Ngày 28/5/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2019/TT-BTC hướng dẫn đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán giao dịch công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do Ngân hàng chính sách phát hành và trái phiếu chính quyền địa phương. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2019.
Theo đó, thành viên giao dịch buộc chấm dứt tư cách thành viên nếu thuộc trong các trường hợp sau đây:
Không còn đáp ứng đủ tiêu chuẩn làm thành viên giao dịch theo quy định của pháp luật;
Vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm mang tính hệ thống các quy định về thành viên giao dịch công cụ nợ theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán;
Giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động hoặc bị thu hồi Giấy phéo thành lập và hoạt động; tổ chức bị chấm dứt tồn tại sau khi hợp nhất, sáp nhập, chia; tổ chức hình thành sau khi sáp nhập, tách nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn làm thành viên giao dịch theo quy định của pháp luật…
Bên cạnh đó, thành viên giao dịch cũng có thể tự nguyện xin chấm dứt tư cách thành viên và Được Sở Giao dịch chứng khoán chấp nhận.
Thông tư đã thay thế các văn bản gồm: Thông tư số 234/2012/TT-BTC ngày 28/12/2012l Thông tư số 10/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 02 năm 2017; Thông tư số 46/2017/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2017.
Ngày 13/06/2019, Quốc hội đã thông qua Luật quản lý thuế sửa đổi năm 2019 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2020.
Theo đó, Luật quản lý thuế sửa đổi năm 2019 có một vài điểm mới nổi bật ảnh hưởng tới hoạt động quản lý thuế của các cơ quan thuế Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Trong xu thế các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển ngày càng rộng rãi, các ứng dụng kinh doanh online ngày càng phổ biến trong đời sống học tập, làm việc của người dân thì việc xây dựng, ban hành các quy định về quản lý thuế trong lĩnh vực này là hoạt động hết sức cần thiết.
Mặc dù các quy định tại Dự thảo luật quản lý thuế sửa đổi mới chỉ là những quy định mang tính chất định hướng, tuy nhiên, nó đóng vai trò là nền tảng, là cơ sở để các bộ, ngành liên quan ban hành các quy định chi tiết công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
Kéo dài thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định hiện hành tại Khoản 2 Điều 32 Luật Quản lý thuế 2006, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thức năm dương lịch, hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán năm.
Tuy nhiên, Luật mới cho phép cá nhân được nộp hồ sơ quyết toán thuế trong thời hạn là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch – kéo dài thêm 1 tháng so với thời hạn là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch – kéo dài thêm 1 tháng so với thời hạn quyết toán của doanh nghiệp.
Quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của ngân hàng thương mại
Để hoạt động quản lý thuế diễn ra hiệu quả, Luật quản lý thuế sửa đổi 2019 chính thức quy định Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế;
Như vậy, Luật quản lý thuế sửa đổi năm 2019 đã góp phần tạo thuận lợi cho việc thực hiện kê khai thuế của người nộp thuế, đồng thời mở rộng phạm vi quản lý thuế tới hoạt động thương mại điện tử và ấn định trách nhiệm cung cấp thông tin của ngân hàng thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý thuế diễn ra hiệu quả, nhất là trong bối cảnh kinh tế số, hội nhập quốc tế.
Ngày 01/6/2019, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BNV về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức.
Theo đó, Thông tư 06/2019/TT-BNV đã đưa ra một số thay đổi quan trọng như sau:
Trước đây, tại Thông tư 11/2012/TT-BNV quy định:
Nếu thông tin công chức trong các thành phần hồ sơ không thống nhất thì căn cứ giấy khai sinh gốc, sổ hộ khẩu, sổ bảo hiểm và hồ sơ Đảng viên (nếu công chức là đảng viên) để hoàn thiện, bổ sung và thống nhất với giấy khai sinh gốc.
Trường hợp các thông tin trong hồ sơ của công chức (ngày, tháng, năm sinh, họ, tên, tên đệm) không thống nhất giữa các thành phần hồ sơ thì căn cứ vào hồ sơ gốc lập lần đầu khi công chức được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước để xác định, kể cả thông tin trong hồ sơ đảng viên.
Từ ngày 15/7/2019, việc sửa chữa thông tin trong hồ sơ công chức được quy định cụ thể như sau:
Trường hợp các thành phần hồ sơ (quyển Lý lịch cán bộ, công chức, giấy khai sinh, sổ bảo hiểm xã hội, văn bằng, chứng chỉ) không thống nhất thì căn cứ giấy khai sinh gốc để hoàn thiện, bổ sung và thống nhất các thành phần hồ sơ khác theo giấy khai sinh này.
Nếu không có giấy khai sinh thì căn cứ quyển Lý lịch cán bộ, công chức được lập khi công chức được tuyển dụng lần đầu vào cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước để thống nhất;
Đặc biệt không thực hiện sửa chữa, điều chỉnh ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ của công chức là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc này, việc xác định ngày, tháng, năm sinh (tuổi) của công chức theo tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng.
Qua đây, có thể thấy rằng việc sửa chữa thông tin trong hồ sơ công chức được quy định rõ ràng và chi tiết hơn tại Thông tư 06/2019/TT-BNV. Theo đó, góp phần tháo gỡ các vướng mắc của cán bộ, công chức; cơ quan quản lý công chức trong trường hợp cần thực hiện việc sửa chữa các dữ liệu thông tin.
Ngày 24/05/2019 Bộ lao động – thương binh và xã hội ban hành Thông tư 09/2019/TT-BLĐTBXH bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ lao động – thương binh và xã hội ban hành, liên tịch ban hành. Thông tư có hiệu lực vào ngày 01/08/2019.
Theo đó, Thông tư 09/2019/TT-BLĐTBXH bãi bỏ 06 văn bản về việc làm và an toàn – vệ sinh lao động sau đây:
(1) Thông tư 40/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cách tính số lao động sử dụng thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006.
(2) Thông tư liên tịch 19/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT hướng dẫn thi hành Nghị định 81/CP ngày 23/11/1995 và Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23/4/2004.
(3) Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.
(4) Thông tư 06/2014/TT-BLĐTBXH quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
(5) Thông tư 49/2015/TT-BLĐTBXH về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với Hệ thống đường ống dẫn khí đốt cố định bằng kim loại.
(6) Thông tư liên tịch 01/2007/TTLT/BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC về việc hướng dẫn phối hợp trong việc giải quyết các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm.
Việc bãi bõ các quy định nhằm hướng những quy pháp luật mang tính cập nhật hơn, tạo điều kiện việc thực thi pháp luật được hiệu quả.
Ngày 19/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2019.
Nghị định số 54/2019/NĐ-CP có các nội dung chính như sau:
1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke
Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật;
Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ;
Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị cháy nổ).
2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường
Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật;
Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
Phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80m2 trở lên, không kể công trình phụ;
Không được đặt chốt cửa bên trong phòng vũ trường hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị cháy nổ);
Địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử, văn hóa từ 200m trở lên.
3. Trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường
Không được hoạt động từ 0h đến 8h sáng (đối với karaoke), không được hoạt đồng từ 2h đến 8h sáng (đối với vũ trường, so với quy định của Nghị định 103/2009/NĐ-CP Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, thì thời gian hoạt động của vũ trường tăng thêm 2h, trước đây Không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng.
Bảo đảm hình ảnh phù hợp với lời bài hát thể hiện trên màn hình hoặc hình thức tương tự và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam;
Chỉ sử dụng các bài hát được phép phổ biến, lưu hành
Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá…
Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm, bản quyền tác giả; hợp đồng lao động, an toàn lao động; bảo hiểm, phòng chống tệ nạn xã hội và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Tuân thủ quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu.
Không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi…
Sau 01/12, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng không đảm bảo các điều kiện kinh doanh mới phải chấm dứt hoạt động.
Nghị định số 54/2019/NĐ-CP được ban hành nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường thông qua các quy định theo hướng siết chặt các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự …
Ngày 13/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ có hiệu lực ngày 01/08/2019.
Theo đó, Nghị định số 51/2019/NĐ-CP có nội dung nổi bật như sau:
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, cá nhân, tổ chức phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 đến 03 tháng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Như vậy, Nghị định số 51/2019/NĐ-CP đã quy định chi tiết về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.
Ngày 29/04/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thể dục, thể thao có hiệu lực từ ngày 14/6/2019.
Luật thể dục, thể thao năm 2006 sửa đổi năm 2018 quy định: Doanh nghiệp thể thao là loại hình hoạt động của cơ sở thể thao, được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp. Khi kinh doanh hoạt động thể thao, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự phù hợp với nội dung đăng ký hoạt động và cơ sở vật chất, trang thiết bị phải đáp ứng yêu cầu hoạt động thể thao.
Nghị định 36/2019/NĐ-CP đã có những quy định sửa đổi về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp. Theo đó, điều kiện về nhân sự là điều kiện liên quan đến nhân viên chuyên môn của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao, bao gồm: người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ và nhân viên y tế. Riêng đối với người hướng dẫn tập luyện phải đáp ứng một trong các điều kiện nhất định như: là huấn luyện viên hoặc vận động viên có đẳng cấp từ cấp 2 trở lên hoặc tương đương phù hợp với hoạt động thể thao đăng ký kinh doanh; có bằng cấp về chuyên ngành thể dục thể thao từ bậc trung cấp trở lên phù hợp với hoạt động thể thao đăng ký kinh doanh; được tập huấn chuyên môn thể thao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là điều kiện rất cần thiết, bởi người hướng dẫn phải đảm bảo các điều kiện về bằng cấp mới có khả năng hướng dẫn tập luyện hiệu quả. Đối với nhân sự là nhân viên y tế và nhân viên cứu hộ Nghị định không quy định rõ ràng về bằng cấp, điều kiện cụ thể, tuy nhiên để phù hợp với nội dung hoạt động thể thao đã đăng ký doanh nghiệp phải tuyển dụng những nhân sự có khả năng thực hiện công việc liên quan đến hoạt động để đảm bảo an toàn cho người tham gia. Những quy định này giúp cho doanh nghiệp linh hoạt và chủ động hơn trong việc tìm kiếm nhân sự phù hợp với hoạt động thể thao mà doanh nghiệp kinh doanh.
Đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao phải đảm bảo đáp ứng được quy chuẩn kĩ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Có nghĩa là cơ sở vật chất, dụng cụ thể thao, phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động thể thao phải đúng theo quy định của pháp luật về quy chuẩn kĩ thuật quốc gia để đảm bảo an toàn cho người tham gia hoạt động thể thao mà doanh nghiệp cung cấp. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ cung cấp hoạt động thể thao, nội dung hoạt động của doanh nghiệp mà phải đáp ứng thêm các điều kiện cần thiết khác. Chẳng hạn như, đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm, ngoài việc đáp ứng các điều kiện nêu trên, nhân sự chuyên môn – nhân viên y tế của doanh nghiệp phải là nhân viên thường trực, hoặc doanh nghiệp phải có văn bản thỏa thuận với cơ sở y tế gần nhất về nhân viên y tế để sơ cứu, cấp cứu người tham gia hoạt động thể thao mạo hiểm trong trường hợp cần thiết. Đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước thì phải đảm bảo có xuồng máy cứu sinh.
Nghị định 36/2019/NĐ-CP ban hành là một văn bản có những quy định mang tính mới mẻ, điều chỉnh, sửa đổi chi tiết nhiều nội dung quan trọng nhằm giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao nắm bắt được các điều kiện cần thiết trong qua trình thực hiện. Qua đó, đẩy mạnh mục đích phát triển các hoạt động thể thao trong nước hiệu quả hơn.
Ngày 10/6/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư 09/2019/TT-BYT về việc hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2019.
Theo đó, Điều 3 Thông tư 09/2019/TT-BYT quy định về việc chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng được thực hiện như sau:
Dịch vụ cận lâm sàng thuộc danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đang được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng tại thời điểm chỉ định sử dụng cho người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không thực hiện được;
Dịch vụ cận lâm sàng không thuộc danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nhưng trên thực tế lại cần thiết cho các hoạt động chuyên môn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về quản lý, chẩn đoán và điều trị trong khám bệnh, chữa bệnh.
Tóm lại, việc ban hành Thông tư 09/2019/TT-BYT nhằm đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Ngày 17/05/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 08/2019/TT-BKHĐT hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch. Thông tư này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01/07/2019.
Theo đó, Thông tư 08/2019/TT-BKHĐT đã đưa ra một số thay đổi quan trọng về định mức cho hoạt động quy hoạch. Tại Điều 5 Thông tư 08/2019/TT-BKHĐT xác định rõ định mức cho hoạt động quy hoạch được quy định theo 02 giai đoạn, gồm:
– Giai đoạn 1: Định mức cho hoạt động lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch;
– Giai đoạn 2: Định mức cho hoạt động lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch.
Trong đó:
Định mức cho hoạt động lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm:
• Định mức cho hoạt động trực tiếp;
• Định mức cho hoạt động gián tiếp.
Định mức cho hoạt động lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch bao gồm:
• Định mức cho hoạt động trực tiếp;
• Định mức cho hoạt động gián tiếp;
• Định mức cho hoạt động lập hợp phần quy hoạch, nội dung đề xuất;
• Định mức cho hoạt động đánh giá môi trường chiến lược.
Ngoài ra, Thông tư cũng liệt kê cụ thể từng loại định mức, từ Điều 6 đến Điều 10 của Thông tư. Cụ thể gồm: Định mức cho hoạt động trực tiếp, Định mức cho các hoạt động gián tiếp; Định mức cho lập hợp phần quy hoạch, xây dựng nội dung đề xuất đưa vào quy hoạch; Định mức cho hoạt động đánh giá môi trường chiến lược; Định mức cho hoạt động điều chỉnh quy hoạch.
Đây là một quy định mới vì trước đây tại Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu không hề quy định về vấn đề này.