Ngày 26/08/2019 Thông tư 57/2019/TT-BTC hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư 57/2019/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2019.
Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được xem xét xử lý rủi ro trong 05 trường hợp sau:
Khách hàng bị thiệt hại về tài chính, tài sản gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký do các nguyên nhân như:
Thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn;
Rủi ro chính trị, chiến tranh.
Khách hàng bị phá sản theo quy định hiện hành;
Khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký do:
Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng;
Gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Khách hàng có khoản nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) theo kết quả phân loại nợ quy định tại Khoản 1 Điều 36 Nghị định 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Quy định nêu trên giúp làm xác định rõ hơn các trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ xử lý rủi ro tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Ngày 31/7/2019, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 10/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số nội dung về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành ngân hàng được quy định trong Thông tư số 36/2016/TT-NHNN. Thông tư có hiệu lực từ ngày 16/9/2019.
Một số nội dung đáng chú ý trong Thông tư:
Bổ sung thêm Ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng nhà nước chi nhánh Hà Nội vào đối tượng áp dụng của quy định về thanh tra chuyên ngành ngân hàng nhà nước (Khoản 1 Điều 1);
Sửa đổi, bổ sung quyền của Chánh Thanh tra ngân hàng nhà nước trong hoạt động thanh tra chuyên ngành:
Bổ sung thẩm quyền của Chánh Thanh tra: ra quyết định thanh tra đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng nhà nước. Được gom các cuộc thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng, các cuộc thanh tra chuyên ngành lớn, phức tạp, các cuộc thanh tra lại hoặc khi xét thấy cần thiết (Khoản 3 Điều 1);
Sửa đổi về thẩm quyền được ra quyết định thanh tra lại của Chánh Thanh tra. Theo đó, Chánh Thanh tra không có quyền quyết định thanh tra lại với những vụ việc đã được Cục trưởng Cục thanh tra, giám sát ngân hàng kết luận (Khoản 3 Điều 1)
Sửa đổi về tiêu chuẩn của Trưởng đoàn thanh tra (Khoản 4 Điều 1).
Phải từ Trưởng phòng hoặc Thanh tra viên chính hoặc tương đương trở lên với những vụ việc phải được Thống đốc Ngân hàng nhà nước hoặc Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng cử Trưởng đoàn thanh tra.
Phải từ Phó Trưởng phòng hoặc Thanh tra viên trở lên với những vụ việc phải được Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Cục trưởng Cục thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh cử Trưởng đoàn thanh tra.
Bổ sung nghĩa vụ của Trưởng đoàn thanh tra trong trường hợp tạm dừng việc thanh tra. Theo đó, trong trường hợp tạm dừng, Trưởng đoàn thanh tra phải ra văn bản thông báo gửi đối tượng thanh tra và báo cáo với người ra quyết định thanh tra (Khoản 5 Điều 1).
Việc ban hành Thông tư 10/2019/TT-NHNN đã khắc phục những điểm còn thiếu sót, chưa phù hợp của Thông tư 36/2016/TT-NHNN. Làm vững chắc cơ sở pháp lý khi tiến hành thanh tra chuyên ngành ngân hàng nhà nước cũng như quy định rõ trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức khi thực thi nhiệm vụ.
Ngày 08/8/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 48/2019/TT-BTC hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng tại doanh nghiệp. Thông tư 48/2019/TT-BTC (sau đây gọi tắt là “Thông tư”) có hiệu lực từ ngày 10/10/2019. Thông tư này làm hết hiệu lực 03 Thông tư trước đó là: Thông tư 228/2009/TT-BTC, Thông tư 34/2011/TT-BTC, Thông tư 89/2013/TT-BTC.
Tóm tắt một số điểm mới của Thông tư như sau:
Về việc trích lập dự phòng tổn thất các khoản Đầu tư tài chính:
Doanh nghiệp sẽ không được trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư ra nước ngoài, chỉ được trích lập rủi ro đối với các khoản đầu tư tài chính trong nước. Cụ thể:
Tại Khoản 4 Điều 3 của Thông tư quy định: “Điều 3. Nguyên tắc chung trong trích lập các khoản dự phòng: …4. Doanh nghiệp không trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư ra nước ngoài.”
Tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 của Thông tư quy định: “1. Các khoản đầu tư chứng khoán: a) Đối tượng lập dự phòng là các loại chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành theo quy định của pháp luật chứng khoán mà doanh nghiệp đang sở hữu tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm có đủ các điều kiện sau:- Là chứng khoán niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước mà doanh nghiệp đang đầu tư; – Là chứng khoán được tự do mua bán trên thị trường mà tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm giá chứng khoán thực tế trên thị trường thấp hơn giá trị của khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán.”
Về việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi:
Giống như quy định tại các văn bản trước đó, Thông tư vẫn quy định Biên bản đối chiếu công nợ là một trong những chứng từ để chứng minh cho số tiền là nợ chưa trả từ đó có cơ sở để doanh nghiệp trích lập quỹ dự phòng, tuy nhiên Thông tư này có bổ sung thêm: “trong trường hợp không có đối chiếu công nợ thì phải có văn bản đề nghị đối chiếu xác nhận công nợ hoặc văn bản đòi nợ do doanh nghiệp đã gửi (có dấu bưu điện hoặc xác nhận của đơn vị chuyển phát);” Đây là điểm mới, tháo gỡ lớn cho các trường hợp con nợ “không chịu” ký Biên bản đối chiếu công nợ với Doanh nghiệp khi mất khả năng thanh toán.
Ngoài ra, liên quan đến việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, Thông tư đã quy định tách riêng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông, những doanh nghiệp này sẽ được áp dụng mức trích lập khác so với các doanh nghiệp thông thường.
Về việc trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ công trình xây dựng
Bổ sung loại hình “Dịch vụ” công trình xây dựng vào đối tượng được trích lập dự phòng, mà những văn bản trước đây chưa đề cập đến.
Từ những phân tích trên cho thấy Thông tư số 48/2019/TT-BTC đã đem lại những giá trị không hề nhỏ đối với Doanh nghiệp Việt Nam, giúp Doanh nghiệp Việt Nam tháo gỡ được rất nhiều khó khăn trong giải quyết các khoản thu có liên quan trực tiếp đến số thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng, đặc biệt đã có những quy định cụ thể hơn, khả thi hơn đối với quỹ dự phòng cho các khoản nợ phải thu khó đòi. Ngoài ra, Thông tư này cũng đã thống nhất lại toàn bộ những quy định trước đó hiện đang nằm rải rác tại nhiều văn bản khác nhau có liên quan đến trích quỹ dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các Doanh nghiệp trong việc nắm bắt, hiểu rõ và vận dụng quy định này trên thực tế. Do đó, Thông tư này là cơ sở vững chắc để nhiều Doanh nghiệp có thể hạn chế được rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận trong quá trình kinh doanh của mình.
Ngày 30/6/2019, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Dự kiến Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực sau khi cơ quan có thẩm quyền của hai bên phê chuẩn Hiệp định.
Tại Chương 2 của Hiệp định liên quan tới đối xử quốc gia và mở cửa thị trường đối với hàng hóa, Điều 2.15 quy định: “Việt Nam sẽ áp dụng và duy trì các văn kiện pháp lý phù hợp cho phép các công ty dược phẩm nước ngoài thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để nhập khẩu dược phẩm mà đã có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam về việc tiếp thị, không làm ảnh hưởng tới Biểu cam kết của EU/VN/vn9 Việt Nam trong Phụ lục 8-B (Biểu cam kết cụ thể của Việt Nam), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đó được phép bán dược phẩm được nhập khẩu hợp pháp cho các nhà phân phối hoặc nhà bán buôn mà có quyền phân phối dược phẩm tại Việt Nam”. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài từ EU có quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam để nhập khẩu dược phẩm vào Việt Nam.
Theo quy định tại biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam trong WTO cũng như EVFTA, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện quyền phân phối thuốc tại Việt Nam do nội dung phân phối dược phẩm được cả WTO lẫn EVFTA loại trừ ra khỏi phạm vi cam kết. Do đó, theo Điều 44.1(d) Luật dược 2016, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được nhập khẩu thuốc để bán cho các cơ sở phân phối thuốc.
Trước đây, Luật Dược 2005 không có quy định về việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhập khẩu thuốc. Ngoài ra theo Nghị định 102/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được nhập khẩu thuốc khi có quyền phân phối thuốc, trong khi việc phân phối bị hạn chế đầu tư. Do đó theo Nghị định 102/2016/NĐ-CP và Luật Dược 2005, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhập khẩu thuốc.
Tuy nhiên, hiện nay quy định về quyền nhập khẩu thuốc của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được quy định tại EVFTA mà các hiệp định thương mại tự do khác chưa hề có. Hơn nữa Luật Dược 2016 và văn bản hướng dẫn thi hành cũng chỉ quy định chung chung về cơ sở nhập khẩu không có quyền phân phối (hay nói cách khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện nhập khẩu). Vì thế, có thể thấy lĩnh vực nhập khẩu thuốc chỉ đang mở cửa đối với thị trường EU.
Ngày 05/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 48/2019/NĐ-CP quản lý hoat động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/08/2019.
Một số nội dung đáng chú ý trong nghị định:
Định nghĩa phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Theo đó, phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước được hiểu là tàu, thuyền hoặc cấu trúc nổi khác được dùng để phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước có sức chở không quá 05 người và hoạt động trong vùng hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận hoặc công bố (Khoản 1 Điều 3);
Phân chia vùng hoạt động vui chơi, giải trí thành 02 vùng, bao gồm:
Vùng 1: Là vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải;
Vùng 2: Là vùng nước khác không thuộc vùng 1, được đánh dấu, xác định vị trí bằng phao hoặc cờ hiệu có màu sắc dễ quan sát (Điều 5).
Quy định các điều kiện đối với phương tiện, người lái phương tiện khi tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước. Trong đó, phương tiện phải thực hiện đăng kiểm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người lái phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước phải đủ 15 tuổi trở lên, mặc áo phao trong suốt quá trình điều khiển, trong một số trường hợp người lái phương tiện phải có Giấy chứng nhận lái phương tiện hoặc được hướng dẫn về kỹ năng an toàn trước khi điều khiển phương tiện (Điều 6).
Nêu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác vùng hoạt động và cung cấp các dich vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Đáng chú ý là yêu cầu các tổ chức, cá nhân này chỉ được phép tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trong thời gian quy định và phải có phương án bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường (Điều 7).
Ban hành thủ tục chấp thuận, cho phép hoạt động vùng vui chơi giải trí dưới nước và thủ tục đăng ký phương tiện vui chơi giải trí dưới nước (Chương III và Chương IV)
Việc ban hành nghị định 48/2019/NĐ-CP đã cụ thể hóa các quy định về đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch, vui chơi giải trí dưới nước. Là tiền đề của hoạt động quản lý nhà nước, góp phần đảm bảo an toàn cho khách du lịch cũng như tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước.
Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 có những nội dung trọng tâm như sau:
– Phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội;
– Chính sách sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng là bộ phận không thể tách rời trong chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực;
– Hoạt động sở hữu trí tuệ có sự tham gia tích cực của các chủ thể trong xã hội, trong đó Viện nghiên cứu, trường đại học và các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ.
Trên cơ sở quan điểm định hướng, chỉ đạo nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu sở hữu trí tuệ đến năm 2030, bao gồm:
1. Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
2. Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể.
3. Tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII):
– Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 – 18%/năm;
– Số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6 – 8%/năm;
– Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8 – 10%/năm;
– Số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 – 14%/năm, 10 – 12% trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; đưa Việt Nam trở thành trung tâm bảo hộ giống cây trồng với việc hình thành cơ quan bảo hộ giống cây trồng khu vực ASEAN+.
5. Hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp phải tập trung vào hoàn thiện chính sách, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, khai thác và thực thi quyền và hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Bộ KH&CN sẽ là đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện chiến lược và báo cáo định kỳ hằng năm với Chính phủ.
Ngày 23/8/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 56/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 49/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với thư, gói, kiện hàng hóa xuất, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp được chỉ định và Thông tư 191/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.
Theo đó, Thông tư 56/2019/TT-BTC có những điểm mới như sau:
Về khai hải quan, người khai hải quan thực hiện khai theo phương thức điện tử. Trường hợp quy định tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP, người khai hải quan được lựa chọn khai theo phương thức điện tử hoặc khai trên tờ khai hải quan giấy.
Căn cứ thông tin gửi hàng của chủ hàng trên tờ khai CN22, CN23, số hiệu bưu gửi E1QT, hồ sơ, tài liệu của gói, kiện hàng hóa Xuât Khẩu, Nhập Khẩu, thông tin do chủ hàng cung cấp cho Doanh nghiệp và thông tin cảnh báo nội bộ của Doanh nghiệp về sự sai khác giữa thông tin khai báo của người gửi về hàng hóa, trị giá hàng hóa với thực tế hàng hóa và các chứng từ liên quan (nếu có) để thực hiện chia nhóm hàng hóa.
Đối với gói, kiện hàng hóa Xuất Khẩu được chia thành hai nhóm:
Nhóm 1: gói kiện, hàng hóa Xuất Khẩu thỏa mãn các điều kiện có trị giá hải quan dưới 5 triệu đồng; được miễn thuế Xuât Khẩu hoặc chịu thuế Xuât Khẩu với thuế suất là 0%; không thuộc mặt hàng phải có giấy phép Xuất Khẩu, kiểm tra chuyên ngành.
Nhóm 2: Gói, kiện hàng hóa XK không thuộc nhóm 1; gói kiện hàng hóa Xuất Khẩu thuộc nhóm 1 nhưng chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền yêu cầu tự thực hiện thủ tục hải quan; gói, kiện hàng hóa có thông tin cảnh báo nội bộ của Doanh Nghiệp; gói, kiện hàng hóa có nghi ngờ về trị giá hải quan.
Đối với gói, kiện hàng hóa Nhập Khẩu cũng được chia thành hai nhóm.
Nhóm 1: Gói, kiện hàng hóa Nhập Khẩu có trị giá hải quan trong định mức miễn thuế Nhập Khẩu và không thuộc mặt hàng phải có giấy phép Nhập Khẩu, kiểm tra chuyên ngành.
Nhóm 2: Gói, kiện hàng hóa Nhập Khẩu không thuộc nhóm 1; gói kiện hàng hóa Nhập Khẩu thuộc nhóm 1 nhưng chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền yêu cầu tự thực hiện thủ tục hải quan; gói, kiện hàng hóa có thông tin cảnh báo nội bộ của Doanh nghiệp; gói, kiện hàng hóa có nghi ngờ về trị giá hải quan.
Trường hợp thiếu các thông tin trên tờ khai CN22, CN23, số hiệu bưu gửi E1QT bản giấy hoặc bản điện tử để chia nhóm hàng hóa và khai báo hải quan, Doanh nghiệp thực hiện xem trước gói, kiện hàng hóa tại khu vực có camera giám sát, dưới sự giám sát của công chức hải quan. Doanh nghiệp thực hiện chia nhóm, khai báo hải quan theo đúng thực tế gói, kiện hàng hóa hoặc cơ quan Hải quan xử lý vi phạm trong trường hợp gói, kiện hàng hóa không được phép NK theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cơ quan Hải quan phát hiện tờ khai hải quan được khai báo theo nhóm gói, kiện hàng hóa không đúng quy định thì thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật. Doanh Nghiệp lưu giữ gói, kiện hàng hóa chia nhóm không đúng quy định tại khu vực riêng và tiếp tục làm thủ tục hải quan đối vơi gói, kiện hàng hóa theo nhóm được chia đúng. Cơ quan Hải quan kiểm tra thực tế đối với gói, kiện hàng hóa chia nhóm không đúng quy định khi làm thủ tục theo tờ khai hải quan mới.
Như vậy, Thông tư 56/2019/TT-BTC hướng dẫn chi tiết, sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 49/2015/TT-BTC và Thông tư 191/2015/TT-BTC và phân loại từng nhóm hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu theo đường chuyển phát nhanh để tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp tránh những khó khăn vướng mắc trong quá trình kê khai thủ tục hải quan.
Ngày 21/8/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 21/2019/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2019.
Theo đó, người hành nghề bác sĩ gia đình phải đáp ứng đủ các điều kiện:
Đối với bác sĩ đa khoa, chuyên khoa hệ lâm sàng
Đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh;
Đáp ứng một trong các trường hợp sau đây:
+ Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình;
+ Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng;
+ Có giấy chứng nhận theo học từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu 3 tháng.
Đối với bác sĩ y học dự phòng:
Đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh;
Có giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng.
Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên, bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; bác sĩ y học dự phòng được tham gia khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình tại trạm y tế xã, phường, thị trấn (tuyến 4).
Đối với người đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và đã thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh y học gia đình trước ngày 15/10/2019 (ngày Thông tư này có hiệu lực) thì tiếp tục được hoạt động và có trách nhiệm tham gia đào tạo lại, đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức về y học gia đình tối thiểu 03 tháng.
Tóm lại, việc quy định cụ thể và chặt chẽ điều kiện về văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình đối với người thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh y học gia đình góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh.
Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 có hiệu lực ngày 20/8/2019.
Theo đó, Nghị quyết 50-NQ/TW có nội dung nổi bật như sau:
Hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài;
Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư;
Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư;
Hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư;
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư;
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Như vậy, Nghị quyết 50-NQ/TW đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện để tạo môi trường thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.