Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Quy định mới về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định
Trả lời

Ngày 25/06/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2018/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/08/2018.
Theo đó, mức thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định cụ thể như sau:

STT

Tổng vốn đầu tư

(tỷ đồng)

Mức phí đối với các Nhóm dự án (triệu đồng)
1 2 3 4 5 6
1 Đến 10 8,0 8,6 8,8 9,2 9,6 6,0
2 Trên 10 đến 20 12,5 13,0 13,5 14,0 15,0 9,0
3 Trên 20 đến 50 21,0 22,0 22,5 23,0 24,0 15,0
4 Trên 50 đến 100 37,5 38,0 39,0 41,0 43,0 27,0
5 Trên 100 đến 200 41,5 42,0 43,0 45,0 47,0 30,0
6 Trên 200 đến 500 54,0 55,0 56,0 59,0 62,0 39,0
7 Trên 500 đến 1.000 61,0 62,0 63,5 66,0 69,0 44,0
8 Trên 1.000 đến 1.500 65,0 67,0 68,5 72,0 75,0 48,0
9 Trên 1.500 đến 2.000 67,0 68,0 70,0 73,5 76,5 49,0
10 Trên 2.000 đến 3.000 70,0 71,0 73,0 76,0 79,0 51,0
11 Trên 3.000 đến 5.000 72,5 74,0 76,0 79,0 82,0 53,0
12 Trên 5.000 đến 7.000 77,0 78,0 80,0 84,0 87,0 56,0
13 Trên 7.000 84,0 86,0 88,0 92,0 96,0 61,0

Trong đó, mức thu phí thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường bằng 50% mức thu phí thẩm định lần đầu tương ứng trong biểu nêu trên.
Người nộp phí là các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thực hiện thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Người nộp phí thực hiện nộp phí thẩm định trong thời gian từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị thẩm định, thẩm định lại đến trước khi tổ chức họp hội đồng thẩm định. Phí nộp trực tiếp cho tổ chức thu phí hoặc nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước. Chậm nhất là ngày 5 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.
Tổ chức thu phí nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước thuộc diện khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí, thì được trích để lại 90% tổng số tiền phí thẩm định thực thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 10% vào ngân sách nhà nước.
Có thể thấy, bằng các quy định tại Thông tư số 56/2018/TT-BTC, Nhà nước đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp phí thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong việc quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.

Quy định về các vùng hoa tiêu hàng hải
Trả lời

Ngày 01/08/ 2018 Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 43/2018/TT-BGTVT quy định về vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2018.
Theo đó, Thông tư số 43/2018/TT-BGTVT quy định về 08 vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam, cụ thể như sau:
– Vùng 1: Vùng hoa tiêu hoa hàng hải bắt buộc từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Nam Định;
– Vùng 2: Vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Trị;
– Vùng 3: Vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến tỉnh Quảng Ngãi;
– Vùng 4: Vùng hoa hàng hải tiêu bắt buộc từ tỉnh Bình Định đến tỉnh Phú Yên;
– Vùng 5: Vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc từ tỉnh Khánh Hòa đến tỉnh Ninh Thuận;
– Vùng 6: Vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc thuộc địa phận các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh dọc theo sông Tiền;
– Vùng 7: Vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc thuộc các tỉnh, thành phố dọc theo sông Hậu, các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau;
– Vùng 8: Vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc tại các khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi trong vùng biển Việt Nam.
Có thể thấy, Thông tư số 43/2018/TT-BGTVT đã có những quy định khá rõ ràng về phạm vi của các vùng hoa tiêu hàng hải. Việc phân chia này được kỳ vọng sẽ góp phần bảo đảm an toàn an ninh hàng hải, đồng thời sẽ tăng cường thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đảm bảo chủ quyền trên vùng biển Quốc gia

Quy định chương trình giáo dục của nước ngoài được áp dụng giảng dạy tại Việt Nam
Trả lời

Ngày 06/06/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2018.
Theo đó, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định chương trình giáo dục của nước ngoài đưa vào tích hợp phải là chương trình đã được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể việc tích hợp chương trình giáo dục của Việt Nam với chương trình giáo dục của nước ngoài.
Ngoài ra, chương trình giáo dục tích hợp phải bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục nước ngoài; không bắt buộc người học phải học lại cùng một nội dung kiến thức, bảo đảm tính ổn định đến hết cấp học và liên thông giữa các cấp học vì quyền lợi của học sinh, bảo đảm tính tự nguyện tham gia và không gây quá tải cho học sinh.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định quy mô lớp học và cơ sở vật chất phải đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục tích hợp và không làm ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy chung của cơ sở giáo dục phía Việt Nam tham gia liên kết giáo dục. Đội ngũ nhà giáo, giáo viên Việt Nam giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp phải đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học theo quy định của pháp luật Việt Nam; giáo viên nước ngoài giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp phải có trình độ đại học phù hợp với chuyên môn giảng dạy và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc tương đương.
Như vậy, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP đã có những quy định chi tiết và cụ thể về chương trình giáo dục của nước ngoài được áp dung giảng dạy tại Việt Nam, xây dựng nên những tiêu chuẩn, điều kiện nhằm đảm bảo sự phù hợp đối với hoạt động giáo dục tại Việt Nam, góp phần tạo điều thuận lợi cho việc tiến hành đầu tư có cái nhìn tổng quát nhất trước khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.

Quy định mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp
Trả lời

Ngày 15/06/2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BLĐTBXH quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2018.
Theo đó, Thông tư số 03/2018/TT-BLĐTBXH quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp cụ thể như sau:
1. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Giáo viên dạy lý thuyết chuyên môn có bằng tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành phù hợp với ngành, nghề giảng dạy; giáo viên vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành có bằng tốt nghiệp thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với ngành, nghề giảng dạy và có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ trung cấp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH;
– Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ nghiệp vụ sư phạm quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ;
– Có trình độ ngoại ngữ bậc 4 (B2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT hoặc tương đương trở lên;
– Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT hoặc tương đương trở lên;
– Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng 1.
2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
– Có kiến thức sâu rộng về ngành, nghề được phân công giảng dạy; có kiến thức về ngành, nghề liên quan; có hiểu biết vững vàng về thực tiễn nghề nghiệp, về những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới của ngành, nghề được phân công giảng dạy;
– Nắm vững kiến thức về nghiệp vụ sư phạm, vận dụng thành thạo các kỹ năng, phương pháp sư phạm vào giảng dạy;
– Nắm vững phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và công nghệ; biết tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng những kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học kỹ thuật hoặc sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào giảng dạy và thực tiễn nghề nghiệp;
– Chủ trì hoặc tham gia biên soạn ít nhất 1 chương trình hoặc 1 giáo trình hoặc 1 sách chuyên ngành phù hợp với ngành, nghề được phân công giảng dạy;
Như vậy, Thông tư số 03/2018/TT-BLĐTBXH đã xây dựng nên những tiêu chuẩn mang tính chuẩn mực đối với chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của hệ thống giáo dục nói chung cũng như trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

Bản tin pháp luật số 30/2018
Trả lời

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố Hà Nội
Trả lời

Ngày 05/07/2018, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND về việc quy định nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội. Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2018
Theo đó, Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND đã quy định nội dung mới nổi bật liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố Hà Nội, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chính sách áp dụng:
– Hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới: 300.000 đồng/1 doanh nghiệp.
– Hỗ trợ kinh phí làm 01 (một) dấu pháp nhân cho doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp thành lập mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh: theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 300.000 đồng/1 doanh nghiệp.
– Hỗ trợ kinh phí chuyển phát nhanh cho doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp thành lập chuyển đổi từ hộ kinh doanh có nhu cầu nhận kết quả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại nhà hoặc trụ sở làm việc: theo giá cước thực tế của Chi nhánh Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – Bưu điện thành phố Hà Nội (đơn vị được chỉ định thực hiện dịch vụ công ích theo quyết định 41/2011/QĐ-TTg ngày 04/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ).
Thứ hai, đối tượng áp dụng:
– Các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp mới, đáp ứng tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017.
– Các hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập doanh nghiệp mới
Như vậy, kể từ ngày 01/8/2018, hầu hết các doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được hỗ trợ chi phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu và chi phí làm dấu pháp nhân. Đây là chính sách mới có ý nghĩa quan trọng trong việc khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới thành lập, góp phần thu hút phát triển thành phần kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quy định mới về tổng dư nợ cho vay trung hạn, dài hạn
Trả lời

Ngày 31/07/ 2018 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 16/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Thông tư số 16/2018/TT-NHNN đã có những sửa đổi, bổ sung về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn, cụ thể như sau:
1. Dư nợ có thời hạn trên 01 (một) năm:
– Các khoản cho vay, cho thuê tài chính (bao gồm cả các khoản cho vay, cho thuê tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam), trừ các trường hợp sau:
+ Khoản cho vay, cho thuê tài chính bằng nguồn ủy thác của Chính phủ, cá nhân và của tổ chức khác (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam; ngân hàng mẹ, chi nhánh ở nước ngoài của ngân hàng mẹ) mà các rủi ro liên quan đến khoản cho vay, cho thuê tài chính này do Chính phủ, cá nhân và tổ chức này chịu;
+ Khoản cho vay các chương trình, dự án bằng nguồn vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
– Các khoản ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay, cho thuê tài chính mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ủy thác chịu rủi ro;
– Các khoản mua, đầu tư vào giấy tờ có giá (bao gồm cả trái phiếu do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành), trừ giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước;
– Đối với các khoản cho vay, cho thuê tài chính, ủy thác mà có nhiều khoản nợ tương ứng với kỳ hạn trả nợ khác nhau thì thời hạn còn lại để tính vào dư nợ cho vay trung, dài hạn được xác định đối với từng khoản nợ tương ứng với kỳ hạn trả nợ cảu khoản nợ đó.
2. Dự nợ gốc bị quá hạn của khoản cho vay, ủy thác cho vay, cho thuê tài chính, số dư mua, đầu tư giấy tờ có giá.
Có thể thấy, việc sửa đổi bổ sung những quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nói chung góp phần cân đối ngân sách nhà nước, đảm bảo về mặt tài chính cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay.

Bản tin pháp luật số 29/2018
Trả lời

Quy định cụ thể về các trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án trong giải quyết phá sản
Trả lời

Ngày 12/06/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định việc phối hợp trong thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2018.
Theo đó, Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định cụ thể về các trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án trong giải quyết phá sản như sau:
1. Sau khi nhận được thông báo của Tòa án về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là người phải thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định buộc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc trả lương cho người lao động. Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án.
2. Trường hợp Tòa án đã thụ lý giải quyết vụ việc phá sản, cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án nhưng sau đó Tòa án ra quyết định không mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Luật Phá sản thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu hồi quyết định tạm đình chỉ thi hành án và ra quyết định tiếp tục thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 37 và khoản 3 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự.
3. Trường hợp Tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản, cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Phá sản nhưng sau đó Tòa án ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 1 Điều 86 Luật Phá sản và đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 95 Luật Phá sản thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu hồi quyết định đình chỉ thi hành án và ra quyết định tiếp tục thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 137 Luật Thi hành án dân sự.
Như vậy, có thể thấy, Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC đã có những quy định cụ thể, chi tiết về các trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án trong giải quyết phá sản. Qua đó, Thông tư này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập xảy ra trong thời gian vừa qua, tạo cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết phá sản.

Điều chỉnh giá xăng, dầu áp dụng từ 15 giờ ngày 23/07/2018
Trả lời

Ngày 23/07/2018, Bộ Công thương đã ban hành Công văn số 5778/BCT-TTTN về điều hành kinh doanh xăng dầu. Công văn này có hiệu lực thi hành kể từ 15 giờ cùng ngày.
Theo đó, Công văn số 5778/BCT-TTTN đã điều chỉnh giá xăng, dầu theo hướng giảm, cụ thể như sau:
1. Giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu tại kỳ công bố so với giá cơ sở kỳ trước liền kề (07/7/2018):
– Xăng E5 RON92: 20.464 đồng/lít, giảm 69 đồng/lít
– Xăng RON95-III: 21.272 đồng/lít, giảm 66 đồng/lít
– Dầu điêzen 0.05S: 17.242 đồng/lít, giảm 213 đồng/lít
– Dầu hỏa: 16.174 đồng/lít, giảm 69 đồng/lít
– Dầu madút 180CST 3.5S: 14.826 đồng/kg, giảm 116 đồng/kg
2. Trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành.
3. Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu:
– Xăng E5 RON92: 853 đồng/lít;
– Xăng RON95: 95 đồng/lít;
– Dầu madút: 70 đồng/kg.
4. Giá bán xăng dầu sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu:
– Xăng E5 RON92: không cao hơn 19.611 đồng/lít;
– Xăng RON95-III: không cao hơn 21.177 đồng/lít;
– Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 17.242 đồng/lít;
– Dầu hỏa: không cao hơn 16.174 đồng/lít;
– Dầu madút 180CST 3.5S: không cao hơn 14.756 đồng/kg.
Như vậy, căn cứ trên thực tế diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới kể từ ngày 08/07/2018 đến hết ngày 22/07/2018, Bộ Công Thương đã tiến hành việc điều chỉnh giá xăng dầu tại thị trường Việt Nam.