Ngày 05/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Tại Nghị định này những quy định về kinh doanh rượu tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP được Chính phủ chuyển thành điều kiện kinh doanh rượu có độ cồn trên 5,5 độ và bổ sung riêng một chương về sản xuất, kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ. Trong đó, điều kiện về sản xuất, kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ cụ thể như sau:
Điều kiện sản xuất rượu có độ cồn dưới 5,5 độ gồm:
Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật;
Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;
Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở sản xuất. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.
Điều kiện nhập khẩu rượu có độ cồn dưới 5,5 độ:
Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật;
Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;
Rượu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế;
Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi thương nhân đặt trụ sở chính trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.
Điều kiện bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ
Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật;
Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;
Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở kinh doanh trước khi tiến hành hoạt động kinh. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.
Nghị định số 17/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 22/3/2020. Như vậy, điều kiện về sản xuất, kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ được quy định theo hướng đơn giản hơn. Bên cạnh đó, Nghị định cũng nêu rõ nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ bao gồm: nhập khẩu, mua, bán rượu có nguồn gốc hợp pháp; đảm bảo thời hạn sử dụng của sản phẩm rượu theo công bố của cơ sở sản xuất; thực hiện trách nhiệm theo quy định Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định khác của pháp luật.
Ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật quốc tịch Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/03/2020 và thay thế Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 và Nghị định 97/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014.
Theo đó, Nghị định số 16/2020/NĐ-CP có một số quy định mới về trình tự, thủ tục xác nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc có gốc Việt Nam. Quy định mới này góp phần giúp kiều bào Việt Nam ở nước ngoài chứng minh được nguồn gốc hoặc quốc tịch Việt Nam của mình thông qua sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam trước những yêu cầu từ phía cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài nơi các kiều bào sinh sống. Các yêu cầu này không chỉ góp phần tạo điều kiện cho các kiều bào đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu, làm ăn, đầu tư, học tập, giáo dục, kết hôn… mà còn giúp các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài có căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi sinh sống tại nước ngoài.
Thủ xác nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc có gốc Việt Nam được thực hiện tại Sở Tư pháp nếu đang cư trú tại Việt Nam hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam tại quốc gia đang cư trú.
Các hồ sơ chính để thực hiện bao gồm:
1. Tờ khai theo mẫu
2. Giấy tờ nhân thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, thẻ tạm trú, giấy thông hành hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế
3. Giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam hoặc có gốc Việt Nam
4. 02 ảnh chụp 4×6
Như vậy, Nghị định 16/2020/NĐ-CP đã góp phần bảo vệ tối đa hơn nữa quyền được bảo hộ của các kiều bào Việt Nam (có quốc tịch Việt Nam hoặc có gốc Việt Nam) sinh sống và làm việc tại nước ngoài đồng thời tạo ra hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng về trình tự, hồ sơ, thủ tục xin xác nhận để các kiều bào dễ dàng thực hiện và các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài dễ dàng đối chiếu, phối hợp kiểm soát và quản lý.
Ngày 01 tháng 02 năm 2020, Bộ y tế đã ban hành Chỉ thị số 398/BYT-KHTC chỉ thị về công tác bảo đảm hậu cần cho công tác phòng, chống dịch nCoV tại địa phương.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế thực hiện các nội dung sau:
Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 03/CT-BYT ngày 22/01/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV và các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Y tế.
Tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế, công tác giám sát xác minh nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ.
Chỉ đạo tổ chức thường trực chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV 24/24 giờ.
Xây dựng kế hoạch kinh phí đảm bảo cho công tác phòng chống dịch đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đảm bảo kinh phí cho các cơ sở y tế dự phòng mua các loại vật tư, hóa chất, trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch theo từng cấp độ dịch, đặc biệt hóa chất xét nghiệm trong trường hợp dịch lây lan mạnh tại cộng đồng. Yêu cầu các đơn vị phải bảo đảm đầy đủ trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống dịch, không để lây nhiễm cho cán bộ y tế.
Đảm bảo kinh phí cho các bệnh viện thuộc địa phương quản lý chuẩn bị về cơ số hóa chất, thuốc, vật tư và trang thiết bị cần thiết cho các đơn vị điều trị theo từng cấp độ dịch, đặc biệt hóa chất xét nghiệm trong trường hợp dịch lây lan mạnh tại cộng đồng. Yêu cầu các bệnh viện phải bảo đảm đầy đủ trang bị phòng hộ cá nhân cho bác sỹ, y tá, điều dưỡng, lái xe (những người chăm sóc bệnh nhân và tiếp xúc với bệnh nhân), không để lây nhiễm cho cán bộ y tế.
Đảm bảo kinh phí chi trả phụ cấp chống dịch, phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ, chi cộng tác viên, tình nguyên viên tham gia chống dịch nhóm A theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.
Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện.
Chỉ thị trên tạo ra một kế hoạch thống nhất, đồng bộ trên cả nước trong công tác phòng chống, kiểm soát dịch một cách cấp thiết như hiện nay.
Ngày 12/02/2020 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định về việc kiểm tra, xử lý kỷ luật trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, kể từ thời điểm ngày 31/03/2020, thời điểm Nghị định này có hiệu lực, việc kiểm tra, xử lý kỷ luật sẽ được tiến hành định kỳ trên từng địa bàn, từng khu vực, từng chuyên ngành.
Căn cứ theo đề xuất của các cơ quan tham mưu, hoặc căn cứ vào thực tế đã diễn ra các vướng mắc, trở ngại, khó khăn, bất cập trong việc trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính, người đứng đầu các cơ quan có chức năng thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính sẽ ra quyết định kiểm tra và lập đoàn kiểm tra. Đoàn kiểm tra sẽ thực hiện rà soát toàn bộ số vụ vi phạm, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong việc lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn, công tác thu nộp quản lý số tiền xử phạt hành chính.
Căn cứ vào kết luận của Đoàn kiểm tra, các công chức, viên chức có hành vi vi phạm sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Như vậy, với việc ban hành Nghị định 19/2020/NĐ-CP, Chính phủ cho thấy quyết tâm lớn trong việc siết chặt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, góp phần làm hạn chế các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.
Ngày 26/12/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định đơn giá nhân công xây dựng. Thông tư này có hiệu hiệu kể từ ngày 15/2/2020 thay thế Thông tư số 05/2016/TT-BXD hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Theo đó, nội dung đơn giá nhân công xây dựng được quy định cụ thể như sau:
Đơn giá ngày công của nhân công xây dựng là đơn giá ngày công của công nhân trực tiếp sản xuất xây dựng, lái xe, thợ vận hành máy và thiết bị thi công, kỹ sư khảo sát; thuyền trưởng, thuyền phó, thợ điều khiển tàu sông, tàu biển, thủy thủ, thợ máy, kỹ thuật viên; nghệ nhân, thợ lặn làm việc trong điều kiện bình thường.
Đơn giá ngày công của tư vấn xây dựng là đơn giá ngày công của tư vấn xây dựng trong nước, bao gồm kỹ sư cao cấp, chủ nhiệm dự án; kỹ sư chính, chủ nhiệm bộ môn; kỹ sư; kỹ thuật viên trình độ trung cấp, cao đẳng, đào tạo nghề; trong đó, đã bao gồm đầy đủ các khoản lương, phụ cấp lương, các khoản bảo hiểm thuộc trách nhiệm của người lao động phải nộp theo quy định (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn).
Đơn giá nhân công xây dựng của công tác cá biệt là đơn giá của nhân công xây dựng làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại (công trình thi công đèo dốc cao, công trình hầm; công trình thi công ngoài biển đảo và một số công trình có tính chất cá biệt khác).
Đơn giá nhân công xây dựng được khảo sát, xác định và công bố theo 10 nhóm công tác xây dựng tại Phụ lục số 2 của Thông tư này. Riêng nhóm nhân công xây dựng thứ 11 là nhóm công tác xây dựng cá biệt, việc khảo sát và công bố đơn giá nhân công xây dựng của nhóm này phụ thuộc vào đặc thù riêng của từng địa phương.
Đơn giá nhân công tư vấn xây dựng được khảo sát, xác định và công bố theo 04 nhóm công việc tư vấn xây dựng công bố tại Phụ lục số 3 của Thông tư này.
Thông tư 15/2019/TT-BXD nói riêng hay các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan nói chung đã có những thay đổi cơ bản góp phần làm cho việc định giá nhân công trong xây dựng trở nên thiết thực hơn, rút ngắn khoảng cách giữa giá nhân công trên thị trường xây dựng và giá nhân công được xác định theo các căn cứ pháp lý.
Ngày 05/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 07/2020/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc giai đoạn 2019 – 2022.
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (AHKFTA) phải đáp ứng đủ bốn điều kiện sau:
1. Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định này;
2. Được nhập khẩu từ các nước là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc;
3. Được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu theo quy định của Hiệp định AHKFTA và quy định của Bộ Công Thương. Cụ thể:
(i) Hàng hóa được vận chuyển trực tiếp từ một nước thành viên xuất khẩu tới một nước thành viên nhập khẩu; hoặc
(ii) Hàng hóa được vận chuyển qua một hoặc nhiều nước thành viên khác hoặc qua một nước không phải là thành viên và đáp ứng các điều kiện sau:
– Hàng hóa quá cảnh là cần thiết vì lý do địa lý hoặc do yêu cầu về vận tải;
– Hàng hóa không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại đó;
– Hàng hóa không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, chế biến nào khác ngoài việc dỡ hàng và bốc lại hàng hoặc những công đoạn cần thiết để bảo quản hàng hóa trong điều kiện tốt.
4. Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu AHK theo quy định của Hiệp định AHKFTA và quy định của Bộ Công Thương.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/02/2020. Riêng đối với các tờ khai hải quan của mặt hàng nhập khẩu đăng ký từ ngày 11/6/2019 đến trước ngày 20/2/2020, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định này và nếu đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Ngày 07/02/2020, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 155/QĐ-BTC về danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra do Bộ Tài chính ban hành. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Theo đó, đối tượng được miễn thuế tập trung vào các mặt hàng sau:
Khẩu trang y tế và các nguyên liệu để sản xuất khẩu trang ý tế, như: Vải không dệt, Màng lọc kháng khuẩn, Dây thun, Thanh nẹp mũi;
Nước rửa tay sát trùng;
Nước sát trùng; và
Các vật tư, thiết bị cần thiết khác, như: Bộ trang phục phòng chống dịch bao gồm quần, áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày.
Các sản phẩm được miễn thuế trên có chính sách quản lý, thủ tục, cũng như hồ sơ miễn thuế được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Việc Bộ Tài chính ban hành Quyết định 155/QĐ-BTC đã cho thấy sự quyết tâm của Nhà nước ta trong việc chống lại đại dịch do chủng mới của virus corona gây ra. Đồng thời, kiểm soát và đẩy lùi hành vi đầu cơ tích trữ, nhằm tăng giá các trang thiết bị y tế nhằm mục đích tư lợi cá nhân.
Ngày 05/02/2020, Văn phòng chính phủ đã ban hành Công văn số 808/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới nhằm kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.
Trong kế hoạch thực hiện các giải pháp nhằm phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (nCoV), đồng thời đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới được diễn ra bình thường, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo đến các Bộ, địa phương biết và thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; bảo đảm công tác phòng chống dịch không làm gián đoạn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển chuyên chở hàng hóa (không có hành khách) qua biên giới từ vùng có dịch được xuất nhập cảnh nhưng phải được giám sát y tế chặt chẽ, phải được áp dụng biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, những người này chỉ được đến điểm giao nhận hàng hóa, điểm cách ly taioj khu vực cửa khẩu, không được phép đi sâu vào nội địa.
Để hoạt động phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả tối đa nhưng vẫn phải đảm bảo các hoạt động khác về kinh tế diễn ra bình thường, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài Chính và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải có hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể, nhanh chóng để triển khai thực hiện trong cả nước nói chung và địa phương nói riêng . Đồng thời, phối hợp với cơ quan hải quan, cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu.
Như vậy, trong tình hình dịch bệnh do virus corona gây ra đang diễn biến phức tạp, cả nước tăng cường áp dụng các biện pháp tối ưu để loại trừ các rủi ro lây nhiễm dịch bệnh thì hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới tiếp tục được thực hiện theo quy định, nhưng phải đảm bảo an toàn, hạn chế sự lây nhiễm. Đây là một biện pháp cần thiết và rất quan trọng nhằm giảm tối đa sự lây lan, phát sinh của virus mà vẫn tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được diễn ra bình thường.
Ngày 05/02/2020, Văn phòng chính phủ đã ban hành Công văn số 808/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới nhằm kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.
Trong kế hoạch thực hiện các giải pháp nhằm phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (nCoV), đồng thời đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới được diễn ra bình thường, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo đến các Bộ, địa phương biết và thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; bảo đảm công tác phòng chống dịch không làm gián đoạn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển chuyên chở hàng hóa (không có hành khách) qua biên giới từ vùng có dịch được xuất nhập cảnh nhưng phải được giám sát y tế chặt chẽ, phải được áp dụng biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, những người này chỉ được đến điểm giao nhận hàng hóa, điểm cách ly taioj khu vực cửa khẩu, không được phép đi sâu vào nội địa.
Để hoạt động phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả tối đa nhưng vẫn phải đảm bảo các hoạt động khác về kinh tế diễn ra bình thường, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài Chính và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải có hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể, nhanh chóng để triển khai thực hiện trong cả nước nói chung và địa phương nói riêng . Đồng thời, phối hợp với cơ quan hải quan, cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu.
Như vậy, trong tình hình dịch bệnh do virus corona gây ra đang diễn biến phức tạp, cả nước tăng cường áp dụng các biện pháp tối ưu để loại trừ các rủi ro lây nhiễm dịch bệnh thì hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới tiếp tục được thực hiện theo quy định, nhưng phải đảm bảo an toàn, hạn chế sự lây nhiễm. Đây là một biện pháp cần thiết và rất quan trọng nhằm giảm tối đa sự lây lan, phát sinh của virus mà vẫn tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được diễn ra bình thường.