Ngày 30/11/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 28/2018/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2019.
Thông tư số 28/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung các quy định về hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và tổ chức hoạt động của ngân hàng thương mại nước ngoài. Theo đó hồ sơ của cổ đông góp vốn thành lập bao gồm:
a) Đối với cá nhân;
(i) Đơn mua cổ phần đối với cá nhân;
(ii) Bảng kê khai người có liên quan;
(iii) Ngoài các thành phần hồ sơ nêu trên, cổ đông sáng lập phải có thêm các văn bản sau:
– Sơ yếu lý lịch theo mẫu quy định; Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;
Phiếu lý lịch tư pháp phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không quá 06 (sáu) tháng;
– Báo cáo tài chính 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp do cổ đông sáng lập quản lý hoặc Bản sao văn bằng đại học hoặc trên đại học chuyên ngành kinh tế hoặc luật;
– Bảng kê khai các loại tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, các khoản nợ và tài liệu chứng minh liên quan của cá nhân.
Như vậy, Thông tư số 28/2018/TT-NHNN đã sửa đổi bổ sung một cách chi tiết, cụ thể và rõ ràng hơn về hoạt động chứng minh năng lực của bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành của các ngân hàng thương mại nước ngoài trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và tổ chức hoạt động. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cũng như giảm thiểu rủi ro trong hoạt động quản lý đối với các ngân hàng thương mại nói riêng và các tổ chức tín dụng nước ngoài nói chung.
Ngày 04/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2019.
Theo đó, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP có những nội dung mới, đáng chú ý như sau:
Bổ sung định nghĩa “Trái phiếu doanh nghiệp xanh”:
Trái phiếu doanh nghiệp xanh là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường.
Bãi bỏ một số điều kiện khi phát hành trái phiếu:
Điều kiện để phát hành trái phiếu không chuyển đổi trong nước không còn yêu cầu kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi (theo báo cáo tài chính).
Quy định cụ thể về quy trình phát hành trái phiếu:
+ Bước 1: Doanh nghiệp phát hành chuẩn bị hồ sơ phát hành trái phiếu;
+ Bước 2: Doanh nghiệp phát hành công bố thông tin trước đợt phát hành
+ Bước 3: Doanh nghiệp phát hành tổ chức phát hành trái phiếu
+ Bước 4: Doanh nghiệp phát hành công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu và báo cáo kết quả phát hành
+ Bước 5: Doanh nghiệp phát hành thực hiện lưu ký trái phiếu
+ Bước 6: Doanh nghiệp phát hành thực hiện thanh toán gốc, lãi trái phiếu
+ Bước 7: Doanh nghiệp phát hành thực hiện công bố thông tin và báo cáo định kỳ kể từ khi hoàn thành đợt phát hành trái phiếu cho đến khi đáo hạn trái phiếu
Bên cạnh đó, Nghị định này còn quy định trái phiếu phải được đăng ký, lưu ký tại tổ chức lưu ký được phép, không còn được ký gửi tại các tổ chức tín dụng như quy định hiện hành.
Ngoài ra, từ ngày 01/02/2019, doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo Nghị định số 90/2011/NĐ-CP phải thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Điều 24, 25, 26 và lưu ký theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP.
Có thể thấy, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đã quy định khá chi tiết trình tự thủ tục trong việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp so với Nghị định 90/2011/NĐ-CP, qua đó giúp quá trình triển khai thực hiện của doanh nghiệp được cụ thể, rõ ràng hơn, đồng thời góp phần giúp quá trình quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này được đồng bộ và chính xác hơn.
Ngày 15/10/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BVHTTDL quy định về hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018.
Theo đó, Thông tư số 33/2018/TT-BVHTTDL quy định về hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu. Đối tượng áp dụng là các thư viện và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu.
Bên cạnh đó, Thông tư này cũng quy định hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu phải tuân thủ theo các nguyên tắc nhất định, cụ thể: Tuân thủ quy tắc, quy trình nghiệp vụ thư viện và các quy định của pháp luật có liên quan; đảm bảo an toàn về con người và tài sản của thư viện; Chủ động, kịp thời, linh hoạt; Đảm bảo cung cấp cơ hội tiếp cận với tài liệu, xây dựng không gian đọc, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí cho mọi đối tượng, đặc biệt là thiếu nhi, người cao tuổi và người khuyết tật; Ứng dụng công nghệ thông tin và các dịch vụ thư viện điện tử nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; Có sự phối hợp giữa thư viện và các cơ quan liên quan nhằm chia sẻ và phát huy hiệu quả nguồn lực, tiện ích cho người sử dụng.
Như vậy, Thông qua các quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BVHTTDL, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những hướng dẫn cụ thể về hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu, qua đó góp phần tạo điều kiện giúp các các nhân, tổ chức thực hiện các hoạt động này được nhanh chóng, chính xác, đảm bảo tính bảo mật, đồng thời góp phần tăng cường hiệu quả của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Ngày 15/10/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 12/2018/TT-BTTTT quy định về mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018.
Theo đó, Thông tư số 12/2018/TT-BTTTT quy định về mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập cụ thể như sau:
1. Quy định về mức giá cước tối đa dịch vụ thư cơ bản trong nước:
– Khối lượng đến 20g, mức giá cước tối đa 4.000 đồng;
– Khối lượng trên 20g đến 100g, mức giá cước tối đa 6.000 đồng;
– Khối lượng trên 100g đến 250g, mức giá cước tối đa 8.000 đồng;
– Mỗi 250g tiếp theo đến 2.000g, mức giá cước tối đa 2.000 đồng.
2. Quy định về mức giá cước tối đa dịch vụ thư cơ bản từ Việt Nam đi các nước:
TT Nấc khối lượng Mức giá cước tối đa (đồng)
Vùng 1 Vùng 2 Vùng 3 Vùng 4
1 Đến 20g 15.000 19.000 21.000 23.000
2 Trên 20g đến 100g 37.000 46.000 59.000 63.000
3 Trên 100g đến 250g 90.000 109.000 140.000 155.000
4 Mỗi 250g tiếp theo đến 2.000g 84.000 115.000 136.000 136.000
Bên cạnh đó, Thông tư này cũng quy định Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá cước dịch vụ bưu chính phổ cập trên địa bàn. Bộ Thông tin và Truyền thông giao Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện:
– Quyết định giá cước dịch vụ bưu chính phổ cập bảo đảm không cao hơn mức giá cước tối đa nêu trên;
– Báo cáo Bộ về giá cước dịch vụ 30 ngày trước khi triển khai dịch vụ;
– Niêm yết, công khai giá cước dịch bưu chính phổ cập theo quy định.
Như vậy, có thể thấy, Thông tư 12/2018/TT-BTTTT đã có những quy định chi tiết và cụ thể về mức giá mới đối với cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập, qua đó tạo cơ sở thực hiện chính xác, nhanh chóng và hợp pháp đối với các hoạt động trong lĩnh vực này.
Ngày 21/09/2018, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết về việc xét xử các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi tại Tòa gia đình và người chưa thành niên. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018
Theo đó kể từ ngày 01/12/2018, việc xét xử các vụ án hình sự có người tham giao tố tụng là người dưới 18 tuổi sẽ được thực hiện như sau:
– Các vụ án với tội danh rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì mới tiến hành xét xử trong phòng xử án hình sự, các vụ án về xâm hại tình dục, bạo hành hoặc bị mua bán sẽ phải tiến hành xét xử kín. Còn lại các vụ án khác sẽ thực hiện việc xét xử tại phòng xét xử thân thiện;
– Tuyệt đối không xét xử lưu động với các vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;
– Thẩm phán, hội thẩm nhân dân được phân công giải quyết vụ án phải là người đã được bồi dưỡng, đạo tạo, tập huấn về tâm lí học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi;
– Bị can, bị cáo, bị hại trong vụ án hình sự nếu là người dưới 18 tuổi thì bắt buộc phải có sự tham gia của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, trường hợp không lựa chọn được người bào chữa thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công luật sư tham gia bảo vệ, bào chữa cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
Như vậy, với việc Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC được ban hành, Tòa án Nhân dân Tối cao đã có hướng dẫn quan trọng tới Tòa án nhân dân các cấp qua đó sẽ góp phần đảm bảo quyền lơi hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự.
Ngày 26/11/2018, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Công văn số 254/TANDTC-PC về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015. Công văn này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Tòa án Nhân dân Tối cao đã hướng dẫn các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, các đơn vị thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao về việc xử lý việc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Cụ thể như sau:
– Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm: Người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa căn cứ vào Điều 45, điểm a khoản 1 Điều 282 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 ra quyết định đình chỉ vụ án; Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155, Điều 299 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 ra quyết định đình chỉ vụ án;
– Trường hợp sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Tòa án phải hướng dẫn họ làm đơn kháng cáo để Tòa án cấp phúc phẩm xem xét giải quyết việc rút yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm;
– Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm: Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Trong bản án phúc thẩm, Tòa án phải nhận định rõ lý do hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, không phải do lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm.
Có thể thấy, hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ là cơ sở để các đơn vị Tòa án bảo đảm áp dụng thống nhất quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, qua đó tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến xử lý việc rút yêu cầu khởi tố vụ án trong quá trình giải quyết, xét xử vụ án hình sự.
Ngày 22/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2018/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2019
Theo đó, Nghị định số 158/2018/NĐ-CP quy định về thủ tục hành chính trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, cụ thể như sau:
Thứ nhất, thủ tục thành lập tổ chức hành chính:
• Thành phần hồ sơ:
– Văn bản đề nghị thẩm định;
– Dự thảo tờ trình thành lập tổ chức hành chính;
– Dự thảo đề án thành lập tổ chức hành chính;
– Dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức hành chính;
– Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan về việc thành lập tổ chức hành chính;
– Báo cáo của cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan liên quan.
• Thẩm quyền giải quyết:
– Bộ Nội vụ: thẩm định đối với các tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
– Vụ (cục hoặc ban) tổ chức cán bộ thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: thẩm định đối với các tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ;
– Cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: thẩm định đối với các tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện: đối với các tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
• Thời gian thực hiện: 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Thứ hai, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính:
• Thành phần hồ sơ:
– Đề án tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;
– Tờ trình tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;
– Dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;
– Các văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác có liên quan (nếu có).
• Thẩm quyền giải quyết: tương tự đối với thủ tục thành lập mới
• Thời gian thực hiện: 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Như vậy, có thể thấy rằng, Nghị định số 158/2018/NĐ-CP đã quy định khá chi tiết trình tự thủ tục trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp quá trình triển khai thực hiện được cụ thể, rõ ràng hơn, đồng thời góp phần vào quá trình cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, tiết kiệm và nhanh chóng.
Ngày 23/11/2018, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-VPCP hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/04/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 06/01/2019.
Theo đó, Thông tư số 01/2018/TT-VPCP quy định về tổ chức thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về công bố danh mục thủ tục hành chính được thực hiện tại Bộ phận Một cửa
– Việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa đối với các thủ tục hành chính phải được công bố trong Quyết định công bố thủ tục hành chính, Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính và công khai theo quy định pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính;
– Danh mục thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa được thể hiện trong Quyết định công bố thủ tục hành chính, Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính theo quy định tại Chương II Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 30/10/2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính.
Thứ hai, về điều kiện thực hiện thủ tục hành chính theo quy trình tại Bộ phận Một cửa khi đáp ứng các điều kiện sau:
– Không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b khoản 5 Điều 14 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP;
– Được phép phân cấp hoặc ủy quyền cho Bộ phận Một cửa, cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa xem xét, thẩm định, thẩm tra, xác minh hồ sơ và phê duyệt kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật;
– Bộ phận Một cửa có đủ nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp hoặc ủy quyền.
Có thể thấy, việc ban hành Thông tư số 01/2018/TT-VPCP hứa hẹn sẽ đóng góp nhiều thay đổi tích cực trong việc triển khai thủ tục hành chính, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai, đồng thời góp phần vào quá trình cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch và nhanh chóng, củng cố niềm tin trong nhân dân, phù hợp với quá trình phát triển chung của đất nước.
Ngày 16/10/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 36/2018/TT-BTC quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 06/12/2018.
Theo đó, Thông tư số 36/2018/TT-BTC quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực trong các lĩnh vực: Tư vấn chuyên ngành điện lực; Phát điện; Truyền tải điện; Phân phối điện; Bán buôn điện; Bán lẻ điện.
Bên cạnh đó, Thông tư này cũng quy định các trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, bao gồm: (i) Phát điện để tự sử dụng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác; (ii) Phát điện có công suất lắp đặt dưới 01 MW (01 MWp đối với nhà máy điện mặt trời lắp đặt tại 01 địa điểm và 01 điểm đấu nối) để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác; (iii) Kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo; (iv) Điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực.
Ngoài ra, thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực cũng được quy định cụ thể như sau:
– 05 năm đối với lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực;
– Đối với lĩnh vực phát điện:
+ 20 năm đối với nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
+ 10 năm đối với nhà máy điện không thuộc danh mục nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
– 20 năm đối với lĩnh vực truyền tải điện;
– 10 năm đối với lĩnh vực phân phối điện và bán buôn điện, bán lẻ điện.
Trường hợp gia hạn giấy phép hoạt động điện lực ngắn hơn thời hạn thì sẽ được cấp giấy phép theo thời hạn đề nghị; căn cứ điều kiện thực tế về hạng mục công trình điện, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có thể cấp giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn ngắn hơn thời hạn quy định.
Có thể thấy, việc quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực và thời hạn của giấy phép hoạt động sẽ góp phần cải thiện các vấn đề bất cập về tính rõ ràng của quy trình xin cấp giấy phép, đồng thời có căn cứ trong hoạt động quản lý đối với thời gian hoạt động của các tổ chức khi kinh doanh trong lĩnh vực điện lực.