Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Một số quy định mới về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu
Trả lời

Ngày 05/9/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư  62/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, Thông tư  62/2019/TT-BTC có một số điểm mới đáng chú ý liên quan đến việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (“Hiệp định CPTPP”) như sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP. Theo đó, chứng từ này phải có đủ 09 thông tin tối thiểu và phải được cấp ở dạng văn bản giấy hoặc bản điện tử. Trường hợp chứng từ không sử dụng tiếng Anh, người khai hải quan phải dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh và chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch.
Thứ hai, liên quan đến thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, Thông tư 62/2019/TT-BTC hướng dẫn người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhập khẩu một trong các loại chứng từ gồm: 01 bản chính Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa do người xuất khẩu hoặc người sản xuất phát hành (chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa); 01 bản chính Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu.
Để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong trường hợp chưa kê khai để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhập khẩu, người khai hải quan có trách nhiệm khai rõ xuất xứ hàng hóa và khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan. Đồng thời, người khai hải quan khai bổ sung và nộp 01 bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Thứ ba, trường hợp một nước thành viên Hiệp định CPTPP thông báo chỉ áp dụng chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc người xuất khẩu, người sản xuất được phê duyệt tự chứng nhận xuất xứ, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ thông tin thông báo của nước thành viên xuất khẩu, Tổng cục Hải quan sẽ thông báo cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc áp dụng các hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ nêu trên, danh sách cơ quan có thẩm quyền cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nước thành viên xuất khẩu, danh sách người xuất khẩu, người sản xuất được phê duyệt và các thông tin liên quan khác (nếu có).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 21/10/2019. Việc ban hành Thông tư 62/2019/TT-BTC bổ sung một số quy định mới hướng dẫn về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP là nỗ lực của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong việc triển khai thực hiện các cam kết tại Hiệp định CPTPP trong lĩnh vực hải quan.

Quy định về chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm
Trả lời

Ngày 16/9/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 65/2019/TT-BTC quy định về nội dung đào tạo, thi và công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/11/2019.
Thông tư 65/2019/TT-BTC nêu rõ, các loại chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm quy định tại thông tư này bao gồm:
1. Chứng chỉ tư vấn bảo hiểm;
2. Chứng chỉ đánh giá rủi ro bảo hiểm;
3. Chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm;
4. Chứng chỉ hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Bộ Tài chính quy định, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm là đơn vị tổ chức thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm quy định tại Thông tư này. Hình thức thi là thi tập trung.
Theo Thông tư, việc đăng ký dự thi được thực hiện trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm. Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm đăng ký cho các thí sinh là học viên của cơ sở đào tạo. Các thí sinh tự do đăng ký dự thi trực tiếp với trung tâm.
Đề thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm được ra dưới dạng trắc nghiệm. Mỗi đề thi gồm phần kiến thức chung và phần kiến thức chuyên môn. Số lượng câu hỏi liên quan đến phần kiến thức chung chiếm 40%, số lượng câu hỏi liên quan đến phần kiến thức chuyên môn chiếm 60% tổng số lượng câu hỏi mỗi đề thi.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ thi, kết quả thi sẽ được thông báo trên trang thông tin điện tử của Trung tâm và trang thông tin điện tử của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ có trách nhiệm ban hành quy chế thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm theo quy định tại thông tư này; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi, cấp, thu hồi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng là cơ quan công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp và thông báo công khai danh sách người có chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do các cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp được công nhận tại Việt Nam trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định 05 trường hợp thu hồi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm:
– Cá nhân được cấp chứng chỉ nhưng không tham dự kỳ thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm hoặc không thi đỗ kỳ thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do Trung tâm tổ chức;
– Cá nhân được cấp chứng chỉ đã giả mạo, gian lận về thông tin kê khai;
– Người được cấp chứng chỉ nhờ người khác thi hộ;
– Kết quả phúc tra bài thi của thí sinh không đủ điểm đỗ;
– Người được cấp chứng chỉ cho người khác sử dụng chứng chỉ.
Người bị thu hồi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm trong các trường hợp nói trên (trừ trường hợp thu hồi do kết quả phúc tra bài thi) không được dự thi các kỳ thi về phụ trợ bảo hiểm trong vòng 12 tháng kể từ ngày có Quyết định thu hồi chứng chỉ.
Sự ra đời của Thông tư số 65/2019/TT-BTC là vô cùng cần thiết trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng; tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần bảo đảm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Thời hạn gửi Báo cáo tài chính của các đơn vị được kiểm toán
Trả lời

Ngày 16/09/2019 Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Quyết định 03/2019/QĐ-KTNN về trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách đến Kiểm toán nhà nước (KTNN) của các đơn vị được kiểm toán. Quyết định 03/2019/QĐ-KTNN có hiệu lực kể từ ngày 31/10/2019. Theo đó:
Các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách trung ương gửi Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý đến KTNN trước ngày 01/10 năm sau.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
Gửi báo cáo quyết toán ngân sách địa phương đến KTNN trước ngày 01/10 năm sau;
Gửi quyết toán ngân sách địa phương đến KTNN chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày HĐND cấp tỉnh phê chuẩn;
Bộ Tài chính gửi Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đến KTNN chậm nhất 14 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách.
Các doanh nghiệp nhà nước, công ty mẹ, tổng công ty nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối:
Kết thúc năm tài chính, lập và gửi Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý đến KTNN trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm;
Các trường hợp có quy định khác về thời điểm lập, phát hành Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thì gửi cho KTNN sau thời điểm lập, phát hành theo quy định riêng.
Tóm lại, việc ban hành Quyết định 03/2019/QĐ-KTNN tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng cho các đơn vị nắm bắt thực hiện, tạo sự thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.

Nguyên tắc bàn giao tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi DNNN
Trả lời

Ngày 21/08/2019 Bộ tài chính ban hành Thông tư 55/2019/TT-BTC hướng dẫn bàn giao tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi Doanh nghiệp nhà nước.
Thông tư này quy định về nguyên tắc bàn giao, tiếp nhận nợ và loại trừ tài sản như sau:
Các khoản nợ và tài sản bàn giao, tiếp nhận phải đảm bảo có đầy đủ hồ sơ (đối với nợ), có hiện vật (đối với tài sản). Trường hợp nợ không có đủ hồ sơ và tài sản không còn hiện vật thì Công ty Mua bán nợ (sau đây viết tắt là “CTMB nợ”) có văn bản gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu (sau đây viết tắt là CQĐD CSH) và doanh nghiệp thông báo lý do không tiếp nhận để doanh nghiệp tiếp tục quản lý, theo dõi hoặc xử lý theo quy định hiện hành về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.
Được thực hiện căn cứ vào quyết định công bố giá trị doanh nghiệp của CQĐD CSH theo quy định pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp. Quyết định này phải nêu cụ thể giá trị nợ và tài sản loại trừ, làm căn cứ để CTMB nợ thực hiện tiếp nhận.
Trường hợp CQĐD CSH quyết định công bố điều chỉnh giá trị doanh nghiệp:
a) Nếu doanh nghiệp chưa ký Biên bản bàn giao (sau đây viết tắt là “BBBG”) nợ và tài sản loại trừ với CTMB nợ thì thực hiện bàn giao nợ và tài sản loại trừ theo quyết định công bố điều chỉnh giá trị doanh nghiệp.
b) Nếu doanh nghiệp đã ký BBBG nợ và tài sản loại trừ với CTMB nợ theo quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, CQĐD CSH có văn bản đề nghị CTMB nợ thông báo hiện trạng của các khoản nợ và tài sản loại trừ đã tiếp nhận theo BBBG theo tiêu chí: đã xử lý, thu hồi và chưa xử lý, thu hồi trước khi công bố quyết định điều chỉnh giá trị doanh nghiệp.
CQĐD CSH, CTMB nợ và doanh nghiệp phải lập BBBG, có chữ ký xác nhận của các bên. CQĐD CSH có thể ủy quyền (bằng văn bản) cho CT HĐTV/TGĐ/NĐD theo pháp luật của doanh nghiệp có nợ và tài sản loại trừ để thực hiện bàn giao cho CTMB nợ.
CTMB nợ kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của chủ nợ, chủ tài sản theo quy định kể từ ngày ký BBBG, đồng thời doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo với khách nợ và các cơ quan liên quan về việc chuyển giao quyền chủ nợ cho CTMB nợ (trong thời hạn 10 ngày)
Đối với các khoản nợ và tài sản loại trừ tiếp nhận theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ (nếu có), CTMB nợ, CQĐD CSH và doanh nghiệp thực hiện bàn giao, tiếp nhận, xử lý nợ, tài sản như đối với nợ, tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu và phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khi có vướng mắc, CTMB nợ báo cáo Bộ Tài chính xem xét, giải quyết quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Doanh nghiệp thực hiện xử lý tài chính đối với nợ và tài sản loại trừ theo quy định của pháp luật đối với từng hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu.

Bản Tin Pháp Luật Số 34/2019
Trả lời

Hướng dẫn bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua, bán, xử lý nợ
Trả lời

Ngày 08/08/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 50/2019/TT-BTC quy định Hướng dẫn bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua, bán, xử lý nợ có hiệu lực ngày 01/10/2019.
Theo đó, Thông tư số 50/2019/TT-BTC có nội dung nổi bật như sau:
Các đối tượng áp dụng quy định này bao gồm: Doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua, bán, xử lý nợ (sau đây gọi là doanh nghiệp mua bán nợ); Công ty cổ phần (chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán; đã niêm yết, đăng ký giao dịch nhưng không thực hiện giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán) đồng thời có vốn góp và nợ phải thu của doanh nghiệp mua bán nợ; Tổ chức đấu giá; Nhà đầu tư tham gia mua lô cổ phần kèm nợ phải thu; Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu.
Doanh nghiệp mua bán nợ thực hiện chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu theo kế hoạch kinh doanh và phương án được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phê duyệt theo thẩm quyền quy định.
Trình tự thực hiện bán đấu giá: Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của doanh nghiệp mua bán nợ quyết định giá khởi điểm bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu nhưng không thấp hơn giá khởi điểm lô cổ phần cộng với giá khởi điểm khoản nợ phải thu; Tổ chức thực hiện đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu; Lập hồ sơ đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu; Công bố thông tin; Thực hiện bán đấu giá; Xác định kết quả đấu giá; Xử lý kết quả đấu giá
Như vậy, Thông tư số 50/2019/TT-BTC đã hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục tiến hành bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua, bán, xử lý nợ.

Hướng dẫn xác định tội danh đối với tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động”
Trả lời

Ngày 09/9/2019, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã công bố 03 án lệ theo Quyết định số 293/QĐ-CA, trong đó có án lệ số 28/2019/AL về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Án lệ được áp dụng trong xét xử từ ngày 10/10/2019.
Một số nội dung đáng chú ý của án lệ số 28/2019/AL:
Tình huống án lệ: Bị hại đã thực hiện một chuỗi hành vi trái pháp luật tấn công bị cáo liên tục, kéo dài làm cho bị cáo bị ức chế tâm lý, kích động về tinh thần. Trong trạng thái bị mất khả năng tự chủ, bị cáo dùng dao đâm bị hại nhằm thoát khỏi sự tấn công. Bị cáo không nhận thức hết được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà mình đã thực hiện. Hậu quả dẫn đến bị hại chết;
Bản án không thống nhất của Tòa án các cấp:
Bản ản hình sự sơ thẩm số 14/2017/HSST ngày 09/5/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử phạt bị cáo 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”
Bản án hình sự phúc thẩm số 200/2017/HSPT ngày 10/8/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã sửa bản án sơ thẩm về trách nhiệm hình sự, xử phạt bị cáo 07 (bảy) năm tù về tội “Giết người”.
Nhận định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:
Bị hại là người gây sự, tấn công bị cáo trước;
Hành vi tấn công của bị hại diễn ra liên tục với mức độ tăng dần
Hành vi của bị hại là trái pháp luật, xâm phạm sự an toàn về thân thể của bị cáo;
Trong trạng thái bị kích động dẫn đến mất khả năng tự chủ, không nhận thức hết được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của mình, bị cáo dùng dao đâm vào ngực bị hại là nhằm thoát khỏi sự tấn công;
Tòa án cấp phúc thẩm nhận định bị cáo bị kích động về tinh thần, nhưng chưa đến mức bị kích động mạnh, là chưa xem xét khách quan, toàn diện nguyên nhân, quá trình diễn biến của sự việc cũng như mức độ nghiêm trọng, liên tục của hành vi trái pháp luật của người bị hại, từ đó chuyển tội danh từ “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” sang “Giết người” đối với bị cáo là không đúng.
Việc công bố án lệ số 28/2019/AL của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng, thống nhất cách xác định tội danh đối với tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, góp phần đảm bảo công tác xét xử của Tòa án được công bằng, đúng người, đúng tội.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp
Trả lời

Ngày 30/8/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp. Nghị định số 71/2019/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là “Nghị định”) có hiệu lực từ ngày 15/10/2019. Nghị đinh này làm hết hiệu lực 02 Nghị định trước đó là: Nghị định số 163/2013/NĐ-CP và Nghị định số 115/2016/NĐ-CP.
Những điểm mới nổi bật của Nghị định:
Loại bỏ “phân bón” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định.
Chi tiết hơn đối tượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định thay vì chỉ quy định chung chung là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài như các Nghị định trước đó. Đồng thời ghi nhận thêm đối tượng mới là Hộ kinh doanh sẽ được áp dụng như các quy định như đối với cá nhân.
Bổ sung thêm một số biện pháp khắc phục hậu quả mới như: Buộc hủy bỏ kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất của tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất; Buộc tái chế sản phẩm điện, điện tử sản xuất trong nước có hàm lượng hóa chất độc hại vượt quá giới hạn hàm lượng cho phép; Buộc tái chế chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế còn có khả năng tái chế….
Số lượng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hóa chất nhiều hơn, cụ thể hơn và chi tiết hơn so với các Nghị định trước đó. Cụ thể: Đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực hóa chất được quy định tại 48 điều khoản, trong khi đó tại Nghị định cũ chỉ bao gồm 5 điều khoản (tăng 44 điều khoản).
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Thống nhất tất cả những chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đang nằm rải rác tại 2 Nghị định trước đó, cụ thể bao gồm: Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp; Thanh tra; Công an nhân dân; Hải quan; Quản lý thị trường; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển Việt Nam.
Những giá trị mà Nghị định số 71/2019/NĐ-CP đem lại:
Gom tất cả các quy định trước đây điều chỉnh về vấn quản lý và xử phạt trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp nằm rời rạc tại các Nghị định và các Nghị định sửa đổi bổ sung gộp về một văn bản thống nhất.
Các quy định tại Nghị định được quy định theo hướng rõ ràng, có hệ thống hơn so với các Nghị định trước đó, điều này tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn cho việc tra cứu, nắm bắt nội dung của văn bản, tăng hiệu quả áp dụng đồng thời cho thấy sự tiến bộ trong kỹ thuật lập pháp của nhà nước.
Quy định bổ sung nhiều quy định hơn để điều chỉnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp. Giúp tăng hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp khi mà tình hình diễn biến của những vi phạm ngày càng nhiều và phức tạp, gây ra những thiệt hại vô cùng lớn cho xã hội từ việc vi phạm các quy định trong hoạt động bảo quản, sử dụng các hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp không đảm bảo an toàn.

Quy trình giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa
Trả lời

Ngày 03/09/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 08/2019/TT-BVHTTDL quy định quy trình giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2019.
Theo đó, Thông tư này quy định quy trình giám định tư pháp để kết luận những vấn đề về chuyên môn văn hóa đối với sản phẩm văn hóa (trừ di vật, cổ vật và lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan) theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định tư pháp. Cụ thể như sau:
Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định
Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định kèm đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) để thực hiện giám định; trường hợp không đủ điều kiện giám định thì từ chối theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Chuẩn bị thực hiện giám định
Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu, yêu cầu và các quy định cụ thể của pháp luật có liên quan để chuẩn bị thực hiện giám định tư pháp (đồng thời lựa chọn giám định viên, phân công người chịu trách nhiệm và điều phối việc giám định). Khi cần làm rõ về nội dung và đối tượng giám định thì đề nghị người trưng cầu, yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan. Tổ chức giám định tiến hành giám định đối tượng bằng hình thức giám định tập thể (số lượng người giám định phải từ 03 người trở lên). Trường hợp cần thiết, người giám định tổ chức lấy kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác trước khi đưa ra đánh giá.
Bước 3: Thực hiện giám định
Người giám định tư pháp xem xét đối tượng giám định và các tài liệu liên quan để đưa ra nhận định chuyên môn về đối tượng giám định trên cơ sở: xem xét tổng thể nội dung sản phẩm văn hóa; xem xét các đặc điểm về hình dáng, kích thước, màu sắc, trang trí và các đặc điểm khác có liên quan của sản phẩm văn hóa.
Đối với đối tượng giám định không thể di chuyển hoặc khó di chuyển, người giám định phải tổ chức xem xét tại nơi lưu giữ của người yêu cầu, trưng cầu. Trường hợp này,việc tổ chức giám định phải được lập thành biên bản và được lưu trong hồ sơ giám định.
Bước 4: Đưa ra kết luận giám định
Căn cứ kết quả giám định tư pháp, kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác (nếu có), quy định của pháp luật có liên quan hoặc các chuẩn mực chung về văn hóa, người giám định tư pháp kết luận về đối tượng giám định.
Bước 5: Bàn giao kết luận giám định
Khi việc thực hiện giám định tư pháp hoàn thành, người giám định, tổ chức giám định tư pháp phải bàn giao Kết luận giám định cho người trưng cầu, yêu cầu giám định.
Bước 6: Lập hồ sơ, lưu giữ hồ sơ giám định
Người giám định, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm lập hồ sơ giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa theo quy định pháp luật.

Xử lý tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ của bên được bảo lãnh tại Quỹ bảo lãnh tín dụng
Trả lời

Ngày 26/08/2019, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 57/2019/TT-BTC quy định về việc hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2019.
Theo đó, tại Điều 13 Thông tư 57/2019/TT-BTC quy định về việc xử lý tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ của bên được bảo lãnh tại Quỹ bảo lãnh tín dụng, cụ thể:
Quỹ bảo lãnh tín dụng được xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ khi:
a) Đối tượng xem xét là khách hàng gặp rủi ro do một trong các trường hợp xem xét rủi ro, cụ thể như sau:
Khách hàng bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, rủi ro chính trị, chiến tranh gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.
Khách hàng bị phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.
Khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.
Khách hàng có khoản nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) theo kết quả phân loại nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Hoặc có thể theo thỏa thuận giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng với khách hàng tại Hợp đồng nhận nợ bắt buộc và bên bảo đảm tại Hợp đồng bảo đảm khoản nhận nợ bắt buộc đã ký.
b) Khoản nợ của khách hàng đã được cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi hoặc chưa được cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi nhưng Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định, đánh giá nếu áp dụng biện pháp cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi thì khách hàng cũng không trả được nợ gốc cho Quỹ bảo lãnh tín dụng theo đúng cam kết.
Đối với phần chênh lệch giữa số tiền thu về từ xử lý tài sản bảo đảm và giá trị sổ sách của khoản nợ (sau khi trừ đi các chi phí theo quy định của pháp luật), sẽ được xử lý như sau:
a) Trường hợp số tiền thu về từ xử lý tài sản bảo đảm cao hơn giá trị sổ sách của khoản nợ: Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện xử lý đối với số dư theo thỏa thuận giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng với khách hàng tại Hợp đồng nhận nợ bắt buộc và bên bảo đảm tại Hợp đồng bảo đảm khoản nhận nợ bắt buộc đã ký (nếu có);
b) Trường hợp số tiền thu về từ xử lý tài sản bảo đảm thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ: Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm tiếp tục theo dõi, thu hồi đối với phần nợ còn lại (gốc, lãi) theo chế độ quy định hoặc xem xét áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro khác theo quy định tại Thông tư này.
Việc ban hành Thông tư số 57/2019/TT-BTC nhằm tạo cơ sở, căn cứ cũng như việc tuân thủ pháp luật hoạt động xử lý tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Quỹ bảo lãnh tín dụng.