Ngày 18/07/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Chỉ thị số 21/CT-TTg quy định nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương như sau:
1. Bộ Giao thông vận tải cần xử lý nghiêm các vi phạm về tải trọng, quản lý việc lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình xe, thiết bị nhận dạng tự động, việc cấp và sử dụng phù hiệu, kê khai, niêm yết giá cước của các đơn vị vận tải; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm về hoạt động vận tải trên địa bàn để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải; quản lý chặt chẽ hoạt động của cảng, bến thủy nội địa và cảng biển, bảo đảm theo đúng quy mô, công năng được duyệt để nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, phân bổ hàng hóa hợp lý giữa các khu vực, các loại hình vận tải.
2. Bộ Công Thương cần tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử, kết hợp logistics với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới và khu vực. Thông qua các hoạt động nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp, khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics, ban hành mã số đăng ký kinh doanh theo nhóm ngành cho dịch vụ logistics.
4. Bộ Tài chính đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa Quốc gia cho tất cả các thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, cảng cạn, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia để từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.
Thông qua các quy định rõ ràng về phạm vi nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương, Chỉ thị số 21/CT-TTg được kỳ vọng sẽ khuyến khích dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Ngày 29/06/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BCT quy định về việc phân luồng trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi (Certificate of Original – C/O). Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/08/2018.
Theo đó, Thông tư số 15/2018/TT-BCT quy định về điều kiện áp dụng Luồng Xanh trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi như sau:
1. Thương nhân được ưu tiên miễn giảm, nộp chậm chứng từ, giảm thời gian cấp C/O và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình đề nghị cấp C/O.
2. Để được áp dụng chế độ Luồng Xanh, thương nhân cần đạt được các điều kiện sau:
a) Về đối tượng áp dụng
– Thương nhân được Bộ Công Thương công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín;
– Thương nhân được Bộ Tài chính công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan;
b) Về năng lực
– Tuân thủ pháp luật: không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất;
– Lưu trữ hồ sơ: có hệ thống lưu trữ hồ sơ (hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử) đầy đủ để đảm bảo chứng minh tính xác thực của C/O và xuất xứ hàng hóa trong thời hạn lưu trữ;
– Kinh nghiệm sử dụng C/O ưu đãi: thực hiện quy trình khai báo C/O điện tử qua Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (www.ecosys.gov.vn) và có tần suất đề nghị cấp ít nhất 30 bộ C/O ưu đãi/năm.
Thông qua các quy định cụ thể, Thông tư số 15/2018/TT-BCT tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tàu được hưởng những quyền ưu tiên trong quy trình đề nghị cấp C/O ưu đãi, từ đó thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành xuất nhập khẩu.
Ngày 18/07/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 877/QĐ-TTg về ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trong năm 2018-2019. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Quyết định số 877/QĐ-TTg đã đưa ra danh mục dịch vụ công trực tuyến sẽ bắt đầu được áp dụng trong năm 2018-2019 với các bộ, ngành, địa phương như sau:
1. Số lượng dịch vụ công trực tuyến được bổ sung nhiều nhất ở Bộ Thông tin và Truyền thông, với 63 dịch vụ công ở cấp Bộ và 7 dịch vụ ở cấp địa phương.
2. Số lượng dịch vụ công trực tuyến được bổ sung ít nhất ở Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chỉ 1 dịch vụ công.
3. Việc bổ sung số lượng dịch vụ công trực tuyến được áp dụng với tất cả các Bộ, ngành có quan hệ với ngân sách, người dân và doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy, Quyết định số 877/QĐ-TTg tiếp tục là sự thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy nhanh tốc độ áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, từ đó đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.
Ngày 16/07/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 868/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/07/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Quyết định số 868/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 như sau:
1. Kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình là 7.300.000.000.000 (Bảy nghìn ba trăm tỷ đồng), giảm 3.700.000.000.000 (Ba nghìn bảy trăm tỷ đồng) so với Quyết định số 1168/QĐ-TTg, số tiền này được đảm bảo từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, trong đó:
– Kế hoạch kinh phí dự kiến dành cho các nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông của tất cả các chương trình thành phần chiếm 50% tổng kinh phí của toàn bộ Chương trình;
– Kế hoạch kinh phí dự kiến hỗ trợ cho một doanh nghiệp viễn thông để phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông trong toàn bộ giai đoạn thực hiện Chương trình không vượt quá 70% tổng kinh phí dành cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông của Chương trình, trừ trường hợp trên địa bàn cụ thể hoặc đối với nhiệm vụ cụ thể, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định để tham gia thực hiện nhiệm vụ của Chương trình;
– Việc quyết toán các nhiệm vụ của Chương trình được thực hiện trên cơ sở kết quả thực hiện của doanh nghiệp và dự toán đã được phê duyệt.
2. Mức đóng góp của doanh nghiệp viễn thông vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam:
– Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng là 0,7% doanh thu các dịch vụ viễn thông theo quy định pháp luật. Mức đóng góp này giảm 0,8% so với quy định tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg (1,5%)
– Dựa vào tình hình thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng góp của doanh nghiệp viễn thông vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đảm bảo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình trong trường hợp cần thiết.
Như vậy, có thể thấy, Quyết định số 868/QĐ-TTg đã có những sửa đổi bổ sung phù hợp với bối cảnh kinh tế đất nước hiện nay nhằm mục đích đảm bảo cân bằng ngân sách Nhà nước.
Ngày 19/07/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18/2018/TT-BCT quy định về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 03/09/2018.
Theo đó, Thông tư số 18/2018/TT-BCT quy định về kiểm soát việc ban hành và thực hiện thủ tục hành chính như sau:
1. Về kiểm soát việc ban hành thủ tục hành chính
– Trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động của thủ tục hành chính. Hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ phải được gửi lấy ý kiến Văn phòng Bộ trước khi gửi Vụ Pháp chế thẩm tra.
– Trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, các đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm thực hiện việc đánh giá tác động, lấy ý kiến, gửi thẩm định thủ tục hành chính. Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với đơn vị chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến riêng đối với nội dung có quy định thủ tục hành chính dưới các hình thức phù hợp (tham vấn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, bằng văn bản…)
2. Về kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính
– Văn phòng Bộ có trách nhiệm công khai Quyết định công bố thủ tục hành chính của Bộ trưởng Bộ Công Thương trên trang thông tin điện tử http://kstthc.moit.gov.vn của Bộ Công Thương và gửi cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.
– Văn phòng Bộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong niêm yết công khai thủ tục hành chính.
– Văn phòng Bộ chủ trì kiểm tra nghiệp vụ thực hiện thủ tục hành chính.
Bằng các quy định chi tiết và cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan trực thuộc, Bộ Công Thương kỳ vọng Thông tư số 18/2018/TT-BCT sẽ bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính; kịp thời loại bỏ những thủ tục hành chính không phù hợp, phức tạp, phiền hà.
Ngày 16/07/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/09/2018.
Một trong những nội dung thay đổi đáng chú ý tại Nghị định số 100/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2015/NĐ-CP là về chứng chỉ hoạt động hành nghề xây dựng như sau:
1. Cho phép cá nhân không có chứng chỉ hành nghề được tham gia các hoạt động xây dựng thuộc lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành được đào tạo.
2. Siết chặt các quy định về điều kiện chung để cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, cụ thể là:
– Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ từ 04 năm trở lên;
– Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.
Như vậy, có thể thấy, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP đã siết chặt hơn các quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đối với các cá nhân đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng công trình, qua đó đảm bảo các công trình được xây dựng tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 29/6/2018, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 304/QĐ-VKSTC quy định về quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, với nội dung yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát, Quyết định số 304/QĐ-VKSTC quy định về thành phần hồ sơ bao gồm:
1. Văn bản yêu cầu bồi thường;
2. Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
3. Tài liệu chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại gồm một trong các giấy tờ sau: Chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người bị thiệt hại làm việc;
4. Tài liệu chứng minh nhân thân của người yêu cầu bồi thường và chứng minh tư cách là người đại diện hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại không trực tiếp yêu cầu bồi thường;
5. Tài liệu chứng minh các thiệt hại thực tế yêu cầu bồi thường và các tài liệu khác có liên quan.
Thông qua những hướng dẫn cụ thể về thành phần hồ sơ, Quyết định số 304/QĐ-VKSTC đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại thực hiện tốt quyền yêu cầu bồi thường, đồng thời, đây cũng là cơ sở để Viện Kiểm sát nhân dân các cấp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai, từ đó sớm giải quyết các yêu cầu bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
Ngày 12/06/2018, Quốc hội đã thông qua Luật số 25/2018/QH14 quy định về tố cáo. Luật Tố cáo năm 2018 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019.
Theo đó, Luật Tố cáo năm 2018 quy định về bảo vệ người tố cáo như sau:
1. Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ). Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ.
2. Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ. Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo.
3. Các biện pháp bảo vệ được áp dụng cụ thể như sau:
– Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin: Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp; bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
– Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm: Tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ; khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ; xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử.
– Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm: Đưa người được bảo vệ đến nơi an toàn; yêu cầu người có hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ chấm dứt hành vi vi phạm.
Như vậy, có thể thấy, Luật Tố cáo năm 2018 đã thiết lập các cơ chế khá rõ ràng nhằm bảo vệ người tố cáo, qua đó tạo khuyến khích công dân thực hiện tốt quyền tố cáo, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và ổn định tình hình kinh tế – xã hội của đất nước.
Ngày 15/05/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu tại Tòa án. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Một trong các điểm mới nổi bật của Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP là quy định về việc ủy quyền và ủy quyền lại của cá nhân, pháp nhân trong việc khởi kiện, tham gia tố tụng trong các vụ án tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu. Cụ thể:
1. Cá nhân được quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác tham gia tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
2. Pháp nhân có quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
3. Cá nhân, pháp nhân được ủy quyền được ủy quyền lại cho pháp nhân, cá nhân khác tham gia tố tụng nếu bên ủy quyền đồng ý bằng văn bản.
Khi giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, nếu hợp đồng ủy quyền được xác lập trước ngày 01/01/2017 giữa tổ chức, cá nhân chưa hoặc đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ án không phát sinh tranh chấp về hợp đồng ủy quyền đó thì Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng ủy quyền mà không yêu cầu các bên phải xác lập lại.
Bằng những quy định chi tiết và cụ thể, Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP đã hỗ trợ giảm thiểu những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, từ đó tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng có thể rút ngắn thời gian tố tụng, tiết kiệm chi phí, đảm bảo việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được hiệu quả.