Ngày 20/08/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cục quản lý đăng ký kinh doanh ban hành Công văn số 234/ĐKKD-NV hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc thi hành Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg. Công văn này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Công văn số 234/ĐKKD-NV có một số quy định mới, đáng lưu ý, cụ thể như sau:
1. Đối với hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh, đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh tiến hành rà soát ngành, nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đã triển khai:
– Trường hợp tên, mã ngành, nghề kinh doanh cảu doanh nghiệp đã kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg không có sự thay đổi so với Hệ thống ngành mới, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
– Trường hợp tên, mã ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp đã kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg có sự thay đổi so với Hệ thống ngành mới, Phòng Đăng ký kinh doanh hướng dẫn doanh nghiệp/đơn vị trực thuộc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo Hệ thống ngành mới.
2. Trường hợp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh, đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nộp qua mạng điện tử sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh đã được Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo về việc hồ sơ hợp lệ trước ngày 20/8/2018 nhưng doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng bản giấy sau ngày 20/8/2018 và mã ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp đã kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg có sự thay đổi so với Hệ thống ngành mới, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện theo trình tự sau:
– Chấp thuận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
– Hướng dẫn doanh nghiệp làm đề nghị cập nhật, bổ sung thông tin theo mẫu để Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật ngành, nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành mới trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (theo quyết định của Trưởng phòng).
3. Đối với các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp/đơn vị trực thuộc khác không được nêu tại Mục 1 nêu trên, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
Có thể thấy, bằng những hướng dẫn cụ thể và chi tiết, Công văn số 234/DKKD-NV được kỳ vọng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp và làm cho quá trình thực hiện đăng ký kinh doanh được nhanh chóng và chính xác hơn.
Ngày 15/08/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Nghị định sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2018.
Theo đó, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 06 tháng trước đó, giảm 5% so với quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Nghị định đã quy định cụ thể về điều kiện của thương nhân trong kinh doanh xuất khẩu gạo. Cụ thể như sau:
– Có ít nhất 01 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc gạo;
– Có ít nhất 01 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo.
Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc thuê của tổ chức, cá nhân khác có hợp đồng thuê bằng văn bản với thời hạn thuê tối thiểu 05 năm.
Có thể thấy, quy định mới về mức dự trữ lưu thông tối thiểu trong xuất khẩu gạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp cho các thương nhân vừa đảm bảo cung cấp kịp thời nhu cầu tiêu dùng gạo tại từng thời điểm cụ thể, vừa tránh gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi kinh doanh xuất khẩu gạo.
Ngày 21/08/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 22/2018/TT-BCT hướng dẫn về đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2018. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/08/2018
Theo đó, Thông tư số 22/2018/TT-BCT đã quy định nội dung mới nổi bật liên quan đến việc thí điểm đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2018, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối tượng áp dụng:
– Các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện.
– Các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2018.
Thứ hai, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đấu giá năm 2018 được đấu giá là 94.000 tấn.
Thứ ba, nguyên tắc đấu giá:
– Việc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2018 được thực hiện thông qua Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2018.
– Nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định về pháp luật bán đấu giá phù hợp với tính chất tài sản bán đấu giá.
Thứ ba, thủ tục nhập khẩu:
– Sau khi có Báo cáo kết quả đấu giá của Hội đồng đấu giá, Bộ Công Thương có văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho thương nhân trúng đấu giá.
– Khi làm thủ tục nhập khẩu đường, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, thương nhân nộp văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường của Bộ Công Thương với cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật hải quan.
Như vậy, so với năm 2017 thì lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được đấu giá năm 2018 tăng lên 4,5 tấn. Việc đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng này là phương thức tổ chức công khai, minh bạch, công bằng, phân bổ toàn bộ hạn ngạch nhập khẩu đường cho các doanh nghiệp.
Ngày 15/08/2018, Bộ công an ban hành Quyết định số 4513/QĐ-BCA-V03 Phê duyệt phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu và đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc trách nhiệm của Bộ Công an.Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2018.
Theo đó, Quyết định số 4513/QĐ-BCA-V03 có nội dung nổi bật là Đơn giản hóa các điều kiện để kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy, cụ thể:
– Điều kiện đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy: Cắt giảm hoặc đơn giản hoá điều kiện “Có địa điểm hoạt động; phương tiện, thiết bị, địa điểm bảo đảm thực hiện tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy”.
– Điều kiện đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy: Cắt giảm hoặc đơn giản hoá điều kiện “Có địa điểm hoạt động; phương tiện, thiết bị, địa điểm bảo đảm thực hiện tư vấn chuyển giao công nghệ; phương tiện, thiết bị phục vụ huấn luyện, địa điểm tổ chức huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy”.
– Điều kiện đối với doanh nghiệp, cơ sở thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy: Cắt giảm hoặc đơn giản hoá điều kiện “Có địa điểm hoạt động và cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, máy móc bảo đảm cho việc thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy”.
– Điều kiện đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy: Cắt giảm hoặc đơn giản hoá điều kiện “Có địa điểm hoạt động; có nhà xưởng, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy”.
– Điều kiện đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy: Cắt giảm hoặc đơn giản hoá điều kiện “Có địa điểm hoạt động và cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động kinh doanh kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy”.
Như vậy, Quyết định số 4513/QĐ-BCA-V03 của Bộ Công an đã nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong việc đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở mình, hạn chế sự can thiệp không cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.
Ngày 20/08/2018, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 21/2018/TT-BCT về việc sửa đổi một số điều của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công thương quy định về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/10/2018.
Theo đó, Thông tư số 21/2018/TT-BCT có một số điểm đáng lưu ý như sau:
– Bãi bỏ quy định về thông báo website thương mại điện tử bán hàng tại Điều 8 và đăng ký hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử tại Điều 21 Thông tư 47/2014/TT-BCT.
– Đối tượng phải đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (Điều 13), bao gồm tất cả thương nhân hoặc tổ chức có website cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ: sàn giao dịch thương mại điện tử, khuyến mại trực tuyến, đấu giá trực tuyến. Trước đó, tổ chức phải đăng ký website dịch vụ thương mại điện tử chỉ gồm tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại hoặc hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, so với quy định tại Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BCT (miễn thông báo đối với cá nhân không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh), Thông tư này cũng mở rộng phạm vi đối tượng phải thông báo ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động, bao gồm tất cả thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế có sở hữu ứng dụng bán hàng.
Có thể thấy, Thông tư số 21/2018/TT-BCT với các điểm mới nổi bật như trên được đánh giá là những điều chỉnh, thay đổi cần thiết, phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại điện tử hiện nay.
Ngày 13/08/2018, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 4753/TCHQ-GSQL về việc triển khai thí điểm Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thay thế Quyết định 1966/QĐ-TCHQ. Công văn này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, quy trình thủ tục hải quan mới sẽ được áp dụng thí điểm đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường biển tại Cục Hải quan Hải Phòng (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KVI).
Cục Hải quan Hà Nội thí điểm hai quy trình gồm: Quy trình quản lý hàng đầu tư, gia công, sản xuất xuất khẩu và Doang nghiệp chế xuất tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư gia công và Quy trình đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường không tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.
Tại các Cục Hải quan Lạng Sơn và Cục Hải quan An Giang sẽ thí điểm Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu đường bộ. Cụ thể:
– Cục Hải quan Lạng Sơn thực hiện Quy trình thủ tục đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, Chi cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng.
– Cục Hải quan An Giang thực hiện Quy trình giám sát đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường sông tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương.
Thời gian thí điểm dự kiến từ ngày 15/08/2018 đến hết ngày 17/08/2018 và có thể được thay đổi kéo dài, căn cứ theo tình hình thực tế khi triển khai thí điểm, để đảm bảo rà soát đầy đủ các vướng mắc phát sinh khi thực hiện.
Trong quá trình triển khai thí điểm, các nội dung liên quan đến Quy trình thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Quy trình xác định, kiểm tra xuất xứ hàng hóa; Quy trình kiểm tra ấn định thuế trong thông quan; Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng vận chuyển độc lập sẽ được áp dụng khi có thủ tục phát sinh. Để triển khai thí điểm thành công, Tổng cục Hải quan đã chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ về cơ sở pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện, đồng thời có sự phân công cụ thể đến từng cán bộ lãnh đạo, công chức thừa hành trong các đơn vị trong toàn ngành.
Bên cạnh đó, đối với các đơn vị hải quan không có tên trong đợt thực hiện thí điểm, Tổng cục Hải quan chỉ đạo cử cán bộ tham gia triển khai tại các đơn vị thực hiện.
Như vậy, thông qua Công văn số 4753/TCHQ-GSQL, Tổng cục Hải quan đã có những hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể về việc triển khai thí điểm quy trình thủ tục hải quan mới, qua đó sẽ có những đánh giá chính xác nhất về tính khả thi cũng như hiệu quả áp dụng nhằm chuẩn bị tốt cho công tác triển khai, áp dụng những quy trình thủ tục hải quan này trong giai đoạn tiếp theo.
Ngày 08/08/2018, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 4883/QĐ-BYT ban hành bổ sung danh mục các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện theo thông tư 15/2018/TT-BYT. Công văn này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Quyết định số 4883/QĐ-BYT của Bộ Y tế bổ sung thêm 256 dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp tương đương về kỹ thuật và giá đã có trong các quyết định ban hành danh mục kỹ thuật tương đương thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC nhưng còn thiếu trong Quyết định số 4442/QĐ-BYT ngày 13/07/2018.
Cụ thể, về nội khoa, tên dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43, 50, 21 là kỹ thuật Nong van động mạch chủ, song tên theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT là kỹ thuật chụp và can thiệp tim mạch (van tim, tim bẩm sinh, động mạch vành) dưới DSA, mã 02.0104.0054.
Đối với kỹ thuật truyền hóa chất tĩnh mạch, tên dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43, 50, 21, mã 12.368 là kỹ thuật truyền hóa chất tĩnh mạch, thể hiện ở Thông tư số 15/2018/TT-BYT là kỹ thuật truyền hóa chất tĩnh mạch (nội trú), mã 12.0368.2040; Kỹ thuật Nội soi thanh quản treo cắt hạt xơ (tên dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư 43, 50, 21, mã 3.995) thể hiện ở Thông tư số 15/2018/TT-BYT là kỹ thuật thủ thuật loại II (Tai mũi họng), mã 03.0995.1005; Kỹ thuật điện mãng châm điều trị viêm da thần kinh (tên dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43, 50, 21, mã 3.328) thể hiện ở Thông tư số 15/2018/TT-BYT là kỹ thuật Điện châm (có kim dài), mã 03.0328.2046.
Bên cạnh các nội dung trên, tại Quyết định số 4883/QĐ-BYT đính chính một số mã dịch vụ kỹ thuật như: Thay băng vết mổ chiều dài trên 15 – 30 cm; HIV Ag/Ab test nhanh; EV71 IgM/IgG test nhanh; Nội soi dạ dày làm Clo test và Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa (cắt ruột thừa, cắt ruột thừa + rửa bụng, cắt lại mỏm ruột thừa, điều trị áp xe ruột thừa trong ổ bụng).
Đồng thời, Quyết định số 4883/QĐ-BYT cũng quyết định hủy 09 mã tương đương không phù hợp như: Điện châm (có kim dài, điều trị rối loạn đại tiện, điều trị sa trực tràng, điều trị táo bón); Châm (có kim dài, hào châm, nhĩ châm); Xét nghiệm định tính một chỉ tiêu độc chất bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng; Phẫu thuật nong van động mạch chủ; Siêu âm + đo trục nhãn cầu; Nội soi tai hoặc mũi hoặc họng.
Ngoài ra, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh triển khai, thực hiện và xây dựng hệ thống quản lý danh mục và bảng giá các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Như vậy, thông qua Công văn số 4883/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã có những bổ sung mới danh mục các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp tương đương về kỹ thuật, qua đó góp phần hoàn thiện cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong công tác khám chữa bệnh, đảm bảo sự kịp thời, chính xác và minh bạch trong các hoạt động này.
Ngày 10/08/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, mục tiêu chung của Đề án là phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ, ngành và địa phương; xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
Đề án phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA); phát triển ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo lường các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 10.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho ít nhất 50.000 doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá quốc gia cho ít nhất 1.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lườn.
Đến năm 2030, Đề án phấn đấu phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận ít nhất 300 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA); phát triển ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo lường các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho ít nhất 20.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho ít nhất 100.000 doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá quốc gia cho ít nhất 2.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường.
Như vậy, có thể thấy, phê duyệt đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là rất kịp thời và thiết thực, điều này có ý nghĩa chiến lược trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập Quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam, thông qua đó góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Ngày 08/08/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 985/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/04/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Theo đó. Kế hoạch tập trung vào 4 nội dung chính như sau:
1. Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP;
2. Thành lập, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn và bố trí trụ sở, trang thiết bị của Bộ phận Một cửa các cấp;
3. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;
4. Tổ chức quán triệt, tập huấn, tuyên tuyền, phổ biến và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP và Kế hoạch này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ như sau:
– Chỉ đạo, ban hành Kế hoạch thực hiện nghị định 61/2018/NĐ-CP của Bộ, cơ quan, địa phương mình.
– Chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa theo hướng nâng cao tỷ lệ thực hiện tại chỗ việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả, bảo đảm tại Trung tâm phục vụ hành chính công thực hiện tại chỗ với tối thiểu 20% thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh hồ sơ; tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện tại chỗ đối tối thiểu 50% thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh hồ sơ.
Có thể thấy, việc ban hành Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 985/QĐ-TTg là cần thiết và kịp thời, qua đó đưa việc triển khai Nghị định 61/2018/NĐ-CP trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2018-2020, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, đúng mục tiêu, đúng tiến độ.