Ngày 20/03/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2019/NĐ-CP quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân. Theo đó, Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 05/05/2019.
Nghị định này quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; bảo vệ người tố cáo, người được bảo vệ; quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.
Trong đó, Nghị định nêu rõ nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo, cụ thể:
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng do người đứng đầu về hành chính quân sự của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng giải quyết.
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người chỉ huy cơ quan, đơn vị do người đứng đầu về hành chính quân sự của cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp giải quyết.
Nghị định quy định tố cáo quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng của cơ quan, đơn vị đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách do người đứng đầu cơ quan, đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách mà người bị tố cáo đang công tác chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp giải quyết.
Tố cáo quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng của cơ quan, đơn vị đã bị giải thể do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý cơ quan, đơn vị trước khi bị giải thể giải quyết.
Tố cáo cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên một cấp của cơ quan, đơn vị đó giải quyết.
Việc ban hành Nghị định 28/2019/NĐ–CP đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức và quy trình giải quyết tố cáo, cũng như tăng cường vai trò kiểm soát của các cá nhân, tổ chức khác nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật nghiêm chỉnh trong hàng ngũ Quân đội nhân dân.
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg về việc duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 13/3/2019.
Theo đó, Chương trình hướng đến một số mục tiêu sau:
Đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2025 và từ 8 – 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2030.
Đến năm 2025, giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5% và đến năm 2030, giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,0%.
Đảm bảo 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng.
Đảm bảo 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định.
Giảm 5% lượng tiêu thụ xăng, dầu trong giao thông vận tải so với dự báo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của ngành đến năm 2030.
Chương trình được thực hiện từ năm 2019 đến năm 2030 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.400 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách Trung ương khoảng 600 tỷ đồng; nguồn viện trợ không hoàn lại khoảng 1.600 tỷ đồng; vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi khoảng 2.200 tỷ đồng.
Việc sử dụng tiết kiệm năng lượng có hiệu quả sẽ có tác dụng bảo tồn năng lượng của quốc gia và giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Chương trình tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa to lớn trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu cũng như đóng góp cho tăng trưởng bền vững của quốc gia.
Việc ban hành Nghị định số 29/2019/NĐ-CP hướng dẫn các nội dung về cho thuê lại lao động, đã tạo sự thống nhất trong nhận thức và quản lý lĩnh vực này. Đồng thời, Nghị định cũng là cơ sở pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp có căn cứ thực hiện khi tham gia vào lĩnh vực cho thuê lại lao động.
Ngày 23/01/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 04/2019/TT-BGTVT về việc quy định về tuần đường, tuần kiểm để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thông tư số 04/2019/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 28/3/2019, thay thế cho Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT ngày 12/11/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Thông tư số 04/2019/TT-BGTVT quy định chi tiết nhiệm vụ của nhân viên tuần đường đối với các nội dung: quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kiểm tra, xử lý hư hỏng công trình đường bộ; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và khi công trình đường bộ xảy ra sự cố hoặc có dấu hiệu nguy hiểm không đảm bảo an toàn cho khai thác sử dụng.
Thời gian thực hiện tuần tra, kiểm tra mỗi vị trí công trình trong phạm vi đoạn đường quốc lộ được giao: không ít hơn 01 lần/2 ngày trong điều kiện bình thường; không ít hơn 01 lần/1 ngày trong các tháng mùa mưa, trên đoạn tuyến có công trình hư hỏng nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn trong khai thác sử dụng; đoạn đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông vượt quá lưu lượng thiết kế. Trường hợp cần thiết (các ngày có mưa lũ, công trình cầu có kết cấu phức tạp, công trình hư hỏng nặng), người quản lý sử dụng công trình đường bộ yêu cầu đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ tăng số lần tuần đường so với quy định.
Chiều dài nhân viên tuần đường được giao thực hiện nhiệm vụ phụ thuộc quy mô, tính chất công trình, phương tiện di chuyển của nhân viên tuần đường nhưng không quá quy định: đối với đường cấp I và II: 25 km/người; đối với đường cấp III: 30 km/người; đối với đường các cấp IV, V và VI: 35 km/người.
Về công tác tuần kiểm đường bộ, Thông tư quy định thực hiện kiểm tra trên tuyến đường được giao quản lý ít nhất 01 lần/1 tuần, tăng số lần tuần kiểm trong các trường hợp đoạn đường đang khai thác hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, các điểm sạt lở, lũ lụt gây ngập hoặc có nguy cơ sạt lở, cầu yếu, các đoạn đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Thông tư số 04/2019/TT-BGTVT quy định cụ thể, chi tiết hơn về trách nhiệm đối với đơn vị thực hiện công việc bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ; nhiệm vụ của người tuần kiểm đường bộ; trách nhiệm của người quản lý, sử dụng đường bộ và trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ. Qua đó, đảm bảo sự thông suốt của các tuyến đường huyết mạch, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Ngày 20/03/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2019/NĐ-CP hướng dẫn khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động. Nghị định này có hiện lực kể từ ngày 05/05/2019.
Theo đó, Nghị định số 29/2019/NĐ-CP có một số nội dung nổi bất như sau:
Về điều kiện cấp giấy phép, theo Điều 5 Nghị định 29/2019/NĐ-CP, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện:
Là người quản lý doanh nghiệp;
Không có án tích;
Đã làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (hai tỷ Việt Nam đồng) tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam
Về thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, theo Điều 6 Nghị định 29/2019/NĐ-CP thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Về danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động, bao gồm 20 công việc được thể hiện tại Phụ lục I Nghị định 29/2019/NĐ-CP.
Ngày 28/01/2019, Bộ tài chính ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BTC quy định về áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp có hiệu lực ngày 07/3/2019.
Theo đó, Thông tư số 07/2019/TT-BTC có nội dung nổi bật như sau:
Doanh nghiệp được ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp. Cụ thể:
Được cơ quan hải quan và các cơ quan kinh doanh cảng, kho bãi ưu tiên làm thủ tục giao nhận hàng hóa trước, ưu tiên kiểm tra giám sát trước;
Doanh nghiệp được đưa hàng hóa nhập khẩu về kho của doanh nghiệp để bảo quản trong khi chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành, trừ trường hợp pháp luật kiểm tra chuyên ngành quy định hàng hóa phải kiểm tra tại cửa khẩu.
Được hoàn thuế trước, kiểm tra sau.
Tổng cục Hải quan thẩm định, kết luận về việc công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
Như vậy, Thông tư số 07/2019/TT-BTC đã hướng dẫn chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.
Ngày 11 tháng 3 năm 2019 Bộ Công thương ban hành Thông tư số 05/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Thông tư có hiệu lực từ ngày 25/04/2019.
Theo đó, Thông tư số 05/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung về giá bán điện của dự án điện mặt trời mái nhà như sau:
Trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, giá mua bán điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 UScents/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10 tháng 4 năm 2017 là 22.316 đồng/USD);
Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, giá mua bán điện áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này được điều chỉnh theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước.
Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung giá mua bán điện của dự án điện mặt trời theo thông tư mới phù hợp hơn với xu thế tăng trưởng của nền kinh tế và nhu cầu sử dụng của người dân.
Ngày 04/06/2019, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Theo đó, Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020.
Căn cứ Điều 5 Luật này có quy định về các hành vi nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, có Luật này quy định cụ thể 12 hành vi bị nghiêm cấm và 01 quy định dẫn chiếu, cụ thể
1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.
13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định
Việc ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là cần thiết trong bối cảnh lạm dụng rượu, bia như hiện nay, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại của việc, cũng như là cơ sở pháp lý cho hoạt động xử lý đối với hành vi lạm dụng rượu bia.
Ngày 12/11/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 27/12/2019.
Theo đó, Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, hoạt động kinh doanh tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ đối với mặt hàng gỗ dán thuộc nhóm HS 44.12 theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính sẽ tạm ngừng thực hiện từ ngày 27/12/2019.
Riêng đối với những lô hàng gỗ dán đã làm thủ tục hải quan tạm nhập, chuyển khẩu trước ngày Thông tư này có hiệu lực (tức ngày 27/12/2019), sẽ được tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu theo quy định của Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định hiện hành.
Thông tư số 22/2019/TT-BCT được ban hành để áp dụng đối với các thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa. Các tổ chức, cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa. Và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.
Trong trường hợp hàng hóa của các nước chuyển khẩu, tạm nhập vào Việt Nam có chất lượng không tốt, hoặc nguồn gốc không rõ ràng tái xuất sang thị trường Mỹ sẽ ảnh hưởng nghiêm trong đến các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ. Qua đó, Thông tư này ban hành nhằm mục đích nâng cao và siết chặt công tác quản lý đối với mặt hàng gỗ dán, nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, giúp nâng cao chất lượng và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh gỗ dán tại thị trường Mỹ cũng như các quốc gia khác.
Việc áp dụng quy định tại Thông tư này sẽ chính thức thực hiện từ ngày 27/12/2019 và kết thúc ngày 31/12/2024.