Ngày 02/12/2019, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành Thông tư số 25/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về việc cấp phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Theo đó, Thông tư đã bổ sung quy định về thẩm quyền của Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cụ thể: “Cấp Giấy phép, sửa đổi, bổ sung Giấy phép đối với văn phòng đại diện.” (Điểm b Khoản 2 Điều 1). Pháp luật hiện hành mới chỉ quy định thẩm quyền cấp giấy phép của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, cũng sửa đổi trình tự và thủ tục cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện như sau:
– Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 13, Điều 18 Thông tư 40/2011/TT-NHNN và nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là NHNN chi nhánh) nơi văn phòng đại diện dự kiến đặt trụ sở.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, NHNN chi nhánh có văn bản gửi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài có hoạt động ngân hàng xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không đầy đủ, hợp lệ theo quy định, NHNN chi nhánh có văn bản gửi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng yêu cầu bổ sung hồ sơ.
– Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, NHNN chi nhánh tiến hành cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, NHNN chi nhánh có văn bản trả lời tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, trong đó nêu rõ lý do không cấp Giấy phép.
Theo quy định hiện hành, chủ thể tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và tiến hành cấp Giấy phép là NHNN.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2011/TT-NHNN tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng cho các tổ chức tín dụng nước ngoài, tăng cường vai trò, trách nhiệm của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý nhà nước.
Ngày 29 tháng 8 năm 2019, Bộ giao thông vận tải ban hành Thông tư Số 31/2019/TT-BGTVT Quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.
Theo quy định nêu trên, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới (trừ các xe được quy định tại Điều 8 Thông tư này) tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc)
Đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên 60 (km/h);
Đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới 50 (km/h).
Giải thích khái niệm xe cơ giới, theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008: “Xe cơ giới gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự”.
Theo Điều 8 Thông tư Số 31/2019/TT-BGTVT: “Tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông tốc độ tối đa không quá 40 km/h”.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư số: 06/2016/TT-BGTVT: “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ”
“3.39. Xe môtô (hay còn gọi là xe máy) là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy lanh từ 50 cm3 trở lên, tải trọng bản thân xe không quá 400 kg đối với xe máy 2 bánh hoặc khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 350 kg đến 500 kg đối với xe máy 3 bánh. Khái niệm này không bao gồm xe gắn máy nêu tại Khoản 3.40 quy định tại Điều này”.
“3.40. Xe gắn máy là chỉ phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50 cm3”.
Như vậy, theo khái niệm trên, xe máy và xe gắn máy là hai khái niệm khác nhau, theo đó, hiện nay có một số thông tin người dân lo lắng về việc xe mô tô hai bánh chỉ được chạy tối đa không quá 40km/h là không chính xác.
Ngày 16/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2019/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg ngày 16/11/2017, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg ngày 01/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung Phụ lục Danh mục biểu thuế suất thuế nhập khẩu thông thường quy định tại Điều 2 Quyết định số Điều 2 Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg ngày 16/11/2017. Theo đó:
Giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường của mặt hàng dầu mỏ thô có mã hàng 2709.00.10 từ 5% xuống 0%;
Sửa đổi mô tả hàng hóa mã hàng 4907.00.10 từ “Giấy bạc (tiền giấy), hợp pháp nhưng chưa đưa vào lưu thông thành “Giấy bạc ngân hàng (banknotes), loại pháp định” và giữ nguyên mức thuế suất là 5%;
Sửa đổi mô tả hàng hóa mã hàng 8457.20.00 từ “Máy một vị trí gia công” thành “Máy kết cấu nguyên khối (một vị trí gia công)” và giữ nguyên mức thuế suất là 5%;
Sửa đổi mô tả hàng hóa mã hàng 8457.30.00 từ “Máy nhiều vị trí gia công chuyển dịch” thành “Máy gia công chuyển dịch đa vị trí” và giữ nguyên mức thuế suất là 5%.
Trước đó, việc duy trì thuế suất nhập khẩu 5% với dầu thô khiến các đơn vị lọc hóa dầu bị lỗ, giảm hiệu quả chế biến sản phẩm xăng, dầu.
Việc giảm thuế suất nhập khẩu dầu thô của Chính phủ là cơ hội cho các nhà máy lọc dầu trong nước tiếp cận được nguồn dầu thô nhập khẩu với giá cạnh tranh.
Ngày 05/9/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 62/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, Thông tư 62/2019/TT-BTC có một số điểm mới đáng chú ý liên quan đến việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (“Hiệp định CPTPP”) như sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP. Theo đó, chứng từ này phải có đủ 09 thông tin tối thiểu và phải được cấp ở dạng văn bản giấy hoặc bản điện tử. Trường hợp chứng từ không sử dụng tiếng Anh, người khai hải quan phải dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh và chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch.
Thứ hai, liên quan đến thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, Thông tư 62/2019/TT-BTC hướng dẫn người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhập khẩu một trong các loại chứng từ gồm: 01 bản chính Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa do người xuất khẩu hoặc người sản xuất phát hành (chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa); 01 bản chính Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu.
Để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong trường hợp chưa kê khai để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhập khẩu, người khai hải quan có trách nhiệm khai rõ xuất xứ hàng hóa và khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan. Đồng thời, người khai hải quan khai bổ sung và nộp 01 bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Thứ ba, trường hợp một nước thành viên Hiệp định CPTPP thông báo chỉ áp dụng chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc người xuất khẩu, người sản xuất được phê duyệt tự chứng nhận xuất xứ, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ thông tin thông báo của nước thành viên xuất khẩu, Tổng cục Hải quan sẽ thông báo cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc áp dụng các hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ nêu trên, danh sách cơ quan có thẩm quyền cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nước thành viên xuất khẩu, danh sách người xuất khẩu, người sản xuất được phê duyệt và các thông tin liên quan khác (nếu có).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 21/10/2019. Việc ban hành Thông tư 62/2019/TT-BTC bổ sung một số quy định mới hướng dẫn về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP là nỗ lực của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong việc triển khai thực hiện các cam kết tại Hiệp định CPTPP trong lĩnh vực hải quan.
Ngày 16/9/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 65/2019/TT-BTC quy định về nội dung đào tạo, thi và công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/11/2019.
Thông tư 65/2019/TT-BTC nêu rõ, các loại chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm quy định tại thông tư này bao gồm:
1. Chứng chỉ tư vấn bảo hiểm;
2. Chứng chỉ đánh giá rủi ro bảo hiểm;
3. Chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm;
4. Chứng chỉ hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Bộ Tài chính quy định, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm là đơn vị tổ chức thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm quy định tại Thông tư này. Hình thức thi là thi tập trung.
Theo Thông tư, việc đăng ký dự thi được thực hiện trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm. Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm đăng ký cho các thí sinh là học viên của cơ sở đào tạo. Các thí sinh tự do đăng ký dự thi trực tiếp với trung tâm.
Đề thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm được ra dưới dạng trắc nghiệm. Mỗi đề thi gồm phần kiến thức chung và phần kiến thức chuyên môn. Số lượng câu hỏi liên quan đến phần kiến thức chung chiếm 40%, số lượng câu hỏi liên quan đến phần kiến thức chuyên môn chiếm 60% tổng số lượng câu hỏi mỗi đề thi.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ thi, kết quả thi sẽ được thông báo trên trang thông tin điện tử của Trung tâm và trang thông tin điện tử của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ có trách nhiệm ban hành quy chế thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm theo quy định tại thông tư này; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi, cấp, thu hồi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng là cơ quan công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp và thông báo công khai danh sách người có chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do các cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp được công nhận tại Việt Nam trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định 05 trường hợp thu hồi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm:
– Cá nhân được cấp chứng chỉ nhưng không tham dự kỳ thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm hoặc không thi đỗ kỳ thi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do Trung tâm tổ chức;
– Cá nhân được cấp chứng chỉ đã giả mạo, gian lận về thông tin kê khai;
– Người được cấp chứng chỉ nhờ người khác thi hộ;
– Kết quả phúc tra bài thi của thí sinh không đủ điểm đỗ;
– Người được cấp chứng chỉ cho người khác sử dụng chứng chỉ.
Người bị thu hồi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm trong các trường hợp nói trên (trừ trường hợp thu hồi do kết quả phúc tra bài thi) không được dự thi các kỳ thi về phụ trợ bảo hiểm trong vòng 12 tháng kể từ ngày có Quyết định thu hồi chứng chỉ.
Sự ra đời của Thông tư số 65/2019/TT-BTC là vô cùng cần thiết trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng; tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần bảo đảm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Ngày 16/09/2019 Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Quyết định 03/2019/QĐ-KTNN về trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách đến Kiểm toán nhà nước (KTNN) của các đơn vị được kiểm toán. Quyết định 03/2019/QĐ-KTNN có hiệu lực kể từ ngày 31/10/2019. Theo đó:
Các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách trung ương gửi Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý đến KTNN trước ngày 01/10 năm sau.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
Gửi báo cáo quyết toán ngân sách địa phương đến KTNN trước ngày 01/10 năm sau;
Gửi quyết toán ngân sách địa phương đến KTNN chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày HĐND cấp tỉnh phê chuẩn;
Bộ Tài chính gửi Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đến KTNN chậm nhất 14 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách.
Các doanh nghiệp nhà nước, công ty mẹ, tổng công ty nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối:
Kết thúc năm tài chính, lập và gửi Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý đến KTNN trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm;
Các trường hợp có quy định khác về thời điểm lập, phát hành Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thì gửi cho KTNN sau thời điểm lập, phát hành theo quy định riêng.
Tóm lại, việc ban hành Quyết định 03/2019/QĐ-KTNN tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng cho các đơn vị nắm bắt thực hiện, tạo sự thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
Ngày 21/08/2019 Bộ tài chính ban hành Thông tư 55/2019/TT-BTC hướng dẫn bàn giao tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi Doanh nghiệp nhà nước.
Thông tư này quy định về nguyên tắc bàn giao, tiếp nhận nợ và loại trừ tài sản như sau:
Các khoản nợ và tài sản bàn giao, tiếp nhận phải đảm bảo có đầy đủ hồ sơ (đối với nợ), có hiện vật (đối với tài sản). Trường hợp nợ không có đủ hồ sơ và tài sản không còn hiện vật thì Công ty Mua bán nợ (sau đây viết tắt là “CTMB nợ”) có văn bản gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu (sau đây viết tắt là CQĐD CSH) và doanh nghiệp thông báo lý do không tiếp nhận để doanh nghiệp tiếp tục quản lý, theo dõi hoặc xử lý theo quy định hiện hành về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.
Được thực hiện căn cứ vào quyết định công bố giá trị doanh nghiệp của CQĐD CSH theo quy định pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp. Quyết định này phải nêu cụ thể giá trị nợ và tài sản loại trừ, làm căn cứ để CTMB nợ thực hiện tiếp nhận.
Trường hợp CQĐD CSH quyết định công bố điều chỉnh giá trị doanh nghiệp:
a) Nếu doanh nghiệp chưa ký Biên bản bàn giao (sau đây viết tắt là “BBBG”) nợ và tài sản loại trừ với CTMB nợ thì thực hiện bàn giao nợ và tài sản loại trừ theo quyết định công bố điều chỉnh giá trị doanh nghiệp.
b) Nếu doanh nghiệp đã ký BBBG nợ và tài sản loại trừ với CTMB nợ theo quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, CQĐD CSH có văn bản đề nghị CTMB nợ thông báo hiện trạng của các khoản nợ và tài sản loại trừ đã tiếp nhận theo BBBG theo tiêu chí: đã xử lý, thu hồi và chưa xử lý, thu hồi trước khi công bố quyết định điều chỉnh giá trị doanh nghiệp.
CQĐD CSH, CTMB nợ và doanh nghiệp phải lập BBBG, có chữ ký xác nhận của các bên. CQĐD CSH có thể ủy quyền (bằng văn bản) cho CT HĐTV/TGĐ/NĐD theo pháp luật của doanh nghiệp có nợ và tài sản loại trừ để thực hiện bàn giao cho CTMB nợ.
CTMB nợ kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của chủ nợ, chủ tài sản theo quy định kể từ ngày ký BBBG, đồng thời doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo với khách nợ và các cơ quan liên quan về việc chuyển giao quyền chủ nợ cho CTMB nợ (trong thời hạn 10 ngày)
Đối với các khoản nợ và tài sản loại trừ tiếp nhận theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ (nếu có), CTMB nợ, CQĐD CSH và doanh nghiệp thực hiện bàn giao, tiếp nhận, xử lý nợ, tài sản như đối với nợ, tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu và phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khi có vướng mắc, CTMB nợ báo cáo Bộ Tài chính xem xét, giải quyết quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Doanh nghiệp thực hiện xử lý tài chính đối với nợ và tài sản loại trừ theo quy định của pháp luật đối với từng hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu.
Ngày 08/08/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 50/2019/TT-BTC quy định Hướng dẫn bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua, bán, xử lý nợ có hiệu lực ngày 01/10/2019.
Theo đó, Thông tư số 50/2019/TT-BTC có nội dung nổi bật như sau:
Các đối tượng áp dụng quy định này bao gồm: Doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua, bán, xử lý nợ (sau đây gọi là doanh nghiệp mua bán nợ); Công ty cổ phần (chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán; đã niêm yết, đăng ký giao dịch nhưng không thực hiện giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán) đồng thời có vốn góp và nợ phải thu của doanh nghiệp mua bán nợ; Tổ chức đấu giá; Nhà đầu tư tham gia mua lô cổ phần kèm nợ phải thu; Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu.
Doanh nghiệp mua bán nợ thực hiện chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu theo kế hoạch kinh doanh và phương án được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phê duyệt theo thẩm quyền quy định.
Trình tự thực hiện bán đấu giá: Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của doanh nghiệp mua bán nợ quyết định giá khởi điểm bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu nhưng không thấp hơn giá khởi điểm lô cổ phần cộng với giá khởi điểm khoản nợ phải thu; Tổ chức thực hiện đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu; Lập hồ sơ đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu; Công bố thông tin; Thực hiện bán đấu giá; Xác định kết quả đấu giá; Xử lý kết quả đấu giá
Như vậy, Thông tư số 50/2019/TT-BTC đã hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục tiến hành bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua, bán, xử lý nợ.