07/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng từ ngày 01/01/2018 thay thế cho Nghị định số 153/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp theo hợp đồng lao động theo quy định như sau:
– Đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I áp dụng mức 3.980.000 đồng/tháng, tăng 230.000 đồng/tháng;
– Đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II áp dụng mức 3.530.000 đồng/tháng tăng 210.000 đồng/tháng;
– Đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III áp dụng mức 3.090.000 đồng/tháng, 190.000 đồng/tháng;
– Đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV áp dụng mức 2.760.000 đồng/tháng, 180.000 đồng/tháng.
Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Ngoài ra, Nghị định cũng điều chỉnh phân vùng đối với một số huyện, thị xã như sau:
– Đưa thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai từ vùng II lên vùng I;
– Đưa các huyện Thống nhất thuộc tỉnh Đồng Nai, Huyện Thủ Thừa tỉnh Long An, Thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam từ vùng III lên vùng II.
Quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp theo hợp đồng theo quy định tại Nghị định 141/2017/NĐ-CP là hoàn toàn phù hợp. Bởi lẽ, mức lương tối thiểu vùng hiện nay đang rất thấp, việc tăng lương tối thiểu vùng phù hợp với yêu cầu kinh tế xã hội ngày càng gia tăng, đồng thời đảm bảo các quyền lợi của người lao động như quyền lợi về bảo hiểm xã hội, lương hưu, trợ cấp …
Ngày 11/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 142/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải thay thế Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20/08/2013 của Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2018.
Theo đó, Nghị định 142/2017/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
Cụ thể, áp dụng mức phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền thấp nhất là 500 nghìn đồng tới cao nhất là 100 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng hải. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Mức phạt tiền của mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải là 01 năm; đối với hành vi vi phạm hành chính về xây dựng cảng biển, cảng cạn, công trình hàng hải, bảo vệ môi trường, thời hiệu xử phạt là 02 năm.
Ngoài các hình thức xử phạt được quy định trên, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng theo quy định.
Nghị định 142/2017/NĐ-CP có hiệu lực sẽ thay thế Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.
Ngày 08/12/2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 28/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công thương. Thông tư bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018.
Thông tư số 28/2017/TT-BCT có các nội dung nổi bật, mang tính cải cách như sau:
Một là, Thông tư đã đơn giản hóa 15 thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu được quy định tại Thông tư số 38/2014/TT-BCT ngày 24/10/ 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, theo hướng:
Đối với các TTHC được thực hiện tại Bộ Công Thương, cho phép thương nhân được lựa chọn các hình thức nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.
Đối với các TTHC được thực hiện tại Sở Công Thương, rút ngắn thời gian thời gian tiếp nhận từ 7 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc, thời gian thẩm định hồ sơ cấp các Giấy xác nhận, Giấy chứng nhận từ 30 ngày làm việc xuống 20 ngày làm việc.
Hai là, trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, Thông tư bãi bỏ 02 TTHC là “Đăng ký hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện” và “Đăng ký thay đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện” tại Thông tư số 33/2015/TT-BCT ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thươngquy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện.
Đồng thời, Thông tư cũng bãi bỏ các quy định điều kiện của tổ chức đánh giá sự phù hợp tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Thông tư số 48/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Việc xem xét các điều kiện của của tổ chức đánh giá sự phù hợp được thực hiện thống nhất theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp.
Ba là, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu than, khoáng sản, Thông tư quy định linh hoạt hình thức bản sao là “Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu” để tổ chức, cá nhân chủ động lựa chọn trong quá trình thực hiện thủ tục xuất khẩu khoáng sản tại Thông tư số 12/2016/TT-BCT và thủ tục xuất khẩu than quy định tại Thông tư số 15/2013/TT-BCT. Việc đơn giản hóa này đồng thời cũng đảm bảo thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2014 về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính.
Bốn là, trong hoạt lĩnh vực xuất khẩu gạo, Thông tư bãi bỏ Chương IV Thông tư số 44/2010/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, tương ứng với đó đã bãi bỏ bản chính hợp đồng thuê kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Năm là, trong lĩnh vực nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ trở xuống, Thông tư bãi bỏ 02 Thông tư trong lĩnh vực này, gồm: Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Thông tư số 04/2017/TT-BCT ngày 09 tháng 03 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Thông tư này là để hiện thực hóa Phương án đơn giản hóa của Bộ Công Thương tại Quyết định số 4648/QĐ-BCT ngày 09 tháng 12 năm 2016. Việc ban hành Thông tư này cùng với việc ban hành 04 Nghị định của Chính phủ, 08 Thông tư khác của Bộ Công Thương trước đó và 05 dự thảo Nghị định, Quyết định Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền trong năm 2017 đã góp phần nâng tỉ lệ thực hiện Phương án đơn giản hóa TTHC của Bộ Công Thương đến thời điểm này lên 181/123 TTHC. Trong đó mục tiêu của việc bãi bỏ, đơn giản hóa các TTHC này của Bộ Công Thương là tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam theo các Nghị quyết của Chính phủ về cải cách TTHC trong thời gian qua.
Ngày 08/12/2017, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BXD thay thế Thông tư số 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, có hiệu lực từ 01/02/2018. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các hoạt động sản xuất và nhập khẩu vật liệu xây không nung, hoạt động đầu tư xây dựng công trình và các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.
Theo đó, Thông tư số 13/2017/TT-BXD quy định việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp để làm tường, vách ngăn và khối xây. Vật liệu xây không nung gồm: Gạch bê tông; Vật liệu nhẹ: Gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp, bê tông bọt; các chủng loại trên có khối lượng thể tích nhỏ hơn 1000kg/m3; Tấm tường thạch cao, tấm 3D, tấm panel bê tông, tấm panel nhẹ; Gạch khác được sản xuất từ chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp; gạch silicat.
Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây dựng với tỷ lệ theo từng địa bàn như sau:
– Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh sử dụng 100%;
– Các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ, vùng Đông Nam bộ: Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu còn lại sử dụng tối thiếu 70%;
– Các tỉnh còn lại: Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 50%.
Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
Nhà nước khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng.
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn.
Ngày 07/11/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 22/12/2017.
Theo đó, Thông tư quy định chi tiết về nguyên tắc giám sát; hình thức giám sát; hệ thống giám sát; yêu cầu đối với thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu và phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu; yêu cầu đối với cơ sử dữ liệu giám sát; yêu cầu đối với thiết bị đo đạc, kết nối, truyền số liệu của cơ sở có công trình; giám sát hoạt động khai thác đối với công trình hồ chứa để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cho các mục đích khác…
Bên cạnh đó, Thông tư còn quy định việc giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước được tiến hành dưới 03 hình thức gồm: Giám sát tự động, trực tuyến (theo dõi số liệu đo đạc, quan trắc tự động, liên tục được kết nối và truyền trực tiếp vào hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước); giám sát bằng camera (theo dõi hình ảnh bằng camera được kết nối và truyền trực tiếp vào hệ thống giám sát) và giám sát định kỳ (theo dõi số liệu đo đạc, quan trắc được cập nhật định kỳ vào hệ thống giám sát).
Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu, phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu ở trung ương và cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu ở địa phương.
Ngày 20/11/2017, Quốc hội ban hành Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2018, là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quyền xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài lâm vào một trong các trường hợp sau: Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời hạn 06 tháng liên tục; Không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 03 tháng liên tục; Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của NHNN (Khoản 1 Điều 145)
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm của NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục tình trạng và tổ chức triển khai thực hiện. Nếu xét thấy cần thiết, NHNN sẽ có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh phương án khắc phục.
Thời hạn thực hiện phương án khắc phục tối đa không quá 01 năm, kể từ ngày có văn bản áp dụng can thiệp sớm của NHNN.
Phương án khắc phục bao gồm: Thu hẹp nội dung, phạm vi hoạt động, hạn chế các giao dịch lớn; Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao; bán, chuyển nhượng tài sản và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; Hạn chế chi trả cổ tức, phân phối lợi nhuận; Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý; hạn chế trả thù lao, lương, thưởng đối với người quản lý, người điều hành…
Phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc; Phương án phá sản.
NHNN có văn bản chấm dứt áp dụng can thiệp sớm sau khi TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khắc phục được tình trạng quy định tại khoản 1 Điều 145 nói trên, hoặc khi TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt.
Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 có hiệu lực sẽ là cơ sở pháp lý có ý nghĩa quan trọng cho giai đoạn mới trong công tác quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.