Ngày 15/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP quy định về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP quy định chi tiết về vấn đề cái cách môi trường cạnh tranh của 25 cơ quan chức năng bộ, ban ngành về cách thức nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó, nhiệm vụ của Bộ kế hoạch và đầu tư như sau:
1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan cải thiện thứ hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh theo đúng mục tiêu đã định;
2. Kiến nghị giảm tối thiểu 50% phí công bố thông tin doanh nghiệp;
3. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chậm nhất vào tháng 6/2019.
4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội danh mục ngành nghề loại bỏ khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện;
5. Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao đăng tải thông tin các vụ việc về phá sản, danh sách chủ nợ tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy, Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP đã đưa ra định hướng để cắt giảm các điều kiện kinh doanh cũng như mức phí trong hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp, từ đó mở rộng quyền tự do kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam.
Ngày 15/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Nghị định số 71/2018/NĐ-CP quy định về trình độ chuyên trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp như sau:
1. Người quản lý phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật về hoá chất, vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất, xây dựng công trình, giao thông, thủy lợi, địa vật lý hoặc dầu khí.
2. Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật về hoá chất, vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất hoặc khoan nổ mìn.
3. Chỉ huy nổ mìn phải có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật. Cụ thể, đối với chuyên ngành kỹ thuật về vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất, xây dựng công trình, giao thông, thủy lợi, địa vật lý, dầu khí hoặc khoan nổ mìn, chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 1 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 2 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng; đối với chuyên ngành kỹ thuật khác, chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 2 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 3 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng.
4. Thợ mìn phải có trình độ từ sơ cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật về vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất, xây dựng công trình, giao thông, thủy lợi, địa vật lý, dầu khí hoặc khoan nổ mìn hoặc từ trung cấp trở lên nếu thuộc các chuyên ngành khác. Thợ mìn phải có thời gian làm công việc phục vụ nổ mìn tối thiểu 6 tháng.
Bằng những quy định chi tiết và cụ thể, Nghị định số 71/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý cần thiết, qua đó góp phần sàng lọc cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm của những người hoạt động trong lĩnh vực mang tính đặc thù liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp, đồng thời thắt chặt, nâng cao sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này.
Ngày 07/05/2018, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND về việc ban hành quy định việc áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã tại thành phố Hà Nội. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 17/05/2018.
Theo đó, Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND quy định nguyên tắc áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông như sau:
1. Công khai đầy đủ, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ khai thác, sử dụng các thủ tục dịch vụ công theo Quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân Thành phố.
2. Bảo đảm việc cung ứng dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức.
3. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, cá nhân trong quá trình cung ứng dịch vụ công.
4. Việc thu phí, giá dịch vụ được thực hiện theo đúng quy định.
Bằng những quy định chi tiết và cụ thể về nguyên tắc, Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ngày 08/05/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg đã đưa ra một số nội dung quan trọng nổi bật như sau:
1. Quy định rõ về việc xử lý hương ước, quy ước vi phạm (có nội dung trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội, trái phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt hoặc phong tục tập quán tốt đẹp khác theo quy định của pháp luật hoặc vi phạm quy định về biểu quyết thông qua, công nhận hương ước, quy ước). Theo đó, hương ước, quy ước vi phạm sẽ bị xử lý bằng các hình thức tạm ngừng thực hiện, bãi bỏ. Thẩm quyền, căn cứ, thời hạn xử lý hương ước, quy ước vi phạm cũng được quy định rõ trong Quyết định này.
2. Cơ quan thực hiện quản lý, chủ trì, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước được giao cho Bộ và Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ và Ngành Tư pháp có trách nhiệm phối hợp trong kiểm tra, kiến nghị việc xử lý hương ước, quy ước vi phạm do có nội dung trái pháp luật, xâm phạm các quyền con người, quyền công dân.
3. Quy định kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo hướng ngân sách nhà nước bảo đảm cho các hoạt động quản lý nhà nước; cộng đồng dân cư tự bảo đảm kinh phí xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; khuyến khích việc hỗ trợ, đóng góp kinh phí, điều kiện cần thiết khác trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Thông qua các quy định cụ thể và chi tiết, Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg đã ghi nhận tính pháp lý của một hình thức pháp luật được sử dụng phổ biến tại nhiều địa phương là tập quán pháp, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của mọi công dân, hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong việc xử lý các vụ việc chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh.
Ngày 15/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại như sau:
1. Nếu người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải hoàn trả với mức:
– Nếu số tiền nhà nước đã bồi thường cao hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ thì mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó;
– Nếu số tiền nhà nước đã bồi thường từ trên 80 đến 100 tháng lương của người thi hành công vụ thì mức hoàn trả từ 40 đến dưới 50 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước bồi thường;
– Nếu số tiền nhà nước đã bồi thường từ 60 đến 80 tháng lương của người thi hành công vụ thì mức hoàn trả từ 30 đến dưới 40 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
– Nếu số tiền nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương của người thi hành công vụ thì mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.
Lương để hoàn trả là lương cơ sở nhân với hệ số theo ngạch, bậc tại thời điểm có quyết định hoàn trả; trường hợp đã nghỉ việc thì việc hoàn trả căn cứ vào lương của người đó tại thời điểm trước khi nghỉ việc.
Bằng các quy định cụ thể và chi tiết, Nghị định số 68/2018/NĐ-CP có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thi hành công vụ, góp phần xây dựng bộ máy quản lý Nhà nước hiệu quả.
Ngày 09/05/2018, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND về triển khai thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kế hoạch này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Kế hoạch số 106/KH-UBND đã đề ra những nhiệm vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:
1. Tuyên truyền phổ biến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản pháp luật liên quan;
2. Hỗ trợ tiếp cận tín dụng;
3. Hoàn thiện mô hình tổ chức, cơ chế vận hành của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố theo Nghị định số 34/2018/NĐ-CP;
4. Hỗ trợ thuế, kế toán;
5. Hỗ trợ mặt bằng sản xuất;
6. Hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung;
7. Hỗ trợ mở rộng thị trường;
8. Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý;
9. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực;
10. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh;
11. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;
12. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị
Như vậy, có thể thấy, các nhiệm vụ được đề ra trong Kế hoạch số 106/KH-UBND đã bao quát toàn bộ những khó khăn mà doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể gặp phải và đề ra biện pháp hỗ trợ, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này phát triển, tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ngày 08/05/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 04/2018/TT-BTTTT quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Thông tư số 04/2018/TT-BTTTT quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thống như sau:
1. Việc quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông được thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông và các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn tương ứng.
2. Trong trường hợp có quy chuẩn kỹ thuật mới sửa đổi, bổ sung, thay thế quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quy định tại danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông thì áp dụng quy định tại quy chuẩn kỹ thuật mới. Trong trường hợp có tiêu chuẩn mới sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng tiêu chuẩn mới theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Như vậy, có thể thấy, Thông tư số 04/2018/TT-BTTTT đã siết chặt quản lý đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, qua đó góp phần bảo đảm an toàn và an ninh trong lĩnh vực truyền thông.
Ngày 14/05/2018, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 26/2018/TT-BGTVT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện kết nối ray đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng với đường sắt quốc gia; việc kết nối ray các tuyến đường sắt đô thị. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Thông tư số 26/2018/TT-BGTVT quy định về trình tự thực hiện cấp Giấy phép kết nối các tuyến đường sắt như sau:
1. Thẩm quyền cấp Giấy phép kết nối với đường sắt quốc gia thuộc về Bộ Giao thông vận tải; thẩm quyền cấp Giấy phép kết nối với đường sắt đô thị thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu kết nối các tuyến đường sắt nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kết nối trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc đến cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy phép xây dựng theo mẫu. Trường hợp không ban hành quyết định phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Bằng những quy định chi tiết và cụ thể, Thông tư số 26/2018/TT-BGTVT được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu kết nối với đường sắt quốc gia dễ dàng hơn khi việc thực hiện hoạt động này, qua đó thu hút thêm vốn đầu tư vào lĩnh vực phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ đường sắt tại Việt Nam.
Ngày 14/05/2018, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 25/2018/TT-BGTVT quy định về đường ngang và cấp Giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Thông tư số 25/2018/TT-BGTVT quy định về trình tự thực hiện cấp Giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt như sau:
1. Thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia thuộc về Cục Đường sắt Việt Nam; thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt đô thị thuộc về cơ quan theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Tổ chức là chủ đầu tư dự án có nhu cầu xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt lập 01 bộ hồ sơ đề nghị, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trên môi trường mạng đến cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy phép xây dựng theo mẫu. Trường hợp không ban hành quyết định phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Bằng những quy định chi tiết và cụ thể, Thông tư số 25/2018/TT-BGTVT được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các chủ đầu tư dự án có nhu cầu xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt dễ dàng hơn khi việc thực hiện hoạt động này, qua đó thu hút thêm vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ngày 07/05/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 24/2018/TT-BGTVT quy định về xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải đường sắt. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Thông tư số 24/2018/TT-BGTVT đã đưa ra thứ tự ưu tiên của các loại tàu chạy trên đường sắt như sau:
1. Nhóm số 1: Tàu cứu viện;
2. Nhóm số 2: Tàu đặc biệt;
3. Nhóm số 3: Tàu khách liên vận quốc tế; tàu khách nhanh chạy suốt; tàu khách nhanh chạy trong khu đoạn; tàu hàng nhanh chạy suốt;
4. Nhóm số 4: Tàu khách thường; tàu quân dụng, tàu hỗn hợp, tàu chở công nhân; tàu hàng trong khu đoạn; tàu hàng đường ngắn, thoi; tàu chuyên dùng.
Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng căn cứ vào thứ tự các nhóm tàu để xác định thứ tự ưu tiên các tàu chạy trên đường sắt quốc gia, chạy trên đường sắt chuyên dùng trong phạm vi quản lý.
Bằng những quy định rõ ràng và chi tiết, Thông tư số 24/2018/TT-BGTVT đã xác định rõ thứ tự ưu tiên của các loại tàu chạy trên đường sắt để các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt cũng như chủ phương tiện tàu nắm được mức độ ưu tiên của phương tiện, qua đó tạo ra sự thông suốt trong lưu thông trên đường sắt.