Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Cuộc họp thành viên tổ hợp tác
Trả lời

Ngày 10/10/2019 Chính Phủ ban hành Nghị định 77/2019/NĐ-CP về Tổ hợp tác thay thế cho Nghị định 151/2007/NĐ-CP và chính thức có hiệu lực vào ngày 25/11/2019.Tại Nghị định 77/2019/NĐ-CP có quy định về trình tự, thủ tục của việc triệu tập cuộc họp thành viên tổ hợp tác và các quyết định của cuộc họp thành viên tổ hợp tác như sau:
1. Cuộc họp thành viên tổ hợp tác có thể quyết định các vấn đề sau đây:
a) Thông qua kết quả hoạt động của tổ hợp tác;
b) Phương án phân phối hoa lợi, lợi tức, xử lý lỗ và các vấn đề tài chính của tổ hợp tác;
c) Phương án hoạt động trong thời gian tới;
d) Xử lý tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác;
đ) Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm tổ trưởng, ban điều hành, nếu cần thiết;
e) Chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 11 của Nghị định này;
g) Sửa đổi, bổ sung hợp đồng hợp tác;
h) Mức thù lao, tiền thưởng của tổ trưởng, thành viên ban điều hành (nếu có);
i) Nội dung khác do tổ trưởng, ban điều hành hoặc hơn ba mươi ba phần trăm (33%) tổng số thành viên tổ hợp tác đề nghị;
k) Trường hợp khác theo quy định tại hợp đồng hợp tác.
2. Trình tự triệu tập cuộc họp thành viên tổ hợp tác
Trong trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định cụ thể, trình tự triệu tập cuộc họp thành viên tổ hợp tác được thực hiện như sau:
a) Tổ trưởng tổ hợp tác (hoặc người được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền) thay mặt tổ hợp tác triệu tập cuộc họp thành viên. Trong trường hợp cần thiết, đại diện của hơn ba mươi ba phần trăm (33%) tổng số thành viên tổ hợp tác có thể yêu cầu tổ trưởng tổ hợp tác (hoặc người được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền) triệu tập cuộc họp thành viên, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác và pháp luật có liên quan quy định khác;
b) Cuộc họp thành viên tổ hợp tác được tiến hành khi có hơn bảy mươi lăm phần trăm (75%) tổng số thành viên tổ hợp tác tham dự, trường hợp không đủ số thành viên tham dự thì phải hoãn họp tổ hợp tác và triệu tập họp tổ hợp tác lần thứ hai trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ ngày dự định họp tổ hợp tác lần thứ nhất. Cuộc họp tổ hợp tác lần thứ hai phải có sự tham gia của tối thiểu hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên tổ hợp tác;
c) Biên bản cuộc họp thành viên tổ hợp tác phải được lập thành văn bản có chữ ký xác nhận của đại diện các thành viên tham gia cuộc họp, ghi cụ thể tỷ lệ phần trăm (%) số thành viên tán thành;
d) Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày tổ chức họp, tổ trưởng tổ hợp tác (hoặc người được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền) thông báo tới toàn thể thành viên tổ hợp tác nội dung cuộc họp thành viên tổ hợp tác, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác và pháp luật có liên quan quy định khác.

Điều kiện để thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam
Trả lời

Ngày 7/11/2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 43/2019/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 17/2017/TBGTVT quy định về điều kiện để thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.
Theo đó, Thông tư bổ sung quy định thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện:
Có đủ tiêu chuẩn sức khỏe thuyền viên và đảm bảo tuổi lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam;
Có giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động do Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp;
Có hợp đồng lao động thuyền viên theo quy định của pháp luật Việt Nam và tuân thủ Công ước Lao động hàng hải 2006 của Tổ chức Lao động quốc tế. Hợp đồng lao động thuyền viên phải phù hợp với giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc điện cấp giấy phép lao động;
Có hộ chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà thuyền viên đó mang quốc tịch cấp.
So với văn bản pháp luật hiện hành, Thông tư 43/2019/TT-BGTVT đã sửa đổi, bổ sung thêm một số điều kiện mới, như: Đối với trường hợp không thuộc diện cấp Giấy phép lao động thì phải có văn bản xác nhận do Cục Việc làm Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp; Bổ sung điều kiện về thời hạn của Hộ chiếu phải còn thời hạn ít nhất 06 tháng do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà thuyền viên đó mang quốc tịch cấp; Đồng thời thuyền viên phái có kinh nghiệm về thời gian đi biển tối thiểu 36 tháng.
Ngoài ra, thuyền viên phải có đủ chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ đã được Việt Nam ký thỏa thuận về việc công nhận chứng chỉ chuyên môn cấp. Trường hợp chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ đã được Việt Nam ký thỏa thuận công nhận chứng chỉ chuyên môn cấp theo quy tắc II/1, II/2, II/3, II/4, II/5, III/1, III/2, III/3, III/4, III/5, III/6, III/7, IV/2, V/1-1, V/1-2 của Công ước STCW thì phải có Giấy công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn.
Thông tư 43/2019/TT-BGTVT đã có những quy định chặt chẽ và chi tiết hơn các điều kiện đối với thuyền viên nước ngoài khi làm việc trên tàu biển Việt Nam so với văn bản pháp luật hiện hành.

Tăng hạn mức vay chính sách hỗ trợ tạo việc làm
Trả lời

Ngày 23 tháng 9 năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP Quy định Về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 11 năm 2019.
Theo quy định tại Điều 24 của Nghị định số 74/2019/NĐ-CP:
“Điều 24. Mức vay
1. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
2. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.
3. Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.”
Theo đó, so với Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, mức vay tối đa đối vơi cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tăng gấp đối lên mức là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Bên cạnh đó, mức vay tối đa đối với người lao động cũng đã tăng gấp đôi lên mức 100 triệu đồng.
Việc gia tăng hạn mức vay tối đa góp phần giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động được tiếp xúc với các nguồn hồ trợ vốn từ nhà nước, tạo động lực để gia tăng phát triển kinh tế.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
Trả lời

Thông tư số 06/2019/TT-BXD (“Thông tư”) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Nội dung Thông tư nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của “các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành”. Theo đó có rất nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên bài viết này chỉ tập chung một số điểm nổi bật được sửa đổi bổ sung so với Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016. Cụ thể như sau:
Phạm vi điều chỉnh của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư:
Mở rộng phạm vi điều chỉnh: thêm 1 loại hình “Nhà chung cư sử dụng làm nhà ở công vụ”.
Nguyên tắc quản lý và sử dụng nhà chung cư: 02 điểm mới
Thứ nhất, quy định mang tính cởi mở, dân chủ hơn. Cụ thể trước đó quy định việc quản lý, sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ nội quy quản lý, sử dụng của từng nhà chung cư, quy định của pháp luật về nhà ở, Quy chế này và pháp luật có liên quan. Nay, việc quản lý, sử dụng nhà chung cư được thực hiện trên cơ sở tự nguyện cam kết, thỏa thuận giữa các bên miễn sao không trái pháp luật về nhà ở, pháp luật có liên quan và đạo đức xã hội thì đều được ủng hộ và thừa nhận.
Thứ hai, bổ sung thêm một nguyên tắc cho thấy dự tiến bộ trong tư duy của cơ quan hành chính nhà nước trong hoạt động quản lý. Cụ thể: Bổ sung nguyên tắc khuyến khích chủ đầu tư, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư.
Lập, bàn giao và lưu trữ hồ sơ nhà chung cư
Trước đây, chỉ quy định trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư phải cung cấp một bộ hồ sơ đã nhận bàn giao của chủ đầu tư cho đơn vị quản lý vận hành mà không quy định trách nhiệm bàn giao ngược lại. Nay Thông tư mới đã bổ sung thêm trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành rằng khi không còn thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư “thì phải” bàn giao lại hồ sơ này cho Ban quản trị, tránh tình trạng không hợp tác và không bàn giao lại hồ sơ nhà chung cư.
Điều kiện để tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu: Thay đổi 02 nội dung chính:
Thứ nhất: Hội nghị của tòa nhà chung cư phải được tổ chức trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao cho người mua, thuê mua. Tuy nhiên, quy định mới đã “loại trừ” những căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua. Trước đó, những căn hộ này vẫn được tính để xác đinh tỷ xem xét tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu.
Thứ hai: Hội nghị của cụm nhà chung cư được tổ chức khi có tối thiểu 50% số căn hộ của mỗi tòa nhà trong cụm đã được bàn giao cho người mua, thuê mua và có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ của từng tòa nhà đã nhận bàn giao đưa vào sử dụng đồng ý nhập tòa nhà vào cụm nhà chung cư. Trước đó, yêu cầu tỷ lệ đại diện chủ sở hữu căn hộ của từng tòa nhà đã nhận bàn giao đưa vào sử dụng đồng ý nhập tòa nhà vào cụm nhà chung cư cao hơn là 75%.
Điều kiện về số lượng người tham dự cuộc họp hội nghị nhà chung cư lần đầu
Trước đây quy định việc triệu tập họp lần 1 không đạt tỷ lệ tham dự theo quy định sẽ tổ chức triệu tập họp lần 2 với tỷ lệ thấp hơn. Theo quy định mới, việc triệu tập lần 2 đã được lược bỏ, thay vì vậy, nếu triệu tập không đủ thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức họp hội nghị được ghi trong thông báo mời họp, chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ có quyền đưa ra văn bản để đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức hội nghị nhà chung cư.
Như vậy, với những nội dung mới tại Thông tư 06/2019/TT-BXD sẽ góp phần hỗ trợ việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trở nên thiết thực hơn, hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao tính tự quản, dân chủ của nhà chung cư hơn so với các quy định trước đó. Ngoài ra, những quy định này cũng cho ta thấy sự tiến bộ trong tư duy của cơ quan hành chính nhà nước trong việc khuyến khích và đề cao áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư làm một nguyên tắc nền tảng.

Quy định về nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ
Trả lời

Ngày 12/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2019/NĐ-CP quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng. Theo đó, Nghị định này có quy định cụ thể về đối tượng được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; các loại tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về đối tượng được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ: Nghị định quy định rõ doanh nghiệp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải đáp ứng các điều kiện sau:
Là doanh nghiệp Việt Nam do tổ chức, cá nhân Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ;
Là người sở hữu hoặc người quản lý, khai thác cơ sở phá dỡ tàu biển đã được đưa vào hoạt động theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải mua bảo hiểm và thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường liên quan đến hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng theo quy định.
Thứ hai, các loại tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ: Tàu biển đã qua sử dụng có thân tàu không bằng vật liệu phi kim loại được phép nhập khẩu để phá dỡ, gồm:
Tàu chở hàng khô, gồm: Hàng tổng hợp, hàng rời, hàng thiết bị, gỗ dăm, gỗ cây, ngũ cốc, hàng đóng bao, hàng sắt thép;
Tàu container;
Tàu chở quặng;
Tàu chở hàng lỏng, gồm: Dầu thô, dầu sản phẩm, dầu thực vật;
Tàu chở gas, khí hóa lỏng;
Tàu Ro-Ro, tàu khách, sà lan biển, phà biển.
Trong đó, các loại tàu biển nêu trên phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Chủ tàu có văn bản xác nhận và chịu trách nhiệm về việc cam kết tàu biển không trong tình trạng thế chấp hoặc khiếu nại hàng hải;
+ Không được hoán cải, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển nhượng, mua, bán lại.
Tàu biển đã qua sử dụng được nhập khẩu để phá dỡ phải được đưa vào cơ sở phá dỡ trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày tàu đến cảng biển đầu tiên của Việt Nam; thời gian phá dỡ tàu biển không được kéo dài quá 180 ngày kể từ ngày bắt đầu phá dỡ. Việc phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng chỉ được thực hiện tại cơ sở phá dỡ tàu biển đã được đưa vào hoạt động theo quy định.
Nghị định số 82/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/12/2019. Nghị định 82 có hiệu lực mở ra hướng đi mới và tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp tàu thủy của Việt Nam nói chung và đối với hoạt động kinh doanh phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng nói riêng. Các doanh nghiệp tiến hành nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, an toàn lao động, an toàn phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

03 cách xử lý sai sót trên chứng nhận nguồn gốc trong mẫu AHK
Trả lời

Ngày 08/11/2019, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 21/2019 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hồng Công, Trung Quốc. Thông tư có hiệu lực ngày 23/12/2019.
Theo đó, Thông tư quy định không được phép tẩy xóa hoặc viết thêm lên C/O mẫu AHK mà mọi sửa đổi đều phải thực hiện theo một trong hai cách sau:
Gạch bỏ chỗ sai và bổ sung các thông tin cần thiết. Những thay đổi này phải được người có thẩm quyền ký C/O mẫu AHK chấp thuận và được cơ quan, tổ chức cấp C/O xác nhận. Những phần còn trống phải được gạch chéo để tránh điền thêm;
Cấp C/O mẫu AHK mới thay thế cho C/O cũ.
Trong đó, C/O mẫu AHK được sử dụng để hưởng ưu đãi thuế quan, hàng hóa, bao gồm: 01 bản gốc nộp cho cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu và 02 bản sao để nước thành viên xuất khẩu và nhà xuất khẩu lưu. C/O mẫu AHK phải đáp ứng các điều kiện: Là bản giấy; Mang một số tham chiếu riêng của mỗi cơ quan, tổ chức cấp C/O; Được khai bằng tiếng Anh; Có chữ ký của người có thẩm quyền và con dấu của cơ quan, tổ chức cấp C/O. Mẫu chữ ký và con dấu này có thể áp dụng theo hình thức điện tử. Đặc biệt, người khai có có thể khai nhiều hàng hóa đáp ứng quy định về xuất xứ trên cùng 01 C/O mẫu AHK.
Hướng dẫn mới của Thông tư đã tháo gỡ những vướng mắc khi gặp sai sót trong hoạt động kê khai nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Bản Tin Pháp Luật Số 43/2019
Trả lời

Áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
Trả lời

Ngày 30/9/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BCT quy định về áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Thông tư 19/2019/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 14/11/2019.
Theo đó, Thông tư 19/2019/TT-BCT có một số quy định đáng chú ý sau:
1. Khái niệm giai đoạn chuyển tiếp.
– Giai đoạn chuyển tiếp đối với một hàng hóa cụ thể là 03 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Trong trường hợp lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu vào Việt Nam của hàng hóa đó diễn ra trong thời gian dài hơn, giai đoạn chuyển tiếp sẽ là thời gian xóa bỏ thuế của hàng hóa đó.
– Đối với hàng dệt may, giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu từ khi Hiệp định có hiệu lực cho đến hết 05 năm sau ngày Việt Nam xóa bỏ thuế cho hàng dệt may của Nước thành viên xuất khẩu theo Hiệp định.
2. Các biện pháp tự vệ chuyển tiếp
– Đình chỉ việc tiếp tục giảm thuế suất theo quy định của Hiệp định đối với hàng hóa bị điều tra;
– Tăng thuế suất đối với hàng hóa đó nhưng không vượt quá thuế suất ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất ưu đãi có hiệu lực vào ngày liền trước ngày Hiệp định có hiệu lực, tùy mức thuế suất nào thấp hơn.
3. Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp
– Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp không được vượt quá 02 năm. Trong trường hợp Cơ quan điều tra kết luận rằng cần tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước, thời hạn áp dụng có thể kéo dài thêm tối đa 01 năm.
– Trong trường hợp biện pháp tự vệ chuyển tiếp dài hơn 01 năm, biện pháp tự vệ chuyển tiếp phải được nới lỏng dần đều trong suốt quá trình áp dụng biện pháp

Hướng dẫn ký số, ký điện tử trên hóa đơn điện tử.
Trả lời

Ngày 30/09/2019, Bộ tài chính ban hành Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Thông tư 68/2019/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 14/11/2019.
Theo đó, tại điểm đ, khoản 1, Điều 3, chữ ký số (CKS), chữ ký điện tử của người bán và người mua trên hóa đơn điện tử được quy định như sau:
– Trường hợp người bán là doanh nghiệp, tổ chức thì CKS của người bán trên hóa đơn là CKS của doanh nghiệp, tổ chức; trường hợp người bán là cá nhân thì sử dụng CKS của cá nhân hoặc người được ủy quyền.
– Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh và người mua, người bán có thỏa thuận về việc người mua đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để ký số, ký điện tử trên hóa đơn điện tử do người bán lập thì người mua ký số, ký điện tử trên hóa đơn.
– Trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có CKS, chữ ký điện tử của người bán và người mua thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Thông tư này.
Việc ban hành Thông tư số 68/2019/TT-BTC nhằm hướng dẫn cho các doanh nghiệp đang kê khai theo hình thức hóa đơn điện tử, và đảm bảo hoạt động này được thực hiện đúng đắn và thống nhất.

Xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với các khoản vay được bảo lãnh tại quỹ bảo lãnh tín dụng
Trả lời

Ngày 26/08/2019 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 57/2019/TT-BTC hướng dẫn về cơ chế xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2019.
Theo Điều 13, Thông tư 57/2019/TT-BTC quy định về việc xử lý tài sản bảo đảm, Quỹ bảo lãnh tín dụng được xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ khi:
Đối tượng xem xét:
Khách hàng bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, rủi ro chính trị, chiến tranh gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký;
Khách hàng bị phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.
Khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.
Khách hàng có khoản nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) theo kết quả phân loại nợ theo quy định;
Theo thỏa thuận giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng với khách hàng tại Hợp đồng nhận nợ bắt buộc và bên bảo đảm tại Hợp đồng bảo đảm khoản nhận nợ bắt buộc đã ký (nếu có).
Khoản nợ của khách hàng đã được cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi hoặc chưa được cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi nhưng Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định, đánh giá nếu áp dụng biện pháp cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi thì khách hàng cũng không trả được nợ gốc cho Quỹ bảo lãnh tín dụng theo đúng cam kết.
Phần chênh lệch giữa số tiền thu về từ xử lý tài sản bảo đảm và giá trị sổ sách của khoản nợ được xử lý như sau (sau khi trừ đi các chi phí theo quy định của pháp luật):
Trường hợp số tiền thu về từ xử lý tài sản bảo đảm cao hơn giá trị sổ sách của khoản nợ: Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện xử lý đối với số dư theo thỏa thuận giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng với khách hàng tại Hợp đồng nhận nợ bắt buộc và bên bảo đảm tại Hợp đồng bảo đảm khoản nhận nợ bắt buộc đã ký (nếu có);
Trường hợp số tiền thu về từ xử lý tài sản bảo đảm thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ: Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm tiếp tục theo dõi, thu hồi đối với phần nợ còn lại (gốc, lãi) theo chế độ quy định hoặc xem xét áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro khác theo quy định tại Thông tư này.
Như vậy, với việc ban hành Thông tư số 57/2019/TT-BTC nêu trên, Chính phủ, cũng như Bộ Tài Chính đã hoàn thiện thêm hệ thống các quy định pháp luật trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với nguồn vốn, hiện thực hóa các cam kết về việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.