Ngày 19/12/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 134/2017/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2018.
Theo đó, Thông tư số 134/2017/TT-BTC có những nội dung đáng chú ý như:
Đối tượng áp dụng: Bổ sung thêm các đối tượng như thành viên bù trừ, thành viên lưu ký, văn phòng đại diện, ngân hàng thương mại, đại lý phân phối chứng chỉ quỹ.
Yêu cầu về dịch vụ: Bổ sung quy định yêu cầu về dịch vụ đối với Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) và Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), bổ sung và thay thế một số nội dung về yêu cầu dịch vụ đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Quy định về an ninh bảo mật thông tin và lưu trữ dữ liệu: Bổ sung các yêu cầu về an toàn bảo mật thông tin và lưu trữ dữ liệu trong giao dịch chứng khoán trực tuyến. Hệ thống phần mềm trước khi đưa vào sử dụng phải được rà soát, quét lỗ hổng bảo mật, định kỳ thực hiện đánh giá rủi ro an toàn thông tin mạng.
Quy định về xác thực danh tính của nhà đầu tư, về phiếu lệnh điện tử, sử dụng chứng thư số, chữ ký số: Bổ sung quy định về xác thực và phiếu lệnh điện tử. Theo đó, Thông tư mới đã quy định các giải pháp xác thực danh tính của nhà đầu tư bao gồm: xác thực hai yếu tố, xác thực bằng chứng thư số và các giải pháp xác thực khác được pháp luật cho phép và phù hợp với các quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Quy định về thủ tục chấp thuận đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến: Hồ sơ đăng ký đã rút gọn lại còn 4 đầu mục tài liệu và bỏ đầu mục tài liệu Giấy chứng nhận kiểm định về tính an toàn chất lượng của hệ thống. Đồng thời, thời gian giải quyết thủ tục cũng được rút ngắn xuống còn 20 ngày làm việc.
Có thể thấy, Thông tư số 134/2017/TT-BTC đã có những thay đổi đáng kể so với các thông tư trước đây. Sự thay đổi này là cần thiết để đảm bảo phù hợp với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, đáp ứng các yêu cầu về thực hiện giao dịch điện tử từ phía Doanh nghiệp và các Nhà đầu tư, cũng như thực hiện đúng lộ trình giảm thiểu thủ tục hành chính của Cơ quan Nhà nước.
Ngày 29/12/2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 26/2017/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/3/2018.
Theo đó, Thông tư số 26/2017/TT-NHNN có nhiều nội dung đáng chú ý như:
Đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài: Một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.
Đối với hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi): Trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm thì hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ do tổ chức phát hành thẻ xác định theo quy định nội bộ về cấp tín dụng qua thẻ tín dụng và tối đa là 1 tỷ đồng Việt Nam. Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 triệu đồng Việt Nam.
Về đối tượng sử dụng thẻ: Thông tư quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước. Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước.
Giám sát thanh toán thẻ tại nước ngoài: Thông tư quy định tổ chức phát hành thẻ phải áp dụng tối thiểu hai hình thức tiếp nhận thông tin tra soát, khiếu nại của chủ thẻ bao gồm qua tổng đài điện thoại (có ghi âm, hoạt động 24/24 giờ trong ngày, 7/7 ngày trong tuần) và qua các điểm giao dịch của tổ chức phát hành thẻ. Tổ chức phát hành thẻ phải thực hiện ngay các biện pháp để khóa thẻ khi chủ thẻ đề nghị do nghi ngờ có gian lận hoặc tổn thất và chịu trách nhiệm với toàn bộ tổn thất tài chính phát sinh đối với chủ thẻ do việc sử dụng thẻ sau thời điểm khóa thẻ.
Như vậy, với Thông tư số 26/2017/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã có những sự điều chỉnh, bổ sung đối với hoạt động sử dụng thẻ ngân hàng. Những sự thay đổi này được đánh giá là phù hợp với yêu cầu của thực tế nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng tính an toàn trong hoạt động sử dụng thẻ ngân hàng cho cả phía Ngân hàng và chủ thẻ sử dụng.
Ngày 09/02/2018, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 321/QĐ-BGTVT quy định về việc công bố thủ tục hành chính được bổ sung lĩnh vực Đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/03/2018.
Theo đó, Quyết định số 321/QĐ-BGTVT có một số điểm mới nổi bật như sau:
1. Quy định cụ thể về thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ an toàn xe ô tô nhập khẩu
Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP lập 01 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký kiểm tra theo quy định đến Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tại thời điểm đăng ký kiểm tra, doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp các tài liệu hồ sơ, riêng các giấy tờ dưới đây cung cấp cho Cục Đăng kiểm Việt Nam như sau:
– Bản sao tờ khai hàng hóa nhập khẩu nộp khi đề nghị kiểm tra thực tế;
– Bản sao Báo cáo thử nghiệm khí thải;
– Báo cáo thử nghiệm an toàn đưđưử nghiệm nghiệm khí thảinộp khi đề nghị kiểm tra thực tế;kiểm Việt
Bên cạnh đó, Đối với Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, doanh nghiệp nộp bản sao trên hệ thống trực tuyến và nộp bổ sung bản chính cho Cục Đăng kiểm Việt Nam trước khi kiểm tra xe thực tế.
2. Quy định cụ thể về việc giải quyết thủ tục hành chính
Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra nội dung hồ sơ đăng ký kiểm tra mà doanh nghiệp nhập khẩu nộp trong thời gian tối đa 01 ngày làm việc. Trường hợp hồ sơ đăng ký kiểm tra đầy đủ theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận vào Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu. Trường hợp hồ sơ đăng ký kiểm tra chưa đủ theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị doanh nghiệp nhập khẩu bổ sung.
Ngoài ra, Quyết định số 321/QĐ-BGTVT cũng quy định doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình ô tô để Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành việc kiểm tra tại địa điểm và thời gian đã đăng ký. Đối với ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe theo quy định. Nội dung kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT ngày 10/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Có thể thấy, Quyết định số 321/QĐ-BGTVT sẽ góp phần hướng dẫn cũng như kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thủ tục hành chính được bổ sung thêm lĩnh vực đăng kiểm, đó sẽ là cơ sở quan trọng để các tổ chức, các nhân có liên quan tham chiếu và thực hiện các thủ tục một cách hiệu quả.
Ngày 23/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/04/2018
Theo đó, Nghị định Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có một số điểm mới nổi bật sau:
1. Mở rộng đối tượng áp dụng
Nghị định này, không chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan mà còn áp dụng đối với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ và cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.
2. Làm rõ và bổ sung một số thuật ngữ được sử dụng tại Luật Sở hữu trí tuệ
– Tác phẩm khuyết danh: Được định nghĩa không chỉ là tác phẩm không có tên tác giả mà còn tác phẩm chưa có tên tác giả.
– Bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
– Bản ghi âm, ghi hình là bản định hình các âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác, hoặc việc định hình sự tái hiện lại các âm thanh, hình ảnh không phải dưới hình thức định hình gắn với tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự.
– Bản sao bản ghi âm, ghi hình là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
– Tái phát sóng là việc truyền dẫn phát sóng lại hoặc tiếp sóng chương trình của một tổ chức phát sóng.
– Tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa là tín hiệu vệ tinh mang chương trình được truyền đi mà một trong hai đặc tính âm thanh, hình ảnh hoặc cả hai đặc tính này đã được biến đổi, thay đổi nhằm mục đích ngăn cản những người không có thiết bị giải mã tín hiệu vệ tinh hợp pháp thu trái pháp chương trình truyền trong tín hiệu đó.
– Nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả.
– Thù lao là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho chủ sở hữu quyền tác giả; bên sử dụng cuộc biểu diễn trả cho người biểu diễn hoặc chủ sở hữu cuộc biểu diễn.
– Quyền lợi vật chất khác là các lợi ích vật chất mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan được hưởng ngoài tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất như việc nhận giải thưởng, nhận sách biếu khi xuất bản, nhận vé mời xem chương trình biểu diễn, trình chiếu tác phẩm điện ảnh, trưng bày, triển lãm tác phẩm.
3. Quy định rõ nội dung “khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình”
– Tổ chức, cá nhân nào sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả.
– Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tự thỏa thuận về việc thu tiền nhuận bút và tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả nhận ủy quyền chỉ có trách nhiệm đàm phán thu tiền nhuận bút theo danh mục hội viên, tác phẩm được quy định tại hợp đồng ủy quyền.
4. Làm rõ và bổ sung chính sách của Nhà nước vể quyền tác giả, quyền liên quan
Làm rõ các các quy định về: Ưu tiên đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường giáo dục kiến thức về quyền tác giả, quyền liên quan trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.
Bổ sung quy định về việc huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.
5. Bổ sung và làm rõ trách nhiệm và nội dung quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan
Bổ sung một số nhiệm vụ đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
– Quản lý, khai thác quyền tác giả đối với tác phẩm, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc về sở hữu nhà nước; nhận chuyển giao quyền tác giả của tổ chức, cá nhân cho nhà nước theo quy định của pháp luật.
– Quản lý hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.
Làm rõ nhiệm vụ đối với UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương:
– Tổ chức các hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương; thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân v�� quyền tác giả, quyền liên quan.
– Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo, vi phạm các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 22/2018/NĐ-CP sẽ thay thế Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định số 85/2011/NĐ-CP ngày 20/09/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Ngày 02/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2018/NĐ-CP quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngăm 2014 của chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Nghị định này sẽ có hiệu lực vào ngày 25/3/2018.
Theo đó, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP có những quy định mới nổi bật đáng chú ý như sau:
Cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu
Nghị định này bổ sung quy định cơ chế xử lý rủi ro trong chính sách tín dụng. Theo đó, cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, chủ tàu mới tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.
Bên cạnh đó, Chính sách cho vay vốn lưu động cũng được sửa đổi. Cụ thể, đối tượng được vay vốn là chủ tàu khai thác hải sản xa bờ; chủ tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (gọi chung là khách hàng). Việc cho vay vốn lưu động do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bổ sung chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư
Đối tượng được hỗ trợ là chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên cụ thể: Tàu đóng mới thuộc số lượng tàu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các tỉnh; tàu đóng mới thay thế các tàu làm nghề lưới kéo có công suất từ 90CV trở lên chuyển đổi sang làm các nghề được khuyến khích phát triển như: Lưới vây, nghề lưới rê (trừ lưới rê khai thác cá ngừ), nghề câu, nghề chụp, dịch vụ hậu cần.
Để được hỗ trợ, chủ tàu phải là thành viên của tổ đội sản xuất, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã nghề cá được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt; tàu cá đóng mới phải là tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, vỏ composite; tàu đóng mới máy chính phải sử dụng máy thủy mới 100% chính hãng; tàu cá phải lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh và kết nối được với trạm bờ để quản lý, giám sát hành trình trong quá trình tàu hoạt động trên biển; tàu khai thác hải sản xa bờ đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản; tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá.
Về mức hỗ trợ, Nghị định nêu rõ, đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đóng mới vỏ thép (bao gồm cả các trang thiết bị mới): Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu; tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đóng mới vỏ composite có công suất từ 800CV trở lên (bao gồm cả các trang thiết bị mới), chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm
Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên. Cụ thể, hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu. Hỗ trợ hàng năm 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu, không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu).
Có thể thấy, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP với những quy định mới và chi tiết hơn được kỳ vọng sẽ tạo nên những điều kiện thuận lợi cho những hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản, qua đó góp phần phát triển hoạt động này nói riêng cũng như sự phát triển nói chung của ngành thủy sản của cả nước.
Ngày 29/12/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT quy định về hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất đối với các doanh nghiệp viễn thông được cấp phép cung cáp dịch vụ thông tin di động. Thông tư này có hiệu lực từ ngày
Theo đó Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT quy định mức tổng giá trị tối đa của dịch vụ, hàng hóa để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại và mức giá trị vật chất tối đa khuyến mại áp dụng cho từng đơn vị dịch vụ thông tin di động mặt đất (sau đây gọi tắt là dịch vụ thông tin di động), hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động, cụ thể như sau:
1. Tổng giá trị tối đa dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại cho thuê bao dịch vụ thông tin di động trả trước không được vượt quá 20% tổng giá trị của dịch vụ thông tin di động, hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động được khuyến mại.
2. Tổng giá trị tối đa dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại cho thuê bao dịch vụ thông tin di động trả sau không được vượt quá 50% tổng giá trị của dịch vụ thông tin di động, hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động được khuyến mại.
Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định về việc tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên của dịch vụ di động. Theo đó, khách hàng thường xuyên của dịch vụ di động gồm có: Thuê bao trả sau và thuê bao trả trước chuyển sang trả sau. Thuê bao di động trả trước đã sử dụng dịch vụ tối thiểu 1 năm và tổng số tiền cước trả do nhà mạng tối thiểu là 1 triệu đồng.
Có thể thấy, các quy đinh tại Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT sẽ góp phần đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ di động, đảm bảo an toàn, an ninh xã hội, bảo đảm quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ, qua đó cũng góp phần hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Ngày 29/12/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 52/2017/TT-BGTVT quy định về bảo trì công trình hàng hải. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2018.
Theo đó, Thông tư số 52/2017/TT-BGTVT có nhiều nội dung đáng chú ý như:
Danh mục công trình, bộ phận công trình hàng hải bắt buộc quan trắc trong quá trình khai thác, sử dụng: Cầu cảng, đèn biển, đăng tiêu, đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ, công trình đóng mới, sửa chữa tàu biển cấp đặc biệt và cấp I; Các công trình hàng hải có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng hoặc có dấu hiệu bất thường khác có khả năng gây sập đổ công trình. Nội dung quan trắc: Các vị trí quan trắc, thông số quan trắc và giá trị giới hạn của các thông số này (ví dụ: Biến dạng nghiêng, lún, nứt, võng…), thời gian quan trắc, số lượng chu kỳ đo và các nội dung cần thiết khác.
Kế hoạch bảo trì công trình hàng hải hằng năm hoặc theo kỳ kế hoạch gồm: Công tác bảo dưỡng công trình; Công tác sửa chữa định kỳ; Công tác sử chữa đột xuất. Trong đó, kế hoạch bảo trì công trình hàng hải hằng năm phải được lập và gửi Cục Hàng hải Việt Nam trước ngày 30/05 hằng năm.
Đối với công trình hàng hải có nhiều chủ sở hữu: Chủ sở hữu phần riêng của công trình có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng của mình và đồng thời phải có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu chung của công trình. Chủ sở hữu khi cho tổ chức, cá nhân thuê khai thác công trình hàng hải hoặc ủy quyền quản lý, sử dụng công trình hàng hải phải có nội dung thỏa thuận về trách nhiệm bảo trì công trình.
Như vậy, có thể thấy, Thông tư số 52/2017/TT-BGTVT đã có những thay đổi đáng kể so với các thông tư trước đây. Sự thay đổi này là phù hợp với yêu cầu của thực tế, để đảm bảo các công trình hàng hải được bảo trì theo đúng trình tự, thủ tục nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
Ngày 10/01/2018 Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô-tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/03/2018.
Theo đó, Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT quy định ô-tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe, đảm bảo tính thống nhất của nội dung hồ sơ đăng ký kiểm tra, cụ thể:
Thực hiện kiểm tra đối với xe được đăng ký lưu hành tại các quốc gia thuộc EU, G7, quốc gia có tiêu chuẩn khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam.
Đối với ô-tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra đối với từng lô xe nhập khẩu. Mẫu ô-tô đại diện cho từng kiểu loại ô-tô trong lô phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật. Thực tế sẽ kiểm tra tình trạng số khung, số động cơ của từng xe trong lô xe nhập khẩu theo hồ sơ đăng ký kiểm tra; kiểm tra tính đồng nhất của các xe thực tế cùng kiểu loại ô-tô trong lô xe nhập khẩu; lấy ngẫu nhiên mẫu ô-tô đại diện cho từng kiểu loại ô-tô trong lô xe nhập khẩu để đối chiếu các thông số kỹ thuật của xe thực tế với nội dung hồ sơ đăng ký kiểm tra.
Trong quá trình kiểm tra, phát hiện ô-tô đã qua sử dụng có sự thay đổi từ nước ngoài về một số thông số kỹ thuật hoặc kết cấu so với xe xuất xưởng ban đầu của nhà sản xuất thì doanh nghiệp nhập khẩu phải xuất trình các tài liệu của cơ quan quản lý phương tiện nước ngoài với xe đã thay đổi. Khối lượng xe trong trường hợp này không được lớn hơn giá trị nêu trong tài liệu.
Trường hợp ô-tô nhập khẩu bị hư hại trong quá trình vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, doanh nghiệp nhập khẩu được phép khắc phục một số hạng mục như: Thân vỏ, buồng lái, thùng hàng có lớp sơn bị trầy xước; ắc quy không hoạt động.
Ngoài ra, Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT cũng nêu rõ, đối với trường hợp ô-tô có dấu hiệu bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung hoặc số VIN (trong trường hợp không có số khung), số động cơ thì cơ quan kiểm tra tiến hành trưng cầu giám định tại cơ quan giám định chuyên ngành để làm căn cứ cho việc cấp chứng chỉ chất lượng.
Trong quá trình kiểm tra, chứng nhận nếu phát hiện ô-tô nhập khẩu thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 187/2-13/NĐ-CP thì cơ quan kiểm tra ghi nhận bằng chứng xe thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu đối với chiếc xe đó, đồng thời cấp thông báo xe cơ giới thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo quy định. Việc kiểm tra, phân loại và lấy mẫu đại diện của lô xe đối với các xe khác được tiếp tục thực hiện theo quy định.
Bên cạnh đó, việc triệu hồi ô-tô không chỉ áp dụng theo công bố của nhà sản xuất, ô-tô còn được triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Việc yêu cầu triệu hồi này thực hiện trên cơ sở bằng chứng cụ thể, kết quả xác minh các thông tin phản ánh về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô-tô nhập khẩu.
Có thể thấy, Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT đã siết chặt hơn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô-tô nhập khẩu. Với nhiều ràng buộc về về giấy tờ và thủ tục, Thông tư này được dự đoán sẽ tạo ra những rào cản khó khăn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Ngày 22/01/2018, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BTC hướng dẫn thí điểm về khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy và trao đổi dữ liệu điện tử thu nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16/03/2018.
Theo đó Thông tư số 05/2018/TT-BTC có những quy định đáng chú ý như sau:
1. Phạm vi thí điểm khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử tại khu vực Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, áp dụng đối với các loại ô tô, xe máy không bao gồm rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự và vỏ, tổng thành khung, tổng thành máy của ô tô, xe máy được thay thế mà phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Việc khai lệ phí trước bạ, tổ chức, cá nhân có ô tô, xe máy chưa qua sử dụng (không bao gồm ô tô, xe máy được thừa kế, quà tặng) thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí trước bạ tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; Khai thông tin Số giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc Số giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại và các thông tin tại Tờ khai lệ phí trước bạ. Cổng thông tin điện tử sẽ tự sinh mã hồ sơ.
Các trường hợp đã khai lệ phí trước bạ tại Chi cục Thuế nơi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng xe, cơ quan thuế tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và nhập đầy đủ thông tin khai vào hệ thống quản lý của Tổng cục Thuế. Hệ thống này sẽ tự sinh mã hồ sơ.
3. Việc nộp lệ phí trước bạ được thực hiện theo hình thức điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; Nộp tại quầy giao dịch của cơ quan Kho bạc Nhà nước; Nộp tại quầy giao dịch của ngân hàng (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản).
4. Nội dung dữ liệu lệ phí trước bạ điện tử trao đổi giữa Tổng cục Thuế và Cục Cảnh sát giao thông. Dữ liệu lệ phí trước bạ điện tử trao đổi giữa Tổng cục thuế và Cục cảnh sát giao thông bao gồm: Mã hồ sơ, Mã số thuế (nếu có); Tên người nộp thuế; Địa chỉ; Số điện thoại; Loại xe; Nhãn hiệu; Số loại/Tên thương mại; Số máy; Số khung; Thể tích làm việc hoặc Công suất động cơ điện hoặc Trọng tải; Số người cho phép chở (kể cả lái xe); Nước sản xuất; Năm sản xuất; Biển kiểm soát, số đăng ký (đối với xe đã đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng); Ngày nộp tiền; Giá trị tài sản theo hóa đơn hoặc các chứng từ hợp lệ khác; Giá trị tài sản tính lệ phí trước bạ; Mức thu lệ phí trước bạ; Số tiền lệ phí trước bạ đã nộp.
5. Ngoài các nội dung trên, Thông tư số 05/2018/TT-BTC còn quy định về nguyên tắc trao đổi dữ liệu lệ phí trước bạ điện tử giữa Tổng cục Thuế và Cục Cảnh sát giao thông; trình tự tiếp nhận, xử lý dữ liệu lệ phí trước bạ điện tử và quy trình tra soát, xử lý sai sót, điều chỉnh thông tin thu nộp lệ phí trước bạ.
Có thể thấy, các quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BTC là những quy định tiến bộ đặt nền tảng bước đầu nhằm phát huy tính hiệu quả của giao dịch điện tử, tiết kiệm thời gian, công sức của nhân dân, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực khai, nộp lệ phí trước bạ với ô tô, xe máy nói riêng và cải cách thủ hành chính trong mọi lĩnh vực quản lý Nhà nước nói chung.
Ngày 29/12/2017 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 56/2017/TT-BYT hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2018.
Thông tư số 56/2017/TT-BYT có một số quy định nổi bật như sau:
1. Bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần và hồ sơ khám giám định để hưởng bảo hiểm xã hội
Các bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần gồm:
Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Các bệnh, tật ngoài các bệnh nêu trên có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Theo quy định, mỗi lần khám người bệnh chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai, ba chuyên khoa của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.
2. Cấp và quản lý giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH
Việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
Do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó;
Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định
Giấy ra viện, Giấy chứng sinh, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, Giấy chứng nhận thương tích, Giấy báo tử do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp theo đúng thẩm quyền và quy chế chuyên môn do Bộ Y tế quy định trong thời gian kể từ 01/07/2016 đến trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng cấp không đúng mẫu, ghi không đúng thời gian, không đóng dấu pháp nhân, đóng dấu không đúng chỗ, ký tên không đúng chỗ, không đủ chữ ký thì vẫn có giá trị dễ làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Mẫu giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện, giấy chứng sinh đã phát hành trước ngày Thông tư này ban hành được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2018.
Có thể thấy, Thông tư số 56/2017/TT-BYT được ban hành hướng dẫn cụ thể chế độ liên quan đến lĩnh vực y tế thuộc luật BHXH và luật Vệ sinh An toàn lao động, góp phần minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đảm bảo được quyền lợi chăm sóc sức khỏe của người lao động.