Ngày 17/09/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Nghị định 123/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện sản xuất đối với tổ chức sản xuất thuốc bảo vệ thực vật như sau:
– Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất có trình độ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành hóa học, bảo vệ thực vật, sinh học, nông học; người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải được huấn luyện, bồi dưỡng về chuyên môn, kiến thức về thuốc bảo vệ thực vật;
– Nhà xưởng, kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật phải được bố trí trong khu công nghiệp và đảm bảo yêu cầu cảu Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm – Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển;
– Thiết bị, dây chuyền sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật, sản xuất thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật và đóng gói thuốc bảo vệ thực vật phải đáp ứng quy trình, công nghệ sản xuất và đạt yêu cầu về an toàn theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm – Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển;
– Hệ thống xử lý chất thải rắn, khí thải, nước thải phải đáp ứng quy định pháp luật và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
– Có phòng thử nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm đã được đăng ký, chỉ định theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trường hợp không có phòng thử nghiệm thì phải có hợp đồng kiểm tra chất lượng với phòng thử nghiệm đã được đăng ký, chỉ định theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng;
– Cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải có hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương do các tổ chức chứng nhận đã được đăng ký theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp cấp.
Có thể thấy, Nghị định số 123/2018/NĐ-CP đã có những hướng dẫn chi tiết và cụ thể về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó giúp các nhà đầu tư có những sự chuẩn bị tốt nhất cho hoạt động đầu tư của mình, đồng thời góp phần tăng cường sự hiệu quả của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Ngày 08/08/2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BXD quy định chế độ báo cáo thống kê ngành xây dựng. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 25/9/2018.
Theo đó, nội dung chế độ báo cáo thống kê ngành Xây dựng đã thay đổi như sau:
– Chế độ báo cáo gồm: hệ thống biểu mẫu báo cáo thống kê (Phụ lục I), biểu mẫu báo cáo và giải thích biểu mẫu báo cáo thống kê (Phụ lục II);
Số biểu mẫu báo cáo theo quy định mới đã giảm đi 05 biểu mẫu so với quy định hiện hành và nay chỉ còn 13 biểu mẫu được đánh số thứ tự từ 01/BCĐP đến 13/BCĐP.
Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đơn vị gửi báo cáo, còn Bộ Xây dựng là cơ quan nhận báo cáo được ghi cụ thể tại góc trên bên phải của từng biểu mẫu thống kê.
– Kỳ báo cáo thống kê được quy định trong biểu mẫu báo cáo thống kê và được tính theo ngày dương lịch gồm:
+ Báo cáo thống kê 6 tháng: được tính bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 cho đến ngày cuối cùng của tháng 6 của kỳ báo cáo thống kê.
+ Báo cáo thống kê năm: được tính bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 cho đến ngày cuối cùng của tháng 12 của kỳ báo cáo thống kê.
Như vậy, kỳ báo cáo mới đã bỏ chế độ báo cáo thống kê định kỳ theo tháng, quý và cũng sửa đổi thời gian báo cáo thống kê 6 tháng, năm.
– Thời hạn báo cáo: được ghi tại góc trên bên trái của biểu mẫu thống kê;
– Hình thức báo cáo: bằng văn bản giấy có chữ ký, đóng dấu của thủ trưởng đơn vị và qua hệ thống báo cáo điện tử.
Có thể thấy, với các thay đổi chi tiết và cụ thể, Thông tư số 07/2018/TT-BXD được kỳ vọng sẽ góp phần giúp hoạt động thực hiện chế độ báo cáo của các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc được đảm bảo chính xác, nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Ngày 08/08/2018 , Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 70/2018/TT-BTC về việc Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/09/2018.
Theo đó, mức chi Ngân sách Nhà nước để thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020 được thực hiện theo chế độ chi tiêu hiện hành, cụ thể là điều chỉnh các khoản chi ngân sách như sau:
– Xây dựng các chương trình môn học, đưa nội dung liên quan tới biến đổi khí hậu vào môi trường giáo dục;
– Nâng cao trình độ nghiệp vụ của các cán bộ phụ trách về biến đổi khí hậu;
– Xây dựng chương trình khảo sát, đo đạc, cập nhật ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới Việt Nam;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu;
– Tăng cường chi phí tổ chức các hội nghị, hoạt động tuyên truyền liên quan tới biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Thông tư số 70/2018/TT-BTC cũng hướng dẫn thêm một số mức chi cụ thể như sau:
– Chi xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ: Theo quy định tại Thông tư 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009;
– Chi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ: Theo quy định tại Thông tư 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018;
– Chi điều tra, khảo sát: Theo quy định tại Thông tư 109/2016/TT-BTC ngày 30/06/2016;
– Chi công tác phí, hội nghị: Theo quy định tại Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017;
– Chi tạo lập thông tin, cơ sở dữ liệu: Theo quy định tại Thông tư 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012.
Có thể thấy, những điều chỉnh tại Thông tư số 70/2018/TT-BTC nhằm mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tình trạng biến đổi khí hậu, đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu cũng như nâng cao nhận thức của người dân về tác động của biến đổi khí hậu, góp phần hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Ngày 14/09/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 23/2018/TT-NHNN quy định về tổ chức lại, thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản của Quỹ tín dụng nhân dân. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018.
Theo Thông tư số 23/2018/TT-NHNN, Quỹ tín dụng nhân dân (sau đây viết tắt là “QTDND”) có thể được tổ chức lại dưới các hình thức sau: Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập. Việc tổ chức lại quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện trên cơ sở phương án tổ chức lại được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phê duyệt phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo đó, Thông tư quy định việc chuyển nhượng, mua bán tài sản trong quá trình tổ chức lại QTDND phải đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên, đảm bảo an toàn tài sản và không ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên. QTDND sau khi tổ chức lại kế thừa quyền và nghĩa vụ của QTDND trước đó theo quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa các bên.
Cùng với đó, thời hạn thanh lý là 12 tháng kể từ ngày quyết định chấp thuận giải thể quỹ tín dụng nhân dân của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có hiệu lực. Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện cho QTDND thực hiện thanh lý tài sản đạt hiệu quả cao nhất, thời hạn thanh lý có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 12 tháng.
Nhưng ngược lại trách nhiệm Hội đồng thanh lý cần nâng cao hơn để đảm bảo thực hiện theo phương án được NHNN chi nhánh phê duyệt, tìm mọi biện pháp để thu hồi nợ và các tài sản của QTDND. Mọi khoản thu của QTDND phải được sử dụng để thanh toán cho các chủ nợ theo quy định…
Ngoài ra, Thông tư số 23/2018/TT-NHNN cũng đưa ra 7 trường hợp có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động, bao gồm:
– QTDND tự nguyện xin giải thể khi có khả năng thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác;
– Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép QTDND có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp Giấy phép;
– QTDND hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép.
-QTDND vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.
– QTDND không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của Ngân hàng nhà nước chi nhánh để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.
– QTDND bị chia, sáp nhập, hợp nhất, phá sản.
– QTDND hết thời hạn hoạt động không xin gia hạn hoặc xin gia hạn nhưng không được NHNN chi nhánh chấp thuận bằng văn bản.
Như vậy, Thông tư số 23/2018/TT-NHNN với các quy định cụ thể về việc tổ chức lại Quỹ tín dụng nhân dân được đánh giá là sẽ góp phần không nhỏ trong việc tăng cường sức mạnh của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, nhằm thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 13/09/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 121/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018
Theo đó, Nghị định số 121/2018/NĐ-CP quy định về nội dung mới nổi bật liên quan đến nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương và định mức lao động, cụ thể:
Nếu như theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP trước đây thì mọi doanh nghiệp có nghĩa vụ tổ chức xây dựng hoặc rà soát sửa đổi bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động và gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra theo quy định.
Tuy nhiên, kể từ ngày 01/11/2018 theo quy định của Nghị định số 121/2018/NĐ-CP thì quy định này chỉ còn áp dụng với các doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên. Đối với các doanh nghiệp nhỏ sử dụng dưới 10 (mười) người lao động sẽ được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy rằng, các quy định của pháp luật hiện nay ngày càng có xu hướng hỗ trợ, giảm thiểu và đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ.
Ngày 08/08/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 69/2018/TT-BTC hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước không đủ điều kiện cổ phần hóa theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 thông qua xử lý nợ để chuyển thành công ty cổ phần. Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2018.
Theo đó, phương án tái cơ cấu được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp tái cơ cấu với công ty mua bán nợ hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu. Công ty Mua bán nợ được quyền chủ động đàm phán mua nợ với các chủ nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với việc bán cổ phần lần đầu, doanh nghiệp tái cơ cấu thực hiện trình tự, thủ tục, phương thức bán và giá bán cổ phần lần đầu theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 40/2018/TT-BTC. Trong đó, căn cứ quy định tại điểm d Khoản 1 và Khoản 3 Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định giá bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp tái cơ cấu không thấp hơn 60% mệnh giá cổ phần.
Công ty mua bán nợ chỉ quyết định mua nợ sau khi đã thỏa thuận, thống nhất với cơ quan đại diện chủ sở hữu và có kết quả đàm phán mua nợ với các chủ nợ của doanh nghiệp tái cơ cấu.
Đối với việc xử lý tài chính doanh nghiệp tái cơ cấu, doanh nghiệp tái cơ cấu thực hiện xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 41/2018/TT-BTC. Trường hợp xử lý tài chính theo phương án tái cơ cấu, việc xử lý tài phải gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.
Công ty mua bán nợ và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp được chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo nguyên tắc thỏa thuận và được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt trong phương án tái cơ cấu. Đối với số cổ phần không bán hết, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện xử lý theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 40/2018/TT-BTC.
Về chính sách đối với người lao động dôi dư trong doanh nghiệp tái cơ cấu, thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa. Kinh phí sẽ được thực hiện theo nguyên tắc toàn bộ tiền thu từ bán cổ phần sau khi trừ tổng mệnh giá cổ phần đã bán được sử dụng để chi trả cho người lao động dôi dư.
Thông tư số 69/2018/TT-BTC được ban hành nhằm tháo gỡ vướng mắc tồn tại, nâng cao hiệu quả của hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không đủ điều kiện cổ phần hóa.
Ngày 07/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2018.
Theo đó, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP có những nội dung mới đáng chú ý cụ thể như sau:
Thứ nhất, xác định cụ thể chủ thể đứng tên hợp đồng vay vốn ngân hàng của hộ kinh doanh, cụ thể như sau:
– Vì hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân khi tham gia giao dịch vay vốn, do đó, các thành viên của hộ kinh doanh là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn hoặc;
– Các thành viên có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn này, việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
– Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ vay vốn biết;
– Trường hợp thành viên của hộ kinh doanh không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ vay vốn do mình xác lập, thực hiện.
Thứ hai, tăng mức vay đối với cá nhân, hộ gia đình được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm, cụ thể:
– Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (trừ trường hợp nêu tại điểm c khoản 2 Điều này);
– Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn
Thứ ba, tăng cường chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:
– Dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án;
– Doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.
Như vậy, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP đã quy định nhiều chính sách tín dụng ưu đãi để thúc đẩy hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngày 31/07/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2018/QĐ-TTg quy định trình tự, thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ; phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2018.
Theo đó, hồ sơ đề nghị xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ bao gồm:
– Văn bản đề nghị xác nhận;
– Thuyết minh về hàng hóa thuộc Danh mục hoặc đáp ứng tiêu chí theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoặc đổi mới công nghệ;
– Hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng ủy thác (bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu) hoặc các tài liệu khác liên quan để xác định giao dịch mua bán, nhập khẩu;
– Các giấy tờ khác như:
+ Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu): Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (nếu có);
+ Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ (đối với trường hợp đề nghị xác nhận hàng hóa là máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ);
+ Danh mục máy móc, thiết bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc dự án đầu tư đổi mới công nghệ (đối với trường hợp đề nghị xác nhận hàng hóa là máy móc, thiết bị chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho đổi mới công nghệ).
Về trình tự, thủ tục xác nhận, tổ chức, cá nhân lập một bộ hồ sơ theo quy định nêu trên gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về UBND tỉnh, thành phố nơi có dự án, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoặc về bộ chủ quản dự án, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Nếu hồ sơ không hợp lệ, cần bổ sung hoặc sửa đổi, tổ chức, cá nhân sẽ nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản trả lời về việc xác định rõ danh mục hàng hóa trực tiếp sử dụng hoặc văn bản từ chối xác nhận cho tổ chức, cá nhân.
Có thể thấy, Quyết định số 30/2018/QĐ-TTg đã có những hướng dẫn chi tiết và cụ thể về thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng cho đổi mới công nghệ, qua đó, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục này được thuận lợi, chính xác và nhanh chóng, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực này.
Ngày 30/07/2018, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT quy định Danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2018.
Theo đó, Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, thiết kế, thi công, xây dựng các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải. Tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
Kèm theo Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn với tổng số 194 loại. Cụ thể:
– Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận trước khi thông quan (đối với hàng hóa nhập khẩu) và trước khi đưa ra thị trường (đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp) gồm có 31 loại sản phẩm, hàng hóa, bao gồm:
+ Lĩnh vực phương tiện giao thông đường bộ: Ô tô, rơ moóc và sơ mi rơ moóc (15 loại); xe mô tô (01 loại), xe máy chuyên dùng (11 loại);
+ Lĩnh vực đường sắt: 04 loại.
Đối với 31 sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục này nếu nhập khẩu phải được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trước khi thông quan. Đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước phải được chứng nhận, công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trước khi đưa ra thị trường.
– Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận hoặc công bố hợp chuẩn hợp quy gồm có 163 loại sản phẩm, hàng hóa, bao gồm:
+ Lĩnh vực phương tiện giao thông đường bộ, phụ tùng, bao gồm: ô tô, rơ moóc và sơ mi rơ moóc (20 loại); xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và xe đạp máy (04 loại); xe bốn bánh có gắng động cơ (01 loại); xe máy chuyên dùng (26 loại); phụ tùng (18 loại);
+ Lĩnh vực phương tiện, thiết bị thăm dò khai thác dầu khí biển (04 loại), trong đó có giàn cố định trên biển, khó chửa nổi, giàn di động, hệ thống đường ống biển, phao neo dầu khí;
+ Lĩnh vực biển (04 loại), trong đó có tàu thủy chở khách, du thuyền, phà, tàu thủy chở hàng, xà lan…, tàu kéo, tàu đẩy, tàu đèn hiệu, tàu cứu hộ…tàu thuyền khác…;
+ Lĩnh vực phương tiện thủy nội địa (04 loại) như: tàu thủy chở khách, du thuyền, phà, tàu thủy chở hàng, xà lan, tàu kéo, tàu đẩy…;
+ Lĩnh vực hạ tầng thủy nội địa (01 loại) gồm cầu kiện nổi khác ( bè mảng, thùng chứa chất lỏng, cầu lên bở, các loại phao nổi và mốc hiệu…);
+ Lĩnh vực đường sắt (08 loại), trong đó có phương tiện chuyên dùng, toa xe hành lý, toa xe bưu vụ, toa xe hàng ăn…;
+ Lĩnh vực sản phẩm công nghiệp dùng trong giao thông vận tải và phương tiện thăm dò khai thác trên biển (73 loại), đơn cử như: kính cho tàu thủy và thiết bị thăm dò, khai thác dầu khí biển, tổ hợp máy phát dưới 50 kVA, máy phát dưới 50 kVA, biến áp dưới 50 kVA, nhựa, cao su…
Đối với 163 sản phẩm, hàng hóa nêu trên, nếu nhập khẩu phải có chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Thời điểm kiểm tra, chứng nhận được thực hiện sau khi thông quan và trước khi đưa ra thị trường. Đối với sản phẩm trong nước phải được chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trước khi đưa ra thị trường.
Việc áp mã số HS được xác định từ thời điểm ngày 15/09/2018. Đối với hàng hóa nhập khẩu là ngày mở tờ khai Hải quan hoặc ngày cập cảng, ngày về đến cửa khẩu Việt Nam. Đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước là ngày xuất xưởng.
Như vậy, có thể thấy, Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT được ban hành sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, đồng thời góp phần tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.