Giải đáp pháp luật
Chính sách hỗ trợ với người cai nghiện ma túy tự nguyện
Trả lời

Ngày 17/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 147/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 05/07/2018.

Theo đó, Nghị định số 80/2018/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ với người cai nghiện ma túy tự nguyện như sau:

  1. Nhà nước bảo đảm tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập;
  2. Nhà nước hỗ trợ 95% chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ xét nghiệm; điều trị nhiễm trùng cơ hội đối với thương binh, người nghèo, người cao tuổi cô đơn, trẻ mồ côi; người nhiễm chất độc hóa học…
  3. Địa phương hỗ trợ tiền ăn hàng tháng, tiền mặc, đồ dùng sinh hoạt ít nhất bằng 70% định mức đối với người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…
  4. Riêng người cai nghiện ma túy tự nguyện tại 15 cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập ở các tỉnh, thành phố: Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Nghệ An… vẫn được hưởng các chính sách hỗ trợ trên từ năm 2018 đến năm 2020.

Bằng những chính sách chi tiết và cụ thể, thông qua Nghị định số 80/2018/NĐ-CP, Nhà nước đã tạo ra cơ chế hỗ trợ tài chính để những người nghiện ma túy có cơ hội và có động lực cai nghiện, qua đó góp phần giảm số lượng người nghiện ma túy, đảm bảo anh ninh, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Ban hành 04 danh mục chất ma túy và tiền chất
Trả lời

Ngày 15/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2018/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Theo đó, Nghị định số 73/2018/NĐ-CP quy định 04 danh mục chất ma túy và tiền chất, cụ thể như sau:

  1. Danh mục I: Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.
  2. Danh mục II: Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
  3. Danh mục III: Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
  4. Danh mục IV: Các tiền chất, bao gồm: Các tiền chất sử dụng vì mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Công an quản lý và cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu; các tiền chất sử dụng trong lĩnh vực thú y do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu.

Thông qua việc ban hành danh mục chất ma túy và tiền chất, Chính phủ đã xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động liên quan đến các chất này để từ đó có sự kiểm soát tốt hơn cũng như thắt chặt công tác quản lý nhà nước.

Quản lý kinh doanh đa cấp tại Hà Nội
Trả lời

Ngày 22/05/2018, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2217/UBND-KT về việc thực hiện Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Công văn này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Theo đó, Công văn số 2217/UBND-KT đã giao Sở Công Thương thành phố Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ như sau:

  1. Cấp, thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố, xác nhận đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động bán hàng đa cấp và xác nhận tiếp nhận thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; công bố kết quả xác nhận này trên trang thông tin điện tử của Sở và thông báo tới Bộ Công Thương;
  2. Tiếp nhận hồ sơ thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đã được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố;
  3. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;
  4. Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ, công chức của một số Sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp;
  5. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội thực hiện tốt các nội dung quản lý nhà nước.

Thông qua các quy định cụ thể và chi tiết, Công văn số 2217/UBND-KT đã thể hiện sự chú trọng của thành phố Hà Nội trong việc thắt chặt quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn, qua đó góp phần hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động đa cấp, bảo vệ những người tham gia vào hoạt động này.

Quy định về miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
Trả lời

Ngày 20/04/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 06/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/06/2018.

Theo đó, nội dung đáng chú ý của Thông tư số 06/2018/TT-BCT là các quy định về miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, cụ thể như sau:

  1. Phạm vi miễn trừ

–           Hàng hóa nhập khẩu có đặc điểm khác biệt với hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước mà hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất bởi ngành sản xuất trong nước đó không thể thay thế được;

–           Hàng hóa nhập khẩu là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;

–           Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng Điều kiện thông thường;

–           Khối lượng hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.

  1. Thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được xác định như sau:

–           Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được Cơ quan Điều tra tiếp nhận từ quyết định về kết quả rà soát biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, thời hạn miễn trừ tính từ ngày quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời hoặc chính thức hoặc quyết định về kết quả rà soát biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 của năm ban hành quyết định miễn trừ.

–           Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ biện pháp tự vệ được Cơ quan Điều tra tiếp nhận, thời hạn miễn trừ là 01 năm tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm kế tiếp;

–           Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ bổ sung được Cơ quan Điều tra tiếp nhận, thời hạn miễn trừ tính từ ngày tiếp nhận hồ sơ miễn trừ đầy đủ và hợp lệ đến ngày 31 tháng 12 của năm ban hành quyết định miễn trừ.

Bằng các quy định cụ thể và chi tiết, Thông tư số 06/2018/TT-BCT đã đưa ra cơ sở và thời hạn áp dụng miễn trừ các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Hàng tạm nhập, tái xuất phải chịu sự giám sát cho tới khi tái xuất khỏi Việt Nam
Trả lời

Ngày 15/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Theo đó, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh như sau:

  1. Đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, thương nhân phải đáp ứng điều kiện theo quy định.
  2. Đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất.
  3. Với các trường hợp còn lại, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan.

Bằng những quy định rõ ràng và chi tiết, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ giải quyết một số vướng mắc khi thực hiện Luật quản lý ngoại thương, đồng thời sẽ góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ trên tàu
Trả lời

Ngày 15/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2018/NĐ-CP quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và trang phục, phù hiệu của lực lượng bảo vệ trên tàu. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.

Theo đó, Nghị định số 75/2018/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ trên tàu như sau:

  1. Xây dựng kế hoạch, đề xuất, kiến nghị các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trên tàu với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
  2. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi như đe dọa an toàn chạy tàu; ném các vật từ trên tàu xuống; làm hư hỏng trang thiết bị đoàn tàu, mất vệ sinh trên tàu; gây rối trật tự công cộng trên tàu; đe dọa sức khỏe, tính mạng của hành khách và người đi tàu; trộm cắp tài sản của hành khách, nhân viên đường sắt, doanh nghiệp, hàng hóa, hành lý vận chuyển trên tàu; các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống cháy nổ trên tàu; các hành vi vi phạm pháp luật khác ở trên tàu.
  3. Phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng trong việc thực hiện các nhiệm vụ, bao gồm: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người thuê vận tải và hành khách đi tàu; hướng dẫn người thuê vận tải, hành khách đi tàu tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên tàu; nắm vững tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến đường sắt có các đoàn tàu chạy qua; rà phá, xử lý bom, mìn, vũ khí sinh học, hóa học, chất phóng xạ, xử lý hành lý, hàng hóa, bưu phẩm và các đồ vật khác chứa vật phẩm nguy hiểm khi vận chuyển trên tàu; kiểm soát người và hành khách lên xuống tàu; giải quyết xử lý các tình huống cháy nổ, khủng bố, buôn lậu gian lận thương mại xảy ra trên tàu; tổ chức cấp cứu người bị thương trên tàu; hỗ trợ Trưởng tàu trong việc thực hiện quyền hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính ở trên tàu; giải quyết, khắc phục sự cố thiên tai, tai nạn giao thông đường sắt; ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm khác xảy ra trên tàu.

Nghị định số 75/2018/NĐ-CP đã quy định chi tiết nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ trên tàu, qua đó góp phần tăng cường ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ an toàn và phòng tránh cháy nổ trên đường sắt.

Quy định về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
Trả lời

Ngày 16/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.

Theo đó, Nghị định số 78/2018/NĐ-CP yêu cầu chung trong xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật như sau:

  1. Xây dựng tiêu chuẩn

–           Phải có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, hội, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, người tiêu dùng, chuyên gia liên quan.

–           Tuân thủ nguyên tắc làm việc đồng thuận trên cơ sở thảo luận, góp ý kiến công khai, dân chủ.

  1. Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật

–           Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên ký kết, tham gia.

–           Ưu tiên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật điều chỉnh theo nhóm các đối tượng tương đồng về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý.

–           Quy định biện pháp quản lý và mức giới hạn về các đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường trực tiếp phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe, môi trường; bảo vệ động vật, thực vật; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; tôn trọng quyền tự do sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

–           Nội dung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được viện dẫn đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khác, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài.

–           Trường hợp viện dẫn đến tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài đối với các yêu cầu kỹ thuật, cơ quan ban hành phải bảo đảm sẵn có bản tiếng Việt của tài liệu viện dẫn để cá nhân, tổ chức tham khảo khi được yêu cầu.

–           Khi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật phải rà soát các quy định về thừa nhận tương đương, bảo đảm tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên ký kết, tham gia.

Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật có khả năng tạo rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế, cơ quan ban hành phải gửi dự thảo quy chuẩn kỹ thuật đến Bộ Khoa học và Công nghệ để gửi lấy ý kiến quốc tế theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên ký kết, tham gia.

Bằng những quy định chi tiết và cụ thể, Nghị định số 78/2018/NĐ-CP đã đưa ra cơ sở nguyên tắc để các Bộ, ban, ngành thực hiện việc xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, từ đó đảm bảo tính công khai, minh bạch, thống nhất trong hoạt động quản lý nhà nước, đồng thời không tạo ra các rào cản trong hoạt động thương mại quốc tế.

Nguyên tắc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn
Trả lời

Ngày 15/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.

Theo đó, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn như sau:

  1. Căn cứ của nguyên tắc:

–           Khả năng gây mất an toàn có thể xảy ra của sản phẩm, hàng hóa;

–           Yêu cầu và khả năng quản lý nhà nước trong từng thời kỳ.

  1. Khả năng gây mất an toàn có thể xảy ra của sản phẩm, hàng hóa được xác định dựa trên một hoặc những yếu tố sau:

–           Bản chất hóa học, vật lý, sinh học;

–           Kết cấu, nguyên lý hoạt động;

–           Quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng.

  1. Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn và mã số HS phù hợp với Danh Mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam kèm theo thuyết minh lý do lựa chọn sản phẩm, hàng hóa để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và biện pháp quản lý đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý.

Bằng những quy định chi tiết và cụ thể, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP được kỳ vọng là định hướng, chỉ đạo để các Bộ, ban, ngành thể chế hóa các quy định về xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn trong phạm vi quản lý, từ đó sớm xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để quản lý các sản phẩm này.

Quy định mới về nguyên tắc cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội
Trả lời

Ngày 15/05/2018, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND sửa đổi bổ sung một số điều của Quy định chi tiết một số nội dung  về cấp giấy phép xây dựng trên địa bản thành phố Hà Nội ban hành kèm theo quyết định số 20/2016/QĐ-UBND ngày 24/06/2016. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 25/05/2018.

Theo đó, Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND quy định về nguyên tắc cấp giấy phép xây dựng như sau:

  1. Cơ quan cấp giấy phép xây dựng đánh giá công trình đủ điều kiện cấp phép xây dựng căn cứ trên ý kiến kết luận của các cơ quan có thẩm quyền tại các văn bản trong hồ sơ. Cơ quan phát hành văn bản phải chịu trách nhiệm về các nội dung thuộc lĩnh vực do mình quản lý, cơ quan cấp giấy phép xây dựng chỉ kiểm tra sự thống nhất về nội dung giữa các văn bản trong hồ sơ, không thẩm định lại tính hợp pháp của các văn bản đó.
  2. Cơ quan có thẩm quyền về cấp phép xây dựng không cần xin ý kiến các cơ quan quản lý chuyên ngành trong các trường hợp sau:

– Thay đổi phương án kết cấu tại hồ sơ thiết kế đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định so với phương án kiến trúc;

– Thay đổi tổng diện tích sàn xây dựng do sai số kỹ thuật, không làm thay đổi mật độ xây dựng, không thay đổi kích thước chính của công trình và giải pháp kiến trúc công trình.

Như vậy, Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND được kỳ vọng sẽ nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cấp phép xây dựng, đảm bảo dự án được thực hiện theo đúng phân cấp và đúng quy định pháp luật, tránh trường hợp báo cáo vượt cấp.

Rủi ro được bảo hiểm nông nghiệp hỗ trợ và mức hỗ trợ
Trả lời

Ngày 18/04/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 05/06/2018.
Theo đó, Nghị định số 58/2018/NĐ-CP quy định về loại rủi ro được bảo hiểm nông nghiệp hỗ trợ và mức hỗ trợ như sau:
1. Loại rủi ro được bảo hiểm hỗ trợ bao gồm:
– Rủi ro thiên tai: Thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Rủi ro dịch bệnh: Dịch bệnh động vật hoặc dịch hại thực vật. Dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Mức hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
– Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.
– Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.
– Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Bằng các quy định chi tiết và cụ thể, có thể thấy, Nghị định số 58/2018/NĐ-CP hướng tới việc bảo đảm quyền lợi và an sinh cho những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó ổn định đời sống dân cư và thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững.