Ngày 15/10/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 13/2018/TT-BTTTT quy định danh mục sản phẩm an toàn thông tin mạng nhập khẩu theo giấy phép và trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng có hiệu lực ngày 01/12/2018.
Theo đó, Thông tư số 13/2018/TT-BTTTT quy định sản phẩm an toàn thông tin mạng (ATTTM) nhập khẩu theo giấy phép là thiết bị hoàn chỉnh có đặc tính kỹ thuật, mô tả hàng hóa theo đúng chỉ tiêu kỹ thuật, cấu trúc thiết kế, có thể hoạt động độc lập; không áp dụng đối với linh kiện hoặc phụ kiện hoặc bộ phận của sản phẩm.
Bên cạnh đó, Thông tư này cũng nêu rõ, thời hạn hiệu lực của Giấy phép nhập khẩu sản phẩm ATTTM là 2 năm hoặc bằng thời hạn hiệu lực của Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTTM của doanh nghiệp trong trường hợp thời hạn hiệu lực của Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTTM còn ít hơn 2 năm.
Ngoài ra, Thông tư số 13/2018/TT-BTTTT cũng quy định Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) là cơ quan cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm ATTTM. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu, theo hướng dẫn tại Thông tư, phải được lập thành 1 bộ, bao gồm: đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu theo Mẫu số 1 tại Phụ lục II của Thông tư này; giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTTM (bản sao); giấy chứng nhận hoặc công bố hợp chuẩn, hợp quy (bản sao có chứng thực, trường hợp bản sao không có chứng thực thì mang bản chính để đối chiếu); tài liệu kỹ thuật mô tả chức năng của sản phẩm đề nghị nhập khẩu (bản sao, bằng tiếng Việt và tiếng Anh).
Có thể thấy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những quy định chi tiết và cụ thể về danh mục sản phẩm an toàn thông tin mạng nhập khẩu theo giấy phép và trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng, qua đó tạo điệu kiện cho các tổ chức, các nhân haotj động trong lĩnh vực này có các căn cứ để thực hiện các hoạt động kinh doanh sản xuất được chính xác, hợp pháp, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời Nâng cao hiệu quả của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Ngày 08/10/2018, Chính phủ đã ban hành Công văn số 137/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2018.
Theo đó, Chính phủ quy định các trường hợp không được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định tại Điều 13 và Điều 16 của Luật luật sư. Cụ thể như sau:
– Người đã bị xử lý hình sự hoặc xử lý kỷ luật đến mức bị cách chức chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, kiểm tra viên, thẩm tra viên;
– Người đã bị tước danh hiệu công an nhân dân, tước quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân;
– Bị tước học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật hoặc đã bị thu hồi quyết định bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.
Có thể thấy, quy định này có hiệu lực sẽ tạo khung pháp lý chặt chẽ về việc đào tạo, đưa ra yêu cầu cao trong đào tạo nghề luật sư, góp phần bổ sung nguồn lực cho đội ngũ luật sư chất lượng của đất nước ta.
Ngày 21/09/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Nghị định này có hiêu lực thi hành từ ngày 15/11/2018.
Theo đó, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên; trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục khác theo quy định của pháp luật (quản lý nhà nước về giáo dục).
Yêu cầu đối với việc quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục là bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục; bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm với nguồn lực tài chính, nhân sự, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan.
Trong đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo là ban hành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và quy định chuẩn chương trình đào tạo đối với giáo dục đại học; danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy chế đào tạo và liên kết đào tạo.
Bên cạnh đó, quy định việc tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt được phép sử dụng và hướng dẫn lựa chọn tài liệu học tập, sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; quy định về xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo đối với trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học.
Có thể thấy, thông qua Nghị định số 127/2018/NĐ-CP, Chính phủ đã phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, qua đó góp phần xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan.
Ngày 13/11/2018, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 3445/QĐ-TCHQ quy định cụ thể các yêu cầu về kĩ năng, kiễn thức chuyên môn cho từng vị trí trong hoạt động phòng chống buôn lậu. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, từ ngày 13/11/2018, Bộ tài chính cũng như Tổng cục hải quan đã đưa ra yêu cầu cụ thể về kĩ năng kiến thức mà các các cán bộ hải quan cần đảm bảo cho từng vị trí công tác của mình. Thông qua việc tra cứu các phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 3445 nêu trên, mỗi cán bộ trong lực lượng hải quan có thể tự đánh giá năng lực của bản thân, nhận thấy các điểm còn yếu kém, hạn chế ở bản thân để có kế hoạch học tập, trao dồi, bồi dưỡng về kĩ năng cũng như kiến thức chuyển môn. Đồng thời các yêu cầu về kĩ năng, kiến thức được ban hành kèm theo Quyết định sẽ là cơ sở để thực hiện việc quản lí, phân cấp, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện một cách công khai, minh bạch.
Có thể thấy, với việc ban hành Quyết định số 3445/QĐ-TCHQ, Bộ Tài chính cùng Tổng cục Hải quan rất chú trọng, quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, đảm bảo thực thi có hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, phát triển nền kinh tế.
Ngày 15/10/2018, Bộ thông tin và truyền thông đã ban hành Thông tư số 11/2018/TT-BTTTT công bố chi tiết danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu kèm theo mã số HS. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/11/2018.
Theo đó, Thông tư số 11/2018/TT-BTTTT quy định áp dụng Danh mục cấm nhập khẩu như sau:
– Trường hợp chỉ liệt kê mã 4 số thì toàn bộ các mã 8 số thuộc nhóm 4 số này đều được áp dụng;
– Trường hợp chỉ liệt kê mã 6 số thì toàn bộ các mã 8 số thuộc phân nhóm 6 số này đều được áp dụng;
– Trường hợp ngoài mã 4 số và 6 số còn chi tiết đến mã 8 số thì chỉ những mã 8 số đó mới được áp dụng;
– Linh kiện, phụ tùng, cụm linh kiện, phụ kiện đã qua sử dụng của các loại sản phẩm có trong Danh mục cũng bị cấm nhập khẩu;
– Các sản phẩm công nghệ thông tin tân trang có mã số HS nếu thuộc Danh mục cấm nhập khẩu thì bị cấm nhập khẩu;
– Đối với máy in, máy photocopy kỹ thuật số đa màu, khi nhập khẩu thực hiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực in.
Như vậy, Thông tư số 11/2018/TT-BTTTT đã quy định rõ những sản phẩm công nghệ thông tin hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dung, cũng như tăng cường sự quản lý nhà nước trong hoạt động này.
Ngày 15/11/2018, Bộ Công thương đã ban hành thông tư số 44/2018/TT-BCT quy định về tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Theo đó, việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia sẽ được áp dụng với các đối tượng sau:
1. Thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ Lào và Campuchia;
2. Các cơ quan, tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ Lào và Campuchia;
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ Lào và Campuchia.
Có thể thấy, việc ban hành Thông tư số 44/2018/TT-BCT sẽ góp thể hiện vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động tạm nhập, tái xuất gỗ nói chung, qua đó nâng cao chất lượng quản lý trong các hoạt động bảo vệ, gìn giữ và hạn chế việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, trong bối cảnh môi trường đang gặp nhiều thách thức, biến động xấu như hiện nay.
Ngày 12/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ban hành.
Theo đó, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y Tế như sau:
– Về cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế:
+ Quy trình sản xuất thực phẩm được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng;
+ Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho sản phẩm không thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc;
+ Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dễ làm vệ sinh, không thôi nhiễm chất độc hại và không gây ô nhiễm đối với thực phẩm;
+ Có ủng hoặc giầy, dép để sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm;
+ Bảo đảm không có côn trùng và động vật gây hại xâm nhập vào khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm; không sử dụng hoá chất diệt chuột, côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm;
+ Không bày bán hoá chất dùng cho mục đích khác trong cơ sở kinh doanh phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
– Về cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống:
+ Thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
+ Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm cho thực phẩm.
Người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Có thể thấy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế là phù hợp với yêu cầu thực tế và rút gọn những quy định rườm rà, khó đáp ứng như trước đây.
Ngày 15/11/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BTTTT quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019
Theo đó, Thông tư số 15/2018/TT-BTTTT quy định về trình tự, thủ tục về chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông, cụ thể như sau:
Thứ nhất, phương thức chứng nhận hợp quy gồm:
Phương thức 1- Thử nghiệm mẫu điển hình: Phương thức này áp dụng đối với sản phẩm sản xuất trong nước của các đơn vị đã có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm và sản phẩm nhập khẩu.
Phương thức 5- Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất: Phương thức này áp dụng đối với sản phẩm sản xuất trong nước của các đơn vị chưa có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.
Thứ hai, thủ tục chứng nhận hợp quy:
Thời gian Tổ chức chứng nhận hợp quy đánh giá và cấp Giấy chứng nhận hợp quy là không quá bảy (07) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Thứ ba, hồ sơ đề nghị chứng nhận hợp quy và địa điểm tiếp nhận hồ sơ
Trường hợp tổ chức chưa có mã số doanh nghiệp hoặc cá nhân chưa có số định danh cá nhân, thì hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Quyết định/Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy phép đầu tư; hoặc Chứng minh nhân dân/ hộ chiếu.
– Kết quả đo kiểm sản phẩm của đơn vị đo kiểm;
– Tài liệu kỹ thuật bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh của sản phẩm thể hiện đầy đủ các nội dung: Tên, ký hiệu và các thông tin kỹ thuật của sản phẩm, ảnh chụp bên ngoài, hãng sản xuất;
-Tài liệu có liên quan tùy theo phương thức chứng nhận hợp quy: Bản sao chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm còn hiệu lực hoặc Quy trình sản xuất và giám sát đảm bảo chất lượng sản phẩm
Có thể nhận thấy rằng, Thông tư số 15/2018/TT-BTTTT có đã hướng dẫn cụ thể các quy định về trình tự thủ tục đối với thủ tục chứng nhận hợp quy trong lĩnh vực thông tin, truyền thông. Đặc biệt đã giảm thiểu thời gian, thành phần hồ sơ giải quyết thủ tục này so với quy định trước đây.
Ngày 15/11/2018, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 45/2018/TT-BCT quy định về vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và sửa đổi, bổ sung Thông tư 56/2014/TT-BCT về phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện. Thông tư này có hiệu lưc thi hành từ ngày 01/01/2019.
Theo đó, Thông tư số 45/2018/TT-BCT quy định cụ thể trách nhiệm tham gia thị trường điện của đơn vị phát điện, cụ thể:
– Nhà máy điện có giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện, có công suất đặt lớn hơn 30MW đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; Nhà máy điện có công suất đặt đến 30MW đấu nối lưới điện cấp điện áp từ 110KV trở lên trực tiếp tham gia thị trường điện;
– Nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo không phải thủy điện có công suất đặt lớn hơn 30MW được quyền lựa chọn tham gia thị trường điện;
– Các nhà máy điện gián tiếp tham gia thị trường điện: Nhà máy điện BOT; Nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo không phải thủy điện trừ trường hợp đã nêu trên.
Các nhà máy điện đã được cấp phép hoạt động điện lực và phải tham gia thị trường điện nhưng không đăng ký tham gia thị trường điện sẽ không được huy động phát điện lên lưới điện quốc gia.
Có thể thấy, với quy định cụ thể như trên, Bộ Công thương đã phân định cụ thể và rõ ràng về trách nhiệm của các đơn vị phát điện trong việc tham gia thị trường điện, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của quản lý Nhà nước cũng như tạo dựng cơ chế vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.