Ngày 14/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 31/12/2019 và thay thế Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Trong đó, quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối như sau:
Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật; niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ nhưng hình thức, nội dung niêm yết tỷ giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng; Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Ký hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ với tổ chức không đủ điều kiện làm đại lý đổi ngoại tệ; không hướng dẫn, kiểm tra đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật; không thực hiện đúng trách nhiệm của đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật; làm đại lý đổi ngoại tệ đồng thời cho hai tổ chức tín dụng trở lên không đúng quy định của pháp luật; chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan;…
Nghị định 88/2019/NĐ-CP ra đời đã khắc phục các vấn đề bất cập của Nghị định 96/2014/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động ngoại hối.
Ngày 15/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019.
Theo đó, Nghị định số 89/2019/NĐ-CP có quy định điều kiện về vốn đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không như sau:
Mức vốn tối thiểu (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không:
Khai thác đến 10 tàu bay: 300 tỷ đồng Việt Nam;
Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 600 tỷ đồng Việt Nam;
Khai thác trên 30 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam.
Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung: 100 tỷ đồng Việt Nam.
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện:
Nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ;
Phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất;
Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.
Có thể nhận thấy, Nghị định 89/2019/NĐ-CP được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không trong việc đáp ứng các yêu cầu về vốn. Qua đó, tăng cường tính cạnh tranh và mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp có dự định kinh doanh ngành nghề này trong tương lại.
Ngày 30/11/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số điều của Luật chăn nuôi về chăn nuôi. Thông tư Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 15/01/2019.
Theo đó, Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT có một số quy định đáng chú ý sau:
1. Kê khai hoạt động chăn nuôi.
– Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai về số lượng vật nuôi, thực hiện từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối mỗi quý và phải gửi tới Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại
– Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu: 100 mét; trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu là 150 mét.
– Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô vừa đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 200 mét; trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu là 300 mét.
– Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô lớn đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 400 mét; trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu là 500 mét.
– Khoảng cách giữa 02 trang trại chăn nuôi của 02 chủ thể khác nhau tối thiểu là 50 mét
3. Khoảng cách an toàn khi nuôi ong mật
– Điểm đặt ong mật là nơi có tối thiểu 50 đàn ong nội hoặc 100 đàn ong ngoại
– Khoảng cách tối thiểu giữa 02 điểm đặt ong nội là 01 km; giữa 02 điểm đặt ong ngoại là 02 km; giữa 02 điểm đặt ong nội với ong ngoại là 02 km.
Như vậy, Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT đã ban hành những quy định rất cụ thể, chi tiết về việc kê khai hoạt động chăn nuôi cũng như các phương thức bảo đảm an toàn trong chăn nuôi, góp phần giúp các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi thi hành Luật chăn nuôi 2018 hiệu quả.
Ngày 30/09/2019, Bộ tài chính ban hành Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Theo đó, tại điểm đ, khoản 1, Điều 3, chữ ký số (CKS), chữ ký điện tử của người bán và người mua trên hóa đơn điện tử được quy định như sau:
– Trường hợp người bán là doanh nghiệp, tổ chức thì CKS của người bán trên hóa đơn là CKS của doanh nghiệp, tổ chức; trường hợp người bán là cá nhân thì sử dụng CKS của cá nhân hoặc người được ủy quyền.
– Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh và người mua, người bán có thỏa thuận về việc người mua đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để ký số, ký điện tử trên hóa đơn điện tử do người bán lập thì người mua ký số, ký điện tử trên hóa đơn.
– Trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có CKS, chữ ký điện tử của người bán và người mua thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Thông tư này.
Thông tư 68/2019/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 14/11/2019.
Ngày 02/12/2019, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành Thông tư số 25/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về việc cấp phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Theo đó, Thông tư đã bổ sung quy định về thẩm quyền của Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cụ thể: “Cấp Giấy phép, sửa đổi, bổ sung Giấy phép đối với văn phòng đại diện.” (Điểm b Khoản 2 Điều 1). Pháp luật hiện hành mới chỉ quy định thẩm quyền cấp giấy phép của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, cũng sửa đổi trình tự và thủ tục cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện như sau:
– Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 13, Điều 18 Thông tư 40/2011/TT-NHNN và nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là NHNN chi nhánh) nơi văn phòng đại diện dự kiến đặt trụ sở.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, NHNN chi nhánh có văn bản gửi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài có hoạt động ngân hàng xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không đầy đủ, hợp lệ theo quy định, NHNN chi nhánh có văn bản gửi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng yêu cầu bổ sung hồ sơ.
– Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, NHNN chi nhánh tiến hành cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, NHNN chi nhánh có văn bản trả lời tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, trong đó nêu rõ lý do không cấp Giấy phép.
Theo quy định hiện hành, chủ thể tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và tiến hành cấp Giấy phép là NHNN.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2011/TT-NHNN tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng cho các tổ chức tín dụng nước ngoài, tăng cường vai trò, trách nhiệm của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý nhà nước.
Ngày 01/11/2019 vừa qua, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 80/2019/NĐ-CP với nội dung sửa đổi, bổ sung một số quy định hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm.
Theo đó một nội dung quan trọng được bổ sung đó là các quy định về Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, theo đó kể từ ngày 01/11/2019, các cá nhân, tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Nghị định nêu trên. Cụ thể:
Đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm: Đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Nếu không, phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành khác và có chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm do cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp ở trong và ngoài nước cấp.
Đối với tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: Có tư cách pháp nhân, được thành lập và hoạt động hợp pháp; Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm phải đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có văn bằng, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm phù hợp với loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thực hiện do cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp ở trong và ngoài nước cấp.
Riêng cá nhân trực tiếp thực hiện giám định tổn thất còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn của giám định viên theo quy định của pháp luật thương mại; cá nhân trực tiếp thực hiện tính toán bảo hiểm phải đáp ứng các tiêu chuẩn về hành nghề tính toán bảo hiểm và có tư cách thành viên của Hội các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế.
Như vậy, với việc ban hành Nghị định số 80/2019/NĐ-CP nêu trên, Chính phủ đã kịp thời có những sửa đổi, bổ sung quan trọng góp phần đảm bạo sự tương thích của hệ thống pháp luật trong thời điểm Luật sửa đổi bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sở hữu trí tuệ có hiệu lực.
Ngày 26/8/2019, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BCT sửa đổi Khoản 1 và Khoản 4 Điều 12 của Thông tư số 36/2018/TT-BCT ngày 16 tháng 10 năm 2018 quy định trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.
Theo đó, Khoản 2 Điều 1 Thông tư 15/2019/TT-BCT quy định trình tự ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, cụ thể như sau:
Trường hợp đơn vị điện lực vi phạm Điều 37 Luật Điện lực 2004 và cơ quan ra quyết định xử phạt cũng là cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đồng thời với quyết định xử phạt;
Trường hợp đơn vị điện lực vi phạm Điều 37 Luật Điện lực 2004 và cơ quan ra quyết định xử phạt không phải là cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực, cơ quan ra quyết định xử phạt phải thông báo bằng văn bản để cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Trường hợp không thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm trả lời bằng văn bản (nêu rõ lý do) cho cơ quan ra quyết định xử phạt.
Việc quy định cơ quan ra quyết định xử phạt phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tạo sự thống nhất, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước.
Ngày 19/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP. Nghị định có một số điểm mới về mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, Nghị định quy định cụ thể các trường hợp, mức phạt tương ứng đối với hành vi lấn, chiếm đất đai ở nông thôn và đô thị. Theo đó, đối với hành vi lấn chiếm đất đai có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng. Cụ thể như sau:
Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức phạt như sau: Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta; phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta; phạt tiền từ 5-15 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta; phạt tiền từ 15-30 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,5 đến dưới 1 héc ta; phạt tiền từ 30-70 triệu đồng đối với diện tích đất từ 1 héc ta trở lên.
Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta; phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta; phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,5 đến dưới 1 héc ta; phạt tiền từ 50-120 triệu đồng đối với diện tích đất từ 1 héc ta trở lên.
Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,02 héc ta; phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta; phạt tiền từ 7-15 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta; phạt tiền từ 15-40 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,1 đến dưới 1 héc ta; phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 1 héc ta; phạt tiền từ 60-150 triệu đồng đối với diện tích đất từ 1 héc ta trở lên.
Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng nếu diện tích đất dưới 0,05 héc ta; phạt tiền từ 20-40 triệu đồng nếu diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta; phạt tiền từ 40-100 triệu đồng nếu diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta; phạt tiền từ 100-200 triệu đồng nếu diện tích đất từ 0,5 đến dưới 1 héc ta; phạt tiền từ 200-500 triệu đồng nếu diện tích đất từ 1 héc ta trở lên.
Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định nêu trên và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng đối với tổ chức.
Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/01/2020. Với nhiều điểm mới bổ sung và tăng nặng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định được kỳ vọng là sẽ đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm, “mạnh tay” hơn trong vấn đề xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai.
Ngày 14/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Theo đó, tại Nghị định này đã đề cập đến nguyên tắc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh. Nội dung cụ thể như sau:
Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật chuyên ngành của tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.
Cơ quan kiểm tra chuyên ngành thực hiện kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng áp dụng cho mặt hàng kiểm tra được bộ quản lý ngành, lĩnh vực công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Tùy theo yêu cầu quản lý, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có thể chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện một số công việc trong kiểm tra chuyên ngành.
Áp dụng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành đối với:
Hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận đã áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực theo quy định của bộ quản lý ngành, lĩnh vực;
Hàng hóa đã có kết quả đánh giá sự phù hợp được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
đ) Hàng hóa được đưa vào Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan theo quy định của luật chuyên ngành và đáp ứng đủ các yêu cầu sau:
Có tên gọi chi tiết của hàng hóa kèm mã số HS phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;
Có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng áp dụng cho mặt hàng kiểm tra làm cơ sở để kiểm tra hàng hóa;
Có quy định trình tự kiểm tra, thủ tục kiểm tra, thời hạn kiểm tra, cơ quan kiểm tra chuyên ngành, tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định (nếu có).
Hàng hóa đưa vào Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan đáp ứng yêu cầu quản lý hàng hóa trong từng thời kỳ và thuộc một trong các khả năng: gây mất an toàn cao, gây lây lan dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia.
Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật; kết quả kiểm tra được xem xét để điều chỉnh Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan và đánh giá mức độ tuân thủ của tổ chức, cá nhân để quyết định hình thức, mức độ khi kiểm tra chuyên ngành.