Ngày 21/11/2017, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký ban hành Quyết định số 10/2017/QĐ-KTNN thay thế Quyết định 04/2012/QĐ-KTNN ngày 06/4/2012 quy định về quy trình kiểm toán doanh nghiệp.Theo đó, từ ngày 05/01/2018, Báo cáo kiểm toán sẽ được thực hiện thông qua việc Lập Dự thảo Báo cáo kiểm toán, để có được Báo cáo kiểm toán sẽ phải thực hiện theo quy trình sau đây:
Bước 1: Lập Dự thảo Báo cáo kiểm toán (BCKT).
Bước 2: Xét duyệt Dự thảo Báo cáo kiểm toán.
Bước 3: Hoàn thiện dự thảo Báo cáo kiểm toán, lấy ý kiến tham gia của đơn vị được kiểm toán (ý kiến của đơn vị kiểm toán sẽ được xử lý để trình lên Tổng kiểm toán nhà nước xem xét và quyết định).
Bước 4: Thông báo kết quả kiểm toán.
Bước 5: Phát hành Báo cáo kiểm toán.
Bên cạnh đó, việc phát hành Báo cáo kiểm toán phải được đảm bảo thời gian theo đúng quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các quy định cụ thể khác của Kiểm toán Nhà nước.
Quá trình lập, xét duyệt và hoàn thiện dự thảo Báo cáo kiểm toán là một điểm mới nổi bật, góp phần cải tiến, hoàn thiện và tăng tính chính xác, hiệu quả trong quy trình lập BCKT.
Mục đích của việc xây dựng Quy trình Kiểm toán doanh nghiệp nhằm thống nhất trình tự, nội dung, thủ tục tiến hành các công việc của cuộc kiểm toán doanh nghiệp; phục vụ cho việc tổ chức, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán của Đoàn Kiểm toán nhà nước (Đoàn kiểm toán), Kiểm toán viên nhà nước (Kiểm toán viên) và các thành viên khác của Đoàn kiểm toán.
Ngày 29/11/2017, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 25/2017/TT-BCT quy định về việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2018.
Theo đó, lượng thuốc lá nguyên liệu (mã HS 2401) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2018 là 53.604 tấn.
Việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công Thương và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được phân giao cho thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công Thương cấp và có nhu cầu sử dụng cho sản xuất thuốc lá điếu một tỷ lệ nhất định thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu do Bộ Công Thương xác nhận.
Ngày 12/06/2017, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, trong đó có một số nội dung đáng chú ý về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể như sau:
1. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa: Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
2. Các nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
3. Các hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh gồm: Tư vấn hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo với các nội dung: Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ;
5. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị về: Đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật sản xuất; tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, chiến lược phát triển sản phẩm theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; cung cấp thông tin về nhu cầu kết nối, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường sản phẩm của cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đo lường; chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt. Đối với hàng hóa nhập khẩu chưa được thông quan thì áp dụng nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan để xử phạt đối với các vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Một số nội dung mới về xử phạt vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quy định cụ thể như sau:
– Phạt cảnh cáo nếu lợi dụng giải thưởng chất lượng quốc gia được trao tặng để gây hại đến uy tín của giải thưởng.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng nếu vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ô xy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ, các chất ăn mòn khi chưa được cấp giấy phép.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất mũ bảo hiểm khi chưa được cấp giấy chứng nhận (GCN) đủ điều kiện sản xuất hoặc sử dụng GCN đã hết hiệu lực.
– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, pha chế khí, xăng dầu khi chưa được cấp GCN hoặc sử dụng GCN đã hết hiệu lực.
Nghị định 119/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2017, đồng thời thay thế Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013.
Mục tiêu của Chương trình là phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, góp phần tạo thuận lợi cho du khách cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các khu du lịch quốc gia, đặc biệt các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, khu vực vùng sâu, vùng xa nhưng có tiềm năng du lịch nhằm hình thành các khu du lịch có tầm cỡ khu vực và thế giới, có sức cạnh tranh cao, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Chương trình phấn đấu đến năm 2020 bảo đảm đồng bộ về cơ bản kết cấu hạ tầng cho 3-5 khu du lịch quốc gia, góp phần tạo thuận lợi cho du khách cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước đầu tư; hỗ trợ đầu tư giao thông, tạo thuận lợi để tiếp cận một số hạ tầng cơ bản và hạ tầng du lịch của 30 khu, điểm du lịch quốc gia.
Theo lộ trình, Chương trình trên được thực hiện từ năm 2016 – 2020 với tổng kinh phí hơn 30 nghìn tỷ đồng tại các địa phương thuộc địa bàn trọng điểm phát triển du lịch vùng; các địa phương có khu, điểm, tuyến du lịch được xác định tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó ưu tiên hỗ trợ cho các tỉnh nghèo, không tự cân đối được ngân sách.
Dự án được hỗ trợ gồm: Đường từ trục chính đến khu du lịch, điểm du lịch, địa bàn trọng điểm phát triển du lịch vùng; đường trục chính, hệ thống xử lý chất thải trong khu, điểm du lịch; các dự án xây dựng xử lý chất thải, bảo vệ môi trường các khu, điểm du lịch quốc gia; kè hoặc nạo vét lòng hồ để bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch tại các khu, điểm du lịch, địa bàn trọng điểm phát triển du lịch vùng.
Theo quyết định, đối với dự án khởi công mới giai đoạn 2016 – 2020, Ngân sách Trung ương xem xét hỗ trợ 100% tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với dự án chuyển tiếp đã được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2011 – 2015 thì tiếp tục hỗ trợ theo tỷ lệ cũ đã được thẩm định, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành các dự án theo đúng các quyết định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, hỗ trợ theo tỷ lệ quy định trong hợp đồng dự án theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước đối với đầu tư theo hình thức đối tác công – tư.
Ngày 16/11/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018 quy định chi tiết về việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng. Theo đó có nhiều điểm mới và quy định chặt chẽ, chi tiết hơn so với các văn bản hướng dẫn trước đây, cụ thể: Liên quan tới việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng chỉ thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng khi có yêu cầu phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Việc mở niêm phong phải đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc mở niêm phong phải đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể những loại vật chứng cần niêm phong và vật chứng không cần niêm phong. Theo đó, quy định mọi vật chứng sẽ cần phải được niêm phong trừ một số vật chứng cụ thể như vật chứng là động vật, thực vật sống, vật chứng là tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án, vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản và những vật chứng khác mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy không cần thiết phải niêm phong. Ngoài ra trách nhiệm của người tham gia niêm phong vật chứng cũng được quy định cụ thể như sau, người tham gia niêm phong phải có mặt tham gia niêm phong vật chứng khi có yêu cầu của người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng, chứng kiến quá trình niêm phong vật chứng, ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ vào giấy niêm phong vật chứng, tham gia kiểm tra niêm phong của vật chứng, ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ vào biên bản niêm phong vật chứng. Một điểm khá nổi bật trong lần điều chỉnh này đó là vấn đề nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng được quy định một cách chi tiết hơn như chủ trì việc tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng, mời, triệu tập người, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng, đề nghị và thực hiện thủ tục xuất kho vật chứng, thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, kiểm tra niêm phong trước khi mở niêm phong vật chứng, mở niêm phong vật chứng, kiểm tra vật chứng sau khi mở niêm phong.
Ngày 25/10/2017, Bộ tài chính ban hành Thông tư 116/2017/TT -BTC hướng dẫn công tác giám sát tuân thủ của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán.
Theo đó, UBCKNN thực hiện giám sát tuân thủ trên cơ sở báo cáo của SGDCK, TTLKCK theo quy định tại Chương IV Thông tư này; phản ánh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên thị trường chứng khoán và các nguồn tin trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến tổ chức và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ chứng khoán và thị trường chứng khoán của SGDCK, TTLKCK và qua các hoạt động phối hợp nghiệp vụ giữa UBCKNN và SGDCK, TTLKCK. Trên cơ sở kế hoạch giám sát tuân thủ hàng năm, UBCK sẽ thực hiện kiểm tra định kỳ Sở GDCK, VSD và tổ chức kiểm tra đột xuất khi cần thiết.
Sở GDCK và VSD có trách nhiệm ban hành các quy chế, quy trình và các văn bản nghiệp vụ theo quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK; cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin, tài liệu, dữ liệu theo yêu cầu của UBCK để phục vụ công tác giám sát tuân thủ.
Sở GDCK thực hiện giám sát việc tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán và TTCK, quy chế của Sở GDCK đối với thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt, tổ chức có chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch, tổ chức và các cá nhân tham gia giao dịch trên TTCK.
VSD thực hiện việc giám sát tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán và TTCK và quy chế của VSD đối với thành viên lưu ký, thành viên bù trừ. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, Sở GDCK, VSD có trách nhiệm xử lý đối với các hành vi vi phạm quy chế của Sở GDCK, VSD. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Sở GDCK, VSD có trách nhiệm báo cáo UBCK xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông tư 116/2017/TT -BTC có hiệu lực kể từ ngày 08/12/2017.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa vừa ký ban hành Thông tư số 37/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 quy định mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2017. Thay thế Thông tư số 05/2014/TT-BGTVT ngày 31/3/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành mẫu biên bản, mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Bãi bỏ Mẫu số 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT ngày 25/2/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định quy trình thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính; công tác lập kế hoạch, chế độ báo cáo và quản lý nội bộ của Thanh tra ngành GTVT.
Thông tư quy định rõ, trường hợp người vi phạm hành chính có Giấy phép lái xe (GPLX) tích hợp của Giấy phép lái xe có thời hạn và Giấy phép lái xe không thời hạn, bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng GPLX, người có thẩm quyền quyết định xử phạt phải ghi rõ trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính các hạng xe được phép điều khiển theo GPLX và áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc Giấy phép lái xe không thời hạn đối với loại xe đã sử dụng khi thực hiện hành vi vi phạm (xe ô tô hoặc máy kéo hoặc xe mô tô). Người vi phạm hành chính được quyền điều khiển những loại xe còn lại được ghi trong GPLX.
Ngày 25/10/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 115/2017/TT-BTC hướng dẫn hoạt động giám sát giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục ghi nhận và quy định chi tiết hơn công tác giám sát giao dịch chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước và Sở giao dịch chứng khoán cũng như ghi nhận nghĩa vụ của các đối tượng giám sát, thì Thông tư 115/2017/TT-BTC có một số điểm mới nổi bật như sau:
Thứ nhất, bổ sung Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (“TTLKCK”) là chủ thể giám sát mới, bên cạnh Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (“UBCKNN”) và Sở giao dịch chứng khoán (“SGDCK”). Theo đó, TTLKCK sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với Thành viên lưu ký của TTLKCK, Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh (“TVBT”) trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán (“TTCK”) trong triển khai các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán. Đồng thời TTLKCK cũng có nhiệm vụ giám sát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ theo từng tài khoản của nhà đầu tư, TVBT cũng như giám sát về giới hạn vị thế của nhà đầu tư khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh.
Để thực nhiện nhiệm vụ của mình, TTLKCK sẽ thực hiện phương thức giám sát các trường hợp vi phạm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ của nhà đầu tư, giới hạn vị thế dựa trên một hoặc các nguồn dữ liệu được phép. TTLKCK còn được phép yêu cầu các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng giám sát của mình cung cấp thông tin và giải trình để làm rõ. Ngoài ra, việc phối hợp với UBCKNN kiểm tra định kỳ hoặc bất thường cũng là một kênh giám sát hữu hiệu đối với TTLKCK.
Thứ hai, bổ sung thêm 02 đối týợng giám sát là các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình giao dịch, cung cấp các dịch vụ liên quan ðến giao dịch chứng khoán, bao gồm:
– Thành viên giao dịch và thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh (được hiểu là công ty chứng khoán có đủ điều kiện đăng ký làm thành viên giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán).
– Công ty chứng khoán được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.
Hai chủ thể này có nghĩa vụ phối hợp triển khai công tác giám sát của TVGD, TVBT trong các nhiệm vụ như: Phối hợp với UBCKNN, SGDCK, TTLKCK trong việc thực hiện công tác giám sát giao dịch chứng khoán khi được yêu cầu; Phối hợp với UBCKNN trong việc mời Nhà đầu tư đến làm việc với các đoàn kiểm tra của UBCKNN liên quan đến các giao dịch có dấu hiệu bất thường; Trường hợp phát hiện giao dịch vi phạm các quy định về chứng khoán và TTCK có trách nhiệm báo cáo UBCKNN.
Thông tư 115/2017/TT-BTC thay thế cho Thông tư 13/2013/TT-BTC và sẽ có hiệu lực từ ngày 08/12/2017.
Những quy định mới trong Thông tư 115/2017/TT-BTC được kỳ vọng sẽ đảm bảo hơn quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, cũng như đảm bảo tính hiệu quả, công bằng và minh bạch trong các giao dịch chứng khoán nhằm hướng tới những chuẩn mực của thị trường chứng khoán quốc tế.
Ngày 19/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2017/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2017 quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với hoạt động ngoại hối.
Nghị định này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương (sau đây viết tắt là các bộ, cơ quan trung ương) và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là các địa phương) và tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý và sử dụng ngân sách trong hoạt động đối ngoại.
Nghị định đã xác định rõ các khoản thu, chi ngân sách nhà nước trong hoạt động đối ngoại, bao gồm:
– Thu trong hoạt động đối ngoại gồm: Phí, lệ phí trong hoạt động ngoại giao; phí, lệ phí liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân có yếu tố nước ngoài và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
– Chi hoạt động đối ngoại gồm: Chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi viện trợ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Các khoản chi hoạt động đối ngoại được thực hiện theo quy định hiện hành và phù hợp với tính chất, nội dung, đặc thù nhiệm vụ đối ngoại.
Ngoài ra, điểm nội bật trong Nghị định 117/2017/NĐ – CP chính là quy định vấn đề quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể như sau:
“1. Thủ trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng ngân sách theo dự toán được giao, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đúng chính sách, chế ðộ, tiêu chuẩn và ðịnh mức chi ngân sách.
2. Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài khi trả tiền cho bên thụ hưởng phải sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả trừ các trường hợp sau:
a) Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài tại nước có hệ thống tài khoản thanh toán chưa phát triển, đơn vị cung cấp dịch vụ không mở tài khoản ngân hàng.
b) Các khoản chi được phép chi trả bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.
3. Cơ quan chủ quản của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thực hiện kiểm soát chi căn cứ trên chứng từ Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài gửi về đảm bảo đúng quy định.”
Ðây là một quy định rất hợp lý, bởi lẽ, một mặt giúp việc quản lý ngân sách Nhà nước hiệu quả hơn; Mặt khác, góp phần đảm bảm sự công khai minh bạch trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước, tránh tham nhũng, lãng phí.
Nghị định số 117/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2017 mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc quy định rõ các khoản thu, chi ngân sách nhà nước trong hoạt động đối ngoại, lập dự toán, chấp hành, quyết toán và công khai ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại góp phần quản lý hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc sử dụng tiết kiệm chống lãng phí ngân sách Nhà nước.