Ngày 10/06/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 09/2019/TT-BYT hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyên thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Bộ trưởng Bộ y tế ban hành này 10/06/2019 có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2019.
Theo đó, từ ngày 1/8/2019, sẽ có thêm ba trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh. Vậy căn cứ Theo Công văn 141/BHXH-CSYT và Điều 4 Thông tư 09/2019/TT-BYT, hiện tại có 06 trường hợp người tham gia BHYT được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh. Cụ thể:
– Khám, chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT:
+ Cấp cứu;
+ Khám, chữa bệnh ngoại trú, nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương;
+ Khám, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương;
+ Khám, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trung ương và tương đương;
– Khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT không đúng quy định (không xuất trình được thẻ BHYT có ảnh hoặc thẻ BHYT chưa có ảnh nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nhân thân);
– Chi phí cùng chi trả trong năm khi khám, chữa bệnh đúng tuyến của người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (8,94 triệu đồng) nhưng chưa được hưởng quyền lợi ngay tại cơ sở khám, chữa bệnh;
– Dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin;
– Không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.
Như vậy, kể từ 01/8/2019, người mất thẻ BHYT vẫn được thanh toán trực tiếp tiền khám, chữa bệnh như những trường hợp khác.
Ngày 12/07/2019, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 43/2019/TT-BTC quy định Chi phí đầu tư được xác định là chi phí hợp lý khi khấu trừ đối với chi phí phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế, Thong tư 43/2019/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 26/08/2019.
Theo đó, Thông tư 43/2019/TT-BTC quy định về chi phí đầu tư được xác định là chi phí hợp lý khi khấu trừ đối với chi phí phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế, cụ thể:
Các khoản chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
Đối với giá trị tài sản cố định: Được tính vào giá trị công trình và trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng điều kiện là tài sản cố định theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
Đối với chi phí (trừ trường hợp nêu tại điểm a Khoản 1 Điều này): Được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế.
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế được hưởng ưu đãi theo quy định pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.
Như vậy, Thông tư số 43/2019/TT-BTC đã có có những quy định chi tiết, cụ thể hóa và giải thích nội hàm, hướng dẫn áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 88/2018/NĐ-CP của chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất về Chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế là chi phí hợp lý được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Ngày 26/6/2019, Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư số 06/2019/TT-NHNN quy định Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có hiệu lực ngày 06/9/2019.
Theo đó, Thông tư số 06/2019/TT-NHNN có nội dung nổi bật như sau:
Nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam được thực hiện góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam theo mức vốn góp của nhà đầu tư tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành), Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, hợp đồng PPP đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài liệu khác chứng minh việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, thực hiện dự án PPP trong trường hợp không thành lập doanh nghiệp dự án phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ tại 01 (một) ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp bằng ngoại tệ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Trường hợp thực hiện các khoản vay nước ngoài mà đồng tiền đi vay không tương ứng với đồng tiền mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sử dụng để mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được mở thêm tài khoản vay, trả nợ nước ngoài bằng loại đồng tiền đi vay tại ngân hàng được phép nơi đã mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp liên quan đến khoản vay nước ngoài theo quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Như vậy, Thông tư số 06/2019/TT-NHNN đã hướng dẫn chi tiết về việc góp vốn đầu tư, phương thức góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.
Ngày 24/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật với các mức như sau:
Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật theo văn bản thỏa thuận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp, nhưng không quá 03 triệu đồng/năm;
Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí tư vấn pháp luật theo văn bản thỏa thuận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp, nhưng không quá 05 triệu đồng/năm;
Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí tư vấn pháp luật theo văn bản thỏa thuận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm;
Hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật theo quy định tại Chương IV của Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định này.
Trường hợp được bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền đồng ý hỗ trợ thì doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí tư vấn pháp luật vụ việc, vướng mắc được hỗ trợ. Hồ sơ thanh toán bao gồm:
Văn bản tư vấn pháp luật, gồm 01 bản đầy đủ và 01 bản đã loại bỏ các thông tin về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp;
Văn bản đề nghị thanh toán chi phí tư vấn pháp luật có xác nhận của tư vấn viên và doanh nghiệp, trong đó có viện dẫn số và ngày của văn bản đồng ý hỗ trợ, tên người thụ hưởng và số tài khoản, ngân hàng của người thụ hưởng;
Hóa đơn tài chính.
Nghị định 55/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 16/8/2019. Theo đó, chính sách hỗ trợ pháp lý nêu trên góp phần giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Ngày 04/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/02/2019.
Theo đó, Nghị định quy định nhiều điểm mới quan trọng liên quan tới điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp:
Doanh nghiệp có thời gian hoạt động tối thiểu từ 01 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật.
Đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet.
Doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu chỉ cần có báo cáo tài chính kiểm toán năm liền trước của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định mà không yêu cầu phải có kết quả kinh doanh có lãi của năm liền kề trước năm phát hành.
Doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ trái phiếu phải có lịch sử thanh toán gốc và lãi trái phiếu đã phát hành trong 3 năm liên tiếp trước đó đầy đủ
Doanh nghiệp có nghĩa vụ công bố thông tin trước và sau phát hành, trước khi chuyển đổi, hoặc mua lại trước hạn trái phiếu
Trái phiếu là một trong các công cụ huy động vốn hiệu quả của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay đang thắt chắt cho vay tín dụng, chính vì vậy, sự ra đời của Nghị định này góp phần không nhỏ tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn thông qua trái phiếu, đồng thời vẫn bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư thông qua cơ chế công khai thông tin và lưu ký trái phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán.
Ngày 19/7/2019, Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/09/2019.
Theo đó, Thông tư 06/2019/TT-BTTTT quy định theo hướng bổ sung, sửa đổi một số điểm mới về quản lý, sử dụng tài nguyên Internet, cụ thể:
Bổ sung quy định giải thích từ ngữ “thành viên địa chỉ” (Khoản 15 Điều 2).
Bổ sung quy định tạm ngừng hoạt động tên miền trong các trường hợp không xác định được chủ thể do mạo danh đăng ký tên miền, tên miền có thông tin đăng ký không chính xác, chủ thể tên miền là tổ chức đã giải thể hoặc không còn tồn tại (Điều 11).
Bổ sung quy định cho phép thay đổi tên chủ thể đăng ký sử dụng địa chỉ IP, số hiệu mạng (Khoản 1, Điều 22).
Sửa đổi quy định về đăng ký, sử dụng tên miền dưới đuôi “.name.vn” theo đó bổ sung thêm đối tượng tổ chức được đăng ký sử dụng tên miền dưới đuôi “.name.vn” (khoản 3, Điều 5).
Sửa đổi quy định về quản lý tên miền “.vn” trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng tên miền phù hợp với quy định pháp luật thi hành án dân sự theo hướng đảm bảo tính khả thi trong thực tế: sửa đổi thời hạn được ưu tiên đăng ký tên miền của người được thi hành án là nguyên đơn kể từ ngày quyết định, phán quyết, bản án giải quyết tranh chấp có hiệu lực pháp luật (khoản 3, Điều 10).
Sửa đổi quy định về chuyển đổi Nhà đăng ký theo hướng quy định rõ trách nhiệm của Nhà đăng ký đang quản lý tên miền trong việc phải thực hiện các thủ tục để chuyển đổi Nhà đăng ký quản lý tên miền khi chủ thể có yêu cầu và không được gây cản trở khi chủ thể đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong thỏa thuận về đăng ký, duy trì tên miền “.vn” với Nhà đăng ký (khoản 1, Điều 15).
Về tổng quan, Thông tư 06/2019/TT-BTTTT được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể khi đăng ký sử dụng tài nguyên Internet trên cơ sở thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đồng thời bổ sung quy định giải quyết một số tình huống phát sinh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ngày 17/07/2019, Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch ban hành Thông tư số 04/2019/TT-BVHTTDL về danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện, danh mục hoạt động thể thao mạo hiểm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/09/2019.
Trước đó, tại Nghị định 36/2019/NĐ-CP đã quy định về điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm, hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về danh mục hoạt động thể thao thuộc hai trường hợp nêu trên. Thông tư số 04/2019/TT-BVHTTDL ban hành đã quy định cụ thể về hai danh mục này, qua đó giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng xác định, đối chiếu khi thực hiện.
Theo đó, các hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện được quy định trong Danh mục ban hành kèm theo Thông tư, bao gồm những hoạt động sau:
Tập luyện, thi đấu Leo núi nhân tạo;
Tập luyện, thi đấu Trượt băng;
Tập luyện, thi đấu Đua ngựa;
Tập luyện, thi đấu Kiếm thể thao;
Tập luyện, thi đấu Bắn súng;
Tập luyện, thi đấu Bắn cung;
Tập luyện, thi đấu Thể dục dụng cụ;
Tập luyện, thi đấu Thể dục nhào lộn (trên mặt lưới có lò xo);
Tập luyện, thi đấu Đua thuyền.
Danh mục hoạt động thể thao mạo hiểm bao gồm:
Tập luyện, thi đấu Dù lượn có động cơ
Tập luyện, thi đấu Dù lượn không động cơ
Tập luyện, thi đấu Diều bay có động cơ
Tập luyện, thi đấu Diều bay không động cơ
Tập luyện, thi đấu Leo núi tự nhiên
Tập luyện, thi đấu Lặn biển thể thao giải trí
Tập luyện, thi đấu Mô tô nước trên biển
Tập luyện, thi đấu Ô tô thể thao địa hình
Tập luyện, thi đấu Mô tô thể thao
Tập luyện, thi đấu Xe đạp địa hình.
Khi doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao phải đối chiếu với danh mục ban hành kèm Thông tư này để xác định hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện hoặc hoạt động thể thao mạo hiểm hay không? Mỗi danh mục sẽ có những điều kiện nhất định cần phải đáp ứng, các điều kiện cụ thể được quy định tại Nghị định số 36/2019/NĐ-CP.
Căn cứ Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động và Thương binh xã hội, Luật bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, chế độ thai sản đối với lao động nam từ ngày 01/7/2019 được thực hiện như sau:
Theo Điều 34, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con, như sau:
Đối với lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con thì trong vòng 30 ngày đầu kể từ ngày sinh được nghỉ:
05 ngày làm việc nếu vợ sinh thường;
07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
10 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
14 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền thì:
Cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Nếu mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng và mẹ chết sau sinh thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
Quy định về nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với nam giới có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo các quyền lợi của người lao động không những trên khía cạnh pháp lý, mà còn là sự thể hiện quan tâm của nhà nước đến đời sống của nhân dân.
Ngày 05/07/2019, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BVHTTDL quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả và quyền liên quan. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2019.
Giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan là một trong các hoạt động của giám định tư pháp. Theo quy định của Luật Giám định tư pháp 2012 giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Theo đó, Thông tư số 02/2019/TT-BVHTTDL hướng dẫn hoạt động Giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện theo quy trình như sau:
Bước 01. Tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định;
Bước 02. Chuẩn bị thực hiện giám định;
Bước 03. Thực hiện giám định;
Bước 04. Kết luận giám định;
Bước 05. Bàn giao kết luận giám định;
Bước 05. Lập hồ sơ, lưu giữ hồ sơ giám định.
Việc bổ sung quy trình giám định về quyền tác giả, quyền liên quan góp phần giúp người giám định, tổ chức giám định thực hiện các hoạt động động của giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan nhanh chóng, hiệu quả.