Ngày 24/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/04/2020.
Theo đó, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP đã có nhiều quy định quản lý chặt chẽ liên quan tới quy hoạch vùng cát, sỏi lòng sông; thăm dò, khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng cát, sỏi lòng sông, cụ thể như sau:
1. Nội dung quy hoạch vùng quản lý cát, sỏi lòng sông
– Tiềm năng tài nguyên cát, sỏi lòng sông trong lưu vực sông
– Các yêu cầu về bảo vệ môi trường; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng.
– Các quan điểm, mục tiêu phát triển của quy hoạch vùng sẽ định hướng cho hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông thuộc lưu vực.
– Định hướng cho hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông trên lưu vực sông thuộc vùng lập quy hoạch về thời gian, tổng công suất được cấp phép khai thác trên địa bàn của địa phương liên quan trong kỳ quy hoạch.
2. Cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông
– Việc cấp phép được thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản
– Trường hợp khu vực cấp phép lòng sông nằm giáp ranh từ 02 tỉnh trở lên thì phải xin ý kiến của tất cả các UBND tỉnh mà sông đi qua.
– Thời gian khai thác: từ 07 giờ sáng đến 05 giờ chiều; không được khai thác ban đêm và phải quy định rõ tổng thời gian khai thác trong năm trong giấy phép.
3. Yêu cầu về kinh doanh và sử dụng cát, sỏi lòng sông trong quá trình vận chuyển
Trong quá trình vận chuyển cát, sỏi trên sông, chủ phương tiện phải mang theo hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của cát, sỏi là hợp pháp, trong đó bao gồm các thông tin về dữ liệu, sổ sách, chứng từ về khối lượng cát, sỏi đang vận chuyển.
Như vậy, Nghị định 23/2020/NĐ-CP đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cụ thể hóa Luật Quy hoạch 2017 bằng cách quy định nội dung, phạm vi của quy hoạch vùng đối với cát, sỏi lòng sông. Đồng thời, Nghị định 23/2020/NĐ-CP cũng có nhiều quy định cụ thể, rõ ràng về điều kiện, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động thăm dò, khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng cát, sỏi lòng sông. Điều này không chỉ góp phần đặt ra khung pháp lý cụ thể, rõ ràng trước vấn nạn khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép như hiện nay mà còn tạo điều kiện để hoạt động khai thác này diễn ra hiệu quả, tránh lãng phí theo quy hoạch.
Ngày 08/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
Theo đó, nội dung nổi bật đáng chú ý là quy định về việc cấm Thừa phát lại lập vi bằng với “mua bán nhà đất giấy tờ tay”. Chi tiết theo khoản 4 Điều 37 Nghị định 08/2020:
“Điều 37. Các trường hợp không được lập vi bằng
…..
4. Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.”
Như vậy, các giao dịch mua bán nhà đất thông qua giấy tay sẽ không có giá trị pháp lý mặc dù được Thừa phát lại lập vi bằng. Bởi vì, theo quy định tại Luật đất đai 2013 bắt buộc hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013.
Có thể thấy rằng, Nghị định 08/2020 cấm Thừa phát lại lập vi bằng đối với trường hợp các bên mua bán nhà đất giấy tờ tay là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, góp phần ngăn chặn các giao dịch mua bán nhà đất không đúng quy định pháp luật, người dân sẽ nói không với việc mua nhà đất bằng giấy tờ tay nhằm tránh thiệt hại cho bản thân và các rủi ro pháp lý liên quan.
Nghị định 08/2020 có hiệu lực kể từ ngày 24/02/2020.
Ngày 24/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 quy định về Lệ phí môn bài.
Theo đó, bổ sung 03 đối tượng được miễn lệ phí môn bài mới, bao gồm:
Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra sản xuất kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với:
Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới);
Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh;
Miễn lệ phí môn bài trong 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh;
Miễn lệ phí môn bài trong toàn bộ quá trình hoạt động đối với cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, nếu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu trên thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì các địa điểm này cũng được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc diện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được thành lập trước ngày 25/02/2020 thì thời gian miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được tính từ ngày 25/02/2020 đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
Có thể nói, những điểm mới trong Nghị định 22/2020/NĐ-CP về các trường hợp được miễn lệ phí môn bài mới đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh, cá nhân, nhóm cá nhân, đặc biệt là ngành giáo dục. Nghị định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 25/02/2020.
Ngày 24/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Trước đó, tại Điều 10 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có quy định về địa điểm không uống rượu bia, bao gồm các địa điểm sau:
Cơ sở y tế.
Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc.
Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.
Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.
Cơ sở bảo trợ xã hội.
Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.
Các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.
Đối với các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ được quy định chi tiết hơn tại Điều 3, Nghị định 24/2020/NĐ-CP, cụ thể:
Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Nghị định này có hiệu lực.
Nhà chờ xe buýt.
Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.
Việc ban hành Nghị định 24/2020/NĐ-CP là một việc làm mang tính cần thiết và kịp thời. Bởi lẽ, nó thể hiện sự nỗ lực của Nhà nước ta trong việc hạn chế tiêu thụ rượu, bia từ đó có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực của rượu, bia tác động tới xã hội, trong đó có việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, Nghị định 24/2020/NĐ-CP còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi thói quen sử dụng rượu bia của người Việt.
Ngày 05/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 07/2020/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc giai đoạn 2019 – 2022.
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (AHKFTA) phải đáp ứng đủ bốn điều kiện sau:
1. Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định này;
2. Được nhập khẩu từ các nước là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc;
3. Được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu theo quy định của Hiệp định AHKFTA và quy định của Bộ Công Thương. Cụ thể:
(i) Hàng hóa được vận chuyển trực tiếp từ một nước thành viên xuất khẩu tới một nước thành viên nhập khẩu; hoặc
(ii) Hàng hóa được vận chuyển qua một hoặc nhiều nước thành viên khác hoặc qua một nước không phải là thành viên và đáp ứng các điều kiện sau:
– Hàng hóa quá cảnh là cần thiết vì lý do địa lý hoặc do yêu cầu về vận tải;
– Hàng hóa không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại đó;
– Hàng hóa không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, chế biến nào khác ngoài việc dỡ hàng và bốc lại hàng hoặc những công đoạn cần thiết để bảo quản hàng hóa trong điều kiện tốt.
4. Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu AHK theo quy định của Hiệp định AHKFTA và quy định của Bộ Công Thương.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/02/2020. Riêng đối với các tờ khai hải quan của mặt hàng nhập khẩu đăng ký từ ngày 11/6/2019 đến trước ngày 20/2/2020, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định này và nếu đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Ngày 30/12/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 35/2019/TT-BYT quy định về phạm vi hoạt động chuyên môn đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2020.
Theo đó, Thông tư quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với những người hành nghề khám chữa bệnh đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề là các kỹ thuật chuyên môn mà người hành nghề được thực hiện theo quy định. Cụ thể như sau:
Phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề là bác sỹ
+ Người hành nghề là bác sỹ có phạm vi hoạt động chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh đa khoa được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư và sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong trường hợp vượt quá năng lực chuyên môn.
+ Người hành nghề là bác sỹ có phạm vi hoạt động chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn thuộc chuyên khoa tương ứng quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư và sơ cứu, cấp sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ y học dự phòng: Người hành nghề là bác sỹ y học dự phòng được khám, phát hiện và xử trí các bệnh thông thường; xử trí ban đầu một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng.
Phạm vi hoạt động chuyên môn của y sỹ: Người hành nghề là y sỹ tại tuyến xã được phép tham gia sơ cứu ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh thông thường theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 27 tháng 05 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sỹ, bác sỹ y học dự phòng, y sỹ.
Phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên: Người hành nghề là điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên được thực hiện phạm vi hoạt động chuyên môn tương ứng quy định tại Thông tư số 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.
Ngoài ra, ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề, văn bằng, chứng chỉ hoặc chứng nhận và năng lực của người hành nghề là bác sỹ để giao cho người hành nghề bằng văn bản được thực hiện các chuyên môn kỹ thuật cụ thể tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do mình phụ trách.
Thông tư này quy định phạm vi hoạt động chuyên môn cho người hành nghề khám chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Ngày 19/02/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 01/2020/TT-BKHĐT về hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/04/2020.
Theo Thông tư 01/2020/TT-BKHĐT, Hợp tác xã có thể được phân chia theo 04 tiêu chí: Theo sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho thành viên; Theo quy mô thành viên; Theo quy mô tổng nguồn vốn; và Theo ngành nghề. Cụ thể, Căn cứ theo tổng nguồn vốn, hợp tác xã được phân loại thành:
1. Hợp tác xã quy mô vốn siêu nhỏ là hợp tác xã có tổng nguồn vốn dưới 1 tỷ đồng;
2. Hợp tác xã quy mô vốn nhỏ là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng;
3. Hợp tác xã quy mô vốn vừa là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ 5 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng;
4. Hợp tác xã quy mô vốn lớn là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ 50 tỷ đồng trở lên.
Thông tư 01/2020/TT-BKHĐT được ban hành với mục đích nhằm thể hiện đúng bản chất của hợp tác xã theo quy định tại Luật Hợp tác xã. Bên cạnh đó, đảm bảo hợp tác xã phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh
Ngày 17/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2020/NĐ-CP về việc thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Nghị định này có hiệu lực kể tư ngày 01/04/2020.
Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với các Tập đoàn, Tổng công ty như sau:
1. Công ty mẹ – Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
2. Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP.
3. Công ty mẹ – Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Việc quản lý lao động trong một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được thực hiện theo các nội dung:
1. Công ty phải xây dựng kế hoạch lao động làm cơ sở để tuyển dụng lao động.
2. Kế hoạch lao động được xây dựng dựa trên kế hoạch sản xuất, kinh doanh, mức lao động, tổ chức bộ máy và cơ cấu lao động gián tiếp tinh gọn, hợp lý.
3. Kế hoạch lao động do Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị phê duyệt trước khi thực hiện.
4. Việc tuyển dụng lao động phải thực hiện công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật và quy chế tuyển dụng lao động, Điều lệ của công ty.
5. Đối với trường hợp tuyển dụng lao động vượt quá nhu cầu sử dụng, dẫn đến dư thừa phải chấm dứt hợp đồng lao động, làm tăng chi phí của công ty thì Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm (kể cả việc giảm trừ tiền lương, tiền thưởng) trước Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị của công ty.
Việc ban hành Nghị định 20/2020/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng tại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, hạn chế tối đa việc thất thoát hay các hành vi tư lợi cá nhân đối với tài sản của nhà nước tại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước
Ngày 05/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Nghị định này, có hiệu lực kể từ ngày 22/03/2020.
Căn cứ, Điều 14 Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản cần đáp ứng các điều kiện sau:
a) Là thương nhân theo quy định của Luật Thương mại;
b) Thương nhân chỉ được kinh doanh khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp. Thuộc trường hợp:
– Được khai thác hoặc khai thác tận thu từ các mỏ, điểm mỏ, bãi thải trong thời hạn Giấy phép khai thác, Giấy phép khai thác tận thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực;
– Khoáng sản được nhập khẩu theo Tờ khai hàng hóa nhập khẩu có xác nhận của Hải quan cửa khẩu;
– Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu và phát mại.
c) Đối với khoáng sản xuất khẩu, phải thuộc danh mục chủng loại và đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng do Bộ Công Thương quy định. Đối với khoáng sản xuất khẩu trong thành phần chứa thori, urani bằng hoặc lớn hơn 0,05% tính theo trọng lượng phải có giấy phép xuất khẩu vật liệu phóng xạ của Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử.
d) Trường hợp khoáng sản nhập khẩu còn tồn kho do không tiêu thụ hết trong nước muốn tái xuất hoặc khoáng sản cần chuyển ra nước ngoài để phân tích, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ chế biến và các trường hợp cá biệt khác, thương nhân phải có văn bản đề nghị xuất khẩu;
đ) Thương nhân kinh doanh khoáng sản phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy.
Việc ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Do sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế – xã hội diễn ra không chỉ trong phạm vi quốc gia và quốc tế dẫn tới các đường lối, quy định về quản lý các điều kiện trong một số lĩnh vực kinh doanh nhất định cũng cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình hiện tại.