Ngày 12/11/2018 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 về việc phê chuẩn hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 27/12/2018.
Theo đó, việc tổ chức thực hiện hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Tên tiếng Anh là Comprehensive án Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, sau đây gọi tắt là CPTPP) được thự hiện như sau:
– Giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất cảu hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
– Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại; đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.
Như vậy, bằng việc thông qua Nghị quyết 72/2018/QH14, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức trong việc tiến hành triển khai tổ chức thực hiện Hiệp định CPTPP đã được phân định tương đối rõ ràng, qua đó giảm thiểu sự chồng chéo trong hoạt động, cũng như góp phần tận dụng và phát huy tối đa các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP mang lại.
Ngày 08/11/2018, Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết số 69/2018/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 23/12/2018.
Theo đó, Quốc hội đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu kế hoạch cụ thể về việc phát triển kinh tế – xã hội năm 2019. Cụ thể như sau:
– Tăng cường năng lực, chủ động phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp và kịp thời;
– Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược;
– Thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng;
– Tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước;
– Quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu;
– Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hiệu quả Quỹ bảo hiểm y tế; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về khám bệnh, chữa bệnh, dự phòng và nâng cao sức khỏe Nhân dân;
– Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc thiểu số;
– Thực hiện nghiêm việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn để thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
– Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh để bảo vệ đất nước; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, Nghị quyết số 69/2018/QH14 được thông qua đã thể hiện sự tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình đến Quốc hội, đồng thời, yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế – xã hội năm 2019.
Ngày 16/11/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 26/2018/TT-NHNN quy định về điều tra thống kê tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối ngoài Chương trình điều tra thống kê quốc gia. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2018.
Theo đó, các loại điều tra thống kê tiền tệ và ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước bao gồm: 1.Điều tra thống kê thuộc Chương trình điều tra thống kê tiền tệ và ngân hàng. 2. Điều tra thống kê tiền tệ và ngân hàng đột xuất. Cụ thể:
Về điều tra thống kê thuộc Chương trình điều tra thống kê tiền tệ và ngân hàng: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao và yêu cầu thông tin phục vụ quản lý, điều hành, chậm nhất vào ngày 5/10 hàng năm, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước đề xuất các cuộc điều tra được thực hiện định kỳ (nếu có) để bổ sung vào Chương trình điều tra thống kê tiền tệ và ngân hàng. Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị (nếu có), chậm nhất vào ngày 30/12 hàng năm, Vụ Dự báo, thống kê tổng hợp trình Thống đốc xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Chương trình điều tra thống kê tiền tệ và ngân hàng.
Về điều tra thống kê tiền tệ và ngân hàng đột xuất: Thông tư nêu rõ, điều tra thống kê tiền tệ và ngân hàng đột xuất khi phát sinh yêu cầu thu thập thông tin đột xuất trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và không thuộc Chương trình điều tra thống kê tiền tệ và ngân hàng.
Bên cạnh đó, nguyên tắc của hoạt động điều tra thống kê tiền tệ và ngân hàng cũng được quy định như sau: (1) bảo đảm tính trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời; (2) bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê, bảo đảm tính thống nhất về nghiệp vụ; (3) không tổ chức điều tra thống kê trùng lặp, chồng chéo về nội dung với các cuộc điều tra thống kê khác; (4) công khai về phương pháp thực hiện điều tra thống kê và công bố thông tin điều tra thống kê theo quy định của pháp luật; (5) bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin điều tra thống kê đã được công bố.
Thông tin, kết quả điều tra thống kê phải được giữ bí mật bao gồm: Thông tin, số liệu gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đó đồng ý hoặc luật có quy định khác; thông tin điều tra thống kê chưa được người có thẩm quyền công bố; những thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Có thể thấy, Việc điều tra thống kê tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối sẽ góp phần tạo cơ sở cho các cá nhân, tổ chức hoạt động được chính xác, công khai, minh bạch, đồng thời góp phần xây dựng sự ổn định tiền tệ và an toàn của các hoạt động ngân hàng.
Ngày 12/12/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-NHNN hướng dẫn xác định vốn Nhà nước của các doanh nghiệp cổ phần hóa là tổ chức tín dụng. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2019
Theo đó, Thông tư số 30/2018/TT-NHNN quy định vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa là tổ chức tín dụng được xác định bao gồm số dư các tài khoản sau đây:
Thứ nhất, Vốn điều lệ – số hiệu tài khoản 601;
Thứ hai, Vốn đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định – số hiệu tài khoản 602;
Thứ ba, Vốn khác – số hiệu tài khoản 609;
Thứ tư, Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ – số hiệu tài khoản 611;
Thứ năm, Quỹ đầu tư phát triển – số hiệu tài khoản 612;
Thứ sáu, Quỹ dự phòng tài chính – số hiệu tài khoản 613.
Các số hiệu các tài khoản này được lấy theo Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng theo Thông tư số 22/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/4/2004 và Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/04/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Có thể thấy, nếu như theo thực tế trước đây việc xác định vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa là tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khan, vướng mắc, số liệu được xác định chưa chính xác, thì nay, theo hướng dẫn tại Thông tư số 30/2018/TT-NHNN đã giải quyết được thực trạng nêu trên. Việc đưa ra những tiêu chí cụ thể trong việc xác định vốn nhà nước sẽ giúp quá trình thực hiện được rõ ràng, nhanh chóng và chính xác hơn.
Ngày 28/09/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 91/2018/TT-BTC hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/12/2018.
Theo đó, từ ngày 18/12/2018, các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu sẽ sử dụng kinh phí từ Ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ, đóng góp để thực hiện các công việc sau:
Biên soạn chương trình; giáo trình, tài liệu đào tạo về dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu;
Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật thực hiện kiểm tra, thử nghiệm hiệu suất năng lượng đối với các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng;
Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các chỉ tiêu về chi phí năng lượng riêng, hiệu suất năng lượng tối thiểu;
Mua sắm, thuê trang thiết bị để thực hiện kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận hiệu suất năng lượng đối với các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng theo lộ trình;
Tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi về danh mục, phương tiện, thiết bị, lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Ngoài ra, việc lập, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật.
Như vậy, với những quy định chi tiết và cụ thể, Thông tư số 91/2018/TT-BTC được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao tinh thần tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, gìn giữ nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước.
Ngày 13/09/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 84/2018/TT-BTC về quy định mẫu biểu báo cáo và công bố thông tin về nợ công. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018.
Theo đó, Thông tư số 84/2018/TT-BTC có những nội dung mới đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, Thông tư này quy định mẫu biểu báo cáo và công bố thông tin về nợ công theo quy định tại các Điều 60 và Điều 61 Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14; Điều 27 và Điều 28 Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30/06/2018 về nghiệp vụ quản lý nợ công.
Thứ hai, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp và lập báo cáo về nợ của chính quyền địa phương theo mẫu biểu quy định tại Nghị định số 93/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương.
Thứ ba, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan cho vay lại, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ thực hiện báo cáo về tình hình quản lý, thực hiện cho vay lại, thu hồi, hoàn trả vốn cho vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ và mẫu biểu quy định tại Thông tư 80/2018/TT-BTC ngày 28/8/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn mẫu biểu báo về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Thứ tư, Chủ dự án, ngân hàng chính sách được Chính phủ bảo lãnh vay vốn hoặc phát hành trái phiếu thực hiện báo cáo theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ và mẫu biểu tại phụ lục đính kèm Thông tư số 58/2018/TT-BTC ngày 10/7/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn biểu, mẫu cung cấp thông tin, báo cáo đối với các chương trình, dự án được Chính phủ bảo lãnh.
Thứ năm, đối với các số liệu, báo cáo khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này, các cơ quan, đơn vị báo cáo thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Có thể thấy, Thông tư số 84/2018/TT-BTC đã có những quy định chi tiết và cụ thể về mẫu biểu báo cáo và công bố thông tin về nợ công, qua đó góp phần đảm bảo sự hiệu quả, tính thống nhất, chính xác, công khai và minh bạch đối với các hoạt động này.
Ngày 07/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 24/12/2018.
Theo đó, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 mà có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng tùy thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, mức lương hưu được điều chỉnh bằng mức lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 Điều 56 hoặc khoản 2 Điều 74 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 cộng với mức điều chỉnh.
Mức điều chỉnh được tính bằng mức lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 điều 56 hoặc khoản 2 Điều 74 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, cụ thể:
Các trường hợp nghỉ hưu năm 2018, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 12,3%; thấp nhất là 1,08%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH.
Các trường hợp nghỉ hưu năm 2019, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH.
Mức lương hưu sau điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh ở những lần điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1.1.2018 đến ngày 31.12.2021 mà có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/06/2018 thì thực hiện điều chỉnh lương hưu theo quy định nêu trên trước, sau đó được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 88/2018/NĐ-CP ngày 15/06/2018 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Có thể thấy, Nghị định số 153/2018/NĐ-CP đã có những quy định về chính sách điều chỉnh lương hưu đối với các trường hợp lao động nữ bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Qua đó kịp thời có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo công bằng xã hội, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người lao động.
Ngày 09/11/2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 70/2018/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngày 24/12/2018.
Theo đó, Nghị quyết số 70/2018/QH14 quy định thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01/07/2019.
Cùng với đó, từ ngày 01/07/2019, đồng loạt tăng mức hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc với người lao động cho phù hợp với mức lương cơ sở mới tại Nghị quyết số 70/2018/QH14. Cụ thể, mức hưởng chế độ BHXH với NLĐ được thực hiện như sau:
Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 447.000 đồng (mức hiện hành là 417.000 đồng).
Lao động nữ sinh con hoặc người lao động (NLĐ) nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2.980.000 đồng (mức hiện hành là 2.780.000 đồng);
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2.980.000 đồng (mức hiện hành là 2.780.000 đồng) cho mỗi con.
Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật một ngày bằng:
+ 372.500 đồng (mức hiện hành là 347.500 đồng) nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình;
+ 596.000 đồng (mức hiện hành là 556.000 đồng) nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.
Như vậy, cùng với việc tăng mức lương cơ bản theo Nghị quyết số 70/2018/QH14, chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động cũng được cải thiện phù hợp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng làm việc, cải thiện đời sống và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.
Ngày 05/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1685/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, mục tiêu cơ cấu lại ngành Du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực, hệ thống quản lý ngành, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; phấn đấu là quốc gia trong nhóm nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Đề án phấn đấu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành Du lịch đóng góp trên 10% GDP; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp; nâng dần tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%; đón và phục vụ 30-32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Ngoài ra, Quyết định này cũng hướng dẫn chi tiết về các giải pháp thực hiện đề án, cụ thể:
Về đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch: Đầu tư xây mới, mở rộng, nâng cấp các sân bay, cảng tàu du lịch tại các địa bàn trọng điểm và khu vực có tiềm năng phát triển du lịch; triển khai mởi đường bay quốc tế; Tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp thị thực, thị thực điện tử.
Phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin trong ngành du lịch hướng tới trình độ của khu vực và quốc tế. Xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông, mạng internet không dây miễn phí tại các khu, điểm du lịch và các khách sạn, nhà hàng, trung tâm dịch vụ du lịch.
Phát triển sản phẩm du lịch: Có chính sách thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch quy mô lớn, chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm và khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia.
Tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch: Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh trong phát triển du lịch. Nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Có thể thấy, thông qua việc thực hiện đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” sẽ góp phần hình thành hệ thống sản phẩm du lịch rõ nét, đặc sắc, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và có thương hiệu, nhất là tại các khu vực động lực phát triển du lịch qua đó từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.