Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Nguyên tắc Thanh toán dự án BT bằng tài sản công
Trả lời

Ngày 15/08/2019 Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (Dự án BT) có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2019.
Theo đó, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải đảm bảo:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư, xây dựng.
b) Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án BT theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
c) Chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị Dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán; được xác định như sau:
a) Giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán quy định tại khoản 4 Điều này.
b) Giá trị Dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.
Thứ ba, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; cụ thể:
a) Đối với tài sản công thuộc trung ương quản lý được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách trung ương.
b) Đối với tài sản công thuộc địa phương quản lý được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách địa phương.
Thứ tư, thời điểm thanh toán Dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất hoặc trụ sở làm việc là thời điểm Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho Nhà đầu tư. Thời điểm thanh toán Dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng và các loại tài sản công khác là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao tài sản cho Nhà đầu tư.
Thứ năm, khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT đối với phần giá trị công trình Dự án BT hoàn thành theo tiến độ, chấm dứt kể từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản cho Nhà đầu tư.
Thứ sau, việc giao tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được thực hiện sau khi Dự án BT hoàn thành hoặc thực hiện đồng thời tương ứng với khối lượng xây dựng công trình Dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.
Việc ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP, trong đó quy định các nguyên tắc thanh toán dự án BT về tài sản công nhằm mục đích làm đường lối, cơ sở cho hoạt động cụ thể hóa cũng như áp dụng pháp luật trong hoạt động sử dụng tài sản của Nhà nước. Từ đó, củng cố sự minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước về tài sản công và tăng cường niềm tin trong nhân dân.

Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Trả lời

Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng năm 2019, Việt Nam đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.

Đây là một trong những điểm nhấn trong hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và trong quan hệ buôn bán với 10 nước tham gia CPTTP khi FTA này đưa vào thực hiện từ đầu năm.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất nhập siêu của Việt Nam với 10 nước còn lại trong CPTTP của 7 tháng năm 2018 và 7 tháng năm 2019 như sau:

 (Đơn vị: triệu USD)

Quốc gia Xuất khẩu Nhập khẩu Xuất/nhập siêu
7 tháng 2018 7 tháng 2019 7 tháng 2018 7 tháng 2019 7 tháng 2018 7 tháng 2019
1. Nhật Bản 10.435 11.445 10.574 10.627 -139 818
2. Malaysia 2.391 2.268 4.422 4.203 -2.031 -1.935
3. Canada 1.667 2.212 542 558 1.125 1.654
4. Singapore 1.859 1.942 2.888 2.399 -1.029 -457
5. Australia 2.307 1.934 1.977 2.610 330 -676
6. Mexico 1.289 1.580 908 350 381 1.230
7. Chile 507 544 186 176 321 368
8. New Zealand 275 309 330 326 -55 -17
9. Peru 154 188 35 47 119 141
10. Brunei 6 34 18 81 -12 -47
Tổng cộng 20.890 22.456 21.880 21.377 -990 1.079

 

Xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước tham gia CPTTP đạt quy mô khá, chiếm trên 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 27 thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, thì khu vực này chiếm 6.

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tuy thấp hơn tốc độ tăng chung (7,5% so với 7,8%), nhưng tăng là sự khác biệt so với khi mở cửa với Trung Quốc (năm 1991), với Thái Lan (năm 1995), với Hàn Quốc (năm 2018) – khi đó xuất khẩu giảm hoặc tăng thấp, trong khi nhập khẩu tăng cao, làm cho nhập siêu tăng.

Tổng mức tăng của các thị trường này đạt 156,5 triệu USD, trong đó có một số thị trường có mức tăng khá, như Nhật Bản 1.010 triệu USD, Canada 546 triệu USD, Mexico 290 triệu USD.

Riêng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng vào Trung Quốc gặp khó khăn do nước này thay đổi chính sách nhập khẩu tiểu ngạch, nhưng thị trường 10 nước còn lại của CPTTP lại đạt mức khá, trong đó đứng đầu là Nhật Bản, tiếp đến là Malaysia, Canada, Australia, Singapore, Mexico, New Zealand, Chile, Peru, Brunei, góp phần giảm bớt sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc.

Nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường này so với cùng kỳ năm trước giảm 2,3%, hay giảm 503 triệu USD. Có một số thị trường giảm (như Mexico 659 triệu USD, Singapore 490 triệu USD, Malaysia 219 triệu USD)…

Chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu

Do xuất khẩu của Việt Nam vào 10 nước tham gia CPTTP tăng, trong khi nhập khẩu từ đây giảm, nên nếu cùng kỳ năm trước Việt Nam ở vị thế nhập siêu, thì 7 tháng năm nay đã xuất siêu ở mức khá.

Trong 10 thị trường trên, Việt Nam ở vị thế xuất siêu với 5 thị trường và cả 5 thị trường này đều ở mức trên 100 triệu USD, lớn nhất là Canada, tiếp đến là Mexico, Nhật Bản, Chile, Peru. Đáng lưu ý, mức xuất siêu đều cao hơn cùng kỳ năm trước, đặc biệt là Nhật Bản đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu khá lớn.

Các diễn biến trên là kết quả tích cực của việc CPTTP được thực hiện. Kết quả càng có ý nghĩa khi được thể hiện ngay trong những tháng đầu tiên thực hiện. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam một mặt đã tranh thủ tốt hơn về thị trường với cơ hội thuế suất thuế nhập khẩu vào các nước này được giảm thiểu, mặt khác đây cũng là các thị trường có thể góp phần để Việt Nam có điều kiện để xử lý được khó khăn trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với Trung Quốc.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực, nhưng đó chỉ là bước đầu, chưa thể chủ quan. Xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường còn bị giảm (với Australia giảm 373 triệu USD, Malaysia giảm 122 triệu USD); nhập khẩu từ một số thị trường tăng (Australia, Canada, Peru, Brunei); còn nhập siêu từ một số thị trường (như Malaysia, Australia, Singapore, Brunei, New Zealand). Đáng lưu ý, với Australia năm trước xuất siêu, nay nhập siêu, còn với Brunei là nhập siêu tăng.

Ngoài ra, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam còn thấp so với tổng nhập khẩu của các thị trường này. Tốc độ tăng xuất khẩu vào các thị trường này còn thấp hơn tốc độ tăng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tác động đến việc thực hiện kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu chung…

Nguồn: http://cafef.vn/voi-cpttp-viet-nam-chuyen-tu-nhap-sieu-sang-xuat-sieu-20190821144831587.chn

91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Trả lời

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả quan nhất với 91,1% dự báo tăng và giữ ổn định; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với 88,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định; khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt tỷ lệ thấp nhất nhưng vẫn khá cao với 87,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định.

Theo Tổng cục Thống kê, có 91,9% doanh nghiệp lạc quan cho rằng, 6 tháng cuối năm 2019, khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định so với 6 tháng đầu năm 2019 (trong đó, 58,6% doanh nghiệp dự báo tăng và 33,3% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên), chỉ có 8,1% dự báo khối lượng sản xuất giảm.

Cùng chung xu hướng, dự báo 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2019, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự báo khả quan với 93,1% doanh nghiệp có khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với 91,6% và doanh nghiệp nhà nước với tỷ lệ 90,6%.

Về đơn đặt hàng, có 89,7% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới tăng và giữ ổn định so với quý II (có 47,9% doanh nghiệp dự báo tăng và 41,8% giữ ổn định); có 10,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới giảm.

Số lượng đơn đặt hàng mới được dự báo khả quan hơn ở 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2019 với 91,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định (54,1% doanh nghiệp dự báo tăng và 37,8% dự báo giữ ổn định), có 8,1% dự báo giảm.

Theo đó, các ngành có tỷ lệ dự báo cao về triển vọng đơn hàng mới 6 tháng cuối năm tăng so với 6 tháng đầu năm 2019 lần lượt gồm: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 64%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 62,3%; sản xuất trang phục 61,2%; sản xuất xe có động cơ 58,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic 57,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 57,3%;…

Nguồn: http://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep/919-DN-lac-quan-ve-san-xuat-trong-6-thang-cuoi-nam-2019/373007.vgp

6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Trả lời

Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Vùng miền Trung là mặt tiền biển của Việt Nam, chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước (14/28 tỉnh, thành phố) với chiều dài đường bờ biển 1.900 km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước, là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Các lĩnh vực, ngành kinh tế biển và ven biển của vùng miền Trung đang tập trung phát triển là: Du lịch và dịch vụ biển; phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp; khai thác, chế biến dầu khí; nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành du lịch vùng miền Trung đang trở thành động lực tăng trưởng, ngành công nghiệp không khói của vùng. Năm 2018, toàn vùng đã đón được trên 54 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 11,9 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu nhập từ du lịch đạt gần 121.670 tỷ đồng, bằng 39,8% số lượt khách quốc tế, 32,6% lượt khách nội địa đi lại giữa các địa phương ở Việt Nam và bằng 19,4% tổng thu nhập du lịch cả nước.

Lũy kế đến hết tháng 6/2019, 11 khu kinh tế trên địa bàn miền Trung có 209 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 31,942 tỷ USD, vốn thực hiện là 24,156 tỷ USD; 1.005 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 587,615 nghìn tỷ đồng, vốn thực hiện là 258,981 nghìn tỷ đồng.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp tại các khu kinh tế trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 8,213 tỷ USD; giá trị xuất nhập khẩu đạt 12,046 tỷ USD và nộp ngân sách đạt 17,602 nghìn tỷ đồng…

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá, phát triển kinh tế biển miền Trung vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, đặc biệt kết nối hạ tầng đường ven biển, các sân bay quốc tế tại các trung tâm du lịch (Huế, Đà Nẵng) đã quá tải và thiếu cảng biển du lịch.

Nguồn lực huy động cho phát triển du lịch còn hạn chế; liên kết phát triển du lịch du lịch giữa các địa phương trong vùng còn nặng về hình thức, sự phối hợp giữa du lịch với các ngành liên quan chưa chặt chẽ; nguồn nhân lực du lịch đã qua đào tạo, chất lượng cao còn thiếu chưa đáp ứng và bắt kịp tốc độ phát triển du lịch của vùng.

Nguồn: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Phat-trien-cac-mui-nhon-kinh-te-bien-mien-Trung/373156.vgp

Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Trả lời

Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh vực thực phẩm, ăn uống hay giáo dục, thời gian tới xu hướng kinh doanh nhượng quyền còn được ngành bán lẻ phân phối hàng hóa tận dụng.

Với hơn 93 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là một trong 3 thị trường bán lẻ sôi động nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (sau Trung Quốc và Indonesia) với tốc độ tăng trưởng gần 12%/năm. Theo dự báo, doanh thu bán lẻ của Việt Nam có thể lên tới gần 180 tỷ USD vào năm 2020.

Xu hướng các thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động, trong đó chủ yếu theo con đường nhượng quyền. Đến nay, đã có hàng trăm thương hiệu được nhượng quyền. Năm 2017, có 31 công ty nước ngoài đăng ký nhượng quyền ở Việt Nam. Các công ty này chủ yếu đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản trong lĩnh vực thức ăn nhanh (F&B), giáo dục, hàng tiêu dùng…

Với chính sách mở cửa, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của nước ngoài đầu tư kinh doanh, Việt Nam luôn thúc đẩy các nhãn hiệu ngoại tìm đến gia nhập thị trường. Theo đó, nhiều mô hình kinh doanh mới cũng dần xuất hiện tại thị trường Việt từ sản xuất đến các dịch vụ, đào tạo, mô hình giáo dục trẻ em, kinh doanh quần áo, giày dép, thời trang, các chuỗi nhà hàng ăn uống…

Bên cạnh đó, hiện tại lĩnh vực cửa hàng tiện lợi đang thu hút nhà đầu tư. Đây là cơ hội cho các nhãn hiệu bán lẻ tiếp cận vào thị trường Việt. Trong lĩnh vực bán lẻ, ngoài các trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị thì hiện nay phân khúc cửa hàng tiện lợi phát triển rất sôi động với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi lớn trong, ngoài nước. Đến nay, đã có hàng ngàn cửa hàng tiện lợi đang hoạt động khắp cả nước, trong đó tập trung hùng hậu nhất tại 2 thành phố lớn Hà Nội và Tp.HCM.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Yun Ju Yong, Giám đốc điều hành GS25 Việt Nam, tại thị trường Việt Nam hiện nay chưa có thương hiệu bán lẻ nào nhượng quyền theo xu thế. Hiện bán lẻ mới chỉ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia chứ chưa có một thương hiệu nào được thực hiện nhượng quyền. Trong khi, ở Hàn Quốc GS25 là nhà bán lẻ đang vận hành khoảng 14.000 cửa hàng tiện lợi, trong số này có tới trên 80% là cửa hàng vận hành theo mô hình nhượng quyền.

Theo dự báo, mô hình nhượng quyền cửa hàng tiện lợi sẽ sôi động hơn trong thời gian tới, bởi chi phí đầu tư thấp nhưng lợi nhuận thu về khả quan hơn là tự đầu tư, nhờ được vận hành tập trung, đồng nhất bởi một thương hiệu, nên dễ thu hút người tiêu dùng.

Dù vậy, theo phân tích của chuyên gia, các mô hình nhượng quyền tại Việt Nam phần lớn vẫn chủ yếu được vận hành theo cách truyền thống mà chưa có ứng dụng số vào khâu quản lý. Từ đó khiến cho việc kiểm soát và điều chỉnh chi phí vận hành gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nhiều chuỗi thương hiệu, sau nhượng quyền hoạt động chưa hiệu quả, dẫn tới thua lỗ và phải rút khỏi thị trường.

Nguồn: http://vneconomy.vn/bung-no-nhuong-quyen-thuong-hieu-20190821082907157.htm

Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Trả lời

Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh cuối năm, đồng thời cũng đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãi suất huy động đang được nhiều ngân hàng thương mại tăng khá mạnh.

Lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng đang trở nên nóng hơn kể từ nửa đầu tháng 8 đến nay, khi hàng loạt chương trình huy động vốn với lãi suất cao đã được nhiều ngân hàng thương mại triển khai để thu hút khách hàng. So với mặt bằng lãi suất trước đây, đợt tăng lãi suất lần này được nhiều ngân hàng thương mại đẩy lên khá cao, thậm chí có ngân hàng đã huy động lãi suất lên tới hơn 10%/năm.

Lý giải việc tăng lãi suất được điều chỉnh tăng mạnh, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, tăng lãi suất được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng gia tăng nguồn lực vốn trung, dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm.

Cụ thể, sau khi công bố điều chỉnh tăng lãi suất huy động, Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê chia sẻ: “Điều chỉnh lãi suất là nhằm thu hút khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài để gia tăng nguồn lực nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh tiếp tục khởi sắc trong các tháng cuối năm”.

Cùng chung quan điểm, quyền Tổng giám đốc ABBank Phạm Duy Hiếu cũng cho biết, bên cạnh việc tạo ra những cơ hội gia tăng lợi ích cho khách hàng thì lần tăng lãi suất này ABBank cũng mong muốn sẽ bổ sung thêm vào nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh trong thời gian tới, cũng như có thêm nguồn vốn để đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung và dài hạn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Dưới góc nhìn chuyên gia tài chính ngân hàng, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến lãi suất huy động tăng mạnh trong những ngày gần đây, cụ thể: đầu tiên là trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn tại Việt Nam vẫn đang chiếm tỷ trọng cao (bình quân khoảng 50% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng), nên việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động (trung, dài hạn) sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn để tiếp tục tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.

Tiếp theo là để đáp ứng các yêu cầu về hệ số an toàn vốn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Cuối cùng là nhằm đáp ứng tốt hơn các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Năm nay tỷ lệ này ở mức 40% nhưng trong năm tới có thể sẽ giảm xuống 35% và đến năm 2021 sẽ còn 30%.

Ngoài 3 nguyên nhân trên, có thể có thêm 1 tác nhân nữa khiến lãi suất huy động tại các ngân hàng tăng mạnh đó là việc một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất lên tới 12-13%/năm. Vậy nên, việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng cũng có thể hiểu là giúp các ngân hàng gia tăng tính cạnh tranh trong huy động vốn trên thị trường.

Nguồnhttp://vneconomy.vn/nhieu-ngan-hang-tang-manh-lai-suat-huy-dong-20190821230851227.htm

Bản Tin Pháp Luật Số 30/2019
Trả lời

Hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm
Trả lời

Ngày 17/07/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BYT về hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Thông tư ngày có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2019.
Theo đó, tại Điều 6 của Thông tư số 17/2019/TT-BYT có quy định về nội dung giám sát, cụ thể:
1. Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, các nội dung giám sát gồm:
a) Họ và tên, tuổi, giới, nghề nghiệp, điện thoại liên lạc, địa chỉ nơi sinh sống, nơi học tập, làm việc; địa điểm và thời gian mắc, khởi phát bệnh; diễn biến bệnh, triệu chứng, chẩn đoán và quá trình điều trị, cơ sở y tế chăm sóc, điều trị trước khi mắc bệnh; thông tin về xét nghiệm khẳng định tác nhân gây bệnh phù hợp; tiền sử sản khoa, tiền sử tiêm chủng vắc xin phòng bệnh và tình trạng miễn dịch, tiền sử đi lại trong và ngoài nước, các thông tin về tiền sử phơi nhiễm, tiếp xúc và yếu tố dịch tễ liên quan;
b) Điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa điểm giám sát
2. Đối với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm: chủng, loài, nhóm, týp, phân týp, gen, kiểu gen, các đặc tính sinh học về tính kháng thuốc, biến đổi về hình thể, gen và phương thức lây truyền.
3. Đối với trung gian truyền bệnh
a) Động vật: số lượng, mối liên hệ với con người và các đặc điểm khác theo yêu cầu. Riêng đối với côn trùng cần giám sát thêm: đặc điểm sinh vật học, thành phần loài, các chỉ số giám sát, tính nhạy cảm với hóa chất;
b) Thực phẩm: nguyên liệu, nguồn gốc, phương thức chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối;
c) Môi trường: đất, nước, không khí;
d) Các vật khác mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
4. Căn cứ vào bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, đối tượng giám sát, yêu cầu của các loại hình giám sát, đơn vị chịu trách nhiệm giám sát lựa chọn các nội dung giám sát phù hợp.
Và cũng theo Điều 6 của Thông tư Số: 17/2019/TT-BYT nêu trên thì quy trình giám sát được thực hiện theo các bước sau:
1. Thu thập số liệu, thông tin.
2. Phân tích số liệu, phiên giải và đánh giá kết quả.
3. Đánh giá nguy cơ, nhận định tình hình bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
4. Đề xuất biện pháp can thiệp.
5. Báo cáo và chia sẻ thông tin.
Theo đó, việc ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BYT là cơ sở pháp lý nhằm hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền chủ động thực hiện việc giám sát và đáp ứng bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Điều này góp phần ứng phó trước tình trạng diễn biến phức tạp của các bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự
Trả lời

Ngày 15/8/2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/9/2019.
Theo đó, việc trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp xảy ra trước ngày 1/1/2018 sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 216 của Bộ luật hình sự, thay vào đó, Nghị quyết đưa ra hướng giải quyết như sau:
– Trường hợp chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính.
– Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này thực hiện theo pháp luật về thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
– Trường hợp gây thiệt hại cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Theo Điều 216 của Bộ luật hình sự, hình phạt tiền cho tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp dao động từ 200.000.000 VNĐ đến 3.000.000.000 VNĐ.
Như vậy. Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP đã đưa ra hướng giải quyết cụ thể cho hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, góp phần giúp các doanh nghiệp dự báo được mức độ vi phạm và hậu quả pháp lý khi thực hiện hành vi vi phạm.

Quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Trả lời

Ngày 26/6/2019, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Thông tư số 06/2019/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, thay thế Thông tư số 19/2014/TT-NHNN ngày 11/08/2014 của Thống đốc NHNH.
Vài nét về Thông tư 06/2019/TT-NHNN:
Thông tư 06/2019/TT-NHNN được ban hành nhằm hướng dẫn các nội dung liên quan đến quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối tại pháp lệnh ngoại hối (sửa đổi, bổ sung), Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối (đã sửa đổi, sửa đổi bổ sung) và pháp luật về đầu tư tại Luật Đầu tư 2014, cụ thể như sau:
Thông tư quy định rõ khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, làm cơ sở để xác định đối tượng mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
Thông tư quy định cụ thể các nội dung thu, chi trên tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ và tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam.
Thông tư quy định các nội dung liên quan đến việc thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư bao gồm tài khoản sử dụng, đồng tiền định giá, thanh toán trong giao dịch chuyển nhượng.
Ngoài những nội dung trên, Thông tư cũng quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức tín dụng được phép, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo cơ sở pháp lý và nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam..
Những giá trị của Thông tư số 06/2019/TT-NHNN đem lại:
Tăng cường công tác quản lý ngoại hối nhằm đảm bảo ổn định thị trường, tăng quy mô dự trữ ngoại hối, thu hút ngoại tệ từ nguồn FDI.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại hối, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tạo hành lang pháp lý rõ ràng trong hoạt động quản lý các dòng vốn đầu tư trực tiếp vào và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Khuyến khích kiều hối, thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, hạn chế sử dụng ngoại hối trong nước, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ.