Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Bản Tin Pháp Luật Số 15/2019
Trả lời

Quy định khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản
Trả lời

Ngày 03/5/2019, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT về việc ban hành Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.
Theo Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT, giá dịch vụ vận chuyển hành khách một chiều hạng phổ thông cơ bản tối đa như sau:
– Đối với khoảng cách đường bay dưới 500 km:
+ Nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội: 1.600.000 đồng/vé.
+ Nhóm đường bay khác dưới 500 km: 1.700.000 đồng/vé.
– Đối với khoảng cách đường bay từ 500 km đến dưới 850 km: 2.200.000 đồng/vé.
– Đối với khoảng cách đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km: 2.790.000 đồng/vé.
– Đối với khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km: 3.200.000 đồng/vé.
– Đối với khoảng cách đường bay từ 1.280 km trở lên: 3.750.000 đồng/vé.
Giá vé trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 01 vé máy bày, trừ: Thuế GTGT; giá phục vụ hành khách tại ga hành khách; giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm; Giá dịch vụ đối với các dịch vụ tăng thêm do các hãng hàng không quyết định trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng hàng không và nhu cầu của thị trường.
Thực hiện quy định nêu trên, các hãng hàng không có trách nhiệm:
– Quy định giá vé cụ thể trên đường bay hoặc nhóm đường bay theo phương thức đa dạng giá vé cho mỗi đường bay và chính sách giá giảm thường xuyên dành cho đồng bào, chiến sỹ thường trú tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
– Thực hiện kê khai mức giá cụ thể với Cục Hàng không Việt Nam và thực hiện công bố công khai giá theo quy định của pháp luật;
– Trường hợp mở đường bay mới chưa được công bố trong nhóm cự ly bay do Cục Hàng không Việt Nam thông báo, hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam xem xét, quy định bổ sung đường bay mới vào các nhóm cự ly bay thông dụng trước thời điểm hãng kê khai giá với Cục Hàng không Việt Nam.
Việc Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT quy định chính thức khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa theo hướng giữ nguyên khung giá tối đa như thời điểm tháng 8/2015 nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc bình ổn giá, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Quy hoạch
Trả lời

Ngày 07/05/2019 vừa qua, Chính Phủ đã chính thức ban hành Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy Hoạch với nội dung điều chỉnh các Điều 15 (nhiệm vụ lập quy hoạch), 17 (tổ chức tư vấn lập quy hoạch), 19 (lấy ý kiến về quy hoạch), 22 (nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia), 23 (nội dung quy hoạch không gian biển quốc gia), 24 (nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia), 25 (nội dung quy hoạch ngành quốc gia), 26 (nội dung quy hoạch vùng), 27 (nội dung quy hoạch tỉnh), 30 (Hội đồng thẩm định quy hoạch), 40 (hình thức công bố quy hoạch), 41 (hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch) và 49 (trách nhiệm đánh giá thực hiện quy hoạch) của Luật Quy hoạch.
Theo đó, Chính phủ đã có quy định cụ thể về thời hạn, thời gian lập quy hoạch. Thời hạn lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng không quá 30 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt, trong đó, thời hạn lập hợp phần quy hoạch không quá 18 tháng đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng. Thời hạn lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh không quá 24 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.
Ngoài ra, thông qua việc ban hành Nghị định này, Chính Phủ cũng đã quy định việc xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch dưới hình thức một cổng thông tin điện tử kết nối giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh trên môi trường mạng nhằm phục vụ công tác lập quy hoạch, lấy ý kiến về quy hoạch, công bố, cung cấp thông tin về quy hoạch; giám sát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch.
Như vậy, với việc ban hành Nghị định 31/2019 nêu trên, Chính Phủ đang từng bước tháo gỡ các khó khăn trong việc thi hành Luật Quy Hoạch, tạo điều kiện để các địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra.

Bãi bỏ thông tư số 134/2014/TT-BTC ngày 12 tháng 9 năm 2014 của bộ tài chính hướng dẫn thủ tục gia hạn thời hạn nộp thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư
Trả lời

Ngày 03/04/2019, Bộ tài chính ban hành Thông tư số 18/2019/TT-BTC quy định bãi bỏ thông tư số 134/2014/TT-BTC ngày 12 tháng 9 năm 2014 của Bộ tài chính hướng dẫn thủ tục gia hạn thời hạn nộp thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư có hiệu lực ngày 20/05/2019.
Theo đó, Thông tư số 18/2019/TT-BTC có nội dung nổi bật như sau:
– Bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 134/2014/TT-BTC ngày 12/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục gia hạn thời hạn nộp thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư.
– Đối với Hồ sơ xin gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số134/2014/TT-BTC ngày 12/9/2014 của Bộ Tài chính mà doanh nghiệp đã nộp cho cơ quan hải quan trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì cơ quan hải quan tiếp tục giải quyết gia hạn nộp thuế theo quy định tại Thông tư số 134/2014/TT-BTC .
– Đối với Hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Thông tư số 134/2014/TT-BTCngày 12/9/2014 của Bộ Tài chính mà doanh nghiệp đã nộp cho cơ quan thuế trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì cơ quan thuế tiếp tục giải quyết hoàn thuế theo quy định tại Thông tư số 134/2014/TT-BTC
Như vậy, Thông tư số 18/2019/TT-BTC đã bãi bỏ thủ tục gia hạn thời hạn nộp thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước chi thưởng cho cán bộ không quá 0,8 lần mức lương
Trả lời

Ngày 18/3/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 16/2019/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí được trích để thực hiện chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 10/5/2019.
Theo đó, Kiểm toán nhà nước sử dụng kinh phí được trích để chi cho các nội dung sau đây:
Chi khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước (ngoài khoản chi khen thưởng hàng năm theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng) không vượt quá 0,8 lần mức lương do Nhà nước quy định, bao gồm:
– Lương ngạch bậc, chức vụ;
– Các khoản phụ cấp gồm:
• Phụ cấp chức vụ;
• Phụ cấp vượt khung;
• Phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Số kinh phí còn lại sau khi khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động của ngành, bao gồm: Chi tăng cường đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Kiểm toán Nhà nước; Bổ sung chi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hội nghị, hội thảo nâng cao nghiệp vụ, tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước của kiểm toán viên…
Hướng dẫn mới của Bộ Tài chính đã hạn chế vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định về việc quản lý, sử dụng kinh phí cho các chế độ ưu tiên, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước.

Điều kiện mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước theo phương thức dựng sổ
Trả lời

Ngày 11/04/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ (book building). Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 03/06/2019.
Nhà đầu tư khi mua cổ phần bán lần đầu của Doanh nghiệp nhà nước theo phương thức dựng sổ phải tiến hành đặt cọc như sau:
– Nhà đầu tư công chúng phải nộp tiền đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đăng ký mua theo giá mở sổ.
– Nhà đầu tư chiến lược phải số tiền đặt cọc, ký quỹ phải bằng 20% giá trị cổ phần đăng ký mua, tính theo giá khởi điểm trong phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt.
Tiền đặt cọc sẽ được trừ vào tổng số tiền phải thanh toán mua cổ phần. Trường hợp số tiền đặt cọc lớn hơn số tiền cần thanh toán thì phần chênh lệch sẽ trả lại cho nhà đầu tư trong vòng 03 ngày sau khi kết thúc thời hạn thanh toán.
Thời hạn thanh toán số cổ phần đăng ký mua là 10 ngày, kể từ ngày công bố kết quả dựng sổ. Nếu nhà đầu tư không thanh toán đủ tiền mua cổ phần đúng hạn, nhà đầu tư sẽ không được trả lại tiền đặt cọc.
Như vậy, Thông tư số 21/2019/TT-BTC đã góp phần xây dựng hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng về điều kiện phải đặt cọc khi mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước của nhà đầu tư.

Về xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh nhận từ hệ thống thông tin quốc gia
Trả lời

Ngày 12/03/2019, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 786/TCT-KK quy định về việc hướng dẫn chuyển hộ lên doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 108/2018/NĐ-CP.
Theo đó, Công văn số 786/TCT-KK đã quy định cụ thể về xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh nhận từ hệ thống thông tin quốc gia, cụ thể như sau:
Thứ nhất, khi nhận được giao dịch đăng ký doanh nghiệp (giao dịch 01) của Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (hệ thống ĐKDN) có thông tin của hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp: Hệ thống thông tin thuế kiểm tra thông tin đăng ký của doanh nghiệp, đồng thời, thực hiện đối chiếu thông tin của giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trước khi chuyển thành doanh nghiệp, đối chiếu thông tin của giấy tờ chứng thực của cá nhân người đại diện hộ kinh doanh (chứng minh thư nhân dân, hoặc căn cước công dân, hoặc hộ chiếu) do hệ thống ĐKDN truyền sang với thông tin đăng ký thuế của hộ kinh doanh.
Thứ hai, sau khi kiểm tra, hệ thống thông tin thuế trả kết quả cho hệ thống ĐKDN như sau:
– Trường hợp thông tin đăng ký doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh đầy đủ và khớp đúng: hệ thống thông tin thuế trả thông tin về mã số doanh nghiệp và cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp cho hệ thống ĐKDN.
– Trường hợp thông tin đăng ký doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh không đầy đủ, không khớp đúng: hệ thống thông tin thuế trả kết quả không cấp mã số doanh nghiệp và thông báo lỗi cho hệ thống ĐKDN để cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho doanh nghiệp hoàn chỉnh theo quy định.
Qua đây có thể thấy rằng, thời gian kể từ ngày 12/03/2019, Tổng cục Thuế đã đưa ra hướng dẫn Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Quy định này đã góp phần Giảm thiểu thủ tục hành chính trong việc thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, thực hiện chủ trương công khai, minh bạch của Nhà nước trong việc quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa vả nhỏ.

Bản Tin Pháp Luật Số 14/2019
Trả lời

Doanh nghiệp đã ký quỹ 02 tỷ đồng được thực hiện cho thuê lại lao động
Trả lời

Ngày 20/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 05/5/2019.

Trong đó, Nghị định quy định cụ thể việc ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Theo đó, tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán tiền lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.

Đồng thời, nghị định đã quy định cụ thể hai điều kiện cấp giấy phép cho thuê lại lao động bao gồm:

  • Đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải bảo đảm là người quản lý doanh nghiệp, không được có án tích và đã làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép;
  • Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2 tỷ Việt Nam đồng tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có các loại tài liệu bao gồm: Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp theo mẫu; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo mẫu; Phiếu lý lịch tư pháp số 1 theo quy định pháp luật về lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Việc cho thuê lại lao động đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân. Ngoài ra, việc cho thuê lại lao động còn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên
Trả lời

Ngày 10/04/2019 vừa qua Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên

Theo đó, từ thời điểm ngày 01/06/2019, thời điểm Nghị định có hiệu lực: các Bộ; cơ quan ngang Bộ; các cơ quan thuộc chính phủ; các đơn vị có thẩm quyền sẽ thực hiện việc giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo các điều kiện quy định tại Nghị định số 32/2019 nêu trên.

Nghị định quy định cụ thể nguồn kinh phí để phục vụ cho hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công gồm:

nguồn kinh phí ngân sách nhà nước; nguồn phí được để lại chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ; nguồn thu dịch vụ sự nghiệp công và các nguồn thu khác nếu có.

Nghị định cũng quy định các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện theo các phương thức: Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Còn sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo các phương thức: Đặt hàng, đấu thầu (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định).

Ngoài ra, Nghị định còn quy định cụ thể về điều kiện, thẩm quyền, phương pháp, nội dung của hoạt động giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Như vậy với việc ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, Chính phủ đã tiếp tục thể hiện quyết tâm cao trong việc nâng cao tính minh bạch hiệu quả trong việc sử dụng ngân sách nhà nước.