Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Doanh nghiệp lừa dối nhận ưu đãi chuyển giao công nghệ bị phạt đến 40 triệu đồng
Trả lời

Ngày 13/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2019.
Theo đó, Chính phủ vẫn giữ nguyên mức phạt tiền tối đa trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ đối với cá nhân là 50 triệu đồng, với tổ chức là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức phạt mới sẽ tăng lên với mỗi hành vi vi phạm cụ thể. Đối với trường hợp có hành vi gian lận, lừa dối để nhận được hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ tương ứng, mức phạt tiền tối đa lên tới 40 triệu đồng, tăng thêm 10 triệu đồng so với quy định hiện hành.
Trường hợp cá nhân có hành vi chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao sẽ bị phạt mức tối đa là 50 triệu đồng.
Đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm 01/08/2019 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân.
Quy định mới của Chính phủ đã nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi có hành vi vi phạm hành trong hoạt động khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao hơn nữa việc xây dựng môi trường lành mạnh trong lĩnh vực này.

Hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu
Trả lời

Ngày 17/12/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 59/2018/TT-BGTVT hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Theo đó, Nhãn năng lượng là nhãn cung cấp các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe mô tô, xe gắn máy. Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy phải tiến hành thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu. Việc thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu được thực hiện theo các quy chuẩn Việt Nam tương ứng với từng loại đối tượng. Sau đó, căn cứ vào báo cáo thử nghiệm để công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu theo quy định trước khi thực hiện dán nhãn năng lượng. Đồng thời, cơ sở phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung mức tiêu thụ nhiên liệu đã công khai.
Việc công khai thông tin liên quan đến mức tiêu thụ nhiên liệu thực hiện bằng các hình thức sau:
Gửi bản công khai mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại xe tới cơ quan quản lý chất lượng để công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý chất lượng.
Đăng tải mức tiêu thụ nhiên liệu trên trang thông tin điện tử của cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe (nếu có).
Thông tin công khai phải được duy trì trong suốt thời gian cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe đó ra thị trường. Sau khi gửi thông tin công khai tới cơ quan quản lý chất lượng, cơ sở sản xuất, nhập khẩu thực hiện dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Nhãn năng lượng phải được cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe duy trì trên xe cho tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.
Thông tư này quy định hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy được sản xuất, lắp ráp mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng. Theo đó, bắt đầu từ ngày 01/01/2020 việc dán nhãn năng lượng như quy định nêu trên phải bắt buộc thực hiện. Trước thời điểm này, việc dán nhãn năng lượng được nhà nước khuyến khích thực hiện.
Những quy định về dán nhãn năng lượng là rất cần thiết, nhằm mục tiêu công khai minh bạch các thông tin để kiểm soát mức sử dụng năng lượng, khuyến khích người dân lựa chọn các loại phương tiện tiết kiệm năng lượng.

Danh sách khoáng sản làm vật liệu xây dựng xuất khẩu mới nhất
Trả lời

Ngày 10/10/2019, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 05/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung Phụ lục của Thông tư 05/2018/TT-BXD ngày 29/6/2018 về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Thông tư 05/2019/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2019.
Theo đó, thay thế phụ lục Phụ lục I về Danh mục, quy cách và chỉ tiêu kỹ thuật khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại Thông tư 05/2018 bằng một Phụ lục mới.
Cụ thể, bổ sung một số khoáng sản sau đây:
Cát nghiền từ sỏi, cuội, quaczit, cát kết, thạch anh… làm khuôn đúc hoặc các lĩnh vực khác;
Đá lát, đá cục, đá hạt, đá dăm, bột đá và các sản phẩm tương tự;
Đá khác dùng làm tượng đài hoặc đá xây dựng, mục đích khác;
Đá khối có thể tích nhó hơn 0,5 m3 có nguồn gốc từ đá hoa trắng;
Đá vôi dùng làm nguyên liệu sản xuất vôi, xi măng hoặc các lĩnh vực khác.
Việc ban hành Thông tư 05/2019/TT-BXD đã giúp bổ sung danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng xuất khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong việc mở rộng hoạt động cung cấp nguyên liệu sản xuất không chỉ trong phạm vi trong nước mà còn cả phạm vi ngoài nước.

Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn
Trả lời

Ngày 08 tháng 10 năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2019/NĐ-CP Quy định Về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019 thay thế Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo đó, Nghị định số 76/2019/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định về Phụ cấp ưu đãi theo nghề và Phụ cấp lưu động và Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn so với hai Nghị định số số 116/2010/NĐ-CP và Nghị định số 64/2009/NĐ-CP.
Điều 11. Phụ cấp ưu đãi theo nghề
“Phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn của các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này, gồm:
1. Công chức, viên chức và người lao động là nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
2. Công chức, viên chức và người lao động trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế trong các cơ sở y tế của Nhà nước bao gồm: Trạm y tế cấp xã; Trạm y tế cơ quan, trường học; Phòng khám đa khoa khu vực; Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế, Bệnh viện và các cơ sở y tế khác từ cấp xã trở lên;
3. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng, nhân viên quân y trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các Trạm y tế kết hợp quân dân y”.
Điều 12. Phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn
“1. Phụ cấp lưu động
Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mà phải thường xuyên đi đến các thôn được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương cơ sở.
2. Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số.
Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)”.
Việc bổ sung thêm hai loại Phụ cấp ưu đãi theo nghề; Phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn góp phần nâng cao thu nhập của đối tượng viên chức trong lĩnh vực giáo dục, ý tế, quốc phòng tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Cách xử lý hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi có sai sót
Trả lời

Ngày 30/9/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/11/2019.
Theo Thông tư, các trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi có sai sót sẽ được xử lý cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Người bán phát hiện hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì xử lý như sau:
– Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn.
– Lập hóa đơn điện tử mới, ký số, ký điện tử gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua.
Trường hợp 2: Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:
– Sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai: Người bán không phải lập lại hóa đơn mà chỉ thông báo cho người mua và cơ quan thuế
– Sai về mã số thuế, về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế, hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng:
+ Người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, đồng thời người bán thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hoá đơn điện tử và lập hóa đơn điện tử mới thay thế.
+ Sau khi nhận được thông báo, cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.
+ Người bán ký số, ký điện tử trên hóa đơn điện tử mới thay thế sau đó người bán gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới.
Trường hợp 3: Cơ quan thuế phát hiện sai sót thì cách xử lý như sau:
– Cơ quan thuế phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót thì cơ quan thuế thông báo cho người bán để người bán kiểm tra sai sót.
– Trong thời gian 02 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thuế, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo mẫu về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót và lập hóa đơn điện tử mới, ký số, ký điện tử gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua.
– Nếu người bán không thông báo với cơ quan thuế thì cơ quan thuế tiếp tục thông báo cho người bán về sai sót của hóa đơn đã được cấp mã để người bán thực hiện điều chỉnh hoặc hủy hóa đơn.
Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn chi tiết cách xử lý hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi có sai sót tạo thuận lợi cho việc việc triển khai và sử dụng hóa đơn điện tử được mạch lạc hơn.

Cách xác định thời điểm nộp hồ sơ thuế điện tử
Trả lời

Ngày 20/09/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 66/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 05/11/2019.
Theo đó, người nộp thuế được thực hiện các giao dịch nộp thuế điện tử 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết; đồng thời quy định về cách xác định thời điểm nộp hồ sơ thuế điện tử trong 04 trường hợp, cụ thể như sau:
Đối với hồ sơ đăng ký thuế điện tử: Là ngày ghi trên Thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế;
Đối với hồ sơ khai thuế điện tử: Là ngày ghi trên Thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế điện tử của Cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế;
Đối với chứng từ nộp thuế điện tử: Là ngày ghi trên Thông báo tiếp nhận chứng từ nộp thuế điện tử của Cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế;
Đối với hồ sơ hoàn thuế điện tử: Là ngày ghi trên Thông báo chấp nhận hồ sơ hoàn thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế;
Cơ quan thuế có thể gửi Thông báo cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (T-VAN).
Quy định mới của Bộ Tài chính đã tháo gỡ vướng mắc về thời hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp trong hoạt động kê khai, nộp thuế thông quan giao dịch nộp thuế điện tử

Bản Tin Pháp Luật Số 40/2019
Trả lời

Tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông
Trả lời

Ngày 29 tháng 8 năm 2019, Bộ giao thông vận tải ban hành Thông tư Số 31/2019/TT-BGTVT Quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.
Theo quy định nêu trên, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới (trừ các xe được quy định tại Điều 8 Thông tư này) tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc)
Đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên 60 (km/h);
Đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới 50 (km/h).
Giải thích khái niệm xe cơ giới, theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008: “Xe cơ giới gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự”.
Theo Điều 8 Thông tư Số 31/2019/TT-BGTVT: “Tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông tốc độ tối đa không quá 40 km/h”.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư số: 06/2016/TT-BGTVT: “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ”
“3.39. Xe môtô (hay còn gọi là xe máy) là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy lanh từ 50 cm3 trở lên, tải trọng bản thân xe không quá 400 kg đối với xe máy 2 bánh hoặc khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 350 kg đến 500 kg đối với xe máy 3 bánh. Khái niệm này không bao gồm xe gắn máy nêu tại Khoản 3.40 quy định tại Điều này”.
“3.40. Xe gắn máy là chỉ phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50 cm3”.
Như vậy, theo khái niệm trên, xe máy và xe gắn máy là hai khái niệm khác nhau, theo đó, hiện nay có một số thông tin người dân lo lắng về việc xe mô tô hai bánh chỉ được chạy tối đa không quá 40km/h là không chính xác.

Giảm thuế nhập khẩu dầu mỏ thô xuống 0% từ 01/11/2019
Trả lời

Ngày 16/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2019/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg ngày 16/11/2017, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg ngày 01/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung Phụ lục Danh mục biểu thuế suất thuế nhập khẩu thông thường quy định tại Điều 2 Quyết định số Điều 2 Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg ngày 16/11/2017. Theo đó:
Giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường của mặt hàng dầu mỏ thô có mã hàng 2709.00.10 từ 5% xuống 0%;
Sửa đổi mô tả hàng hóa mã hàng 4907.00.10 từ “Giấy bạc (tiền giấy), hợp pháp nhưng chưa đưa vào lưu thông thành “Giấy bạc ngân hàng (banknotes), loại pháp định” và giữ nguyên mức thuế suất là 5%;
Sửa đổi mô tả hàng hóa mã hàng 8457.20.00 từ “Máy một vị trí gia công” thành “Máy kết cấu nguyên khối (một vị trí gia công)” và giữ nguyên mức thuế suất là 5%;
Sửa đổi mô tả hàng hóa mã hàng 8457.30.00 từ “Máy nhiều vị trí gia công chuyển dịch” thành “Máy gia công chuyển dịch đa vị trí” và giữ nguyên mức thuế suất là 5%.
Trước đó, việc duy trì thuế suất nhập khẩu 5% với dầu thô khiến các đơn vị lọc hóa dầu bị lỗ, giảm hiệu quả chế biến sản phẩm xăng, dầu.
Việc giảm thuế suất nhập khẩu dầu thô của Chính phủ là cơ hội cho các nhà máy lọc dầu trong nước tiếp cận được nguồn dầu thô nhập khẩu với giá cạnh tranh.

Một số quy định mới về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu
Trả lời

Ngày 05/9/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư  62/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, Thông tư  62/2019/TT-BTC có một số điểm mới đáng chú ý liên quan đến việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (“Hiệp định CPTPP”) như sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP. Theo đó, chứng từ này phải có đủ 09 thông tin tối thiểu và phải được cấp ở dạng văn bản giấy hoặc bản điện tử. Trường hợp chứng từ không sử dụng tiếng Anh, người khai hải quan phải dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh và chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch.
Thứ hai, liên quan đến thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, Thông tư 62/2019/TT-BTC hướng dẫn người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhập khẩu một trong các loại chứng từ gồm: 01 bản chính Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa do người xuất khẩu hoặc người sản xuất phát hành (chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa); 01 bản chính Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu.
Để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong trường hợp chưa kê khai để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhập khẩu, người khai hải quan có trách nhiệm khai rõ xuất xứ hàng hóa và khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan. Đồng thời, người khai hải quan khai bổ sung và nộp 01 bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Thứ ba, trường hợp một nước thành viên Hiệp định CPTPP thông báo chỉ áp dụng chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc người xuất khẩu, người sản xuất được phê duyệt tự chứng nhận xuất xứ, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ thông tin thông báo của nước thành viên xuất khẩu, Tổng cục Hải quan sẽ thông báo cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc áp dụng các hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ nêu trên, danh sách cơ quan có thẩm quyền cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nước thành viên xuất khẩu, danh sách người xuất khẩu, người sản xuất được phê duyệt và các thông tin liên quan khác (nếu có).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 21/10/2019. Việc ban hành Thông tư 62/2019/TT-BTC bổ sung một số quy định mới hướng dẫn về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP là nỗ lực của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong việc triển khai thực hiện các cam kết tại Hiệp định CPTPP trong lĩnh vực hải quan.