Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Bản tin pháp luật số 51/2018
Trả lời

Phê duyệt kế hoạch uống bổ sung vắc xin bại liệt (bOPV) cho trẻ dưới 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao
Trả lời

Ngày 10/12/2018, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 7319/QĐ-BYT về việc phê duyệt kế hoạch uống bổ sung vắc xin bại liệt (bOPV) cho trẻ dưới 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao năm 2018 – 2019. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, kế hoạch này sẽ được triển khai tại 23 tỉnh với 564.277 trẻ dưới 05 tuổi, bao gồm cả những trẻ đã từng uống hoặc tiêm vắc xin bại liệt trước đó (trừ trường hợp mới uống vắc xin bại liệt trong vòng 01 tháng trước ngày triển khai tiêm chủng).
Kế hoạch sẽ tổ chức 02 vòng bổ sung vắc xin bại liệt cách nhau 01 tháng; mỗi trẻ sẽ được uống 02 liều vắc xin (mỗi liều hai giọt). Cuối mỗi buổi, cần rà soát các hoạt động để kịp thời đưa ra kế hoạch uống bù và các hoạt động điều chỉnh, đảm bảo không để sót đối tượng tiêm chủng.
Bên cạnh đó, Quyết định số 7319/QĐ-BYT cũng quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện kế hoạch, cụ thể như sau:
UBND tỉnh, thành phố tại các địa phương có nguy cơ cao có trách nhiệm phê duyệt Kế hoạch và chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai uống bổ sung vắc xin phòng chống bệnh bại liệt cho trẻ em dưới 5 tuổi tại địa phương. Đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai chiến dịch uống vắc xin bổ sung. Chỉ đạo việc tuyên truyền về tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh. Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và người dân thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng chống bệnh bại liệt hoang dại.
Sở Y tế có nhiệm vụ xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch và triển khai Kế hoạch tại địa phương, bố trí đủ nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, đáp ứng kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát công tác tổ chức thực hiện kế hoạch.
Cục Y tế dự phòng chỉ đạo triển khai Kế hoạch uống bổ sung vắc xin bOPV, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc sử dụng vắc xin, theo dõi, xử lý các phản ứng sau tiêm chủng trên cơ sở nội dung Kế hoạch đã được phê duyệt.
Có thể thấy, trên tinh thần thực hiện chiến lược thanh toán bệnh bại liệt của Tổ chức Y tế Thế giới, bằng việc phê duyệt kế hoạch uống bổ sung vắc xin bại liệt (bOPV) cho trẻ dưới 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao năm 2018 – 2019, Bộ Y tế đã thể hiện quyết tâm chủ động tích cực phòng chống bệnh bại liệt xâm nhập, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe của trẻ em nói riêng, cũng như mọi tầng lớp nhân dân nói chung trước các nguy cơ ảnh hưởng do các mầm bệnh nguy hiểm gây ra.

Quy định về quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm
Trả lời

Ngày 07/12/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 40/2018/TT-BYT quy định về quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/01/2019.
Theo đó, Thông tư số 40/2018/TT-BYT quy định việc quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm nhằm mục đích dự phòng, nghiên cứu, chẩn đoán, chữa bệnh cho người, bao gồm: thu thập, bảo quản, đóng gói, lưu giữ, sử dụng, trao đổi, tiêu hủy, vận chuyển mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm ra khỏi cơ sở xét nghiệm.
Thông tư này cũng quy định đơn vị thu thập mẫu bệnh phẩm phải thông báo cho phòng xét nghiệm, nơi nhận về loại mẫu bệnh phẩm; ngày gửi; phương tiện vận chuyển và thời gian dự kiến mẫu sẽ tới đơn vị nhận. Mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm.
Bên cạnh đó, kích thước, khối lượng, thể tích đóng gói mẫu bệnh phẩm khi vận chuyển cũng được quy định chi tiết, cụ thể như sau:
– Vận chuyển bằng đường hàng không:
+ Đối với mẫu bệnh phẩm chứa chất lây nhiễm loại A: Mỗi kiện mẫu bệnh phẩm chất lỏng không quá 50 ml cho máy bay chở khách hoặc không quá 04 lít cho máy bay chở hàng. Mỗi kiện mẫu bệnh phẩm chất rắn không quá 50 g cho máy bay chở khách hoặc không quá 04 kg cho máy bay chở hàng;
+ Đối với mẫu bệnh phẩm chứa chất lây nhiễm loại B: Mỗi kiện mẫu bệnh phẩm chất lỏng không quá 01 lít, tổng các kiện mẫu bệnh phẩm sau khi đóng gói không quá 04 lít. Mỗi kiện mẫu bệnh phẩm chất rắn không quá 04 kg/kiện.
– Vận chuyển mẫu bệnh phẩm bằng đường biển, đường bộ, đường sắt: Mỗi kiện đóng gói bên ngoài có kích thước tối thiểu mỗi mặt là 100 mm x 100 mm, không giới hạn kích thước tối đa. Người vận chuyển mẫu bệnh phẩm phải sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ sẵn có để ngăn ngừa sự lây lan tác nhân lây nhiễm cho con người và môi trường.
Như vậy, Thông tư số 40/2018/TT-BYT đã có những quy định chi tiết và cụ thể về quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động dự phòng, nghiên cứu, chẩn đoán, chữa bệnh được chính xác, an toàn và hiệu quả, đồng thời tăng cường sự quản lý của các cơ quan chức năng trong các hoạt động này.

Nguyên tắc mới về ghi chép trên chứng từ kế toán
Trả lời

Ngày 15/11/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 112/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 174/2015/TT-BTC ngày 10/11/2015 hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Theo đó, Thông tư số 112/2018/TT-BTC đã sửa đổi, bổ sung quy định về lập, ký và lưu giữ chứng từ kế toán đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cụ thể quy định mới như sau:
1. Mọi phát sinh liên quan đến việc ghi sổ kế toán thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đều phải lập chứng từ kế toán.
2. Chứng từ kế toán phải lập theo nội dung quy định trên mẫu cho từng loại nghiệp vụ, phải bảo đảm đủ nội dung và bảo đảm tính pháp lý đối với từng loại chứng từ theo quy định của Luật Kế toán và Nghị định số 174/2016/NĐ-CP.
3. Ghi chép trên chứng từ kế toán
Việc ghi chép trên chứng từ phải đầy đủ, rõ ràng, kịp thời, chính xác theo quy định tại Điều 18 của Luật Kế toán và Nghị định số 174/2016/NĐ-CP; chữ viết trên chứng từ phải liên tục, không ngắt quãng, không được viết tắt, không được tẩy xóa, sửa chữa; khi viết phải dùng bút bi hoặc bút mực; không viết bằng mực đỏ, bằng bút chì; số tiền viết bằng chữ phải đúng với số tiền viết bằng số. Chữ đầu tiên phải viết in hoa, những chữ còn lại viết thường; phải viết sát đầu dòng, chữ viết và chữ số phải viết liên tục không để cách quãng, ghi hết dòng mới xuống dòng khác, không viết chèn dòng, không viết đè lên chữ in sẵn; chỗ trống phải gạch chéo để không thể sửa chữa, thêm số hoặc thêm chữ. Chứng từ bị tẩy xóa, sửa chữa đều không có giá trị thanh toán và ghi sổ kế toán. Khi viết sai vào mẫu chứng từ in sẵn thì phải hủy bỏ bằng cách gạch chéo chứng từ viết sai.
4. Chứng từ kế toán phải được lập đủ số liên. Trường hợp phải lập nhiều liên chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính thì nội dung các liên phải giống nhau.
5. Chứng từ kế toán được lập dưới dạng chứng từ điện tử phải tuân theo Điều 17, Điều 18, Điều 19 của Luật Kế toán và Nghị định số 174/2016/NĐ-CP.
6. Ký chứng từ kế toán
Chứng từ kế toán phải được ký theo đúng quy định tại Điều 19 Luật Kế toán và Nghị định số 174/2016/NĐ-CP. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất và phải giống với mẫu chữ ký đã đăng ký; người lập, người duyệt và những người khác ký tên trên chứng từ kế toán phải chịu trách nhiệm về nội dung của chứng từ kế toán; người có trách nhiệm ký chứng từ kế toán chỉ được ký chứng từ khi đã ghi đầy đủ nội dung thuộc trách nhiệm của mình theo quy định.
Như vậy, bằng việc ban hành Thông tư số 112/2018/TT-BTC, Bộ Tài chính đã có những hướng dẫn chi tiết và cụ thể về lập, ký và lưu giữ chứng từ kế toán đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, qua đó tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức thực hiện hiện các hoạt động kế toán này được nhanh chóng, chính xác, đồng thời thắt chặt sự quản lý nhà nước đối với các hoạt động này.

Hướng dẫn lập báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước là đơn vị kế toán cấp trên
Trả lời

Ngày 01/11/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 99/2018/TT-BTC hướng dẫn lập báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước là đơn vị kế toán cấp trên. Thông tư này có Hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Theo đó, Thông tư số 99/2018/TT-BTC áp dụng cho các đơn vị kế toán nhà nước bao gồm: cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; ban quản lý dự án có tư cách pháp nhân do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thành lập; cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước; các tổ chức được nhà nước cấp vốn để tổ chức hoạt động theo mục tiêu chính trị – xã hội cụ thể.
Về kỳ lập báo cáo, Thông tư này nêu rõ: Báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán cấp trên được lập theo kỳ kế toán năm. Trường hợp pháp luật có quy định theo kỳ hạn lập khác thì ngoài báo cáo theo kỳ hạn năm, đơn vị còn phải lập báo cáo tài chính tổng hợp theo kỳ hạn đó. Báo cáo bổ sung thông tin tài chính được lập theo kỳ hạn kế toán của báo cáo tài chính tổng hợp.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính tổng hợp được lập sau khi kết thúc kỳ kế toán năm (vào thời điểm 31/12 hàng năm). Báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán cấp trên phải được tổng hợp đầy đủ, bao gồm thông tin tài chính của tất cả đơn vị kế toán cấp dưới trực thuộc theo quy định; trong đó các chỉ tiêu tài sản, nợ phải trả, tài sản thuần, doanh thu, chi phí và các luồng tiền của đơn vị kế toán cấp trên được trình bày trên các biểu mẫu báo cáo tương ứng giống như là các báo cáo của một đơn vị kế toán độc lập.
Có thể thấy, việc lập báo cáo tài chính tổng hợp sẽ góp phần cung cấp thông tin kinh tế, tài chính cho người sử dụng xem xét, đánh giá tình hình tài chính, kết quả hoạt động, khả năng tạo tiền của đơn vị kế toán cấp trên trong kỳ kế toán, làm cơ sở cho việc đưa ra các quyết định về quản lý, điều hành đầu tư và quyết định khác của các cấp lãnh đạo và những người có liên quan, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị kế toán cấp trên về việc tiếp nhận và sử dụng các nguồn lực của nhà nước theo quy định của pháp luật.

Quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc
Trả lời

Ngày 07/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 149/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Nghị định này có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2019.
Theo đó, người sử dụng lao động phải công khai: Tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia; nghị quyết Hội nghị người lao động; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định người lao động được tham gia ý kiến về xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể; đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; các nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ người lao động theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, Chính phủ đã có những hướng dẫn chi tiết và cụ thể về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, qua đó đảm bảo mục tiêu cao nhất về chủ trương của nhà nước là dân chủ cho người lao động và thông qua dân chủ, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
Trả lời

Ngày 16/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Theo đó, đối tượng áp dụng gồm: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 01/01/2019 như sau: Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 160.000-200.000 đồng/tháng.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng nêu rõ, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
Mức lương tối thiểu vùng quy định nêu trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.
Có thể thấy, việc tăng mức lương tối thiểu vùng là một bước đi phù hợp và kịp thời của Chính phủ, bởi lẽ lương tối thiểu không chỉ ảnh hưởng đến người lao động có mức lương sát mức sàn, mà còn tác động đến cả những người nhận lương cao hơn thông qua việc điều chỉnh bậc lương trong doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là lương tối thiểu tăng có thể giúp cải thiện thu nhập của đa số người lao động, từ đó tăng tiêu thụ nội địa và đóng góp vào một mức tăng trưởng GDP cao hơn, góp phần tăng trưởng nền kinh tế đất nước.

Bản tin pháp luật số 50/2018
Trả lời

Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù đối với lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng
Trả lời

Ngày 11/11/2018, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 162/2018/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù đối với lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ quốc phòng. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/12/2018.
Theo đó, Thông tư số 162/2018/TT-BQP áp dụng với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp biên chế tại Phòng Cảnh vệ thuộc Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định tăng cường làm nhiệm vụ theo các chức danh quy định tại Phòng Cảnh vệ thuộc Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị trong thời gian từ 01 tháng trở lên và các tổ chức và cá nhân có liên quan, cụ thể:
– Đối tượng quy định sĩ quan, quân nhân nêu trên được hưởng một trong 4 mức phụ cấp đặc thù, gồm: 30%, 25%, 20% và 15% tính trên mức lương cấp bậc quân hàm đối với sĩ quan hoặc loại, nhóm, bậc đối với quân nhân chuyên nghiệp. Phụ cấp đặc thù này được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cảnh vệ thuộc đối tượng hưởng mức phụ cấp đặc thù nào thì hưởng mức phụ cấp đặc thù quy định cho đối tượng đó. Trường hợp một đối tượng đủ điều kiện hưởng ở nhiều mức hưởng phụ cấp đặc thù khác nhau thì chỉ được hưởng một mức hưởng cao nhất.
Có thể thấy, Thông tư số 162/2018/TT-BQP đã có những hướng dẫn chi tiết và cụ thể về việc thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù đối với lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng, qua đó thể hiện sự quan tâm, khuyến khích cần thiết và kịp thời của Nhà nước đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng này.

Quy định chế độ tiền lương đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu
Trả lời

Ngày 07/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 152/2018/NĐ-CP quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2018.
Theo đó, Nghị định số 152/2018/NĐ-CP quy định cụ thể về tiền lương; tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; BHXH; BHYT; BHTN; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm khi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài và tiền thưởng theo thành tích thi đấu đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.
Bên cạnh đó, Nghị định số 152/2018/NĐ-CP cũng quy định quy định huấn luyện viên, vận động viên là công dân Việt Nam thuộc đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia; đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được hưởng tiền lương như sau:
– Được hưởng nguyên tiền lương đang được hưởng (bao gồm mức lương, phụ cấp lương nếu có) do cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên chi trả;
– Được hưởng khoản tiền bù chênh lệch trong trường hợp mức tiền lương quy định tại điểm a khoản 1 Điều này tính bình quân theo số ngày làm việc bình thường trong tháng thấp hơn so với mức tiền lương quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Ngoài ra, mức tiền lương tính bình quân theo số ngày làm việc bình thường được xác định bằng tiền lương của tháng trước liền kề trước khi huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập tập huấn, thi đấu chia cho 26 ngày.
Có thể thấy rằng, việc ban hành Nghị định số 152/2018/NĐ-CP đã cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đến chất lượng đời sống của huấn luyện viên và vận động viên, qua đó khuyến khích và tăng thêm động lực cho các nhân tố trên tích cực rèn luyện, phấn đấu và cống hiến cho sự phát triển của nền thể thao nước nhà.