Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Quy định mới về thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của bộ y tế
Trả lời

Ngày 14/09/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 23/2018/TT-BYT quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2018.
Theo đó, Thông tư số 23/2018/TT-BYT có các nội dung chính như sau:
1. Thực phẩm không bảo đảm an toàn có thể bị thu hồi theo 2 hình thức sau:
– Thu hồi tự nguyện là việc thu hồi sản phẩm do tổ chức, cá nhân đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm (sau đây gọi tắt là chủ sản phẩm), tự nguyện thực hiện khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ảnh của tổ chức, cá nhân về sản phẩm không bảo đảm an toàn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và không thuộc trường hợp thu hồi bắt buộc.
– Thu hồi bắt buộc là việc chủ sản phẩm thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền sau đây: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố hoặc cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm); Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
2. Sản phẩm phải thu hồi được xử lý theo một trong các hình thức sau:
– Khắc phục lỗi ghi nhãn: áp dụng đối với trường hợp sản phẩm vi phạm về ghi nhãn so với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm;
– Chuyển mục đích sử dụng: áp dụng đối với trường hợp sản phẩm vi phạm có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng không sử dụng được trong thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào lĩnh vực khác;
– Tái xuất: áp dụng đối với trường hợp sản phẩm nhập khẩu có chất lượng, mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng;
– Tiêu hủy: áp dụng đối với trường hợp sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng hoặc mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất theo quy định trên.
Có thể thấy, Thông tư số 23/2018/TT-BYT được ban hành sẽ tạo ra cơ chế rõ ràng, cụ thể trong việc thu hồi và xử lý các thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, khắc phục những điểm bất cập tồn tại trong thời gian qua.

Quy định mới về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Trả lời

Ngày 11/08/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2018/NĐ-CP quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2018.
Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phải đảm bảo nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng, cụ thể tại Điều 4, Nghị định 117/2018/CP-NĐ nêu rõ:
– Thông tin khách hàng phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan;
– Không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng khi truy cập các dịch vụ ngân hàng, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng đó;
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu đối với thông tin khách hàng, hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, việc giao nhận thông tin khách hàng.
Bên cạnh đó, Nghị định số 117/2018/NĐ-CP cũng quy định các trường hợp cung cấp thông tin khách hàng. Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức khác, cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng được quy định cụ thể tại bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; có chấp thuận của khách hàng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng.
Có thể thấy, Nghị định số 117/2018/NĐ-CP được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý để việc giữ bí mật và cung cấp thông tin được thực hiện thống nhất, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, đảm bảo quyền riêng tư của khách hàng; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các Tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài trong việc cung cấp thông tin khách hàng, cũng như hỗ trợ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ kịp thời.

Bãi bỏ nhiều quy định về chế độ báo cáo định kỳ của ngân hàng
Trả lời

Ngày 28/09/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 24/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các thông tư, văn bản có quy định về chế độ báo cáo định kỳ. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2018.
Theo đó, Thông tư số 24/2018/TT-NHNN có những nội dung mới đáng chú ý, cụ thể như sau:
– Bãi bỏ báo cáo của người đại diện về tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính của Ngân hàng hợp tác xã tại Quyết định số 61/2006/QĐ-NHNN ngày 29/12/2006, cụ thể:
+ Bãi bỏ Khoản 1 Điều 11 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 61;
+ Bãi bỏ Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 61.
– Bãi bỏ báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đối với trường hợp được Thủ tướng chấp thuận tại Khoản 2 Điều 34 Thông tư 10/2016/TT-NHNN ngày 29/6/2016.
– Bãi bỏ báo cáo tình hình mua bán ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép với cá nhân tại Thông tư số 20/2011/TT-NHNN ngày 29/8/2011.
– Bãi bỏ báo cáo định kỳ hàng năm về thực hiện các yêu cầu kỹ thuật an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng tại Thông tư số 47/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014.
– Bãi bỏ báo cáo định kỳ hàng năm về an toàn bảo mật cho dịch vụ ngân hàng trên Internet tại Thông tư số 36/2016/TT-NHNN ngày 29/12/2016.
Có thể thấy, thông qua việc bãi bỏ nhiều quy định về chế độ báo cáo định kỳ của ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẫ và đang đẩy mạnh việc cải cách các thủ tục theo hướng đơn giản hóa, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
Trả lời

Ngày 12/09/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018.
Theo đó, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP có những nội dung mới đáng chú ý như sau:
1. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
2. Doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực: điện lực; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh siêu thị; thương mại và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và đảm bảo việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế (trừ trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
3. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Như vậy, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP đã có những quy định chi tiết và kịp thời nhằm khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế.

Bãi bỏ quy định cấp giấy phép nhập khẩu tự động xe gắn máy phân khối lớn từ 175 cm3 trở lên
Trả lời

Ngày 19/09/2018, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 27/2018/TT-BCT bãi bỏ quy định cấp giấy phép nhập khẩu tự động xe gắn máy phân khối lớn từ 175 cm3 trở lên. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/11/2018.
Theo đó, Thông tư số 27/2018/TT-BCT quy định thương nhân nhập khẩu xe gắn máy phân khối lớn từ 175 cm3 trở lên không phải đăng ký cấp Giấy phép nhập khẩu tự động tại Bộ Công Thương, chỉ cần làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan theo quy định hiện hành.
Trước đó, tháng 08/2017, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 14/2017/TT-BCT bãi bỏ quy định việc áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép. Như vậy, cùng với việc ban hành Thông tư số 27/2018/TT-BCT, Bộ Công Thương không còn áp dụng giấy phép tự động đối bất kỳ hàng hóa xuất nhập khẩu nào.
Có thể thấy, việc bãi bỏ hoàn toàn thủ cấp giấy phép nhập khẩu tự động xe gắn máy phân khối lớn từ 175 cm3 trở lên là một nỗ lực tiếp theo của Bộ Công thương trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Các trường hợp được cấp miễn phí hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế
Trả lời

Ngày 12/09/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2018.
Theo đó, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về các trường hợp được cấp miễn phí hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, cụ thể:
Một là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Hai là doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định pháp luật và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập doanh nghiệp.
Ba là hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 03 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong thời gian 12 tháng kể từ tháng áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định.
Bốn là doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định của Bộ Tài chính trừ doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Năm là các trường hợp khác cần thiết để khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử do Bộ Tài chính quyết định.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử khi cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử được thu tiền dịch vụ theo thỏa thuận tại Hợp đồng ký giữa tổ chức cung cấp dịch vụ và bên nhận dịch vụ là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc các trường hợp được sử dụng miễn phí trên.
Có thể thấy, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP đã quy định chi tiết và cụ thể các trường hợp được cấp miễn phí hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, qua đó có sự phân loại cũng như tạo tiền đề để có những hỗ trợ phù hợp, kịp thời đối với từng loại đối tượng, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước trong hoạt động của các đối tượng này.

Thủ tục thành lập chi nhánh cơ sở văn hóa nước ngoài ở Việt Nam
Trả lời

Ngày 20/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2018/NĐ-CP quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/11/2018.
Theo đó, Nghị định số 126/2018/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thành lập chi nhánh cơ sở văn hóa nước ngoài ở Việt Nam, cụ thể như sau:
1. Về thành phần hồ sơ:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
– Dự kiến cơ cấu tổ chức và bộ máy;
– Dự thảo Quy chế hoạt động;
– Lý lịch người được dự kiến bổ nhiệm là người đại diện theo pháp luật.
Các văn bản trong hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt đã được công chứng.
2. Về trình tự, cách thức, thời hạn giải quyết và thẩm quyền:
– Bên nước ngoài đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
– Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc thư điện tử cho bên nước ngoài để bổ sung hồ sơ;
– Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
3. Về thời hạn Giấy chứng nhận đăng ký:
– Nếu điều ước quốc tế có quy định về thời hạn hiệu lực, thời hạn Giấy chứng nhận đăng ký được căn cứ theo thời hạn hiệu lực của điều ước quốc tế đó và được gia hạn theo quy định.
– Nếu điều ước quốc tế không quy định về thời hạn hiệu lực, thời hạn Giấy chứng nhận đăng ký là 05 năm và được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 05 năm theo quy định.
Có thể nhận thấy, Nghị định số 126/2018/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, những quy định này được kỳ vọng sẽ là tiền đề để các đơn vị, tổ chức nước ngoài phát triển các hoạt động văn hóa tại lãnh thổ Việt Nam.

Bản tin pháp luật số 42/2018
Trả lời

Quy trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
Trả lời

Ngày 28/08/2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 09/2018/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn quy trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2018
Theo đó, Thông tư số 09/2018/TT-BLĐTBXH quy định quy trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội và xã, phường, thị trấn, cụ thể:
– Đối tượng áp dụng: Người làm công tác bảo vệ trẻ em; cộng tác viên bảo vệ trẻ em, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác xã hội; ủy ban nhân dân các cấp; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cơ sở trợ giúp xã hội; cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
– Các nguyên tắc trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS:
• Bảo đảm sự tham gia của trẻ em;
• Bảo đảm không kỳ thị, không phân biệt đối xử.
• Bảo đảm bảo mật thông tin, việc tiết lộ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em phải tuân thủ quy định của pháp luật và bảo đảm vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
– Các bước thực hiện quy trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
• Tiếp nhận, phối hợp xử lý thông tin.
• Xác định nhu cầu cần trợ giúp của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
• Lập kế hoạch trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
• Thực hiện kế hoạch trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
• Rà soát, đánh giá sau khi thực hiện kế hoạch trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Như vậy, thông qua Thông tư số 09/2018/TT-BLĐTBXH Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có những quy định chi tiết, thiết thực, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Nhà nước đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tiếp nối truyền thống tương thân, tương ái cao đẹp của dân tộc.

Quy định mới về đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền
Trả lời

Ngày 12/9/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 21/2018/TT-BYT quy định việc đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 28/10/2018.
Thông tư số 21/2018/TT-BYT quy định chi tiết các nội dung sau đây: Tiêu chí xác định thuốc cổ truyền được miễn thử lâm sàng, miễn một số giai đoạn thử lâm sàng, phải thử lâm sàng giai đoạn 4, phải thử lâm sàng đầy đủ các giai đoạn tại Việt Nam và yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để bảo đảm an toàn, hiệu quả làm cơ sở cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền. Hồ sơ, thủ tục cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung, thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền và dược liệu.
Thông tư áp dụng với các đối tượng: thuốc cổ truyền; vị thuốc cổ truyền được bào chế dưới dạng cổ truyền hoặc hiện đại; dược liệu thuộc danh mục dược liệu phải đăng ký lưu hành do Bộ Y tế ban hành theo quy định tại Điều 93 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
Theo đó, thuốc cổ truyền đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành phải tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Thuốc cổ truyền có chứa dược liệu độc thuộc danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc khoáng vật tại Phụ lục III ban hành kèm Thông tư 42/2017/TT-BYT;
– Các dược liệu độc không đánh dấu * thuộc danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc thực vật, động vật tại Phụ lục I và II ban hành kèm Thông tư 42/2017/TT-BYT;
– Thuốc cổ truyền chưa có đầy đủ dữ liệu lâm sàng bảo đảm an toàn, hiệu quả;
– Thuốc cổ truyền được miễn một số giai đoạn thử lâm sàng.
Ngoài ra, thuốc cổ truyền đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành cũng thuộc diện phải tiếp tục theo dõi khi chưa có đủ dữ liệu lâm sàng về bảo đảm an toàn, hiệu quả. Lưu ý là thời hạn cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành áp dụng cho các thuốc cổ truyền nêu trên là 03 năm.
Có thể thấy, Thông tư số 21/2018/TT-BYT được ban hành nhằm tạo khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho việc đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, vừa giữ gìn các bài thuốc cổ truyền, đồng thời vẫn đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước.