Ngày 29/3/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT về việc quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/6/2019.
Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT quy định chi tiết về quy trình xử lý hành khách gây rối như sau:
Trường hợp thứ nhất: Hành khách chưa lên tàu bay
– Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không ngăn chặn không cho phép hành khách lên tàu bay, tạm giữ người, giấy tờ về nhân thân của hành khách.
– Xử lý tiếp theo đúng nguyên tắc, quy trình xử lý đối với vụ việc vi phạm an ninh hàng không.
– Việc xử lý phải đảm bảo hạn chế đến mức tối đa ảnh hưởng hoạt động bình thường của cảng hàng không, sân bay.
Trường hợp thứ hai: Hành khách đã lên tàu bay và tàu bay đang ở mặt đất
– Người chỉ huy tàu bay phải áp dụng biện pháp xử lý thích hợp theo thẩm quyền; quyết định tạm dừng chuyến bay nếu xét thấy cần thiết vì lý do bảo đảm an toàn, an ninh cho chuyến bay; thông báo cho đại diện hãng hàng không.
– Đại diện hãng hàng không thông báo vụ việc cho lực lượng kiểm soát an ninh hàng không và Cảng vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay để phối hợp xử lý.
Trường hợp thứ ba: Tàu bay đang bay
Trường hợp tàu bay đang bay, người chỉ huy tàu bay có các nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
– Phải áp dụng biện pháp xử lý thích hợp theo thẩm quyền;
– Quyết định cho tàu bay hạ cánh nếu xét thấy cần thiết vì lý do bảo đảm an toàn, an ninh cho chuyến bay;
– Thông báo vụ việc cho hãng hàng không hoặc nhà chức trách hàng không tại cảng hàng không (nếu không có đại diện hãng hàng không) nơi tàu bay hạ cánh tùy theo tính chất, mức độ vụ việc;
– Tổ chức lập biên bản vi phạm hành chính hoặc tường trình, báo cáo vụ việc theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng hoặc lập biên bản theo quy định của nước sở tại, bàn giao vụ việc cho nhà chức trách hàng không nơi hạ cánh.
Thông tư nêu rõ, khi nhận được thông báo, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay lên ngay tàu bay để phối hợp với tổ bay, áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để áp giải hành khách xuống khỏi tàu bay, tạm giữ giấy tờ về nhân thân của hành khách, đồ vật vi phạm; tổ bay lập bản tường trình báo cáo vụ việc chuyển giao cho Cảng vụ hàng không để xử lý theo thẩm quyền và đại diện hãng hàng không phải có mặt chứng kiến, phối hợp trong quá trình xử lý vụ việc.
Cảng vụ hàng không liên quan nhận được thông báo phải đến ngay nơi xử lý vụ việc để trực tiếp đánh giá và quyết định việc xử lý theo thẩm quyền; giám sát toàn bộ quá trình xử lý vụ việc, kể cả trên tàu bay; chủ trì phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không đánh giá vụ việc, quyết định áp dụng các biện pháp an ninh cần thiết; yêu cầu chuyển giao hồ sơ vụ việc; đình chỉ hoặc cho phép tiếp tục thực hiện chuyến bay; lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp vượt quá thẩm quyền, chuyển vụ việc cho cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền xử lý.
Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT quy định cụ thể, chi tiết về quy trình xử lý hành khách gây rối, góp phần đảm bảo an ninh hàng không và nâng cao chất lượng an ninh hàng không.
Ngày 08/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương Binh và xã hội. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 08/10/2018.
Theo đó, Nghị định số 140/2018/NĐ-CP về việc Sửa đổi một số quy định trong Đăng ký sử dụng, điều chỉnh thông tin và ngừng sử dụng phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, cụ thể như sau:
Thứ nhất, khi có nhu cầu đăng ký tham gia giao dịch điện tử, điều chỉnh thông tin và ngừng sử dụng phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội thì cơ quan, tổ chức, cá nhân lập Tờ khai đăng ký sử dụng, điều chỉnh thông tin và ngừng sử dụng phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này và gửi bản điện tử đến Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc gửi bản giấy đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thứ hai, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Tờ khai đăng ký sử dụng, điều chỉnh thông tin và ngừng sử dụng phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi thông báo chấp thuận đến địa chỉ thư điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; trường hợp không chấp thuận, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thông báo và nêu rõ lý do.
Thứ ba, đối với trường hợp đăng ký ngừng sử dụng phương thức giao dịch điện tử, kể từ thời điểm Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo chấp thuận thì cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội bằng hồ sơ giấy theo quy định. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn tiếp tục sử dụng lại phương thức giao dịch điện tử thì phải thực hiện đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định này.
Qua đây có thể thấy rằng, thời gian kể từ ngày 08/10/2019, Chính phủ đã ban hành văn bản về việc sửa đổi một số quy định trong đăng ký sử dụng, điều chỉnh thông tin và ngừng sử dụng phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Quy định này đã góp phần khắc phục những bất cập, thiếu sót trong quy định trước đó về “đăng ký sử dụng phương thức giao dịch điện tử” trong Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, góp phần tháo gỡ các vướng mắc của nhà đầu tư và xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp với sự phát triển kinh tế hiện nay.
Ngày 22/05/2019 vừa qua, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg, Bộ xây dựng đã ban hành Quyết định số 398/QĐ-BXD nhằm triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả Chị thị của Chính Phủ về các nhóm giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh
Theo đó, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp cùng Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học môi trường và Công nghệ, Tổng cục thống kê, Viện Kiến trúc Quốc Gia, Viện Kinh tế xây dựng tập trung hoàn thành trong năm 2020 sáu nhóm nhiệm vụ chính bao gồm:
Hoàn thành dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản
Nghiên cứu, ban hành sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel), nhà trọ, phòng trọ cho thuê.
Nghiên cứu, đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về quy chế quản lý, vận hành loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel)
Đôn đốc các địa phương hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ
Nghiên cứu, sửa đổi chính sách pháp luật và đôn đốc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các Chủ đầu tư
Tổng hợp tình hình theo định kỳ hoặc đột xuất để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về diễn biến của thị trường bất động sản để kịp thời có biện pháp bình ổn thị trường khi có dấu hiệu không bình thường hoặc biến động lớn.
Với việc ban hành Quyết định số 389 nêu trên, Chính Phủ; Bộ Xây dựng đã và đang có những biện pháp mạnh mẽ góp phần xây dựng một thị trường bất động sản lành mãnh, minh bạch, bền vững.
Ngày 13/5/2019, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 1230/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 27/5/2019.
Theo đó, quyết định đã quy định cụ thể các loại hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể là các sản phẩm thép cuộn, thép dây có mã HS: 7213.91.90, 7217.10.10, 7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau. Bên cạnh đó, quyết định đã nêu cụ thể 04 nhóm thép không áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể:
1. Thép chứa một trong các nguyên tố có hàm lượng phần trăm (%) theo khối lượng thuộc phạm vi sau: Các-bon (C) > 0,37%; Si-líc (Si) > 0,60%; Crôm (Cr) > 0,60%; Ni-ken (Ni) > 0,60%; Đồng (Cu) > 0,60%.
2. Thép chứa đồng thời các nguyên tố có hàm lượng phần trăm (%) theo khối lượng thuộc phạm vi sau: Măng-gan (Mn) từ 0,70% đến 1,15%; Lưu huỳnh (S) từ 0,24% đến 0,35%.
3. Thép có mặt cắt ngang hình tròn từ 14mm trở lên.
4. Các sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được.
Quyết định cũng đã quy định về các thủ tục để được miễn trừ áp dụng biện pháp thương mại đối với các doanh nghiệp khi nhập khẩu các sản phẩm thép thuộc các nhóm nêu trên.
Quy định mới của Bộ Công thương đã thể hiện sự quản lý sát sao về hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thép, miễn trừ thuế chống lẩn tránh phòng vệ phương mại cho các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thép thuộc danh mục không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh các mặt hàng thép diễn ra sôi động hơn trên thị trường Việt Nam.
Ngày 11/04/2019, Bộ tài chính ban hành Thông tư 21/2019/TT-BTC quy định hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ có hiệu lực ngày 03/06/2019.
Theo đó, Thông tư 21/2019/TT-BTC có nội dung nổi bật như sau:
– Việc chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần phải được xây dựng phương án theo đúng quy định pháp luật.
– Phương án chuyển nhượng vốn theo phương thức dựng sổ phải được công bố công khai tối thiểu 20 ngày trước ngày mở sổ lệnh tại trụ sở chính của Chủ sở hữu vốn (doanh nghiệp nhà nước), công ty cổ phần có vốn được chuyển nhượng, Tổ chức quản lý sổ lệnh, trên phương tiện thông tin đại chúng (ba số báo liên tiếp của một tờ báo phát hành trong toàn quốc và một tờ báo địa phương nơi Chủ sở hữu vốn có trụ sở chính, nơi công ty cổ phần có trụ sở chính) và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Chủ sở hữu vốn, Tổ chức quản lý sổ lệnh, công ty cổ phần có vốn được chuyển nhượng (nếu có).
Như vậy, Thông tư 21/2019/TT-BTC đã hướng dẫn quy trình chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần theo phương thức dựng sổ.
Ngày 28/03/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BYT về Danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2019.
Theo đó Thông tư số 03/2019/TT-BYT đã liệt kê 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Chi tiết tại danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp.
Như vậy, Thông tư 03/2019/TT-BYT góp phần quan trọng trong việc xác định các loại thuốc được chào thầu trong đấu thầu. Vì trong hồ sơ mời thầu của các cơ sở y tế phải quy định rõ việc không được chào thầu thuốc nhập khẩu có cùng tiêu chí kỹ thuật với thuốc nằm trong Danh mục của Thông tư 03/2019/TT-BYT.
Việc chào thầu thuốc nhập khẩu chỉ được thực hiện trong trường hợp Bộ Y tế ra quyết định cho phép chào thầu thuốc nhập khẩu trong một thời hạn nhất định vì nhu cầu sử dụng thuốc tăng đột biến và cơ sở y tế do đó phải sử dụng thuốc nhập khẩu.
Ngày 05/05/2019, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 636/QĐ-LĐTBXH công bố các thủ tục hành chính mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ của lĩnh vực lao động, tiền lương thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 05/05/2019.
Theo đó, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đã ban hành mới 05 thủ tục hành chính cấp tỉnh về lao động, tiền lương, cụ thể là trong lĩnh vực cho thuê lại lao động:
– Cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
– Gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
– Cấp lại Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
– Thu hồi Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
– Rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động
Như vậy, Quyết định 636/QĐ-LĐTBXH đã thể hiện tinh thần mới trong quy định của pháp luật, cụ thể là thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đã thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh (theo Nghị định 29/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động có hiệu lực từ 05/05/2019) thay vì Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (theo Nghị định 55/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động hết hiệu lực từ 05/05/2019).
Ngày 20/05/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2019/NĐ-CP quy định về điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, Nghị định số 44/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2019
Theo đó, Nghị định số 44/2019/NĐ-CP quy định về việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng như sau:
Từ 01/7/2019, tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2019 đối với các đối tượng sau:
Cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, CAND và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng;
Cán bộ, xã phường, thị trấn tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 121/2003/NĐ-CP và Nghị định 09/1998/NĐ-CP;
Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, người đang hưởng trợ cấp hàng tháng;
Cán bộ xã phường thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 130/CP và Quyết định 111-HĐBT;
Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định 38/2010/QĐ-TTg;
CAND đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg;
Quân nhân, CAND, người làm công tác cơ yếu hưởng lương hưu như đối với quân nhân, CAND đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg;
Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
Như vậy, Nghị định số 44/2019/NĐ-CP đã có những điều chỉnh tương đối đáng kể và thiết thực về mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng đối với 8 nhóm đối tượng riêng biệt và đặc thù nêu trên.
Ngày 21/5/2019, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/8/2019.
Theo Nghị định số 45/2019/NĐ-CP, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
– Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng: Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; thẻ hướng dẫn viên du lịch; quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch; quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; quyết định công nhận điểm du lịch; quyết định công nhận khu du lịch; biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch;
– Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng;
– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính: Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả; thẻ hướng dẫn viên du lịch giả; biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch giả.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt trên còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau:
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
– Buộc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch;
– Buộc tháo dỡ biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch;
– Buộc nộp đủ số tiền phí, lệ phí, các khoản phải nộp theo quy định.
Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Việc ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP là cần thiết để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước đồng thời thu hút khách du lịch và đảm bảo phát triển du lịch bền vững.