Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Một số điểm mới nổi bật của Luật Quản lý thuế năm 2019
Trả lời

Ngày 13/6/2019, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa 14 kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020.
Theo đó, Luật Quản lý thuế năm 2019 có một số điểm mới nổi bật đáng chú ý liên quan đến việc mở rộng quyền của người nộp thuế, cụ thể tại Điều 16 bên cạnh các quyền như Luật cũ, nhiều quyền mới được bổ sung nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế như:
– Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
– Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn.
– Được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà mình đã gửi đến cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và pháp luật về giao dịch điện tử.
– Được sử dụng chứng từ điện tử trong giao dịch với cơ quan quản lý thuế và cơ quan, tổ chức có liên quan.
– Không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
Luật Quản lý thuế năm 2019 được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Quản lý thuế hiện hành; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế quản lý giám sát thuế hiện đại có hỗ trợ của công nghệ thông tin, có sự phối hợp của các trung gian thuế (đặc biệt là đại lý thuế); đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý thuế. Đồng thời tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng rộng rãi và phổ biến quản lý thuế điện tử nhằm phục vụ nâng cao hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh tế và góp phần thực hiện các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật
Trả lời

Ngày 24/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 16/08/2019.
Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật với các mức như sau:
Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật theo văn bản thỏa thuận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp, nhưng không quá 03 triệu đồng/năm;
Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí tư vấn pháp luật theo văn bản thỏa thuận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp, nhưng không quá 05 triệu đồng/năm;
Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí tư vấn pháp luật theo văn bản thỏa thuận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm;
Hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật theo quy định tại Chương IV của Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định này.
Trường hợp được bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền đồng ý hỗ trợ thì doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí tư vấn pháp luật vụ việc, vướng mắc được hỗ trợ. Hồ sơ thanh toán bao gồm:
Văn bản tư vấn pháp luật, gồm 01 bản đầy đủ và 01 bản đã loại bỏ các thông tin về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp;
Văn bản đề nghị thanh toán chi phí tư vấn pháp luật có xác nhận của tư vấn viên và doanh nghiệp, trong đó có viện dẫn số và ngày của văn bản đồng ý hỗ trợ, tên người thụ hưởng và số tài khoản, ngân hàng của người thụ hưởng;
Hóa đơn tài chính.
Nghị định 55/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 16/8/2019. Theo đó, chính sách hỗ trợ pháp lý nêu trên góp phần giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Bản Tin Pháp Luật Số 22/2019
Trả lời

Quy định về thực hiện quan trắc môi trường định kỳ của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu công nghiệp
Trả lời

Ngày 13/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật bảo vệ môi trường có hiệu lực ngày 01/07/2019.
Theo đó, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP có nội dung nổi bật quy định về thực hiện quan trắc môi trường định kỳ của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu công nghiệp như sau:
Đối tượng phải quan trắc nước thải định kỳ bao gồm:
Các cơ sở, khu công nghiệp và dự án đã đi vào vận hành có quy mô, công suất tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và có tổng khối lượng nước thải thải ra môi trường;
Các cơ sở, dự án đã đi vào hoạt động, có quy mô công suất tương đương với đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và có tổng khối lượng nước thải thải ra môi trường;
Các cơ sở nêu trên đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp thực hiện quan trắc nước thải định kỳ theo quy định của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.
Đối tượng phải quan trắc khí thải định kỳ bao gồm:
Các cơ sở, khu công nghiệp và dự án đã đi vào vận hành có quy mô, công suất tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và có tổng khối lượng nước thải thải ra môi trường;
Các cơ sở, dự án đã đi vào hoạt động, có quy mô công suất tương đương với đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và có tổng khối lượng nước thải thải ra môi trường.
Đối tượng phải phân định bùn thải, chất thải rắn có chứa thành phần nguy hại loại một sao để quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Như vậy, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã quy định chi tiết về các đối tượng phải thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu công nghiệp nhằm mục tiêu phát triển kinh tế một cách bền vững.

Quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Trả lời

Ngày 07/06/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2019/NĐ-CP quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bênh, chưa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quân đội, Nghị định số 50/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 24/7/2019
Theo đó, Nghị định số 50/2019/NĐ-CP quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Việc cấp chứng chỉ hành nghề áp dụng đối với các trường hợp: Cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề; cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề; cấp lại chứng chỉ hành nghề. Việc cấp lại chứng chỉ hành nghề áp dụng đối với trường hợp: Chứng chỉ hành nghề bị mất hoặc hư hỏng; đủ điều kiện cấp lại chứng chỉ hành nghề đã bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh;
Việc cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề áp dụng đối với trường hợp: Bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề; bổ sung kỹ thuật chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề; thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề; thay đổi thông tin cá nhân và văn bằng chứng chỉ trong chứng chỉ hành nghề.
Mỗi người hành nghề chỉ được cấp một chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng trên phạm vi toàn quốc.
Chứng chỉ hành nghề của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, công chức, viên chức quốc phòng trong biên chế theo quy định của Bộ Quốc phòng do cá nhân tự quản lý; chứng chỉ hành nghề của lao động hợp đồng do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quản lý.
Một người hành nghề chỉ được phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Nghị định quy định rõ nguyên tắc đăng ký hành nghề. Cụ thể, một người hành nghề chỉ được đăng ký chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng.
Một người hành nghề chỉ được phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng, không được đồng thời phụ trách từ hai khoa trở lên trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đồng thời làm phụ trách khoa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thuộc Bộ Quốc phòng.
Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng có thể kiêm nhiệm phụ trách một khoa trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề đã được cấp.
Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng được đăng ký hành nghề ngoài giờ và làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ không thuộc Bộ Quốc phòng.
Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thuộc Bộ Quốc phòng nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký.
Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng không được đăng ký là người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã.
Như vậy, Nghị định số 50/2019/NĐ-CP có những quy định rất chặt chẽ về nguyên tắc đăng ký hành nghề của Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Quy định này tạo một hành lang pháp lý vứng chắc đảm bảo hoạt động đăng ký hành nghề có hiệu quả và thiết thực trên thực tiễn.

Một số nội dung mới về quy hoạch trong lĩnh vực giao thông vận tải
Trả lời

Ngày 24/06/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 24/06/2019.
Một số nội dung đáng chú ý trong nghị định:
Quy định chi tiết về việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được quy định tại khoản 2 Điều 1, khoản 6 Điều 2, khoản 10 Điều 2, khoản 2 Điều 3 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện, đánh giá và điều chỉnh liên quan đến quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Việc lấy ý kiến của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và các tổ chức có liên quan về quy hoạch được thực hiện như sau: cơ quan tổ chức lập quy hoạch gửi hồ sơ lấy ý kiến về quy hoạch gồm báo cáo quy hoạch, bản đồ thể hiện nội dung quy hoạch; các cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày, tính từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến về quy hoạch; cơ quan lập quy hoạch tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến, báo cáo cơ quan tổ chức lập quy hoạch xem xét trước khi trình thẩm định quy hoạch.
Các quy hoạch về giao thông vận tải đã được phê duyệt có phạm vi, quy mô tương đương các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định của Nghị định này được thực hiện, điều chỉnh cho đến khi các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Nghị định này. Các quy hoạch giao thông vận tải có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của Nghị định này.
Tóm lại, việc ban hành Nghị định số 56/2019/NĐ-CP có ý nghĩa trong việc đảm bảo sự phát triển có định hướng trong lĩnh vực giao thông vận tải, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội

03 trường hợp buộc chấm dứt tư cách thành viên giao dịch công cụ nợ
Trả lời

Ngày 28/5/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2019/TT-BTC hướng dẫn đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán giao dịch công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do Ngân hàng chính sách phát hành và trái phiếu chính quyền địa phương. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2019.
Theo đó, thành viên giao dịch buộc chấm dứt tư cách thành viên nếu thuộc trong các trường hợp sau đây:
Không còn đáp ứng đủ tiêu chuẩn làm thành viên giao dịch theo quy định của pháp luật;
Vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm mang tính hệ thống các quy định về thành viên giao dịch công cụ nợ theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán;
Giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động hoặc bị thu hồi Giấy phéo thành lập và hoạt động; tổ chức bị chấm dứt tồn tại sau khi hợp nhất, sáp nhập, chia; tổ chức hình thành sau khi sáp nhập, tách nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn làm thành viên giao dịch theo quy định của pháp luật…
Bên cạnh đó, thành viên giao dịch cũng có thể tự nguyện xin chấm dứt tư cách thành viên và Được Sở Giao dịch chứng khoán chấp nhận.
Thông tư đã thay thế các văn bản gồm: Thông tư số 234/2012/TT-BTC ngày 28/12/2012l Thông tư số 10/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 02 năm 2017; Thông tư số 46/2017/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2017.

Các điều kiện có làm mở đại lý kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán
Trả lời

Ngày 17/06/2019, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư 36/2019/TT-BTC hướng dẫn hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán. Theo đó, Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2019.
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 30/2017/NĐ-CP ngày 1/3/2007, để làm đại lý xổ số, các tổ chức, cá nhân phải đảm bảo các điều kiện sau:
Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; nếu là tổ chức phải là tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
Có hình thức bảo đảm thanh toán theo quy định tại Điều 13 Nghị định này để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân sau đây không được làm đại lý xổ số tự chọn số điện toán:
Cán bộ, nhân viên làm việc tại các tổ chức cùng tham gia vận hành hệ thống xổ số tự chọn số điện toán với công ty xổ số điện toán (nếu có);
Vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột, anh, chị, em nuôi của các cá nhân giữ chức danh từ cấp phó các phòng, ban nghiệp vụ trở lên của các tổ chức cùng tham gia vận hành hệ thống xổ số tự chọn số điện toán với công ty xổ số điện toán (nếu có);
Tổ chức kinh tế có vốn góp của vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột, anh, chị, em nuôi của các cá nhân giữ chức danh từ cấp phó các phòng, ban nghiệp vụ trở lên của các tổ chức cùng tham gia vận hành hệ thống xổ số tự chọn số điện toán với công ty xổ số điện toán (nếu có);
Đồng thời, phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
Có địa điểm kinh doanh ổn định, đủ diện tích mặt bằng, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để lắp đặt hệ thống bán vé xổ số tự chọn số điện toán;
Có nhân viên đủ tiêu chuẩn vận hành thành thạo hệ thống bán vé xổ số tự chọn số điện toán được công ty xổ số điện toán xác nhận hoặc cấp chứng chỉ;
Có văn bản cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định của công ty xổ số điện toán khi trở thành đại lý xổ số tự chọn số điện toán.
Tóm lại, Thông tư 36/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính sẽ là một hành lang pháp lý chặt chẽ để các cá nhân, tổ chức có ý định hoạt động trong lĩnh vực này được hiểu rõ hơn ngành nghề và các điều kiện để kinh doanh, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật và có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở lĩnh vực trong tương lai sẽ phát triển nhiều hơn.

Quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường
Trả lời

Ngày 19/06/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường có hiệu lực từ ngày 1/9/2019.
Nghị định này đã quy định về các điều kiện và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Đối tượng thực hiện hoạt động kinh doanh phải là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập hợp pháp theo quy định pháp luật. Những điều kiện về cơ sở vật chất được pháp luật quy định chặt chẽ, đối với kinh doanh dịch vụ karaoke phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ; đối với kinh doanh dịch vụ vũ trường phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên không kể công trình phụ. Cơ sở kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự. Đặc biệt, tại Nghị định này đã bổ sung một quy định rất mới đối với cơ sở kinh doanh của hai loại hình này đó là “Không được đặt chốt cửa bên trong phòng vũ trường/ phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ)”. Ngoài ra vì tính chất phức tạp của cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường nên địa điểm đặt cơ sở phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử – văn hóa từ 200 m trở lên. Đối với những loại hình có yếu tố nhạy cảm và phức tạp như karaoke và vũ trường cần có những quy định về điều kiện kinh doanh chặt chẽ hơn, siết chặt hơn các hoạt động của các cơ sở này nhằm đảm bảo an toàn, trật tự xã hội.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke phải có trách nhiệm bảo đảm hình ảnh phù hợp lời bài hát thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt thời gian hoạt động phải trước 0h và không được hoạt động từ 0 giờ sáng đến 08 giờ sáng. Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường không được hoạt động từ 2h sáng đến 8h sáng và không cung cấp dịch vụ cho người chưa đủ 18 tuổi. Như vậy, so với quy định pháp luật hiện hành thì quy định mới đã không còn ngoại lệ về việc cho phép vũ trường, phòng karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 2 giờ sáng. Ngoài ra trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh phải đảm bảo tuân thủ chấp hành các quy định về cách âm và âm thanh phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn; quy định về kinh doanh rượu (nếu có); quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; bản quyền tác giả; hợp đồng lao động; an toàn lao động; bảo hiểm; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Nghị định 54/2019/NĐ-CP được ban hành đã quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh của hai loại hình này một cách chặt chẽ hơn, vừa đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần của đa số người dân, vừa đảm bảo được trật tự an toàn xã hội.

Bản Tin Pháp Luật Số 21/2019
Trả lời