Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Mức vốn pháp định của tổ chức tính dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Trả lời

Ngày 14/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2019/NĐ-CP quy định về mức vốn pháp định của tổ chức tính dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2020.
Theo đó, tại Điều 2 của nghị định có quy định mức vốn pháp định đối với từng chủ thể như sau:
1. Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng.
2. Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng.
3. Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng.
4. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD).
5. Công ty tài chính: 500 tỷ đồng.
6. Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng.
7. Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng.
8. Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn (sau đây gọi là xã): 0,5 tỷ đồng.
9. Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.
Ngành nghề liên quan đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng luôn tiềm ẩn những rủi ro, trường hợp có sự cố sẽ gây thiệt hại không nhở tới các chủ thể có liên quan. Vì vậy, việc ban hành Nghị định 86/2019/NĐ-CP xác định rõ mức vốn pháp định của chủ thể hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nhằm đảm bảo thanh toán, khắc phục khi có những rủi ro có thể phát sinh, tăng cường sự an tâm của các chủ thể có liên quan tới hoạt động tài chính – ngân hàng.

Tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công.
Trả lời

Ngày 01/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.
Theo đó, Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ban hành, Chính phủ đã bổ sung nhiều quy định quan trọng đối với dự án đầu tư công. Trong đó có những quy định về tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công. Cụ thể bao gồm các tiêu chí sau:
Mức độ đạt được mục tiêu đầu tư dự án theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt;
Chỉ số khai thác, vận hành thực tế của dự án so với các chỉ số khai thác, vận hành của dự án đã được phê duyệt;
Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (EIRR);
Các tác động kinh tế – xã hội, môi trường và các mục tiêu phát triển đặc thù khác (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, hộ chính sách, đối tượng ưu tiên);
Các biện pháp để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường được thực hiện.
Ngoài ra, đối với việc đánh giá hiệu quả đầu tư công Nghị định đã bổ sung quy định về phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công như sau:
Tùy theo quy mô và tính chất của dự án, có thể sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp)
Hoặc phương pháp phân tích chi phí – lợi ích;
Nghị định số 01/2020/NĐ-CP được ban hành đã giải quyết được những bất cập trong quá trình thực hiện dự án đầu tư công, trong khi đó Nghị định số 84/2015/NĐ-CP đã vướng phải nhiều khó khăn khi thực hiện. Qua đó, giúp cho việc đánh giá và thực hiện dự án đầu tư công được hiệu quả hơn, góp phần tránh lãng phí, tránh thất thoát chi phí của nhà nước.

Bản Tin Pháp Luật Số 03/2020
Trả lời

Các hành vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước
Trả lời

Ngày 19/12/2019 Bộ Tài chính ban hành thông tư số 87/2019/TT-BTC Thông tư hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/02/2020.
Thông tư này hướng dẫn về các hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực kho bạc nhà nước quy định tại Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước (sau đây gọi là Nghị định số 63/2019/NĐ-CP).
Tại Thông tư này quy định về các hành vi bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước như sau:
Hành vi vi phạm quy định khoản chi ngân sách nhà nước phải có trong dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao;
Hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định và hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai so với hồ sơ, chứng từ gốc tại đơn vị, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách nhà nước, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Hành vi vi phạm chế độ thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước;
Hành vi vi phạm thủ tục kiểm soát cam kết chi;
Hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước;
Hành vi vi phạm quy định về đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước;
Hành vi lập hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mỗi hành vi vi phạm sẽ có từng chế tài xử phạt hành chính khác nhau. Thông tư giúp cho các đối tượng như : Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước; Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước; Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước; Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước có thể dễ dàng theo dõi cũng như thực hiện.

Mức lương của người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố kể từ năm 2020
Trả lời

Ngày 06/11/2019, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BNV hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 25/12/2019.
Trước đó, tại khoản 6, Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/04/2019 có quy định về người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh, cụ thể là: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận.
Trên cơ sở đó, tại Điều 13 Thông tư 13/2019/TT-BNV tiếp tục hướng dẫn về mức lương đối với các cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố với nội dung: Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố. Riêng đối với các thôn sau đây được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở:
Thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên;
Thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
Thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo.
Mức lương cơ sở hiện tại của cán bộ, công chức là 1.490.000 đồng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP. Trên tinh thần Nghị quyết 86/2019/QH14 về dự toán Ngân sách nhà nước năm 2020, thì mức lương trên, tính từ ngày 01/07/2020, sẽ là 1.600.000 đồng. Vì vậy, có thể hình dung, mức lương của người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố:
Đến hết tháng 06/2020:
1.490.000*3=4.470.000 đồng
1.490.000*5=7.450.000 đồng
Kể từ ngày 01/07/2020
1.600.000*3=4.800.000 đồng
1.600.000*5=8.000.000 đồng
Tóm lại, việc ban hành Thông tư 13/2019/TT-BNV tiếp tục cho thấy sự quan tâm của Nhà nước trong việc nỗ lực nâng cao đời sống của tầng lớp cán bộ, công chức hoặc những người thực hiện công việc của Nhà nước thông qua việc tăng và ghi nhận mức lương, phụ cấp, đảm bảo tương xứng với công sức đóng góp và là nguồn động viên để các cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách tiếp tục phấn đấu sự nghiệp vì nước, vì dân.

Quy định mới về tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại
Trả lời

Ngày 08/01/2020 vừa qua, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại.
Theo đó kể từ ngày 24/02/2020, thời điểm Nghị định có hiệu lực, việc lập và sử dụng vi bằng do Thừa phát lại thực hiện sẽ phải tuân thủ theo các quy định mới tại Nghị định 08/2020 nêu trên. Cụ thể:
Thừa phát lại sẽ không được phép lập vi bằng nhằm xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính hoặc ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Thêm vào đó, Nghị định cũng lần đầu tiên ghi nhận cụ thể giá trị pháp lý của Vi bằng. Theo quy định tại Điều 36 của Nghị định, vi bằng có giá trị ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật nhưng không thể thay thế cho các văn bản công chứng, chứng thực hoặc các văn bản hành chính khác. Vi bằng là một nguồn chứng cứ để xem xét trong quá trình giải quyết các tranh chấp về dân sự, hành chính.
Như vậy với việc Nghị định 08/2020 được ban hành, Chính phủ đã có động thái chấn chỉnh lại hoạt động của các Tổ chức Thừa phát lại, hạn chế các biến tướng của hoạt động lập vi bằng đối với các giao dịch tài sản, bất động sản chưa đủ điều kiện giao dịch hoặc chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng. Đồng thời giúp người dân có được một nhận thức đầy đủ, đúng đắn về giá trị pháp lý của việc lập vi bằng.

Quy định về chụp hình cảnh sát giao thông
Trả lời

Ngày 28 tháng 11 năm 2019, Bộ công an đã ban hành Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Theo đó, quy định một trong các hình thức giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của lực lượng CSGT đó là giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.
Tuy nhiên, khi thực hiện ghi âm, ghi hình CSGT làm nhiệm vụ, người dân cần phải đảm bảo 03 điều kiện sau:
Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;
Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);
Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
So với trước đây, pháp luật không có quy định nào cấm người dân ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Như vậy, theo nguyên tắc chung “người dân được làm những gì pháp luật không cấm” nên người dân có quyền ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp việc ghi âm, ghi hình của người dân làm ảnh hưởng đến hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của cảnh sát giao thông. Do vậy quy định mới này đảm bảo quyền giám sát của Nhân dân mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của cảnh sát giao thông.
Thông tư 67/2019/TT-BCA chính thức có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.

Quy định về xác định chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng
Trả lời

Ngày 26/12/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 16/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Theo đó, việc xác định chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong giai đoạn chuyển tiếp quy định tại Điều 36 Nghị định 68/2019/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:
Dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt trước ngày 01/10/2019 và đang triển khai thực hiện thì tiếp tục sử dụng, vận dụng định mức chi phí quản lý và định mức chi phí tư vấn theo quy định tại Nghị định 32/2015/NĐ-CP.
Trường hợp gói thầu quản lý dự án, gói thầu tư vấn chưa ký kết hợp đồng sau ngày 15/02/2020 thì người quyết định đầu tư quyết định áp dụng định mức chi phí quản lý dự án và định mức chi phí tư vấn ban hành tại Thông tư 16/2019/TT-BXD để điều chỉnh giá gói thầu quản lý dự án, gói thầu tư vấn nhưng phải đáp ứng yêu cầu tiến độ và hiệu quả của dự án.
Đối với dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt sau ngày 01/10/2019:
Trường hợp các gói thầu quản lý dự án, gói thầu tư vấn đã sử dụng, vận dụng định mức chi phí theo quy định tại Nghị định 32/2015/NĐ-CP để xác định giá gói thầu quản lý dự án, gói thầu tư vấn, đã lựa chọn được nhà thầu và đã ký kết hợp đồng trước ngày 15/02/2020 thì thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
Trường hợp gói thầu quản lý dự án, gói thầu tư vấn chưa thực hiện lựa chọn nhà thầu hoặc đang thực hiện lựa ch ọn nhà thầu trước ngày 15/02/2020 thì áp dụng định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn ban hành tại Thông tư 16/2019/TT-BXD để cập nhật giá gói thầu quản lý dự án, gói thầu tư vấn.
Đối với các hợp đồng quản lý dự án, tư vấn đã ký kết trước ngày 15/02/2020 thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng và phù hợp với quy định của pháp luật áp dụng cho hợp đồng.
Việc ban hành thông tư tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Quy định về hoạt động thẻ ngân hàng
Trả lời

Ngày 25/12/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 28/2019/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Theo đó, một số quy định liên quan đến đối tượng sử dụng thẻ ngân hàng (chủ thẻ chính và chủ thẻ phụ) có những sửa đổi, bổ sung như sau:
– Đối với chủ thẻ chính là tổ chức:
+ Tổ chức đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán được sử dụng thẻ ghi nợ;
+ Tổ chức là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ trả trước;
+ Chủ thẻ là tổ chức được ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân sử dụng thẻ của tổ chức đó hoặc cho phép cá nhân sử dụng thẻ phụ theo quy định.
– Đối với chủ thẻ phụ là người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước (Không còn yêu cầu phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật).
Ngoài việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng được sử dụng thẻ, Thông tư còn sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác của Thông tư 19/2016/TT-NHNN như nguyên tắc sử dụng thẻ, việc đảm bảo an toàn trong sử dụng thẻ, tra soát, xử lý khiếu nại trong quá trình sử dụng thẻ…
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2020, riêng khoản 14 Điều 1 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.

Bản Tin Pháp Luật Số 02/2020
Trả lời