Ngày 28/08/2018, Ngân hàng Nhà Nước đã ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lí ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 12/10/2018.
Theo đó, Ngân hàng Nhà Nước thực hiện việc cấp phép cho các Ngân Hàng được đặt chi nhánh tại biên giới Việt Trung. Tại các chi nhánh này thương nhân, cư dân Việt Nam cũng như Trung Quốc có thể thực hiện việc lập tài khoản, rút tiền, gửi tiền, thanh toán và các hoạt động ngân hàng khác bằng cả VNĐ và CYN để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, trao đổi hàng hóa của mình. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà Nước cho phép các chi nhánh tại biên giới được thực hiện thỏa thuận với Ngân hàng phía Trung Quốc về thực hiện việc ủy thác thanh toán phục vụ hoạt động thương mại tại khu vực biên giới.
Như vậy, với việc Thông tư số 19/2018/TT-NHNN được ban hành, cư dân, thương nhân hai nước Việt Nam, Trung Quốc tại khu vực biên giới đã có thể thực hiện việc thanh toán một cách nhanh chóng, thuận lợi hơn, đồng thời cũng giảm thất thu thuế và tăng cường công tác quản lí ngoại hối, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.
Ngày 09/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2018/NĐ-CP hướng dẫn một số quy định về vấn sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Nghị định số 142/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất phim, cụ thể như sau:
Nếu như trước đây, doanh nghiệp muốn kinh doanh sản xuất phim cần đáp ứng điều kiện tiên quyết về vốn pháp định, theo đó mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp cần đảm bảo là 01 tỷ đồng Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ ngày 09/10/2018 khi Nghị định số 142/2018/NĐ-CP có hiệu lực thì doanh nghiệp sẽ chỉ cần đáp ứng mức vốn pháp định là 200 triệu đồng Việt Nam. Như vậy, mức vốn pháp định đối với hoạt động sản xuất phim đã được điều chỉnh giảm so với trước đây.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào các văn bản sau để xác định doanh nghiệp đã đáp ứng được mức vốn pháp định là:
– Quyết định giao vốn của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một hoặc hai thành viên mà chủ sở hữu là một tổ chức;
– Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần hoặc của các thành viên sáng lập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên;
– Bản đăng ký vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh và đối với công ty trách nhiệm hữu hạn mà chủ sở hữu là cá nhân.
Có thể thấy rằng quy định của pháp luật ngày càng có những chính sách nới lỏng trong điều kiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc quy định giảm vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh sản xuất phim đã tạo điều kiện cho các đơn vị mới thành lập/hoạt động trong lĩnh vực này, góp phần khuyến khích lĩnh vực kinh doanh này trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 12/10/2018, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 6010/TCHQ-TXNK trả lời công văn số 26092018/GETECH ngày 26/09/2018 của Công ty TNHH Getech Việt Nam, công văn số 2609/18/JS-HQVP ngày 26/09/2018 của Công ty TNHH Jinsung IND Vina (gọi tắt là Công ty) đề nghị hướng dẫn về chính sách thuế hàng hóa nhập khẩu để xây dựng nhà xưởng của doanh nghiệp chế xuất (DNCX). Công văn này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Công văn số 6010/TCHQ-TXNK có những nội dung đáng chú ý, cụ thể như sau:
1. Về thuế nhập khẩu
Căn cứ khoản 4 Điều 2 Luật thuế XNK số 107/2016/QH13 thì: Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác không thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Theo đó, các doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng hóa để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, lắp đặt thiết bị cho: doanh nghiệp chế xuất được vận chuyển thẳng vào doanh nghiệp chế xuất thì không phải kê khai, nộp thuế nhập khẩu.
2. Về thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Căn cứ khoản 20 Điều 5 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12; khoản 20 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định hàng hóa mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Như vậy, trường hợp doanh nghiệp trong khu phi thuế quan nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thì hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Trường hợp doanh nghiệp nội địa, khi nhập khẩu hàng hóa để xây dựng nhà xưởng cho DNCX thì phải kê khai, nộp thuế GTGT, khi xuất khẩu hàng hóa vào doanh nghiệp chế xuất được áp dụng thuế GTGT 0% và được kê khai, khấu trừ, hoàn thuế theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính.
Có hể thấy, nội dung trả lời của Tổng cục Hải quan tại Công văn số 6010/TCHQ-TXNK ngày 12/10/2018 nêu trên không chỉ giải đáp kịp thời cho vướng mắc của Công ty TNHH Getech Việt Nam, Công ty TNHH Jinsung IND Vina mà còn có giá trị tham khảo, áp dụng đối với các doanh nghiệp gặp tình huống tương tự.
Ngày 09/10/2018, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi và bãi bỏ một số quy định liên quan đến hoạt động Karaoke, cụ thể như sau:
Thứ nhất, bãi bỏ một số khoản liên quan đến điều kiện kinh doanh Karaoke:
Cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ phòng;
Địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử – văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên;
Phù hợp với quy hoạch về karaoke được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ hai, bãi bỏ một số quy định liên quan đến trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh karaoke:
Đảm bảo ánh sáng trong phòng trên 10 Lux tương đương 01 bóng đèn sợi đốt 40W cho 20m2;
Đảm bảo âm thanh vang ra ngoài phòng karaoke không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép;
Không được bán rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng karaoke;
Đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ.
Như vậy, bằng việc ban hành Nghị định số 142/2018/NĐ-CP, Chính phủ đã phần nào đã nới rộng điều kiện kinh doanh loại hình dịch vụ cho hoạt động Karaoke nói riêng và các loại hình dịch vụ khác nói chung thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Có thể thấy, sự điều chỉnh lần này một mặt nhằm bãi bỏ những quy định cứng nhắc, sao cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời cũng tạo ra một tâm lý thoải mái khi tiến hành hoạt động kinh doanh cũng như sử dụng dịch vụ.
Ngày 11/10/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BTC ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương giai đoạn 2019-2020. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ban hành.
Theo đó, Quyết định số 3720/QĐ-BTC ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương với các tiêu chí và nguyên tắc như sau:
1. Về tiêu chí
– Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành;
– Yêu cầu của quản lý nhà nước và đánh giá hiệu quả của việc quản lý nhà nước đối với các điều kiện đầu tư kinh doanh;
– Thực tiễn hoạt động trong thời gian qua;
– Những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện;
– Phù hợp với các cam kết quốc tế.
2. Về nguyên tắc:
– Tiếp tục rà soát các ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;
– Thực hiện rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh theo các nguyên tắc của Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ngày 20 tháng 9 năm 2017;
– Rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh giai đoạn 2019-2020.
Có thể thấy, với những tiêu chí và nguyên tắc kể trên, Bộ Công thương đang cố gắng quyết tâm đẩy mạnh việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, qua đó giảm thiểu áp lực cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia kinh doanh doanh sản xuất trong các ngành nghề thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương, đồng thời qua đó giảm thiểu các thủ tục hành chính không còn phù hợp trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Ngày 04/09/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2018.
Theo đó, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định cụ thể về mức xử phạt vi phạm quy định về đăng ký bản công bố sản phẩm. Chi tiết như sau:
1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các hành vi sau đây:
– Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với mức quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật tương ứng hoặc mức công bố hoặc mức ghi trên nhãn đối với sản phẩm không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm;
– Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu tạo nên công dụng của sản phẩm không phù hợp với mức công bố hoặc mức ghi trên nhãn đối với sản phẩm không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm mà chưa đến mức là hàng giả theo quy định của pháp luật.
2. Phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật trong sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm mà không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.
3. Hình thức phạt bổ sung
– Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, nhập khẩu thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng;
– Buộc thu hồi thực phẩm;
– Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế; buộc tiêu hủy thực phẩm.
Bên cạnh đó, Nghị định đã quy định cụ thể về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Có thể thấy, Nghị định có hiệu lực sẽ giúp cho việc áp dụng quy định pháp luật của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không gặp vướng mắc. Đồng thời, bằng các chế tài cụ thể áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, Nghị định này được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân khi giảm thiểu các loại thực phẩm gây hại trên thị trường.
Ngày 08/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2018.
Theo đó, Nghị định số 141/2018/NĐ-CP có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
1. Tăng mức phạt hành vi bán hàng đa cấp bất chính
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó; từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng; cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ mua lại hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định ở trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
2. Bổ sung mức phạt đối với hành vi bán hàng đa cấp của tổ chức chưa có giấy phép
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị phạt ; từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Đồng thời, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thu lợi bất chính đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác đến dưới 500 triệu đồng.
Có thể thấy, Nghị định số 141/2018/NĐ-CP với các quy định bổ sung và gia tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bán hàng đa cấp là rất cần thiết, mang tính răn đe mạnh mẽ đối với các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực này, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngày 20/08/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 21/2018/TT-BCT sửa đổi một số điều của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/10/2018.
Theo đó, Thông tư số 21/2018/TT-BCT đã đưa ra nhiều thay đổi quan trọng như sau:
– Bãi bỏ Điều 8, Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về đối tượng thông báo website thương mại điện tử bán hàng. Sự điều chỉnh này nhằm mục đích xóa bỏ tâm lý e ngại với thủ tục ở một số đối tượng kinh doanh;
– Điều 13 Thông tư số 47/2014/TT-BCT được sửa đổi thành “Đối tượng đăng ký là thương nhân hoặc tổ chức có website thương mại điện tử trên đó cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ: Dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử; Dịch vụ khuyến mại trực tuyến; Dịch vụ đấu giá trực tuyến”;
– Bãi bỏ Điều 21 Thông tư số 47/2014/TT-BCT, quy định về đối tượng đăng ký hoạt động đánh giá tín nhiệm về website thương mại điện tử;
– Sửa đổi Điều 10 Thông tư số 59/2015/TT-BCT thành “Đối tượng thông báo là chủ sở hữu ứng dụng bán hàng, bao gồm: thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân”;
– Điều 13 Thông tư số 59/2015/TT-BCT được sửa đổi thành “Đối tượng đăng ký là thương nhân hoặc tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này”.
Như vậy, Thông tư số 21/2018/TT-BTC đã có những sửa đổi quan trọng liên quan đến việc quản lý hoạt động thương mại điện tử nói chung. Sự sửa đổi lần này, hướng chủ yếu đến việc loại bỏ một số thủ tục không cần thiết, nhằm tạo ra một tâm lý thoải mái, đối với những cá nhân, tổ chức có sở hữu website hoặc ứng dụng liên quan đến hoạt động thương mại điện tử hướng tới kích thích sự phát triển của nền kinh tế theo hướng hiện đại, đa dạng.
Ngày 05/10/2018, Tổng Cục Hải Quan đã ban hành Công văn số 5826/TCHQ-TXNK hướng dẫn một số quy định về vấn đề xử lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ. Công văn này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Công văn số 5826/TCHQ-TXNK đã hướng dẫn chi tiết vấn đề xử lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp hiện nay, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về xử lý thuế đối với doanh nghiệp chế xuất nằm ngoài khu chế xuất: Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 để xác định chính sách ưu đãi thuế ưu đãi, chính sách hoàn thuế nhập khẩu đã nộp, chính sách miễn thuế nhập khẩu, trường hợp không chịu thuế đối với các doanh nghiệp doanh nghiệp chế xuất (DNCX) không nằm trong khu chế xuất, doanh nghiệp nội địa xuất bán hàng hóa cho DNCX, doanh nghiệp đã nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm cho DNCX, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa để sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thực tế đã xuất khẩu sản phẩm cho DNCX, các DNCX không nằm trong khu chế xuất thực hiện mua bán hàng hóa với nhau.
Cơ quan hải quan căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền để xác định có hay không là DNCX làm cơ sở xác định đối tượng được hưởng chính sách thuế của khu phi thuế quan.
Thứ hai, xử lý thuế đối với doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa theo loại hình sản xuất xuất khẩu sau đó xuất khẩu sản phẩm theo loại hình XNK tại chỗ thì:
Căn cứ các quy định Khoản 1, khoản 2 Điều 28 Luật Thương mại số 36/2005/QH11; Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Khoản 3 Điều 33 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP; Điều 133 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Từ ngày 01/9/2016, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sau đó bán sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài nhưng được thương nhân nước ngoài chỉ định giao hàng cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam thì không được miễn thuế theo quy định;
Trường hợp doanh nghiệp đã được miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu nhưng sau đó xuất khẩu sản phẩm theo loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ thì cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế, tính tiền chậm nộp và xử lý phạt vi phạm hành chính theo quy định. Căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế và biểu thuế thực hiện theo quy định tại Chương II Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
Có thể thấy, các doanh nghiệp hiện nay còn rất lúng túng trong việc áp dụng các quy định của pháp luật về chính sách thuế trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa. Những hướng dẫn cụ thể, chi tiết của Tổng Cục Hải quan là cơ sở để các doanh nghiệp nắm bắt và áp dụng chính xác hơn các nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp mình trong quá trình thực hiện thông quan.