Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Hướng dẫn xác định tội danh đối với tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động”.
Trả lời

Ngày 09/9/2019, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã công bố 03 án lệ theo Quyết định số 293/QĐ-CA, trong đó có án lệ số 28/2019/AL về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Án lệ được áp dụng trong xét xử từ ngày 10/10/2019.
Một số nội dung đáng chú ý của án lệ số 28/2019/AL:
Tình huống án lệ: Bị hại đã thực hiện một chuỗi hành vi trái pháp luật tấn công bị cáo liên tục, kéo dài làm cho bị cáo bị ức chế tâm lý, kích động về tinh thần. Trong trạng thái bị mất khả năng tự chủ, bị cáo dùng dao đâm bị hại nhằm thoát khỏi sự tấn công. Bị cáo không nhận thức hết được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà mình đã thực hiện. Hậu quả dẫn đến bị hại chết;
Bản án không thống nhất của Tòa án các cấp:
Bản ản hình sự sơ thẩm số 14/2017/HSST ngày 09/5/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử phạt bị cáo 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”
Bản án hình sự phúc thẩm số 200/2017/HSPT ngày 10/8/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã sửa bản án sơ thẩm về trách nhiệm hình sự, xử phạt bị cáo 07 (bảy) năm tù về tội “Giết người”.
Nhận định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:
Bị hại là người gây sự, tấn công bị cáo trước;
Hành vi tấn công của bị hại diễn ra liên tục với mức độ tăng dần
Hành vi của bị hại là trái pháp luật, xâm phạm sự an toàn về thân thể của bị cáo;
Trong trạng thái bị kích động dẫn đến mất khả năng tự chủ, không nhận thức hết được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của mình, bị cáo dùng dao đâm vào ngực bị hại là nhằm thoát khỏi sự tấn công;
Tòa án cấp phúc thẩm nhận định bị cáo bị kích động về tinh thần, nhưng chưa đến mức bị kích động mạnh, là chưa xem xét khách quan, toàn diện nguyên nhân, quá trình diễn biến của sự việc cũng như mức độ nghiêm trọng, liên tục của hành vi trái pháp luật của người bị hại, từ đó chuyển tội danh từ “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” sang “Giết người” đối với bị cáo là không đúng.
Việc công bố án lệ số 28/2019/AL của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng, thống nhất cách xác định tội danh đối với tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, góp phần đảm bảo công tác xét xử của Tòa án được công bằng, đúng người, đúng tội.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp
Trả lời

Ngày 30/8/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp. Nghị định số 71/2019/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là “Nghị định”) có hiệu lực từ ngày 15/10/2019. Nghị đinh này làm hết hiệu lực 02 Nghị định trước đó là: Nghị định số 163/2013/NĐ-CP và Nghị định số 115/2016/NĐ-CP.
Những điểm mới nổi bật của Nghị định:
Loại bỏ “phân bón” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định.
Chi tiết hơn đối tượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định thay vì chỉ quy định chung chung là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài như các Nghị định trước đó. Đồng thời ghi nhận thêm đối tượng mới là Hộ kinh doanh sẽ được áp dụng như các quy định như đối với cá nhân.
Bổ sung thêm một số biện pháp khắc phục hậu quả mới như: Buộc hủy bỏ kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất của tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất; Buộc tái chế sản phẩm điện, điện tử sản xuất trong nước có hàm lượng hóa chất độc hại vượt quá giới hạn hàm lượng cho phép; Buộc tái chế chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế còn có khả năng tái chế….
Số lượng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hóa chất nhiều hơn, cụ thể hơn và chi tiết hơn so với các Nghị định trước đó. Cụ thể: Đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực hóa chất được quy định tại 48 điều khoản, trong khi đó tại Nghị định cũ chỉ bao gồm 5 điều khoản (tăng 44 điều khoản).
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Thống nhất tất cả những chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đang nằm rải rác tại 2 Nghị định trước đó, cụ thể bao gồm: Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp; Thanh tra; Công an nhân dân; Hải quan; Quản lý thị trường; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển Việt Nam.
Những giá trị mà Nghị định số 71/2019/NĐ-CP đem lại:
Gom tất cả các quy định trước đây điều chỉnh về vấn quản lý và xử phạt trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp nằm rời rạc tại các Nghị định và các Nghị định sửa đổi bổ sung gộp về một văn bản thống nhất.
Các quy định tại Nghị định được quy định theo hướng rõ ràng, có hệ thống hơn so với các Nghị định trước đó, điều này tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn cho việc tra cứu, nắm bắt nội dung của văn bản, tăng hiệu quả áp dụng đồng thời cho thấy sự tiến bộ trong kỹ thuật lập pháp của nhà nước.
Quy định bổ sung nhiều quy định hơn để điều chỉnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp. Giúp tăng hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp khi mà tình hình diễn biến của những vi phạm ngày càng nhiều và phức tạp, gây ra những thiệt hại vô cùng lớn cho xã hội từ việc vi phạm các quy định trong hoạt động bảo quản, sử dụng các hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp không đảm bảo an toàn.

Quy trình giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa
Trả lời

Ngày 03/09/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 08/2019/TT-BVHTTDL quy định quy trình giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2019.
Theo đó, Thông tư này quy định quy trình giám định tư pháp để kết luận những vấn đề về chuyên môn văn hóa đối với sản phẩm văn hóa (trừ di vật, cổ vật và lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan) theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định tư pháp. Cụ thể như sau:
Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định
Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định kèm đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) để thực hiện giám định; trường hợp không đủ điều kiện giám định thì từ chối theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Chuẩn bị thực hiện giám định
Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu, yêu cầu và các quy định cụ thể của pháp luật có liên quan để chuẩn bị thực hiện giám định tư pháp (đồng thời lựa chọn giám định viên, phân công người chịu trách nhiệm và điều phối việc giám định). Khi cần làm rõ về nội dung và đối tượng giám định thì đề nghị người trưng cầu, yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan. Tổ chức giám định tiến hành giám định đối tượng bằng hình thức giám định tập thể (số lượng người giám định phải từ 03 người trở lên). Trường hợp cần thiết, người giám định tổ chức lấy kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác trước khi đưa ra đánh giá.
Bước 3: Thực hiện giám định
Người giám định tư pháp xem xét đối tượng giám định và các tài liệu liên quan để đưa ra nhận định chuyên môn về đối tượng giám định trên cơ sở: xem xét tổng thể nội dung sản phẩm văn hóa; xem xét các đặc điểm về hình dáng, kích thước, màu sắc, trang trí và các đặc điểm khác có liên quan của sản phẩm văn hóa.
Đối với đối tượng giám định không thể di chuyển hoặc khó di chuyển, người giám định phải tổ chức xem xét tại nơi lưu giữ của người yêu cầu, trưng cầu. Trường hợp này,việc tổ chức giám định phải được lập thành biên bản và được lưu trong hồ sơ giám định.
Bước 4: Đưa ra kết luận giám định
Căn cứ kết quả giám định tư pháp, kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác (nếu có), quy định của pháp luật có liên quan hoặc các chuẩn mực chung về văn hóa, người giám định tư pháp kết luận về đối tượng giám định.
Bước 5: Bàn giao kết luận giám định
Khi việc thực hiện giám định tư pháp hoàn thành, người giám định, tổ chức giám định tư pháp phải bàn giao Kết luận giám định cho người trưng cầu, yêu cầu giám định.
Bước 6: Lập hồ sơ, lưu giữ hồ sơ giám định
Người giám định, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm lập hồ sơ giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa theo quy định pháp luật.

Xử lý tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ của bên được bảo lãnh tại Quỹ bảo lãnh tín dụng
Trả lời

Ngày 26/08/2019, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 57/2019/TT-BTC quy định về việc hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2019.
Theo đó, tại Điều 13 Thông tư 57/2019/TT-BTC quy định về việc xử lý tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ của bên được bảo lãnh tại Quỹ bảo lãnh tín dụng, cụ thể:
Quỹ bảo lãnh tín dụng được xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ khi:
a) Đối tượng xem xét là khách hàng gặp rủi ro do một trong các trường hợp xem xét rủi ro được quy định tại Điều 7 Thông tư này hoặc theo thỏa thuận giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng với khách hàng tại Hợp đồng nhận nợ bắt buộc và bên bảo đảm tại Hợp đồng bảo đảm khoản nhận nợ bắt buộc đã ký.
b) Khoản nợ của khách hàng đã được cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi hoặc chưa được cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi nhưng Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định, đánh giá nếu áp dụng biện pháp cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi thì khách hàng cũng không trả được nợ gốc cho Quỹ bảo lãnh tín dụng theo đúng cam kết.
Đối với phần chênh lệch giữa số tiền thu về từ xử lý tài sản bảo đảm và giá trị sổ sách của khoản nợ (sau khi trừ đi các chi phí theo quy định của pháp luật), sẽ được xử lý như sau:
a) Trường hợp số tiền thu về từ xử lý tài sản bảo đảm cao hơn giá trị sổ sách của khoản nợ: Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện xử lý đối với số dư theo thỏa thuận giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng với khách hàng tại Hợp đồng nhận nợ bắt buộc và bên bảo đảm tại Hợp đồng bảo đảm khoản nhận nợ bắt buộc đã ký (nếu có);
b) Trường hợp số tiền thu về từ xử lý tài sản bảo đảm thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ: Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm tiếp tục theo dõi, thu hồi đối với phần nợ còn lại (gốc, lãi) theo chế độ quy định hoặc xem xét áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro khác theo quy định tại Thông tư này.
4. Trong trường hợp tài sản bảo đảm chung cho khoản vay và khoản được bảo lãnh, việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng và bên nhận bảo lãnh theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc ban hành Thông tư số 57/2019/TT-BTC nhằm tạo cơ sở, căn cứ cũng như việc tuân thủ pháp luật hoạt động xử lý tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Quỹ bảo lãnh tín dụng.

Quỹ đất sử dụng để thanh toán cho nhà Đầu tư thực hiện dự án BT
Trả lời

Ngày 15/08/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 69/2019/ND-CP quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (Dự án BT). Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2019.
Theo đó, Điều 5 Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định về quỹ đất sử dụng để thanh toán cho nhà Đầu tư thực hiện dự án BT, cụ thể:
1. Quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư áp dụng hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư là đất chưa giải phóng mặt bằng hoặc đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng quy định sau:
a) Đất thuộc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
b) Việc thu hồi đất đối với quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đất đai.
c) Trường hợp sử dụng quỹ đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi quyết định chủ trương đầu tư Dự án.
Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư đảm bảo giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương với giá trị Dự án BT được phê duyệt, trong đó:
Khi ký Hợp đồng BT, trường hợp chưa xác định được giá trị quỹ đất thực tế thì giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương được xác định tại thời điểm ký Hợp đồng BT bằng (=) Diện tích quỹ đất dự kiến giao nhân (x) với Giá đất theo mục đích sử dụng mới tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nhân (x) với Hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định giao đất, cho thuê đất thì thực hiện xác định giá trị quỹ đất thanh toán theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Tóm lại, việc ban hành nghị định 69/2019/NĐ-CP đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện các Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (Build – Transfer), là tiền đề để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của quốc gia cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm
Trả lời

Ngày 17/07/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BYT về hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Thông tư ngày có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2019.
Theo đó, tại Điều 6 của Thông tư số 17/2019/TT-BYT có quy định về nội dung giám sát, cụ thể:
1. Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, các nội dung giám sát gồm:
a) Họ và tên, tuổi, giới, nghề nghiệp, điện thoại liên lạc, địa chỉ nơi sinh sống, nơi học tập, làm việc; địa điểm và thời gian mắc, khởi phát bệnh; diễn biến bệnh, triệu chứng, chẩn đoán và quá trình điều trị, cơ sở y tế chăm sóc, điều trị trước khi mắc bệnh; thông tin về xét nghiệm khẳng định tác nhân gây bệnh phù hợp; tiền sử sản khoa, tiền sử tiêm chủng vắc xin phòng bệnh và tình trạng miễn dịch, tiền sử đi lại trong và ngoài nước, các thông tin về tiền sử phơi nhiễm, tiếp xúc và yếu tố dịch tễ liên quan;
b) Điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa điểm giám sát
2. Đối với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm: chủng, loài, nhóm, týp, phân týp, gen, kiểu gen, các đặc tính sinh học về tính kháng thuốc, biến đổi về hình thể, gen và phương thức lây truyền.
3. Đối với trung gian truyền bệnh
a) Động vật: số lượng, mối liên hệ với con người và các đặc điểm khác theo yêu cầu. Riêng đối với côn trùng cần giám sát thêm: đặc điểm sinh vật học, thành phần loài, các chỉ số giám sát, tính nhạy cảm với hóa chất;
b) Thực phẩm: nguyên liệu, nguồn gốc, phương thức chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối;
c) Môi trường: đất, nước, không khí;
d) Các vật khác mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
4. Căn cứ vào bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, đối tượng giám sát, yêu cầu của các loại hình giám sát, đơn vị chịu trách nhiệm giám sát lựa chọn các nội dung giám sát phù hợp.
Và cũng theo Điều 6 của Thông tư Số: 17/2019/TT-BYT nêu trên thì quy trình giám sát được thực hiện theo các bước sau:
1. Thu thập số liệu, thông tin.
2. Phân tích số liệu, phiên giải và đánh giá kết quả.
3. Đánh giá nguy cơ, nhận định tình hình bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
4. Đề xuất biện pháp can thiệp.
5. Báo cáo và chia sẻ thông tin.
Theo đó, việc ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BYT là cơ sở pháp lý nhằm hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền chủ động thực hiện việc giám sát và đáp ứng bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Điều này góp phần ứng phó trước tình trạng diễn biến phức tạp của các bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 216 của Bộ luật hình sự
Trả lời

Ngày 15/8/2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/9/2019.
Theo đó, việc trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp xảy ra trước ngày 1/1/2018 sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 216 của Bộ luật hình sự, thay vào đó, Nghị quyết đưa ra hướng giải quyết như sau:
– Trường hợp chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính.
– Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này thực hiện theo pháp luật về thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
– Trường hợp gây thiệt hại cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Theo Điều 216 của Bộ luật hình sự, hình phạt tiền cho tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp dao động từ 200.000.000 VNĐ đến 3.000.000.000 VNĐ.
Như vậy. Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP đã đưa ra hướng giải quyết cụ thể cho hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, góp phần giúp các doanh nghiệp dự báo được mức độ vi phạm và hậu quả pháp lý khi thực hiện hành vi vi phạm.

Quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Trả lời

Ngày 26/6/2019, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Thông tư số 06/2019/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, thay thế Thông tư số 19/2014/TT-NHNN ngày 11/08/2014 của Thống đốc NHNH.
Vài nét về Thông tư 06/2019/TT-NHNN:
Thông tư 06/2019/TT-NHNN được ban hành nhằm hướng dẫn các nội dung liên quan đến quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối tại pháp lệnh ngoại hối (sửa đổi, bổ sung), Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối (đã sửa đổi, sửa đổi bổ sung) và pháp luật về đầu tư tại Luật Đầu tư 2014, cụ thể như sau:
Thông tư quy định rõ khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, làm cơ sở để xác định đối tượng mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
Thông tư quy định cụ thể các nội dung thu, chi trên tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ và tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam.
Thông tư quy định các nội dung liên quan đến việc thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư bao gồm tài khoản sử dụng, đồng tiền định giá, thanh toán trong giao dịch chuyển nhượng.
Ngoài những nội dung trên, Thông tư cũng quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức tín dụng được phép, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo cơ sở pháp lý và nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam..
Những giá trị của Thông tư số 06/2019/TT-NHNN đem lại:
Tăng cường công tác quản lý ngoại hối nhằm đảm bảo ổn định thị trường, tăng quy mô dự trữ ngoại hối, thu hút ngoại tệ từ nguồn FDI.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại hối, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tạo hành lang pháp lý rõ ràng trong hoạt động quản lý các dòng vốn đầu tư trực tiếp vào và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Khuyến khích kiều hối, thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, hạn chế sử dụng ngoại hối trong nước, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ.

Ban hành nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao
Trả lời

Ngày 15/8/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng chuyển giao công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (Hợp đồng BT). Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.
Một số nội dung đáng chú ý trong nghị định:
Các loại tài sản công được phép sử dụng để thanh toán cho Nhà đầu tư bao gồm (Khoản 2 Điều 1):
Quỹ đất;
Đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (cơ quan, tổ chức, đơn vị);
Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công công cộng;
Các loại tài sản công khác theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Việc xác định giá trị đối với từng loại tài sản công
Quỹ đất: Giá trị quỹ đất thanh toán là tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê (Khoản 1 Điều 6);
Đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị: Giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản trên đất (Khoản 1 Điều 9);
Tài sản kết cấu hạ tầng: Giá trị quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (Khoản 1 Điều 11);
Các loại tài sản công khác: Thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác liên quan (Điều 13).
Đối với các Hợp đồng BT được ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành việc thanh toán cho Nhà đầu tư được tiếp tục thực hiện theo nội dung Hợp đồng BT đã ký kết hoặc áp dụng các quy định của pháp luật liên quan để thực hiện (Điều 17).
Việc ban hành nghị định 69/2019/NĐ-CP đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện các Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (Build – Transfer), là tiền đề để khuyến khích các Nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của quốc gia cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Quy định mới về quan trắc công trình trong quá trình xây dựng.
Trả lời

Ngày 16/08/2019, Bộ Xây Dựng đã ban hành Thông tư số 04/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Thông tư 04/2019/TT-BXD có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2019.
Theo đó, tại khoản 5, Điều 1 Thông tư 04/2019/TT-BXD bổ sung Điều 15a, Điều 15b vào sau Điều 15 Thông tư số 26/2016/TT- BXD, về việc quan trắc xây dựng công trình trong quá trình thi công xây dựng được thực hiện trong các trường hợp sau:
Thực hiện theo quy định của thiết kế xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật, biện pháp thi công đã được phê duyệt;
Thực hiện khi công trình có biểu hiện bất thường cần phải được quan trắc phục vụ việc đánh giá, xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý và ngăn ngừa sự cố công trình trong quá trình thi công xây dựng.
Nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện công tác quan trắc trong các trường hợp trên và theo quy định của hợp đồng xây dựng với trách nhiệm như sau:
Lập đề cương quan trắc trình chủ đầu tư chấp nhận;
Tổ chức thực hiện quan trắc theo đề cương được chấp thuận; lập báo cáo và đánh giá kết quả quan trắc
Ngoài ra, chủ đầu tư có thể lựa chọn nhà thầu độc lập với nhà thầu thi công xây dựng để thực hiện một số công tác quan trắc trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Việc ban hành Thông tư 04/2019/TT-BXD nhằm bổ sung quy định liên quan đến quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, tạo ra sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước trong việc giám sát chất lượng công trình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của nhà thầu cũng như chủ đầu tư.