Thông tư số 06/2019/TT-BXD (“Thông tư”) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Nội dung Thông tư nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của “các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành”. Theo đó có rất nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên bài viết này chỉ tập chung một số điểm nổi bật được sửa đổi bổ sung so với Thông tư số 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, quy định rõ hơn về định nghĩa Tòa nhà chung cư:
Thông tư số 06/2019/TT-BXD đã có giải thích cụ thể hơn so với Thông tư số 28/2016/TT-BXD về định nghĩa Tòa nhà chung cư, cụ thể: Tòa nhà chung cư là một khối nhà (block) độc lập hoặc nhiều khối nhà “có chung kết cấu xây dựng hoặc chung hệ thống kỹ thuật công trình” được xây dựng theo quy hoạch và hồ sơ dự án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ hai, quy định liên quan đến Hội nghị nhà chung cư bất thường:
Theo Thông tư số 28/2016/TT-BXD, UBND phường phải có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư, cụm nhà chung cư bất thường khi Chủ đầu tư đã chấm dứt hoạt động do bị “giải thể, sáp nhập hoặc phá sản”. Tuy nhiên, tại Thông tư số 06/2019/TT-BXD đã loại bỏ trường hợp Chủ đầu tư chấm dứt hoạt động do sáp nhập, theo đó, UBND phường sẽ không phải tổ chức hội nghị nhà chung cư, cụm nhà chung cư bất thường trong trường hợp này.
Thứ ba, Công khai thông tin về đơn vị quản lý vận hành chung cư:
Trước đây, Thông tư số 28/2016/TT-BXD không quy định rõ hoạt động Công khai thông tin về đơn vị quản lý vận hành chung cư có đủ điều Điều kiện về chức năng, năng lực để thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư là hoạt động bắt buộc hay tùy nghi, chỉ ghi nhận chung chung là khi đơn vị quản lý vận hành chung cư đủ Điều kiện về chức năng, năng lý lực để thực hiện quản vận hành nhà chung cư thì sẽ tiến hành nộp hồ sơ gửi Sở Xây dựng nơi đơn vị quản lý vận hành đặt trụ sở chính hoặc Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản để xem xét đăng tải thông tin lên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng hoặc Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản. Trên cơ sở những thông tin được đăng tải, Hội nghị nhà chung cư sẽ lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư.
Thông tư số 06/2019/TT-BXD đã ghi nhận rõ việc công khai thông tin đơn vị quản lý vận hành chung cư đủ điều kiện chỉ đặt ra khi đơn vị đó có nhu cầu công bố thông tin của mình trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng hoặc Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản.
Như vậy, Thông tư 06/2019/TT-BXD của Bộ xây dựng đã đưa ra những quy định cụ thể và chi tiết hơn so với các quy định tại Thông tư số 28/2016/TT-BXD trước đó, điều này sẽ góp phần hỗ trợ việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trở nên thiết thực hơn, hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao tính tự quản, dân chủ của nhà chung cư hơn so với các quy định trước đó.
Ngày 15/11/2019 Chính Phủ ban hành Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng của Người Lao động, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 thay thế Nghị định 157/2018/NĐ-CP.
Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Theo đó, Doanh nghiệp hoạt động trên đại bàn vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
(1) Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; (2)Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2020, các doanh nghiệp tiến hành rà soát điều chỉnh và xây dựng lại thang bẳng lương mới để phù hợp với quy định pháp luât. Sự thay đỏi mức lương này là cần thiết với sự thay đổi của kinh tế xã hội trong 1 năm qua, tạo điều kiện cho Người lao động có cuộc sống tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp hiện tại đang áp dụng mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng vì vậy việc thay đổi mức lương này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đối với doanh nghiệp.
Ngày 23/09/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 08/11/2019.
Theo đó, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP có quy định cụ thể về hồ sơ vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, cụ thể:
Đối với người lao động: Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cư trú hợp pháp; trường hợp thuộc đối tượng ưu tiên quy định tại Luật việc làm thì thực hiện khai theo Mẫu số 1a và Mẫu số 1b ban hành kèm theo Nghị định này;
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, hồ sơ vay vốn gồm:
– Dự án vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nơi thực hiện dự án theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Nghị định này;
– Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; hợp đồng hợp tác; giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
– Giấy tờ chứng minh cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng ưu tiên quy định tại Luật việc làm (nếu có), bao gồm:
+ Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật: Bản sao Quyết định về việc công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp;
+ Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số: Danh sách lao động là người dân tộc thiểu số, bản sao chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú và bản sao hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của những người lao động trong danh sách;
+ Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số: Danh sách lao động là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số, bản sao giấy xác nhận khuyết tật của những người lao động là người khuyết tật do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp, bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của những người lao động là người dân tộc thiểu số và bản sao hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của những người lao động trong danh sách.
Nhìn chung, việc ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP thể hiện sự hỗ trợ từ phía Nhà nước tới các cá nhân là người lao động, cơ sở sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa thúc đẩy tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hoặc hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Ngày 14/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 31/12/2019 và thay thế Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Trong đó, quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối như sau:
Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật; niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ nhưng hình thức, nội dung niêm yết tỷ giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng; Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Ký hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ với tổ chức không đủ điều kiện làm đại lý đổi ngoại tệ; không hướng dẫn, kiểm tra đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật; không thực hiện đúng trách nhiệm của đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật; làm đại lý đổi ngoại tệ đồng thời cho hai tổ chức tín dụng trở lên không đúng quy định của pháp luật; chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan;…
Nghị định 88/2019/NĐ-CP ra đời đã khắc phục các vấn đề bất cập của Nghị định 96/2014/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động ngoại hối.
Ngày 15/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019.
Theo đó, Nghị định số 89/2019/NĐ-CP có quy định điều kiện về vốn đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không như sau:
Mức vốn tối thiểu (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không:
Khai thác đến 10 tàu bay: 300 tỷ đồng Việt Nam;
Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 600 tỷ đồng Việt Nam;
Khai thác trên 30 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam.
Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung: 100 tỷ đồng Việt Nam.
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện:
Nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ;
Phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất;
Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.
Có thể nhận thấy, Nghị định 89/2019/NĐ-CP được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không trong việc đáp ứng các yêu cầu về vốn. Qua đó, tăng cường tính cạnh tranh và mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp có dự định kinh doanh ngành nghề này trong tương lại.
Ngày 12/11/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ. Thông tư 22/2019/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 14/11/2019.
Theo đó, tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ dán:
Tạm ngừng hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ đối với mặt hàng gỗ dán thuộc nhóm HS 44.12 theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27 tháng 6 năm 2017 của Bộ Tài chính.
Đối với những lô hàng gỗ dán đã làm thủ tục hải quan tạm nhập, chuyển khẩu trước ngày Thông tư này có hiệu lực, được tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định hiện hành.
Trong bối cảnh mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp khiến thuế nhập khẩu đã nâng từ 10 – 25%, mục tiêu của thông tư nhằm tăng cường quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ để phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, dẫn tới nguy cơ Mỹ có thể áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý đối với gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam, tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp hoạt động đúng quy định pháp luật.
Ngày 18/2019/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020.
Trước đó, Thông tư 43/2016/TT-NHNN chỉ quy định chung về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ dựa trên các tiêu chí là phải phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật.
Vì vậy, tại Thông tư số 18/2019/TT-NHNN đã có quy định cụ thể hơn về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, cụ thể là: “Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật”.
Nhìn chung, việc ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện tại, không những nhằm bảo vệ những cá nhân, tổ chức đang có quan hệ tín dụng tại các tổ chức tài chính, mà còn hướng đến những người liên quan của các cá nhân, tổ chức trên, nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ những biện pháp thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng.
Ngày 14/11/2019, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 86/2019/NĐ-CP quy định về mức vốn pháp định đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.
Cụ thể, mức vốn pháp định đối với các loại hình ngân hàng, tổ chức tín dụng như sau:
1. Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng;
2. Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng;
3. Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng;
4. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD);
5. Công ty tài chính: 500 tỷ đồng;
6. Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng;
7. Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng;
8. Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn: 0,5 tỷ đồng;
9. Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.
Đối với các tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải bảo đảm có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định quy định kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Quỹ tín dụng nhân dân được cấp giấy phép thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải có biện pháp bảo đảm vốn điều lệ, giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định quy định trên, chậm nhất vào ngày 30/6/2021.
Kể từ ngày 15/1/2020, trường hợp có văn bản quyết định thay đổi về địa giới hành chính, phân loại đơn vị hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày văn bản quyết định thay đổi về địa giới hành chính, phân loại đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, quỹ tín dụng nhân dân phải có biện pháp bảo đảm có vốn điều lệ, giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định trên.
Nghị định đã xây dựng được khung hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, làm cho hoạt động quản lý của Nhà nước trở nên hiệu quả hơn.