Ngày 21/05/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 01/08/2019.
Nghị định đã ban hành nhiều quy định mới đối với những vi phạm về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ lưu trú du lịch tối thiểu. Cụ thể, Điều 11 Nghị Định này quy định:
Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
Không có giường hoặc đệm hoặc chiếu hoặc chăn hoặc gối theo quy định;
Không có khăn mặt hoặc khăn tắm theo quy định;
Không thay bọc đệm hoặc chiếu hoặc bọc chăn hoặc bọc gối khi có khách mới;
Không thay khăn mặt hoặc khăn tắm khi có khách mới.
Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi không bảo đảm nhà vệ sinh theo quy định (đồng thời đình chỉ hoạt động từ 01 – 03 tháng).
Mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân, nếu tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp 02 lần.
Việc quy định như trên là hoàn toàn hợp lý, để kinh doanh nhà nghĩ, khách sạn thì các chủ đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện kinh doanh nhất định. Ví dụ: về thiết kế, về các đồ dùng tối thiểu, hệ thống điện, nước sạch thoát nước, đảm bảo các điều kiện vệ sinh… Chỉ khi đáp ứng được các điều kiện này mới được cấp giấy phép hoạt động. Việc không có các điều kiện thối thiểu về cơ sở vật chất hoặc không đảm bảo vệ sinh cho khách hàng thì đương nhiên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nặng hơn sẽ bị tước giấy phép kinh doanh ngành nghề này.Việc quy định như vậy là hoàn toàn cần thiết để bảo vệ quyền lợi đáng được hưởng của những người sử dụng dịch vụ. Ngoài ra còn đảm bảo sức khỏe cho khách hàng tránh mắc bệnh ngoài da, bệnh truyền nhiễm khi nhà nghỉ, khách sạn không đảm bảo vệ sinh theo quy định của pháp luật.
Ngày 05/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 48/2019/NĐ-CP quản lý hoat động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/08/2019.
Một số nội dung đáng chú ý trong nghị định:
Định nghĩa phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Theo đó, phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước được hiểu là tàu, thuyền hoặc cấu trúc nổi khác được dùng để phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước có sức chở không quá 05 người và hoạt động trong vùng hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận hoặc công bố (Khoản 1 Điều 3);
Phân chia vùng hoạt động vui chơi, giải trí thành 02 vùng, bao gồm:
Vùng 1: Là vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải;
Vùng 2: Là vùng nước khác không thuộc vùng 1, được đánh dấu, xác định vị trí bằng phao hoặc cờ hiệu có màu sắc dễ quan sát (Điều 5).
Quy định các điều kiện đối với phương tiện, người lái phương tiện khi tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước. Trong đó, phương tiện phải thực hiện đăng kiểm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người lái phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước phải đủ 15 tuổi trở lên, mặc áo phao trong suốt quá trình điều khiển, trong một số trường hợp người lái phương tiện phải có Giấy chứng nhận lái phương tiện hoặc được hướng dẫn về kỹ năng an toàn trước khi điều khiển phương tiện (Điều 6).
Nêu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác vùng hoạt động và cung cấp các dich vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Đáng chú ý là yêu cầu các tổ chức, cá nhân này chỉ được phép tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trong thời gian quy định và phải có phương án bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường (Điều 7).
Ban hành thủ tục chấp thuận, cho phép hoạt động vùng vui chơi giải trí dưới nước và thủ tục đăng ký phương tiện vui chơi giải trí dưới nước (Chương III và Chương IV)
Việc ban hành nghị định 48/2019/NĐ-CP đã cụ thể hóa các quy định về đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch, vui chơi giải trí dưới nước. Là tiền đề của hoạt động quản lý nhà nước, góp phần đảm bảo an toàn cho khách du lịch cũng như tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước.
Ngày 27/06/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2019/QĐ – TTg về Danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa nhập nhẩu. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/09/2019.
Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg thì số mặt hàng phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập đã giảm hơn so với quy định trước đây. Cụ thể, các mặt hàng phải làm thủ tục hải quan tại cửa nhập khẩu bao gồm 14 mặt hàng như:
Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;
Rượu;
Bia sản xuất từ malt;
Xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi;
Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh nguyên chiếc, có động cơ đốt trong kiểu piston có dung tích xi lanh trên 125cc;
Máy bay, du thuyền;
Xăng các loại;
Điều hòa không khí, có công suất từ 90.000 BTU trở xuống;
Bài lá;
Giấy vàng mã;
Tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp theo Danh mục do Bộ Công Thương quy định;
Hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh do Chính phủ ban hành;
Hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Hàng hóa trong các vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại theo quyết định do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
Mặt hàng phế liệu đã không còn trong danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập. Phế liệu nhập khẩu sẽ thực hiện theo quy định riêng về cửa khẩu nhập tại Thông tư 01/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, Quyết định này còn quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan, hàng hóa khi nhập khẩu thuộc danh mục kèm theo thì người khai hải quan có thể lựa chọn địa điểm làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập tại các địa điểm được quy định tại Quyết định này hoặc các địa điểm ngoài cửa khẩu nhập trong các trường hợp nhất định.
Sắp tới, sau gần 10 năm sử dụng và gặp các bất cập khác nhau trong Incoterms 2010, đơn vị Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đang soạn thảo và sửa đổi một bản điều kiện giao hàng quốc tế Incoterms 2020. Incoterms 2020 sẽ chính thức được ban hành vào cuối năm 2019 và có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/01/2020 (kỷ niêm 100 năm ngày thành lập ICC)
Những thông tin thay đổi trong Incoterms 2020 bao gồm:
Lược bỏ các điều kiện EXW, DDP và FAS
Việc lược bỏ 3 điều kiện này được các chuyên gia lý giải như sau:
EXW chỉ được sử dụng bởi các công ty ít có kinh nghiệm xuất khẩu, DDP chỉ được sử dụng cho hàng mẫu hoặc phụ tùng thường được gửi qua các công ty chuyển phát nhanh đến địa chỉ của người mua; Hai điều kiện này chủ yếu sử dụng trong thương mại nội địa.
FAS ít được sử dụng trong thực tế bởi FAS có điểm tương đồng với FCA, hạn chế của FAS là giao dọc mạn tàu, nếu tàu đến trễ thì hàng hóa phải chờ tại bến tàu, còn nếu đến sớm thì tàu bên mua phải chờ hoặc người bán buộc phải thay đổi tàu để kịp sắp xếp hàng hóa.
Tách điều kiện DDP ra thành 2 điều kiện khác
Điều kiện DDP sẽ biến mất và trở thành 2 điều kiện mới là DTP (Giao tại ga đến đã thông quan) và DPP (Giao tại nơi đến đã thông quan).
Điều kiện DTP: Người bán phải chịu trách nhiệm tất cả các chi phí liên quan đến vận tải bao gồm thuế hải quan khi hàng hóa được giao đến ga (có thể là cảng biển, cảng hàng không, trung tâm vận tải …) tại nơi đến.
Điều kiện DPP: Người bán phải chịu trách nhiệm tất cả các chi phí liên quan đến vận tải bao gồm thuế hải quan khi hàng hóa được giao đến bất kỳ địa điểm nào khác không phải là ga vận tải, ví dụ, địa chỉ của người mua.
Khai thác sâu vào điều kiện FCA
Xuất phát từ ưu điểm của điều kiện FCA: Linh động về địa điểm giao hàng và phù hợp với các phương tiện vận tải đa phương thức giúp điều kiện này có thể áp dụng được trong nhiều trường hợp khác nhau. Trong bản quy tắc Incoterms mới này, FCA sẽ được mở rộng hơn cho vận tải đường bộ và vận tải đường biển.
Sửa đổi điều kiện FOB và CIF
FOB và CIF là hai điều kiện truyền thống được sử dụng trong thương mại quốc tế nhưng hầu hết những thay đổi trong các phiên bản Incoterms trước đây chưa được truyền tải đầy đủ đến người sử dụng. Đa số những người thực hành mua bán quốc tế vẫn cứ sử dụng FOB và CIF đối với hàng hóa được vận chuyển bằng container thay vì sử dụng hai điều kiện đối ứng là FCA và CIP. Dự thảo Incoterms 2020 sẽ sửa đổi điều kiện FOB và CIF có thể sử dụng cho hàng container như Incoterms 2000 và các ấn bản trước đó.
Bổ sung thêm điều khoản mới – CNI
CNI (Cost and Insurance – Tiền hàng và Bảo hiểm), điều khoản này được tạo ra nhằm lấp khoảng trống giữa FCA và CFR/ CIF. Điều kiện mới này cho phép người bán chịu trách nhiệm bảo hiểm hàng hóa, trong khi người mua thì chịu rủi ro vận chuyển.
Một số thay đổi khác trong Incoterms 2020
Một số nội dung khác được bổ sung:
An ninh giao thông
Các quy định về bảo hiểm vận tải
Mối quan hệ giữa Incoterms và Hợp đồng mua bán quốc tế
Về tổng thể, bản cập nhật này loại bỏ những bất cập đang tồn đọng tại Incoterms 2010, đồng thời sẽ đơn giản hóa các luật lệ, loại bớt những câu chữ khó hiểu giúp hạn chế sai sót trong quá trình giải thích và áp dụng, kể cả những người không sử dụng ngôn ngữ tiếng anh là ngôn ngữ chính.
Ngày 24/12/2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 35/2018/NHNN cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành. Theo đó, Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2019.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Thông tư số 35/2018/NHNN ngày 24/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ Ngân hàng trên Internet:
“3. Phần mềm ứng dụng phải xác thực người dùng khi truy cập và không có tính năng ghi nhớ mã khóa truy cập. Trường hợp xác thực sai liên tiếp quá số lần do đơn vị quy định, phần mềm ứng dụng phải tự động khóa tạm thời không cho người dùng tiếp tục sử dụng”.
Quy định ban hành trên cơ sở nhằm nâng cao sự an toàn, bảo mật; giảm thiểu rủi ro phát sinh từ tình trạng người sử dụng các phần mềm ứng dụng Internet Banking có thoái quen lưu trữ các thông tin tài khoản trên ứng dụng Internet Banking, nên trong một số trường hợp do sơ suất hoặc mất cắp các thiết bị lưu trữ có thể bị kẻ gian lợi dụng truy cập tài khoản và chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, kể từ ngày Thông tư nêu trên có hiệu lực, tức ngày 01/07/2019, các phần mềm Internet Banking sẽ không còn tính năng ghi nhớ tài khoản đăng nhập, người sử dụng muốn đăng nhập ứng dụng Internet Banking phải đăng nhập cả thông tin tài khoản và mật khẩu vào ứng dụng Internet Banking.
Ngày 26/06/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 06/2019/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 06/09/2019.
Theo đó, Thông tư số 06/2019/TT-NHNN đã có nhiều quy định mới rõ ràng hơn so với Thông tư số 19/2014/TT-NHNN trước đó:
1. Theo Điều 11 Thông tư 19/2014/TT-NHNN, hoạt động thực hiện góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài không cư trú tại Việt Nam được coi là hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trong trường hợp doanh nghiệp mục tiêu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Do đó, trước đây rất nhiều ngân hàng đã từ chối mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài vì nhà đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Để khắc phục nhược điểm này, Thông tư 06/2019/TT-NHNN đã quy định theo hướng hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài ngoài được chứng minh bằng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể chứng minh bằng Thông báo đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, hợp đồng BCC, hợp đồng PPP, Giấy phép thành lập hoặc hoạt động.
2. Không quy định về việc sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để thu, chi tiền rút vốn đầu tư từ các khoản vay trong nước ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của doanh nghiệp mục tiêu.
3. Quy định rõ ràng về đồng tiền định giá, thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư. Theo đó:
– Giữa hai người không cư trú: được phép thực hiện bằng ngoại tệ
– Giữa hai người cư trú, giữa người cư trú và người không cư trú: phải thực hiện bằng đồng Việt Nam
4. Quy định rõ chỉ có hoạt động thanh toán, chuyển nhượng cổ phần tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giữa người cư trú và người không cư trú mới phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
Như vậy, Thông tư số 06/2019/TT-NHNN đã có những quy định mới rõ ràng hơn so với Thông tư 19/2014/TT-NHNN, góp phần xóa bỏ các tranh cãi không đáng có trước đây và đảm bảo hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài của nhà đầu tư diễn ra thuận lợi hơn.
Ngày 13/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2019.
Theo đó, Chính phủ vẫn giữ nguyên mức phạt tiền tối đa trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ đối với cá nhân là 50 triệu đồng, với tổ chức là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức phạt mới sẽ tăng lên với mỗi hành vi vi phạm cụ thể. Đối với trường hợp có hành vi gian lận, lừa dối để nhận được hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ tương ứng, mức phạt tiền tối đa lên tới 40 triệu đồng, tăng thêm 10 triệu đồng so với quy định hiện hành.
Trường hợp cá nhân có hành vi chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao sẽ bị phạt mức tối đa là 50 triệu đồng.
Đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm 01/08/2019 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân.
Quy định mới của Chính phủ đã nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi có hành vi vi phạm hành trong hoạt động khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao hơn nữa việc xây dựng môi trường lành mạnh trong lĩnh vực này.
Ngày 19/7/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 06/2019/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên internet.
Thông tư 06/2019/TT-BTTTT có nhiều nội dung mới được bổ sung. Trong đó, nổi bật là nội dung bổ sung thêm 03 trường hợp tên miền “.vn” bị tạm ngừng hoạt động sau đây:
Không xác định được chủ thể do mạo danh đăng ký tên miền;
Tên miền có thông tin đăng ký không chính xác;
Chủ thể tên miền là tổ chức đã giải thể hoặc không còn tồn tại.
Đối với các trường hợp nêu ở trên, thủ tục tạm ngừng hoạt động tên miền được thực hiện như sau:
Sau 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày Trung tâm Internet Việt Nam hoặc Nhà đăng ký yêu cầu cập nhật, bổ sung thông tin mà chủ thể đăng ký tên miền không thực hiện, tên miền bị tạm ngừng hoạt động trên hệ thống máy chủ tên miền quốc gia. Nhà đăng ký gửi thông báo về việc tạm ngừng hoạt động tên miền đến chủ thể tên miền trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ khi tên miền tạm ngừng hoạt động;
Trong thời gian 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày tạm ngừng hoạt động tên miền, nếu chủ thể đăng ký tên miền cập nhật, bổ sung hoặc hoàn thiện thông tin, tên miền được gỡ bỏ trạng thái tạm ngừng hoạt động.
Thông tư 06/2019/TT-BTTTT sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9/2019. Việc bổ sung thêm 03 trường hợp tạm ngừng hoạt động tên miền “.vn” góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông liên quan đến việc sử dụng tài nguyên Internet.