Giải đáp pháp luật
Quy định mới về giấy chứng nhận lưu hành tự do mỹ phẩm
Trả lời

Ngày 16/12/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 32/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 4 và Phụ lục số 01-MP Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm. Theo đó, về giấy chứng nhận lưu hành tự do mỹ phẩm, Thông tư số 32/2019/TT-BYT có một số điểm mới so với Thông tư số 06/2011/TT-BYT. Cụ thể như sau:
Tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 06/2011/TT-BYT, giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) chỉ áp dụng với trường hợp công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và đáp ứng 02 yêu cầu:
CFS do nước sở tại cấp là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ, còn hạn; nếu có thời hạn thì phải được cấp trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp;
CFS phải được hợp pháp hoá lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trong khi đó, tại Thông tư 32, CFS công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu từ các nước không phải là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) ngoài 02 yêu cầu trên còn phải có tối thiểu các thông tin:
Tên cơ quan, tổ chức cấp CFS;
Số, ngày cấp CFS;
Tên sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS;
Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS;
Tên và địa chỉ của nhà sản xuất;
Trên CFS phải ghi rõ là sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và được phép bán tự do tại thị trường của nước sản xuất hoặc nước cấp CFS;
Họ tên, chữ ký của người ký CFS và dấu của cơ quan, tổ chức cấp CFS.
Đồng thời, Thông tư cũng bổ sung thêm trường hợp nếu công bố sản phẩm mỹ phẩm được lưu hành và xuất khẩu từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP thì không cần phải có CFS.
Lưu ý: Đối với hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP nộp từ ngày 14/01/2019 được thực hiện theo quy định nêu trên. Đối với hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm có kèm theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01-MP Thông tư số 06/2011/TT-BYT nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT, trừ trường hợp cơ sở đề nghị thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Thông tư số 32/2019/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2020. Việc quy định cụ thể về nội dung, hình thức, các trường hợp áp dụng CFS tại Thông tư này góp phần tạo lên sự thống nhất trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các cơ quan quản lý nhà nước về mỹ phẩm, các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động liên quan đến công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Các hành vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước
Trả lời

Ngày 19/12/2019 Bộ Tài chính ban hành thông tư số 87/2019/TT-BTC Thông tư hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/02/2020.
Thông tư này hướng dẫn về các hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực kho bạc nhà nước quy định tại Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước (sau đây gọi là Nghị định số 63/2019/NĐ-CP).
Tại Thông tư này quy định về các hành vi bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước như sau:
Hành vi vi phạm quy định khoản chi ngân sách nhà nước phải có trong dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao;
Hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định và hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai so với hồ sơ, chứng từ gốc tại đơn vị, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách nhà nước, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Hành vi vi phạm chế độ thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước;
Hành vi vi phạm thủ tục kiểm soát cam kết chi;
Hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước;
Hành vi vi phạm quy định về đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước;
Hành vi lập hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mỗi hành vi vi phạm sẽ có từng chế tài xử phạt hành chính khác nhau. Thông tư giúp cho các đối tượng như : Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước; Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước; Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước; Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước có thể dễ dàng theo dõi cũng như thực hiện.

Mức lương của người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố kể từ năm 2020
Trả lời

Ngày 06/11/2019, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BNV hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 25/12/2019.
Trước đó, tại khoản 6, Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/04/2019 có quy định về người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh, cụ thể là: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận.
Trên cơ sở đó, tại Điều 13 Thông tư 13/2019/TT-BNV tiếp tục hướng dẫn về mức lương đối với các cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố với nội dung: Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố. Riêng đối với các thôn sau đây được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở:
Thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên;
Thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
Thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo.
Mức lương cơ sở hiện tại của cán bộ, công chức là 1.490.000 đồng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP. Trên tinh thần Nghị quyết 86/2019/QH14 về dự toán Ngân sách nhà nước năm 2020, thì mức lương trên, tính từ ngày 01/07/2020, sẽ là 1.600.000 đồng. Vì vậy, có thể hình dung, mức lương của người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố:
Đến hết tháng 06/2020:
1.490.000*3=4.470.000 đồng
1.490.000*5=7.450.000 đồng
Kể từ ngày 01/07/2020
1.600.000*3=4.800.000 đồng
1.600.000*5=8.000.000 đồng
Tóm lại, việc ban hành Thông tư 13/2019/TT-BNV tiếp tục cho thấy sự quan tâm của Nhà nước trong việc nỗ lực nâng cao đời sống của tầng lớp cán bộ, công chức hoặc những người thực hiện công việc của Nhà nước thông qua việc tăng và ghi nhận mức lương, phụ cấp, đảm bảo tương xứng với công sức đóng góp và là nguồn động viên để các cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách tiếp tục phấn đấu sự nghiệp vì nước, vì dân.

Những điểm mới về Quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động của Người lao động theo Bộ luật lao động 2019.
Trả lời

Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 (“BLLĐ 2019”) thay thế Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 (“BLLĐ 2012”). BLLĐ 2019 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2021. Theo đó, BLLĐ 2019 đã đưa ra rất nhiều quy định mới, một trong số đó là quy định về quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) của Người lao động (“NLĐ”) và Người sử dụng lao động (“NSDLĐ”). Cụ thể như sau sau:
Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ. Có 02 nội dung mới, cụ thể:
Thứ nhất, Trước đây, BLLĐ 2012 chỉ dành quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do đối với NLĐ theo HĐLĐ không xác định thời hạn. Nay, BLLĐ 2019 cho phép tất cả NLĐ đều được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần lý do, chỉ cần đáp ứng đủ thời gian báo trước. Cụ thể:
Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn;
Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Thứ hai, NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ ngay, không cần báo trước đến NSDLĐ nếu:
Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;
Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn;
Bị NSDLĐ ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc;
Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định;
NSDLĐ cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐLĐ;
Tóm lại, BLLĐ 2019 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính tăng cường sự tự do, dân chủ trong quan hệ lao động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng “lách” các quy định của pháp luật lao động trong vấn đề đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Mở rộng hơn quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, đặc biệt là đối với NLĐ, từ đó đảm bảo quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho NLĐ, phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức. Ngoài ra, trong chế định đơn phương chấm dứt HĐLĐ, BLLĐ 2019 cũng đã dành nhiều quy định mạng tính nhân văn hơn đối với NLĐ nữ khi mạng thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; quan tâm hơn đến đời sống của NLĐ và trẻ em.

Bản Tin Pháp Luật Số 49/2019
Trả lời

Trình tự thủ tục cấp Quyết định công nhân lưu hành giống cây trồng
Trả lời

Ngày 13/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2019/NĐ-CP về hướng dẫn luật trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2020.
Theo đó, tại Điều 5 Nghị định 94/2019 có quy định về hồ sơ và trình tự thủ tục cấp Quyết định công nhân lưu hành giống cây trồng, cụ thể:
Về hồ sơ đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng:
Văn bản đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo Mẫu số 01.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Kết quả khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng đề nghị công nhận lưu hành.
Kết quả khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng.
Quy trình canh tác của giống do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn.
Bản công bố các thông tin về giống cây trồng do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn theo Mẫu số 02.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng:
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Cục Trồng trọt. Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt thẩm định hồ sơ, cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo Mẫu số 05.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và đăng tải Quyết định, các tài liệu kèm theo trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Giống cây trồng được phép lưu hành, kể từ ngày ký Quyết định công nhận lưu hành.
Sự ra đời của Nghị định 94/2019/NĐ-CP là căn cứ để cho các cá nhân, tổ chức nắm bắt và thực hiện các trình tự thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, là cơ sở để theo dõi, giám sát việc thực hiện quy trình, qua đó tạo ra sự công khai và minh bạch trong hoạt động hành chính của cơ quan nhà nước.

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối
Trả lời

Ngày 14/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 31/12/2019 và thay thế Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Trong đó, quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối như sau:
Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật; niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ nhưng hình thức, nội dung niêm yết tỷ giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng; Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Ký hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ với tổ chức không đủ điều kiện làm đại lý đổi ngoại tệ; không hướng dẫn, kiểm tra đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật; không thực hiện đúng trách nhiệm của đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật; làm đại lý đổi ngoại tệ đồng thời cho hai tổ chức tín dụng trở lên không đúng quy định của pháp luật; chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan;…
Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động ngoại hối, theo hướng quy định cụ thể hơn và khắc phục những bất cập tại nghị định 96/2014/NĐ-CP.

Xử lý trường hợp tổ chức tín dụng không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền mua tín phiếu NHNN
Trả lời

Ngày 22/10/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành Thông tư số 16/2019/TT-NHNN quy định về phát hành tín phiếu NHNN. Theo đó, Thông tư đã quy định chi tiết về phương thức xử lý đối với các trưởng hợp tổ chức tín dụng không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền mua tín phiếu NHNN.
Việc phát hành tín phiếu NHNN theo phương thức đấu thầu được thực hiện theo quy định của NHNN về đấu thầu qua nghiệp vụ thị trường mở. Tương ứng, các tổ chức tín dụng phải thực hiện mua tín phiếu này theo quyết định của Thống đốc NHNN và phải chuyển tiền mua vào tài khoản theo chỉ định của NHNN trong ngày thanh toán tín phiếu.
Khi tổ chức tín dụng không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền mua tín phiếu bắt buộc, đến cuối ngày thanh toán, NHNN (Sở Giao dịch, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) sẽ thực hiện tự động trích tài khoản thanh toán của tổ chức tín dụng tại NHNN cho đến khi thu hồi đủ số tiền mua tín phiếu và thông báo bằng văn bản cho tổ chức tín dụng biết.
Trường hợp tài khoản thanh toán của tổ chức tín dụng tại NHNN không đủ thanh toán số tiền mua tín phiếu còn thiếu, tổ chức tín dụng phải chịu phạt chậm thanh toán đối với số tiền mua còn thiếu theo mức lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng. Số tiền phạt chậm thanh toán của từng ngày theo quy định. Trong 5 ngày làm việc liền kề tiếp theo kể từ ngày thanh toán, hằng ngày NHNN tự động trích nợ tài khoản thanh toán của tổ chức tín dụng tại NHNN cho đến khi thu hồi đủ số tiền mua tín phiếu còn thiếu và số tiền phạt chậm thanh toán chưa được thanh toán; thu số tiền mua tín phiếu còn thiếu trước, thu số tiền phạt chậm thanh toán sau.
Hết thời hạn trích nợ tài khoản thanh toán quy định: (i) Tổ chức tín dụng không thanh toán đủ số tiền mua tín phiếu NHNN bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; (ii) NHNN (Sở Giao dịch, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) thực hiện: hủy phần tín phiếu NHNN chưa được thanh toán tính theo mệnh giá và được làm tròn lên theo bội số của mệnh giá tín phiếu NHNN; dừng tính số tiền phạt chậm thanh toán; đồng thời, tiếp tục tự động trích nợ tài khoản thanh toán hoặc thực hiện thu từ các nguồn khác (nếu có) của tổ chức tín dụng để thu đủ số tiền phạt chậm thanh toán;
Thông tư này nhằm thay thế Quyết định số 362/1999/QĐ-NHNN1 ngày 8/10/1999 về việc ban hành quy chế phát hành tín phiếu NHNN. Đồng thời, bãi bỏ quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 24/2014/TT-NHNN ngày 06/9/2014 hướng dẫn một số nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Việc ban hành Thông tư số 16/2019/TT-NHNN đã tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, ràng buộc các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thanh toán tín phiếu NHNN.

Điểm mới đang chú ý trong Bộ luật lao động 2019
Trả lời

Ngày 20/11/2019, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật lao động số 45/2019/QH14. Bộ luật này có hiệu lực từ 01/01/2021 thay thế cho Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13. Theo đó, Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
Bộ luật lao động năm 2019 có một số điểm mới đáng chú ý như sau: 
1. Mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh
Nếu như Bộ luật Lao động 2012 quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động… trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động thì Bộ luật Lao động 2019 mở rộng thêm đối tượng là người làm việc không có quan hệ lao động cùng một số tiêu chuẩn riêng. 
2. Tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng với lao động nam; 04 tháng với lao động nữ.
Riêng người bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu trước không quá 05 tuổi.
So với hiện nay theo Bộ luật Lao động 2012 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động đã tăng lên đáng kể; đồng thời, với những công việc đặc thù thì việc nghỉ hưu trước tuổi cũng được quy định ràng hơn.
3. Tăng nghỉ lễ Quốc khánh được lên 2 ngày
Bên cạnh việc tăng tuổi nghỉ hưu, đáng chú ý, Điều 112 Bộ luật Lao động sửa đổi còn bổ sung thêm 01 ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với ngày Quốc khánh, có thể là 01/9 hoặc 03/9 Dương lịch tùy theo từng năm. Người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương.
4. Xóa bỏ hợp đồng lao động theo mùa vụ
Điều 20 Bộ luật Lao động sửa đổi đã bỏ nội dung về hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng, thay vào đó chỉ còn 02 loại hợp đồng là: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và Hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Quy định này được đánh giá là tiến bộ lớn của pháp luật lao động nhằm bảo vệ người lao động, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng cách ký các loại hợp đồng mùa vụ, dịch vụ…
5. Ghi nhận hình thức hợp đồng lao động điện tử
Xuất phát từ thực tiễn, với sự phát triển của khoa học công nghệ thì việc giao kết hợp đồng lao động không đơn thuần chỉ bằng văn bản, lời nói hay hành vi. Chính vì vậy, Điều 14 Bộ luật Lao động mới đã ghi nhận thêm hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
Ngoài ra, với những trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.
6. Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do 
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập từ việc áp dụng các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động, Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do mà chỉ cần báo trước 30 ngày với hợp đồng xác định thời hạn và 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn.
Những điểm mới của Bộ luật lao động năm 2019 được đánh giá là bổ sung nhiều quy định pháp luật nhằm bảo vệ và gia tăng thêm các quyền lợi của người lao động, là sự thể chế hóa, quan điểm, đường lối của Đảng về việc kiến tạo khung pháp luật về lao động nhằm phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng lực cạnh tranh lao động quốc gia.

Yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng
Trả lời

Ngày 16/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24A/2016/NĐ-CP ngày 05/04/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng. Theo đó, Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 10/02/2020.
Liên quan đến yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng, khoản 5 Điều 1 Nghị định 95/2019/NĐ-CP có quy định các điều kiện như sau:
Thứ nhất, Dự án phải phù hợp với quy hoạch theo quy định pháp luật về quy hoạch và tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Thứ hai, Dự án chủ yếu phải lựa chọn công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại đáp ứng các tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và được thẩm định công nghệ theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, Nghị định 95/2019/NĐ-CP đã loại bỏ nội dung về việc cơ quan đăng ký đầu tư phải lấy ý kiến tham vấn của Bộ Xây dựng trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng chủ yếu.
Tóm lại, việc ban hành Nghị định 95/2019/NĐ-CP, điều chỉnh về nội dung yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng quy định cụ thể hơn và nới lỏng hơn, đã cho thấy sự khuyến khích đầu tư từ phía Nhà nước trong việc đầu tư vào hoạt động động sản xuất vật liệu xây dựng.