Ngày 15/08/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 69/2019/ND-CP quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (Dự án BT). Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2019.
Theo đó, Điều 5 Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định về quỹ đất sử dụng để thanh toán cho nhà Đầu tư thực hiện dự án BT, cụ thể:
1. Quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư áp dụng hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư là đất chưa giải phóng mặt bằng hoặc đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng quy định sau:
a) Đất thuộc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
b) Việc thu hồi đất đối với quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đất đai.
c) Trường hợp sử dụng quỹ đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi quyết định chủ trương đầu tư Dự án.
Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư đảm bảo giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương với giá trị Dự án BT được phê duyệt, trong đó:
Khi ký Hợp đồng BT, trường hợp chưa xác định được giá trị quỹ đất thực tế thì giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương được xác định tại thời điểm ký Hợp đồng BT bằng (=) Diện tích quỹ đất dự kiến giao nhân (x) với Giá đất theo mục đích sử dụng mới tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nhân (x) với Hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định giao đất, cho thuê đất thì thực hiện xác định giá trị quỹ đất thanh toán theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Tóm lại, việc ban hành nghị định 69/2019/NĐ-CP đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện các Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (Build – Transfer), là tiền đề để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của quốc gia cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Ngày 13/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2019.
Theo đó, Chính phủ vẫn giữ nguyên mức phạt tiền tối đa trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ đối với cá nhân là 50 triệu đồng, với tổ chức là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức phạt mới sẽ tăng lên với mỗi hành vi vi phạm cụ thể. Đối với trường hợp có hành vi gian lận, lừa dối để nhận được hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ tương ứng, mức phạt tiền tối đa lên tới 40 triệu đồng, tăng thêm 10 triệu đồng so với quy định hiện hành.
Trường hợp cá nhân có hành vi chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao sẽ bị phạt mức tối đa là 50 triệu đồng.
Đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm 01/08/2019 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân.
Quy định mới của Chính phủ đã nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi có hành vi vi phạm hành trong hoạt động khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao hơn nữa việc xây dựng môi trường lành mạnh trong lĩnh vực này.
Ngày 30/07/2019, Bộ xây dựng đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30/03/2017 của Bội trưởng Bộ xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, Thông tư sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/09/2019.
Theo đó, Thông tư 03/2019/TT-BXD về quản lý thông tin hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình cụ thể như sau:
Đăng tải thông tin của tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trên phần mềm trực tuyến quản lý hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (sau đây viết tắt là phần mềm) gồm: tên, địa chỉ, mã số của tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư đã được cấp trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; ngày cấp, ngày hết hiệu lực Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; các lỗi vi phạm của tổ chức kiểm định (nếu có).
Đăng tải thông tin của các cá nhân được cấp Chứng chỉ kiểm định viên trên phần mềm gồm: họ và tên; mã số kiểm định viên; số Chứng minh nhân dân/thẻ Căn cước công dân; danh mục máy, thiết bị, vật tư đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; ngày cấp, ngày hết hiệu lực của Chứng chỉ kiểm định viên; các lỗi vi phạm của kiểm định viên (nếu có).
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được quy định như sau:
Địa chỉ truy cập phần mềm: http://cucgiamdinh.gov.vn/CSDL-kiem-dinh-duoc-cong-bo.aspx
Cơ quan chuyên môn có trách nhiệm xây dựng, đăng tải, cập nhật thông tin của tổ chức, cá nhân nêu trên vào phần mềm; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động sử dụng phần mềm;
Các tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được quyền sử dụng phần mềm trong hoạt động của mình để quản lý, triển khai hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng.
Như vậy, Thông tư số 03/2019/TT-BXD đã sửa đổi và bổ sung quy định tại Điều 16 Thông tư 04/2017/TT-BXD theo hướng chi tiết và cụ thể hóa hơn đối với hoạt động đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của Bộ xây dựng để tăng tính minh bạch cũng như thuận tiện cho việc kiểm tra, báo cáo rà soát của cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Ngày 30/08/2019, Bộ Y Tế đã ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BYT quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, Thông tư sẽ có hiệu lực kể từ ngày 16/10/2019
Theo đó, Thông tư 25/2019/TT-BYT quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y Tế quy định về 05 yêu cầu đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cụ thể:
Lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh.
Lưu trữ và duy trì hệ thống dữ liệu thông tin này tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm, 24 tháng kể từ ngày sản xuất lô sản phẩm đối với dụng cụ, vật liệu chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và sản phẩm thực phẩm không yêu cầu bắt buộc ghi hạn sử dụng.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định và báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện về cơ quan có thẩm quyền tối đa 05 ngày làm việc kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Phân tích, xác định nguyên nhân gây mất an toàn đối với lô sản phẩm phải truy xuất. Trường hợp sản phẩm không đảm bảo an toàn phải thu hồi và xử lý.
Áp dụng hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã nhận diện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, Thông tư số 25/2019/TT-BYT đã quy định rất rõ về yêu cầu và trách nhiệm của cơ sở sản xuất kin doanh thực phẩm để đảm bảo hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Quy định này không những nâng cao và đảm bảo hiệu quả trong hoạt động sản xuất của các cơ sở kinh doanh thực phẩm mà còn đảm bảo hiệu quả trong hoạt động quản lý nguồn gốc sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thi trường.
Ngày 29/8/2019, Bộ Tài chính đã Ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về việc tăng cường công tác thu ngân sách phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách và nhiệm vụ công tác quản lý thuế năm 2019. Chỉ thị có hiệu lực kể từ ngày 29/8/2019.
Theo đó, để đảm bảo ngành thuế hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2019 được giao, Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Tăng cường kiểm soát việc triển khai thanh tra, kiểm tra thuế các doanh nghiệp thuộc diện rủi ro cao về thuế, doanh nghiệp hoàn thuế lớn, …theo từng tuần, tháng, quý để bố trí nguồn lực thanh tra, kiểm tra.
Theo dõi, cập nhật kịp thời tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp lớn.
Đẩy mạnh công tác giám sát việc kê khai thuế của người nộp thuế để thu kịp thời các khoản thuế phát sinh.
Thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế như tổ chức rà soát, phân loại nợ, theo dõi, giám sát chặt chẽ các khoản nợ, tăng cường đôn đốc xử lý nợ chây ỳ,…
Phối hợp cơ quan quản lý đất đai, cơ quan tài chính ở địa phương rà soát lại việc thu nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước, đảm bảo thực hiện thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu về đất phát sinh.
Việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương chấp hành pháp luật về NSNN và trong thực thi công vụ, không gây phiền hà cho người nộp thuế; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy, hợp nhất các chi cục thuế thành chi cục khu vực phải đảm bảo chặt chẽ, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ được giao… cũng là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế từ nay đến cuối năm được Bộ trưởng chỉ đạo tại văn bản này.
Ngày 11/07/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/09/2019.
Theo đó, điều kiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm là một trong những nội dung được điều chỉnh tại Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất trồng lúa.
Nghị định mới quy định rõ ràng về các điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, cụ thể như sau:
Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa;
Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã, đảm bảo công khai, minh bạch;
Trường hợp trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản; độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại;
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng, để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương;
Nghị định số 62/2019/NĐ-CP áp dụng đối với đất trồng lúa, trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu đất đai, việc điều chỉnh quy định về đất trồng lúa là cần thiết nhằm mục đích tập trung phát triển ở những vùng nhất định, hình thành vùng sản xuất tập trung hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Ngày 21/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Thông tư 54/2019/TT-BTC về hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên có hiệu lực ngày 10/10/2019.
Theo đó, Thông tư 54/2019/TT-BTC có nội dung nổi bật như sau:
DNNVV sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mức: Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng không quá 03 triệu đồng một năm; Doanh nghiệp nhỏ được giảm tối đa 30% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng không quá 05 triệu đồng một năm; Doanh nghiệp vừa được giảm tối đa 10% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng không quá 10 triệu đồng một năm;
Trường hợp trong năm DNNVV đã sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên và được ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng giá trị hỗ trợ chưa vượt quá mức quy định nêu trên, DNNVV chỉ được hỗ trợ phần còn lại và phải báo cáo rõ nội dung này trong hồ sơ gửi đơn vị hỗ trợ DNNVV để xem xét, ra quyết định phê duyệt hỗ trợ tư vấn.
Như vậy, Thông tư 54/2019/TT-BTC đã hướng dẫn chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên .
Ngày 31/07/2019 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2019/NĐ-CP quy định về phương pháp tính và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/09/2019.
Theo đó, kể từ thời điểm ngày 15/09/2019, thời điểm Nghị định này có hiệu lực, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ được xác định theo hệ số R được xác định là phần trăm giá trị quặng nguyên khoáng trong khu vực được phép khai thác. Hệ số R này được Nghị định 63/2019 quy định cụ thể hơn so với Nghị định 203/2013/NĐ-CP trước đây.
Nghị định cũng có quy định về phương thức và thời điểm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Căn cứ vào số tiền phải nộp và thời hạn được cấp phép khai thác, số tiền này có thể được nộp một lần cho cả thời gian cấp phép hoặc nộp nhiều lần. Thời điểm nộp tiền được chia làm hai kỳ ngày 31/05 và 31/10 hàng năm.
Ngoài ra, nghị định cũng có quy định về các trường hợp được hoàn lại khoản tiền cấp tiền khai thác khoảng sản mà Doanh nghiệp đã nộp.
Như vậy, với việc ban hành Nghị định 67/2019/NĐ-CP, Chính phủ đã có hành động nhằm siết chặt quản lý đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản, đưa ra các quy định cụ thể, chi tiết hơn nhằm tránh thất thoát các khoản thu ngân sách Nhà Nước trong hoạt động khoáng sản.
Ngày 30/07/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/09/2019.
Theo đó, Thông tư này quy định quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa như sau: hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng được quy tắc:
Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một Nước thành viên
Được sản xuất tại một Nước thành viên chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều Nước thành viên.
Được sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ tại một Nước thành viên với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng các quy định:
Hàng hóa có hàm lượng giá trị khu vực (RVC) không thấp hơn 40% trị giá FOB và công đoạn sản xuất cuối cùng được thực hiện tại một Nước thành viên
Hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số (CTH) ( áp dụng đối với hàng hóa thuộc các Chương 25, 26, 28, 29, 31 và 39; từ Chương 42 đến Chương 49; từ Chương 57 đến Chương 59; các Chương 61, 62, 64; từ Chương 66 đến Chương 71; từ Chương 73 đến Chương 83; các Chương 86 và 88; từ Chương 91 đến Chương 97 của Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa)
Ngoài ra, xuất xứ hàng hóa áp dụng quy tắc De minimis: hàng hóa không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC) vẫn được coi là có xuất xứ nếu:
Trị giá của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng tiêu chí CTC được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa (áp dụng đối với hàng hóa không thuộc từ Chương 50 đến Chương 63 của Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa);
Trọng lượng của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng tiêu chí CTC được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không vượt quá 10% tổng trọng lượng hàng hóa; hoặc trị giá của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng tiêu chí CTC được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa (áp dụng đối với hàng hóa thuộc từ Chương 50 đến Chương 63 của Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa).
Thông tư số 12/2019/TT-BCT áp dụng đối với cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và thương nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến xuất xứ hàng hóa.