Ngày 28/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2019.
Theo đó, Nghị định số 159/2018/NĐ-CP có những nội dung mới nổi bật đáng chú ý như sau:
– Các dự án nạo vét cơ bản trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa phải được đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Đối với các dự án, công trình nạo vét duy tu với khối lượng thực hiện hàng năm có tính quy luật, việc đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện theo thời hạn từng năm hoặc theo chu kỳ đến 05 năm;
– Việc xác định vị trí đổ chất nạo vét trên bờ đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển phải báo cáo lên Ủy ban nhân cấp tỉnh và được chấp thuận;
– Các dự án nạo vét cơ bản thuộc đường thủy nội địa phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận phương án thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Trường hợp các dự án nạo vét cơ bản thuộc đường thủy nội địa có đê còn phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý; đối với dự án nạo vét cơ bản ở các tuyến đường thủy nội địa có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt hoặc thuộc địa bàn từ 02 tỉnh trở lên, phải lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi phê duyệt dự án.
Có thể thấy, Nghị định số 159/2018/NĐ-CP đã có những hướng dẫn chi tiết về việc đánh giá tác động môi trường khi thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, qua đó góp phần nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cộng đồng dân cư, hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai.
Ngày 08/01/2019, Thủ tường Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam được sửa đổi theo Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg được sửa đổi như sau:
Đối với giá điện đối với dự án trên mái nhà:
– Các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Bên bán điện thực hiện thanh toán lượng điện năng nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành. Bên mua điện thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện với giá mua bán điện theo quy định. Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về thuế và phí.
– Giá mua bán điện đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo được xác định trên cơ sở tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước.
Đối với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cụ thể là Bộ Công thương được điều chỉnh như sau:
– Ban hành quy chuẩn kỹ thuật về điện mặt trời, quy định về đấu nối, đo đếm điện năng đối với dự án điện mặt trời và hướng dẫn thủ tục đấu nối, lắp đặt công tơ của các dự án điện mặt trời trên mái nhà.
– Hướng dẫn thực hiện tính toán thanh toán tiền điện đối với các dự án điện mặt trời theo biến động của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ.
Như vậy, Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg đã có những điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình kinh tế xã hội hiên tại. Bên cạnh đó việc điều chỉnh cơ chế quản lý cũng góp phần giúp công tác quản lý của cơ quan nhà nước trở nên rõ ràng và thuận tiện hơn.
Ngày 20/11/2018, Quốc hội ban hành Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Theo đó, Luật số 35/2018/QH14 quy định về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và các nguyên tắc như sau:
– Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng cấp xã;
– Bảo vệ nghiêm ngặt đất chuyên trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;
– Bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và khả năng, quỹ đất của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả;
– Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; thích ứng với biến đổi khí hậu;
– Nội dung phân bổ và sử dụng đất trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Ngoài ra, Luật quy định việc lập kế hoạch sử dụng đất phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
– Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh;
– Kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đối với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải phù hợp với phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh;
– Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả;
– Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu;
– Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
– Kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Như vậy, việc bổ sung nguyên tắc quy hoạch sử dụng đất là một cơ sở pháp lý quan trọng cho cơ quan nhà nước trong việc phê duyệt thẩm định tính phù hợp với nền kinh tế xã hội, môi trường ở tình hình hiện nay.
Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch 2017, quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch. Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019.
Theo đó, Luật Quy hoạch 2017 có quy định về việc công bố quy hoạch, cụ thể:
Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, toàn bộ nội dung của quy hoạch phải được công bố công khai, trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Việc công bố nội dung quy hoạch được thực hiện theo các hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan tổ chức lập quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch, một cách thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, quy hoạch có thể được công bố theo một số hình thức sau đây:
• Thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng;
• Trưng bày mô hình, hệ thống sơ đồ, bản đồ, hệ thống cơ sở dữ liệu về quy hoạch;
• Tổ chức hội nghị, hội thảo;
• Phát hành ấn phẩm.
Về việc tổ chức công bố quy hoạch, Luật Quy hoạch 2017 có quy định trách nhiệm đối với từng cơ quan có thẩm quyền, cụ thể như sau:
• Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức công bố quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng.
• Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
• Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức công bố quy hoạch ngành quốc gia thuộc thẩm quyền tổ chức lập.
• Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức công bố quy hoạch tỉnh.
Nhìn chung, việc thông qua Luật Quy hoạch 2017 đã cho thấy nỗ lực của Nhà nước ta trong việc đổi mới phương thức quản lý liên quan đến vấn đề quy hoạch của quốc gia. Trong đó, việc công bố nội dung quy hoạch đã thể hiện đúng đường lối, phương châm mạnh mẽ của Đảng ta, đó là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mục đích tăng cường ý kiến, phản ánh của nhân dân đối với những vấn đề của quốc gia, qua đó góp phần xây dựng tính dân chủ của nhân dân trong công cuộc đổi mới của đất nước.
Ngày 12/06/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Tố cáo 2017 quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo. Luật Tố cáo 2017 có hiệu lực vào ngày 01/01/2019.
Một trong những điếm mới nổi bật của Luật Tố cáo 2017 là quy định về trường hợp xử lý tố cáo nặc danh, cụ thể:
Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo quy định của pháp luật, nhưng đáp ứng nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
Tố cáo nặc danh được xử lý theo quy trình sau:
1. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý thông tin có nội dung tố cáo;
2. Nếu nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật, tiến hành thụ lý tố cáo;
3. Trong quá trình nghiên cứu, xử lý vụ việc, người giải quyết tố cáo tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác xác minh nội dung tố cáo;
4. Kết thúc việc xác minh nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải ban hành kết luận nội dung tố cáo, trên cơ sở nội dung tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo và các tài liệu, chứng cứ liên quan;
5. Cuối cùng, người giải quyết tố cáo tiến hành đưa ra các biện pháp xử lý trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo.
Tóm lại, việc ban hành Luật Tố cáo 2017 đã cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong hoạt động đấu tranh với những hành vi vi phạm phạm luật đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội ngày nay. Bên cạnh đó, quy định về xử lý tố cáo có tính chất nặc danh đã cho thấy sự bảo đảm về quyền lợi cũng như việc động viên từ phía Nhà nước, khuyến khích các chủ thể mạnh dạn đấu tranh, đưa những hành vi vi phạm pháp luật ra ánh sáng, nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Ngày 12/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 (Luật An ninh mạng), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều, cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung, gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9), quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về an ninh mạng; nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng; biện pháp bảo vệ an ninh mạng; bảo vệ không gian mạng quốc gia; hợp tác quốc tế về an ninh mạng; các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng; xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Chương II. Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, gồm 6 điều (từ Điều 10 đến Điều 15), quy định về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đánh giá điều kiện an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Chương III. Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, gồm 7 điều (từ Điều 16 đến Điều 22), quy định về phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng; phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tấn công mạng; phòng, chống khủng bố mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; đấu tranh bảo vệ an ninh mạng.
Chương IV. Hoạt động bảo vệ an ninh mạng, gồm 7 điều (từ Điều 23 đến Điều 29), quy định về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương; kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế; bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng; nghiên cứu, phát triển an ninh mạng; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Chương V. Bảo đảm hoạt động bảo vệ an ninh mạng, gồm 6 điều (từ Điều 30 đến Điều 35), quy định về lực lượng bảo vệ an ninh mạng; bảo đảm nguồn nhân lực bảo vệ an ninh mạng; tuyển chọn, đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ an ninh mạng; phổ biến kiến thức về an ninh mạng; kinh phí bảo vệ an ninh mạng.
Chương VI. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gồm 7 điều (từ Điều 36 đến Điều 42), quy định về trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông; trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ; trách nhiệm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng.
Chương VII. Điều khoản thi hành, có 01 điều (Điều 43), quy định về hiệu lực thi hành.
Quốc hội ban hành Luật an ninh mạng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng; xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh; triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh công tác giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng, hoàn thiện chính sách nghiên cứu, phát triển chiến lược, chia sẻ thông tin về an ninh mạng.
Ngày 16/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019.
Theo Nghị định này, từ thời điểm 01/01/2019, mức lương tối thiểu vùng được ấn định như sau:
– Mức 4,18 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;
– Mức 3,71 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;
– Mức 3,25 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;
– Mức 2,92 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
So với năm 2018, mức lương tối thiểu vùng tăng từ 160.000 đồng/tháng – 200.000 đồng/tháng.
Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ 01/01/2019 tăng từ 160.000 đồng/tháng – 200.000 đồng/tháng so với năm 2018, làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương cho người lao động.
Ngày 08/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Theo nghị định này, việc kiểm định xe cơ giới là việc kiểm tra lần đầu và định kỳ về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới. Kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới ngoài viêc đáp ứng đủ về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định thì nhân lực trong đơn vị đăng kiểm phải đả bảo các điều kiện như sau:
– Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 03 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
– Có phụ trách dây chuyền kiểm định. Mỗi phụ trách dây chuyền kiểm định chỉ được phụ trách tối đa hai dây chuyền kiểm định.
– Có lãnh đạo đơn vị đăng kiểm và nhân viên nghiệp vụ đáp ứng các các yêu cầu:
+ Trình độ chuyên môn tối thiểu tốt nghiệp trung cấp nghề;
+ Được tập huấn và cấp chứng chỉ tập huấn nhân viên nghiệm vụ kiểm định theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Việc ban hành Nghị định số 139/2018/NĐ-CP là cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc phát triển một ngành dịch vụ này. Đồng thời đây cũng là căn cứ về điều kiện cho các cá nhân tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới cũng như là cơ sở cho cơ quan nhà nước có những thước đo chính xác trong việc thẩm định điều kiện và cấp giấy phép cho các doanh nghiệp.