Ngày 20/05/2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 04/2018/TT-BXD ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời. Thông tư này có hiệu thi hành kể từ ngày 01/11/2018.
Theo đó, phương tiện quảng cáo ngoài trời phải được xây dựng, lắp đặt phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương; Phải có địa điểm, kiểu dáng, kích thước, chất liệu, số lượng phù hợp với quy hoạch quảng cáo được phê duyệt và đảm bảo ở bên ngoài hành lang an toàn đường bộ, hành lang an toàn đường sắt, hành lang an toàn bảo vệ luồng đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ đê điều, hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Vị trí, địa điểm, khu vực xây dựng, lắp đặt và công tác quản lý các phương tiện quảng cáo ngoài trời phải tuân theo các yêu cầu: Đảm bảo mỹ quan đô thị; Đảm bảo tầm nhìn giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và không che khuất tầm nhìn biển báo giao thông; Đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, yêu cầu thoát nạn, yêu cầu cứu hộ cứu nạn, kết cấu xây dựng, trật tự an toàn xã hội; Đảm bảo các hoạt động sản xuất, sinh hoạt bình thường của người dân và an toàn sinh mạng.
Các phương tiện quảng cáo ngoài trời không được che lấp nóc, mái nhà trừ các phương tiện quảng cáo dạng chữ, hình, biểu tượng.
Về kết cấu của phương tiện quảng cáo ngoài trời phải được tính toán, thiết kế theo các yếu tố bất lợi nhất tác động lên chúng phù hợp với quy định số liệu tự nhiên trong QCVN 02:2009/BXD và các tiêu chuẩn kỹ thuật được lựa chọn; Móng, kết cấu khung đỡ, mặt ngoài phương tiện quảng cáo ngoài trời phải đảm bảo an toàn, bền vững, đáp ứng được các yêu cầu sử dụng; phải ổn định trong suốt thời gian thi công và khai thác sử dụng; Phải được bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa theo quy định của pháp luật về xây dựng hiện hành.
Đối với vật liệu được sử dụng để chế tạo phương tiện quảng cáo ngoài trời phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tuổi thọ của từng phương tiện quảng cáo; Phải đảm bảo không bị biến dạng tự nhiên theo thời gian và các tác động bất lợi của môi trường; Tất cả các bề mặt và cạnh nhìn thấy của phương tiện quảng cáo ngoài trời phải là vật liệu ít bị ăn mòn và không bị ảnh hưởng bởi sự bị ăn mòn lẫn nhau của bất cứ bộ phận nào xung quanh.
Chủ sở hữu phương tiện quảng cáo ngoài trời có trách nhiệm: khảo sát kỹ thuật, báo cáo về hiện trạng; tuân theo các quy định về cấp phép và quản lý xây dựng theo giấy phép của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng tại địa phương; thực hiện kiểm tra, bảo trì định kỳ theo quy định và đảm bảo các điều kiện an toàn cho phương tiện quảng cáo ngoài trời trong suốt thời gian thi công xây dựng/lắp đặt cũng như thời gian tồn tại của phương tiện quảng cáo ngoài trời.
Như vậy, thông qua việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời, Bộ Xây dựng đã có những quy định chi tiết và cụ thể về hoạt động xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động này.
Ngày 05/10/2018, Chính phủ ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BXD quy định về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2018.
Theo đó, Thông tư số 08/2018/TT-BXD có nội dung nổi bật đáng chú ý như sau:
Chuyên môn đào tạo của cá nhân được xác định là phù hợp khi chuyên ngành hoặc nội dung chương trình đào tạo của cá nhân đó phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Tương ứng với từng hạng và lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, tổ chức phải có cá nhân đảm nhận các chức danh yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề; cá nhân tham gia thực hiện công việc có chuyên môn phù hợp theo quy định. Mỗi cá nhân thuộc tổ chức có thể đảm nhận một hoặc nhiều chức danh yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề, tham gia thực hiện các công việc khi đáp ứng được điều kiện năng lực tương ứng theo quy định.
Định kỳ trước ngày 10/12 hàng năm, nhà thầu nước ngoài có trách nhiệm gửi báo cáo tới cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng và Sở Xây dựng nơi có dự án, về tình hình thực hiện hợp đồng theo mẫu được quy định của thông tư này.
Như vậy, có thể thấy Thông tư số 08/2018/TT-BXD đã có những quy định chi tiết và rõ ràng hơn về chuyên môn đào tạo của các cá nhân khi cơ quan nhà nước xem xét cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, qua đó nâng cao chất lượng cũng như tăng cường hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Ngày 13/09/2018 vừa qua, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 85/2018/BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước trong phục vụ phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Theo đó, Thông tư quy định nguyên tắc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí như sau: Chi phí phát sinh từ việc thực hiện nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ được cấp trong kinh phí hoạt động hàng năm của Bộ Tư pháp.
Chi phí phát sinh từ việc thực hiện các hoạt động khác phục vụ công tác phòng ngừa, giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế được cấp cho cơ quan chủ trì là cơ quan nhà nước ở trung ương thì do ngân sách trung ương đảm bảo. Trường hợp cơ quan chủ trì là cơ quan nhà nước ở địa phương thì do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định về phân cấp ngân sách.
Về nội dung chi, trong giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài khiếu nại và yêu cầu tham vấn hoặc gửi thông báo ý định khởi kiện, gồm: chi phục vụ hoạt động nghiên cứu pháp luật, điều ước quốc tế; chi tham vấn chuyên gia trong nước và quốc tế; chi phục vụ hoạt động tham vấn, thương lượng với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài nộp đơn khởi kiện ra trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền, các nội dung chi gồm: xây dựng chiến lược, phương án tham gia giải quyết tranh chấp; chi công tác chuẩn bị tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc; xây dựng bản trả lời thông báo trọng tài theo quy định của Quy tắc trọng tài trong trường hợp không hoặc chưa thuê luật sư tư vấn cho Chính phủ.
Đối với giai đoạn tranh chấp đầu tư quốc tế được giải quyết tại trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền, nội dung chi gồm: Chi thuê luật sư đại diện cho Chính phủ, cơ quan nhà nước và chi phí thuê chuyên gia trong nước và quốc tế; chi phí cho nhân chứng tham gia vụ kiện; chi phiên dịch tại phiên xét xử….
Có thể thấy, tuy mới chỉ dừng lại ở mức nguyên tắc, song với việc ban hành Thông tư số 85/2018/BTC cùng quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế đã phần nào thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hạn chế các tranh chấp đầu tư quốc tế, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngày 24/10/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 25/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/07/2015 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số quy định về nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 10/12/2018.
Theo đó, Thông tư số 25/2018/TT-NHNN quy định đối với các khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ vay do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì được tổ chức tín dụng xem xét:
– Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng về khả năng trả nợ của khách hàng;
– Thời gian cơ cấu lại phù hợp với chu kỳ kinh doanh của khách hàng nhưng tổng thời gian tối đa không vượt quá thời hạn cho vay vốn ban đầu theo hợp đồng tín dụng đã ký;
– Sau thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, khách hàng không trả được nợ vay đúng hạn và không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ thì tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ đối với khách hàng theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro;
– Cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
Có thể thấy, các quy định mới tại Thông tư số 25/2018/TT-NHNN sẽ góp phần tạo điều kiện cho khách hàng vay có cơ hội được tháo gỡ khó khăn khi gặp phải những nguyên nhân khách quan, sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc không thể trả nợ đúng hạn theo hợp đồng vay, đồng thời, góp phần giảm thiểu tỉ lệ nợ xấu, nợ khó đòi đối với các tổ chức tín dụng.
Ngày 30/10/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 39/TT-BCT quy định về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 14/12/2018.
Theo đó, Thông tư số 39/2018/TT-BCT, quy định về các phương thức kiểm tra xác minh xuất xứ hàng hóa, cụ thể:
1. Kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Việc kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện trong trường hợp sau:
Cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu đề nghị kiểm tra xuất xứ hàng hóa.
– Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước tiến hành kiểm tra, quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa;
– Cơ quan chức năng khác trong nước đề nghị phối hợp khi có lý do nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa.
2. Kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất
Việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất được thực hiện trong các trường hợp sau:
– Cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu đề nghị kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất khi kết quả kiểm tra hồ sơ,chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nêu tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này chưa đủ căn cứ để xác định xuất xứ hàng hóa hoặc khi có lý do nghi ngờ gian lận xuất xứ hàng hóa;
– Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc tiến hành kiểm tra, xác minh, quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp: Trước khi cấp C/O; trước khi cấp văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc cấp mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa; sau khi đã cấp hoặc đã phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
– Cơ quan chức năng khác trong nước đề nghị phối hợp khi có lý do nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa.
Có thể thấy, việc ban hành Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa, những quy định mới tại Thông tư này được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, hạn chế trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời, tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ngày 06/11/2018, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BCT quy định danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 20/12/2018 đến hết ngày 31/12/2019.
Theo đó, danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu ban hành kèm theo thông tư này gồm một số mã hàng như mã hàng 2520 là thạch cao; thạch cao khan; thạch cao plaster đã hoặc chưa nhuộm màu, có hoặc không thêm một lượng nhỏ chất xúc tác hay chất ức chế. Bên cạnh đó còn có mã hàng 2618 là xỉ cát từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; mã hàng 2619 là xỉ, xỉ luyện kim, vụn xỉ và các phế thải khác từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép.
Ngoài ra, các mã hàng khác cũng thuộc danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu gồm mã hàng 4707 là giấy loại hoặc bìa loại thu hồi; mã 5003 là tơ tằm phế liệu; mã 5103 là phế liệu lông cừu hoặc lông động vật loại mịn hoặc loại thô, kể cả phế liệu sợi nhưng trừ lông tái chế; mã 5104 là lông cừu hoặc lông động vật loại mịn hoặc thô tái chế; mã 5202 là phế liệu bông; mã 5505 là phế liệu.
Cùng với đó, mã 6310 là vải vụn, mẩu dây xe, chão bện, thừng và cáp đã qua sử dụng hoặc mới và các phế liệu từ vải vụn, dây xe, chão bện, thừng hoặc cáp, từ vật liệu dệt; mã 7001 là thủy tinh vụn và thủy tinh phế liệu và mảnh vụn khác; thủy tinh ở dạng khối; mã 7204 là phế liệu và mảnh vụn sắt; thỏi đúc phế liệu nấu lại từ sắt hoặc thép; mã 7404 là phế liệu và mảnh vụn của đồng.
Đối với những lô hàng phế liệu đã làm thủ tục hải quan tạm nhập, chuyển khẩu trước ngày thông tư có hiệu lực, được tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định hiện hành
Có thể thấy, Thông tư số 41/2018/TT-BCT được ban hành nhằm triển khai các giải pháp cấp bách quản lý nhập khẩu phế liệu, tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, qua đó thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu từ xa, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 30/10/2018, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 4086/QĐ-BCT về kết quả rà soát giữa kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, biện pháp tự vệ sẽ được duy trì áp dụng đối với sản phẩm phôi thép và thép dài với các mã HS 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; và 9811.00.00.
Về mức thuế áp dụng, đối với sản phẩm thép dài, từ ngày 22/3/2018 đến ngày 21/3/2019 mức áp thuế tự vệ là 12,4%; từ ngày 22/3/2019 – 21/3/2020 mức thuế là 10,9%; từ ngày 22/3/2020 trở đi mức thuế về 0% nếu không gia hạn.
Đối với sản phẩm phôi thép, từ ngày 22/3/2018 – 21/3/2019 mức áp thuế tự vệ là 19,3%; từ ngày 22/3/2019 – 21/3/2020 mức thuế là 17,3%; từ ngày 22/3/2020 trở đi mức thuế về 0% nếu không gia hạn.
Ngoài ra, Quyết định số 4086/QĐ-BCT cũng quy định để được loại trừ áp dụng biện pháp tự vệ chính thức, bên cạnh các giấy tờ theo quy định của cơ quan hải quan và cơ quan chuyên ngành, khi nhập khẩu hàng hóa, tổ chức, cá nhân cần cung cấp cho cơ quan hải quan Giấy chứng nhận xuất xứ phù hợp với các quy định hiện hành, trên đó ghi rõ hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước/vùng lãnh thổ có tên trong danh sách loại trừ ban hành kèm theo.
Có thể thấy, việc áp dụng biện pháp tự vệ thông qua những đánh giá trực tiếp của Cơ quan điều tra đối với việc sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm phôi thép, thép dài ở Việt Nam sẽ góp phần bảo đảm cho việc thực hiện đúng về quy chuẩn số lượng, kim ngạch nhập khẩu cũng như tang cường sự ổn định thị trường đối với các sản phẩm này tại Việt Nam.
Ngày 30/10/2018, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 38/2018/TT-BCT quy định thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/12/2018
Theo đó, Thông tư số 38/2018/TT-BCT quy định về thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với các thương nhân xuất khẩu hàng hóa sang Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của các quốc gia này, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Thương nhân muốn được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ phải đăng ký mã số REX tại tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX và phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ theo quy định GSP.
Thứ hai, đối với lô hàng xuất khẩu theo GSP có tổng trị giá không vượt quá 6.000 (sáu nghìn) EUR (tính theo giá xuất xưởng), thương nhân được chứng nhận xuất xứ cho lô hàng đó mà không phải đăng ký mã số REX theo quy định tại Điều này.
Thứ ba, các trường hợp được miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP:
– Trường hợp 1: Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP được miễn khi hàng hóa đóng gói nhỏ có tổng trị giá không vượt quá 500 (năm trăm) EUR hoặc hàng hóa là hành lý cá nhân có tổng trị giá không vượt quá 1.200 (một nghìn hai trăm) EUR.
– Trường hợp 2: Hàng hóa nêu tại trường hợp 1 nêu trên không được nhập khẩu với mục đích thương mại, chỉ với mục đích sử dụng cá nhân và việc nhập khẩu diễn ra không thường xuyên.
Như vậy, để đảm bảo điều kiện được hưởng các ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu tới khu vực Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ thì cần đáp ứng các điều kiện về chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Quy định này góp phần vào nâng cao uy tín, chất lượng và thương hiệu hàng hóa Việt Nam đối với các thị trường khó tính trên Thế Giới. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Việt Nam còn đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế Toàn cầu.
Ngày 12/09/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 22/2018/TT-BYT quy định danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện kê khai giá. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2018.
Theo đó, Thông tư số 22/2018/TT-BYT quy định danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện kê khai giá bao gồm:
– Thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
– Thực phẩm dinh dưỡng y học;
– Thực phẩm bổ sung, bao gồm sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
Đồng thời, Thông tư này cũng quy định về trách nhiệm công bố danh mục sản phẩm thực phẩm dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện kê khai giá trên trang thông tin điện tử của các cơ quan hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Có thể thấy, Thông tư số 22/2018/TT-BYT đã hướng dẫn cụ thể về việc quy định các loại thực phẩm chức năng dành cho bé dưới 06 tuổi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhà nước trong quản lý thị trường về lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm được sử dụng cho trẻ em.