Ngày 22/08/2018, Bộ Xây dựng đã Ban hành Quyết định số 1155/QĐ-BXD về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung; thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15/09/2018.
Theo đó, Quyết định số 1155/QĐ-BXD đã bãi bỏ các thủ tục hành chính cấp Trung ương:
– Đăng tải thông tin về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng;
– Cấp/cấp lại/điểu chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ năng lực hạng I trong các lĩnh vực kiểm định xây dựng và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
– Cấp/cấp lại/điểu chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ hành nghề hạng I trong các lĩnh vực kiểm định xây dựng và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
Bên cạnh đó, Quyết định này cũng đã bãi bỏ các thủ tục hành chính cấp tỉnh sau đây:
– Cấp/cấp lại/điểu chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ năng lực hạng II, hạng III trong các lĩnh vực kiểm định xây dựng và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
– Cấp/cấp lại/nâng hạng/điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III trong các lĩnh vực kiểm định xây dựng và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Quyết định số 1155/QĐ-BXD được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế các thủ tục hành chính rườm rà, giảm bớt những khó khăn cho nhà đầu tư trong việc hoàn thiện các thủ tục hành chính, thúc đẩy và thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực xây dựng.
Ngày 22/08/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 18/2018/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 quy định về đơn thuốc và kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2018.
Theo đó, Thông tư số 18/2018/TT-BYT sẽ bỏ quy định phải ghi số chứng minh thư hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ trên đơn thuốc của trẻ dưới 06 tuổi. Thay vào đó là ghi số tuổi, cân nặng, tên bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ đưa trẻ đến khám. Từ ngày 15/10/2018, Bộ Y tế sẽ chính thức áp dụng mẫu đơn thuốc mới thay thế cho các đơn thuốc trước đây.
Bên canh đó, Thông tư này cũng quy định việc kê đơn thuốc gây nghiện phải do bác sĩ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh điều trị nội trú thực hiện. Số lượng thuốc mỗi lần kê đơn tối đa là 10 ngày. Đồng thời, khoa dược của các bệnh viện phải cung ứng thuốc gây nghiện cho người bệnh ngoại trú trong trường hợp trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có cơ sở bán thuốc gây nghiện.
Có thể thấy, Thông tư số 18/2018/TT-BYT được ban hành nhằm giảm thiểu những bất cập trong thực tiễn kê đơn và bán thuốc cho các bác sĩ cũng các bậc phụ huynh, thông qua đó quản lý tốt hơn các hoạt động này, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra rất phổ biến như hiện nay.
Ngày 23/08/2018, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong thời gian qua, hệ thống cung ứng và phân phối thuốc của Việt Nam đã phát triển rộng khắp đáp ứng yêu cầu cung cấp thuốc cho nhân dân.
Tuy nhiên, hoạt động cung ứng thuốc vẫn còn không ít bất cập, nổi bật là tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng; Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh không có đơn thuốc đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở mức độ đáng báo động.
Nguyên nhân của tình trạng này là công tác quản lý các cơ sở cung ứng thuốc chưa hiệu quả, chưa có công cụ hữu hiệu giúp cho người dân biết được thông tin, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thuốc, giá cả cũng như giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán thuốc trên thị trường.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm thống nhất quản lý nhà nước đối với hệ thống phân phối thuốc bảo đảm lợi ích người bệnh, người dân. Tổ chức triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc từ tháng 9/2018; trong năm 2018 hoàn thành đối với các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhà thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã; phấn đấu trong năm 2019 hoàn thành đối với quầy thuốc.
Cùng với việc triển khai các nội dung trên, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế hoàn thiện tài liệu hướng dẫn, tập huấn bằng văn bản hoặc video…, bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân liên quan được hướng dẫn cụ thể, chi tiết, không để bất cứ cơ sở nào không kết nối do không được tập huấn, hướng dẫn; Ban hành quy định về việc kê đơn thuốc điện tử đồng bộ với việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc để bảo đảm việc kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn; Thường xuyên tổng hợp, cập nhật và tăng cường phổ biến thông tin về sản phẩm thuốc, chỉ định, cách dùng, liều dùng, nguồn gốc xuất xứ và giá cả thông qua cơ sở dữ liệu thuốc quốc.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, tăng cường quản lý các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn và thực hiện việc kê đơn, bán thuốc theo đơn theo quy định; Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở về kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, tăng cường quản lý các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc, việc mua và sử dụng thuốc theo đơn; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kết nối và thực hiện kê đơn, mua bán thuốc theo đơn.
Có thể thấy, thông qua Chỉ thị số 23/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hướng dẫn cụ thể vào chi tiết nhằm nâng cao công tác quản lý các cơ sở cung ứng thuốc, thông qua đó tăng cường triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc, đồng thời xây dựng những công cụ hữu hiệu giúp cho người dân biết được thông tin, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thuốc, giá cả cũng như giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán thuốc trên thị trường.
Ngày 28/08/2018, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã ban hành Quyết định số 336/QĐ-UBQGCPĐT ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Quyết định số 336/QĐ-UBQGCPĐT có những nội dung nội bật đáng chú ý cụ thể như sau:
1. Về nguyên tắc hoạt động:
Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và do Chủ tịch Ủy ban quyết định; Ủy ban và thành viên Ủy ban không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Ủy ban trong hoạt động của Ủy ban và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Các thành viên Ủy ban chủ động giải quyết công việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Ủy ban họp định kỳ một quý một lần.
Ngoài ra, các thành viên Ủy ban và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban định kỳ hoặc đột xuất làm việc với Ủy viên Ủy ban, Tổ công tác để nghe báo cáo tình hình và chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Ủy ban; các Ủy viên Ủy ban được quyền giao đơn vị đầu mối chủ trì và huy động đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị mình trong thực thi nhiệm vụ được Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban giao.
2. Về trách nhiệm của người đứng đầu:
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt các nội dung chỉ đạo của Ủy ban để đôn đốc, triển khai thực hiện xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử thuộc cơ quan, ngành, lĩnh vực mình phụ trách và chịu sự giám sát, kiểm tra của Ủy ban về việc thực hiện các nội dung này.
Phối hợp với Tổ công tác đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách và giải pháp thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử. Chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương mình phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ được giao.
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được giao; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định và yêu cầu của Ủy ban.
Có thể thấy, việc ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử được kỳ vọng sẽ góp phần định hướng cơ chế hoạt động của Ủy ban, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Ngày 28/08/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1072/QĐ-Ttg về thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử nhằm đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/08/2018.
Theo đó, Quyết định số 1072/QĐ-Ttg ban hành hướng dẫn thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam nội dung chi tiết như sau:
1. Chức năng của ủy ban: Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam
2. Tổ chức hoạt động của ủy ban: Thành lập Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban (sau đây gọi tắt là Tổ công tác) đặt tại Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký Ủy ban làm Tổ trưởng; Tổ phó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ
Như vậy, Quyết định số 1072/QĐ-Ttg ban hành trong giai đoạn hiện nay nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Ngày 16/07/2018 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 59/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2018.
Theo đó, Thông tư số 59/2018/TT-BTC ban hành hướng dẫn chi tiết việc ghi tăng và giảm vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp chi tiết như sau:
1. Doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động thực hiện ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (vốn đầu tư của chủ sở hữu) và thực hiện điều chỉnh lại mức vốn điều lệ trong giấy đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Sử dụng nguồn Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp để bổ sung vốn điều lệ. Doanh nghiệp căn cứ phương án bổ sung vốn điều lệ hoặc quyết định bổ sung vốn điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để hạch toán tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu
2. Đối với doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giảm vốn điều lệ: Cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ tình hình thực tế hoạt động của doanh nghiệp, sự cần thiết phải giảm quy mô hoạt động của doanh nghiệp, nguyên tắc xác định vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP để xác định vốn điều lệ giảm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý giá trị vốn điều lệ giảm.
Như vậy, Thông tư số 59/2018/TT-BTC ban hành nhằm hướng dẫn chi tiết một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và vấn đề quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp nhà nước nhằm tránh tình trạng chuyển nhượng vốn không hợp lý trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 23/08/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2018,
Theo đó, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã quy định nội dung mới nổi bật liên quan đến việc thủ tục đăng ký doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Thứ hai, trường hợp người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp thì văn bản ủy quyền đó không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
Thứ ba, hộ kinh doanh cá thể có thể chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp. Thủ tục này sẽ được thực hiện tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, Phòng đăng ký kinh doanh có trách nhiệm liên kết/liên hệ với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh để hoàn tất thủ tục.
Thứ tư, doanh nghiệp có quyền lập địa điểm kinh doanh ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính và không bắt buộc hộ kinh doanh chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh như trước đây.
Thứ năm, trường hợp thực hiện thủ tục thông báo mẫu dấu qua mạng điện tử, doanh nghiệp không phải nộp hồ sơ thông báo mẫu dấu bằng bản giấy đến Phòng Đăng ký kinh doanh.
Thứ sáu, Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập (do cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp) trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.
Như vậy, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã sửa đổi và quy định chi tiết một số nội dung về đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt là đối với những quy định mà trước đây còn đang chưa rõ ràng, không thống nhất gây khó khăn trong việc áp dụng giữa cơ quan có thẩm quyền với doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục này.
Ngày 16/08/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ- CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/05/ 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/08/2018.
Theo đó, Nghị quyết số 107/NQ- CP ban hành với mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường với mục tiêu cụ thể như sau:
– Đến năm 2021: thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
– Đến năm 2025: thực hiện nâng mức tiền lương của khu vực công; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Có thể thấy, Nghị quyết số 107/NQ- CP được ban hành nhằm tạo điều kiện đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.