Ngày 09/4/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 20/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 301/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 hướng dẫn về lệ phí trước bạ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/06/2019.
Theo đó, Thông tư số 20/2019/TT-BTC đã đưa một số thay đổi nổi bật về một số đối tượng được Miễn lệ phí trước bạ, cụ thể bao gồm các đối tượng sau:
Thứ nhất, đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê sử dụng vào các mục đích sau đây: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (không phân biệt đất trong hay ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất), đầu tư xây dựng nhà để chuyển nhượng, bao gồm cả trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng để tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hoặc xây dựng nhà để chuyển nhượng. Các trường hợp này nếu đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng để cho thuê hoặc tự sử dụng thì phải nộp lệ phí trước bạ.
Thứ hai, nhà, đất được bồi thường, tái định cư (kể cả nhà, đất mua bằng tiền được bồi thường, hỗ trợ) khi nhà nước thu hồi nhà, đất theo quy định của pháp luật mà tổ chức, cá nhân bị thu hồi nhà, đất đã nộp lệ phí trước bạ (hoặc không phải nộp, hoặc được miễn lệ phí trước bạ hoặc đã khấu trừ lệ phí trước bạ phải nộp khi tính tiền bồi thường nhà đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật). Việc miễn lệ phí trước bạ quy định tại khoản này được áp dụng đối với đối tượng bị thu hồi nhà, đất.
Thứ ba, tài sản của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng khi đăng ký lại quyền sở hữu, sử dụng được miễn nộp lệ phí trước bạ trong những trường hợp sau đây: Tài sản đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng của hộ gia đình do một người trong hộ gia đình đứng tên (bao gồm cả đồng sở hữu tài sản), khi phân chia tài sản đó theo quy định của pháp luật cho các thành viên hộ gia đình đăng ký lại; Thành viên hộ gia đình phải là người có quan hệ gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và cùng hộ khẩu thường trú với người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng.
Thứ tư, Xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe chiếu chụp X-quang, xe cứu hộ (bao gồm cả xe kéo xe, xe chở xe); xe chở rác, xe phun nước, xe tưới nước, xe xi téc phun nước, xe quét đường, xe hút chất thải, xe hút bụi; xe chuyên dùng cho thương binh, bệnh binh, người tàn tật đăng ký quyền sở hữu tên thương binh, bệnh binh, người tàn tật.
Qua đây, có thể thấy rằng Thông tư số 20/2019/TT-BTC đã đưa một số thay đổi nổi bật, căn bản so với thông tư số 301/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 về một số đối tượng được Miễn lệ phí trước bạ. Quy định này đã góp phần khắc phục những bất cập, thiếu sót trong quy định tại Điều 5 về “Miễn lệ phí trước bạ thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ”, nhằm góp phần tháo gỡ các vướng mắc của cá nhân, các cơ quan tổ chức được áp dụng và xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp với sự phát triển kinh tế hiện nay.
Ngày 19/04/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg Quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/6/2019.
Trong nội dung của Quyết định có một số điều đáng chú ý sau:
– Cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể là các máy móc, thiết bị thuộc trường hợp sau:
Các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ do lạc hậu,chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường;
Không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
– Chỉ nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng dưới 10 năm tuổi
Theo đó, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu khi tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm. Đồng thời, phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của quy chuẩn quốc gia (QCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Trong trường hợp không có QCVN liên quan đến máy móc, thiết bị nhập khẩu thì máy móc, thiết bị nhập khẩu phải được sản xuất phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng môi trường.
– Chỉ nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng khi công suất sản phẩm đạt trên 85%.
Theo đó, công suất (tính theo số lượng sản phẩm được tạo ra bởi dây chuyền công nghệ trong một đơn vị thời gian) hoặc hiệu suất còn lại phải đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế.
– Phải nộp giấy phép nhập khẩu khi nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng trên 10 năm.
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định cũ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015. Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc nhập khẩu máy móc, trang thiết bị vào Việt Nam.
Ngày 10/05/2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định có hiệu lực vào ngày 01/07/2019.
Theo đó, Quỹ sẽ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn trực tiếp khi đáp ứng 04 điều kiện sau:
Đáp ứng quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, khai thác các loại tài sản trí tuệ hoặc công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh mới theo các quy định của pháp luật chuyên ngành;
Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện;
Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định tại Nghị định này.
Doanh nghiệp được vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án.
Mức lãi suất cho vay trực tiếp đối với doanh nghiệp bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại.
Có thể thấy, nguồn vốn để phát triển kinh doanh là một vấn đề quan trọng và nan giải đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì thế việc ban hành chính sách hỗ trợ vay vốn như trên là một chính sách rất tích cực đối với việc thúc đấy nền kinh tế phát triển.
Ngày 05/06/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2019/NĐ-CP về Quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước 15/08/2019.
Theo đó, nghị định đã quy định cụ thể người chơi phải mặc áo phao trong suốt thời gian chơi, tự chịu trách nhiệm về tình hình sức khỏe của mình khi tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước là nội dung được Chính phủ ban hành tại Nghị định 48/2019/NĐ-CP ngày 05/06/2019.
Bên cạnh đó, phương tiện vui chơi giải trí dưới nước là tàu, thuyền hoặc cấu trúc nổi khác được dùng để phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước có sức chở không quá 05 người và hoạt động trong vùng hoạt động được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Nghị định quy định điều kiện đối với người điều khiển phương tiện hoạt động vui chơi giải trí dưới nước phải đủ từ 15 tuổi trở lên, có sức khỏe, được hướng dẫn về kỹ năng an toàn khi điều khiển. Với người lái phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 05 sức ngựa phải có giấy chứng nhận lái phương tiện theo quy định, phải mặc áo phao trong suốt thời gian tham gia hoạt động.
Đối với tổ chức, cá nhân khai thác hoạt động vui chơi, giải trí phải bố trí đủ phao, thiết bị cứu sinh cho người chơi. Đặc biệt, không cho phép người lái phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước điều khiển phương tiện ra khỏi vùng hoạt động đã được quy định.
Ngày 13/05/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.
Theo đó, để hướng dẫn rõ hơn về các nội dung liên quan đến phế liệu nhập khẩu Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường vào ngày 13/5/2019, theo đó Nghị định này đã quy định về đối tượng được phép nhập khẩu phế liệu, cụ thể như sau:
Khoản 28 Điều 3, Nghị định 40/2019/NĐ-CP quy định “Tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu đáp ứng các yêu cầu sau đây được phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất”:
a) Đáp ứng các yêu cầu và trách nhiệm về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 76 Luật bảo vệ môi trường;
b) Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với các dự án đã đi vào vận hành.
Đối với dự án mới xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 16b và Điều 17 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.
c) Có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật.”
Nghị định số 40/2019 ban hành đã có những thay đổi mới và tích cực trong các hoạt động liên quan đến môi trường. Trong đó quy định mới về phế liệu nhập khẩu là nội dung quan trọng nhất. Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng, bãi bỏ, sửa đổi, thay thế và bổ sung nhiều nội dung của các Nghị định khác về bảo vệ môi trường nhằm quản lý tốt hơn trong công tác bảo vệ môi trường. Thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh về vấn đề này, nhà nước đã cho thấy được dấu hiệu tích cực, góp phần giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 29/05/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1480/QĐ-BCT về việc áp dụng chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm Nhôm có xuất xứ từ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 05/06/2019
Theo đó, Quyết định số 1480/QĐ-BCT về việc áp dụng chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm nhôm có xuất xử từ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Cụ thể: Áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình, đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm nhập khẩu vào Việt Nam Nhôm và các sản phẩm bằng nhôm; hợp kim hoặc không hợp kim; ở dạng thanh, que và hình, đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm. Các sản phẩm này có một dạng thù hình, có mạng lập phương, có thể thiết kế theo nhiều hình dạng và mặt cắt khác nhau; có thể tạo ra nhiều màu sắc khác nhau trên bề mặt; có thể tái chế lại. Hàng hóa được phân loại theo mã HS 7604.10.10, 7604.10.90, 7604.21.90, 7604.29.10, 7604.29.90, có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,
Như vậy, Quyết định số 1480/QĐ-BCT này được ban hành sẽ tạo một hành lang pháp lý để bảo vệ các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước và tránh được những rủi ro lớn do việc khối lượng hàng hóa bị bán phá giá và nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh. Quy định này được ban hành kịp thời sẽ giảm thiểu thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.
Ngày 27/02/2019, Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 7623/CT-TTHT về việc chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp trong đó đưa ra các tiêu chí để doanh nghiệp xác định các khoản chi được trừ.
Theo đó, Công văn số 7623/CT-TTHT hướng dẫn xác định các chi phí được trừ, sau khi báo cáo Tổng cục Thuế, cụ thể:
Điều 6, Thông tư số 119/2016/TT-BTC, Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
Doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Việc ban hành Công văn số 7623/CT-TTHT của Cục thuế thành phố Hà Nội cho thấy đây là một hoạt động thường xuyên của cơ quan, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải quyết những vướng mắc và áp dụng thống nhất pháp luật thuế.
Ngày 17/05/2019 vừa qua, Chính phủ đã ban hàng Nghị định số 43/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07/04/2014 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, Giám sát ngành Ngân Hàng.
Theo đó, một trong những nội dung quan trọng đáng được lưu tâm là việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Tranh tra, giám sát Ngân hàng. Cụ thể, kể từ thời điểm 17/05/2019, khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có dấu hiệu rủi ro đe dọa đến sự an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, Chánh Tranh tra, giám sát Ngân hàng có quyền yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh tiến hành việc thanh tra, trường hợp Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh không đồng ý thực hiện việc thanh tra thì sẽ phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước.
Ngoài ra, Chánh Thanh Tra, giám sát Ngân hàng có quyền ban hành quyết định thanh tra lại vụ việc đối với các kết luận thanh tra trước đó nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Như vậy, với việc Nghị định 43/2019/NĐ-CP được ban hành, Cơ quan Thanh Tra, giám sát Ngân Hàng đã được bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn để phục vụ việc kiểm tra, giám sát hoạt động các của tổ chức tín dụng, góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường tiền tệ.
Ngày 23/05/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BGTVT hướng dẫn chi tiết về lĩnh vực đầu tư và nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/07/2019.
Theo đó Thông tư số 19/2019/TT-BGTVT quy định dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải bao gồm dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không.
Thông tư số 19/2019/TT-BGTVT cũng quy định về nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải bao gồm các nội dung chính sau:
1. Sự cần thiết và mục tiêu đầu tư
2. Lợi thế của việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư
3. Sự phù hợp của dự án đối với quy hoạch, kế hoạch phát triển
4. Quy mô, địa điểm dự án và nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên
5. Điều kiện tự nhiên khu vực xây dựng và hiện trạng công trình
6. Thuyết minh kỹ thuật, công nghệ và các giải pháp chủ yếu
7. Kế hoạch thực hiện, tiến độ và thời hạn hợp đồng dự án
8. Giải phóng mặt bằng, tái định cư
9. Tổng mức đầu tư, tổng vốn đầu tư và phương án tài chính
10. Lựa chọn loại hợp đồng dự án
11. Vốn đầu tư, kế hoạch và tính khả thi của việc huy động vốn
12. Quản lý thực hiện dự án, quản lý khai thác và bảo trì công trình
13. Phân tích rủi ro của dự án và đề xuất ưu đãi, đảm bảo đầu tư
14. Hiệu quả kinh tế – xã hội và các tác động của dự án
15. Kết luận và kiến nghị
Như vậy, Thông tư 19/2019/TT-BGTVT đã xác định phạm rõ ràng phạm vi dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải và nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, góp phần hỗ trợ các nhà đầu tư dễ dàng triển khai dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.