Ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó có quy định về hệ thống văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học. Cụ thể, theo quy định tại Điều 15 của Nghị định, hệ thống văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học bao gồm:
Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;
– Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;
– Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;
– Văn bằng trình độ tương đương: Văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo đối với một số ngành đào tạo có chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù như sau:
+ Chương trình có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trình độ đại học;
+ Chương trình có khối lượng học tập từ 90 tín chỉ trở lên đối với người có trình độ tương đương Bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Căn cứ vào quy định về điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác trong chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù được xếp vào bậc tương ứng trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Như vậy, với những chương trình đào tạo đại học kéo dài 5 – 6 năm, các trường hợp tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ sẽ có trình độ tương đương bậc 7 của người có bằng thạc sĩ.
Chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học đã hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp do bộ, cơ quan ngang bộ quy định hoặc cấp cho người học dự thi đạt yêu cầu cấp chứng chỉ, phù hợp với quy định về cấp chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2020. Với những hướng dẫn cụ thể về “văn bằng trình độ tương đương” quy định tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, Nghị định sẽ khắc phục được những vấn đề còn bất cập liên quan đến việc xác định các văn bằng, chứng chỉ thuộc hệ thống văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học.
Ngày 14 tháng 11 năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2019/NĐ-CP Quy định về quản lý phân bón có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Theo quy định tại điều 12 của Nghị định số 84/2019/NĐ-CP, để sản xuất phân bón, cá nhân, tổ chức sản xuất phải đáp ứng các điều kiện sau:
Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài; có nhà xưởng kết cấu vững chắc; tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng.
Dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất phân bón phải phù hợp với quy trình sản xuất từng loại phân bón, dạng phân bón quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 84/2019/NĐ-CP.
Có phòng thử nghiệm được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025 hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trừ các cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón.
Có hệ thống quản lý chất lượng được công nhận phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương, đối với cơ sở mới thành lập, muộn nhất sau 01 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.
Việc ban hành Nghị định số 84/2019/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng để hướng dẫn, định lượng các tiêu chí, điều kiện sản xuất phân bón được quy định trong Luật trồng trọt năm 2018. Bên cạnh đó, việc bổ sung, giải thích rõ các tiêu chí của các điều kiện sản xuất phân bón cho thấy các nhà lập pháp đang có quan điểm hạn chế việc ảnh hưởng của việc sản xuất phân bón đối với môi trường xung quanh bằng các quy định có tính chất định lượng đối với các điều kiện sản xuất phân bón.
Ngày 01/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2020/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung các khoản 5, 6, 11 Điều 68 (Điều khoản chuyển tiếp) của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 169/2018/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Cụ thể như sau:
Đối với trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D:
Nếu thuộc danh mục phải cấp giấy phép nhập khẩu và đã được được cấp trong năm 2018, 2019, 2020, 2021: Giấy phép sẽ tiếp tục có giá trị đến hết ngày 31/12/2021, được thực hiện nhập khẩu với số lượng không hạn chế và không bị Cơ quan hải quan kiểm soát.
Nếu không thuộc danh mục phải cấp giấy phép nhập khẩu: Sẽ được tiếp tục nhập khẩu đến hết ngày 31/12/2021 theo nhu cầu, không hạn chế số lượng, không cần văn bản xác nhận là trang thiết bị y tế của Bộ Y tế khi thực hiện thủ tục thông quan.
Đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A:
Nếu đã có phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng do Sở Y tế cấp: sẽ tiếp tục được nhập khẩu theo nhu cầu, không hạn chế số lượng, không cần bản phân loại và văn bản xác nhận là trang thiết bị y tế của Bộ Y tế khi thực hiện thủ tục thông quan;
Đối với trang thiết bị y tế là sinh phẩm chẩn đoán in vitro:
Nếu đã được cấp giấy phép nhập khẩu trong năm 2018, 2019, 2020, 2021: Giấy phép sẽ tiếp tục có giá trị đến hết ngày 31/12/2021, được thực hiện nhập khẩu với số lượng không hạn chế và không bị Cơ quan hải quan kiểm soát.
Nếu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định của Luật dược năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này thì số lưu hành đã được cấp có giá trị sử dụng đến hết thời gian ghi trên giấy đăng ký lưu hành. Trừ trường hợp số lưu hành ghi nhận sẽ hết hiệu lực sau ngày 01/01/2019 và trước ngày 31/12/2021 thì số lưu hành đã được cấp có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2021;
Đối với Hồ sơ kỹ thuật chung ASEAN (CSDT):
Sẽ được áp dụng thực hiện kể từ ngày 31/12/2021. Theo đó, kể từ ngày 31/12/2021, các cơ sở đề nghị cấp số lưu hành không phải cung cấp các giấy tờ quy định tại điểm g, i, m khoản 1 Điều 26 của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP.
Nghị định 03/2020/NĐ-CP có hiệu lực cùng với ngày ký ban hành, tức nhằm ngày 01/01/2020.
Tóm lại, Nghị định 03/2020/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định trước đó về điều khoản chuyển tiếp, đây là điều khoản rất quan trọng đối với một văn bản quy phạm pháp luật, giúp chúng ta xác định cụ thời hạn của giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đã được được cấp trước đó đối với từng loại trang thiết bị y tế, là cơ sở để các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất, mua bán, nhập khẩu, thực hiện dịch vụ trang thiết bị y tế tiến hành các công việc cần thiết để duy trì các điều kiện có liên quan, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý trang thiết bị y tế.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Theo đó, tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh như sau:
Về Khởi sự kinh doanh
Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng Hệ thống thông tin khai trình lao động trực tuyến kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (hoàn thành trong quý IV/2020)
Bộ KH&ĐT tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2020; …
Về Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản doanh nghiệp
Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản doanh nghiệp; đề xuất sửa đổi Luật Thi hành án dân sự nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thi hành án dân sự. Thực hiện triển khai thu án phí qua hình thức không dùng tiền mặt.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Về Cấp phép xây dựng
BXD rà soát lại quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép và thanh tra, kiểm tra xây dựng không quá 50 ngày;
Đề xuất áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động đầu tư xây dựng nhằm giảm số lượng các cuộc kiểm tra, số lần phê duyệt; …
Theo Nghị quyết 02/NQ-CP Chính phủ đã đưa ra rất nhiều các giải pháp để tăng tính cạnh tranh cho Doanh nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo môi trường kinh doanh thân thiện, thu hút nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngày 29/11/2019, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 37/2019/TT-BCT quy định chi tiết về một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2020.
Theo đó, Thông tư quy định bổ sung thêm 02 loại giấy tờ vào hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gồm:
Thông tin về cơ sở, dây chuyền sản xuất và sản lượng sản xuất hàng hóa đề nghị miễn trừ trong ba năm gần nhất và năm hiện tại;
Tài liệu chứng minh về nhu cầu sử dụng lượng hàng hóa đề nghị miễn trừ, bao gồm hợp đồng ký kết với khách hàng, phê duyệt các dự án đang triển khai hoặc các tài liệu khác có liên quan.
Ngoài ra, các thành phần hồ sơ còn lại được giữ nguyên theo quy định tại Điều 12 Thông tư 06/2018/TT-BCT ngày 20/4/2018.
Bên cạnh đó, tại mục thông tin về hàng hóa nhập khẩu đề nghị miễn trừ tại mẫu Đơn đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, không còn yêu cầu thông tin về mức thuế nhập khẩu có hiệu lực áp dụng theo biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tại từng thời kỳ.
Quy định mới về thành phần hồ sơ bổ sung nhằm đảm bảo cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn đề nghị miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại nắm được đầy đủ thông tin; đồng thời, giúp cho việc xem xét hồ sơ được nhanh chóng, chính xác, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thương nhân, các tổ chức cá nhân có đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngày 01/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.
Theo đó, Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ban hành, Chính phủ đã bổ sung nhiều quy định quan trọng đối với dự án đầu tư công. Trong đó có những quy định về tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công. Cụ thể bao gồm các tiêu chí sau:
Mức độ đạt được mục tiêu đầu tư dự án theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt;
Chỉ số khai thác, vận hành thực tế của dự án so với các chỉ số khai thác, vận hành của dự án đã được phê duyệt;
Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (EIRR);
Các tác động kinh tế – xã hội, môi trường và các mục tiêu phát triển đặc thù khác (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, hộ chính sách, đối tượng ưu tiên);
Các biện pháp để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường được thực hiện.
Ngoài ra, đối với việc đánh giá hiệu quả đầu tư công Nghị định đã bổ sung quy định về phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công như sau:
Tùy theo quy mô và tính chất của dự án, có thể sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp)
Hoặc phương pháp phân tích chi phí – lợi ích;
Nghị định số 01/2020/NĐ-CP được ban hành đã giải quyết được những bất cập trong quá trình thực hiện dự án đầu tư công, trong khi đó Nghị định số 84/2015/NĐ-CP đã vướng phải nhiều khó khăn khi thực hiện. Qua đó, giúp cho việc đánh giá và thực hiện dự án đầu tư công được hiệu quả hơn, góp phần tránh lãng phí, tránh thất thoát chi phí của nhà nước.
Ngày 31/12/2019 vừa qua, Ngân hàng Nhà Nước đã ban hành Thông tư số 33/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 34/2013/TT-NHNN quy định về việc phát hành kỳ phiếu, tín phiêu, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó kể từ ngày 19/02/2020, thời điểm Thông tư có hiệu lực, việc đăng ký Phương án phát hành trái phiếu sẽ được thực hiện theo quy định mới tại Thông tư số 33/2019. Cụ thể:
Trường hợp tổ chức tín dụng nước ngoài có nhu cầu phát hành trái phiếu sẽ nộp hồ sơ tới Vụ chính sách tiền tệ để xin chấp thuận phương án phát hành trái phiếu. Hồ sơ xin chấp thuận phải đầy đủ các thông tin, hồ sơ gồm: tổng mệnh giá phát hành, tên gọi của trái phiếu, lãi suất, thời gian, phương thức phát hành, phương án sử dụng nguồn vốn và phương án chi trả, cam kết của tổ chức tín dụng. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ngân Hàng Nhà Nước sẽ có văn bản trả lời chấp thuận hoặc không chấp thuận phương án phát hành trái phiếu.
Một điểm đáng chú ý khác của Thông tư này là việc quy định về mức lãi suất đối với các giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành bên cạnh việc tuân thủ các quy định hiện hành về lãi suất của Ngân Hàng Nhà nước cũng phải tuân thủ các quy định của Luật chứng khoán và Nghị định 163/2018/NĐ-CP.
Như vậy với việc Thông tư 33/2019/TT-NHNN được ban hành, Ngân Hàng Nhà Nước đã có động thái nhằm tăng cường quản lý đối với hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm đảm bảo tính mich bạch, an toàn của thị trường tài chính, cũng như tính hiệu quả của chính sách tiền tệ.
Ngày 14/06/2019, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, Luật này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020.
Một trong những nội dung nổi bật của Luật phòng chống tác hại của rượu bia liên quan đến việc quản lý kinh doanh rượu, cụ thể:
Thứ nhất, về điều kiện sản xuất:
Điều kiện cấp phép sản xuất rượu công nghiệp có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bao gồm:
Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
Có dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất;
Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
Có nhân viên kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu.
Điều kiện cấp phép sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên nhằm mục đích kinh doanh, trừ trường hợp bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại, bao gồm:
Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật;
Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy ánh của pháp luật.
Điều kiện đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại bao gồm:
Có hợp đồng mua bán với cơ sở có giấy phép sản xuất rượu và có đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở sản xuất;
Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, đối với điều kiện cấp phép mua bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bao gồm:
Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
Đáp ứng điều kiện theo từng loại hình mua bán rượu.
Nhằm đảm bảo việc thực hiện được đúng đắn và thống nhất, trong quá trình tiếp theo Chính phủ sẽ quy định chi tiết Điều này và quy định việc quản lý kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ.
Việc ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là cần thiết trong bối cảnh lạm dụng rượu, bia như hiện nay, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại của việc, cũng như là cơ sở pháp lý cho hoạt động xử lý đối với hành vi lạm dụng rượu bia.
Ngày 30 tháng 12 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Theo đó, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì bị phạt như sau:
Có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Nghị định 46/2016/NĐ-CP không quy định mức phạt tiền với trường hợp này).
Có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá 50 miligam đến 80 miligam /100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Mức phạt theo Nghị định 46 là từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng).
Có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (Mức phạt theo Nghị định 46 là từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng).
So với trước đây, Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn từ 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở trở xuống sẽ không bị xử phạt thì Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định khắc khe hơn. Đây là một chính sách cực kì tiến bộ, góp phần hạn chế tối đa tình trạng tai nạn giao thông do uống rượu bia.