Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Quy định mới về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt
Trả lời

Ngày 27/04/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 21/2018/TT-BGTVT quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, di chuyển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2018.

Theo đó, Thông tư số 21/2018/TT-BGTVT đã đưa ra một số nội dung chính như sau:

  1. Quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi, xóa giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (GTĐS) hoạt động trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị và việc di chuyển phương tiện GTĐS trong trường hợp đặc biệt.
  2. Thời hạn thực hiện các thủ tục nói trên không quá 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và đúng quy định, Cục Đường sắt Việt Nam phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký; trường hợp không cấp, phải trả lời cho chủ sở hữu phương tiện bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  3. Quy định về trường hợp đặc biệt đối với việc di chuyển phương tiện GTĐS:

– Di chuyển trên đường sắt để kiểm tra các tính năng kĩ thuật của phương tiện trước khi nghiệm thu, bàn giao đưa ra khai thác, vận dụng;

– Di chuyển trên đường sắt từ vị trí tập kết này đến vị trí tập kết khác để cất giữ, bảo quản phương tiện; di chuyển trên đường sắt thực hiện cứu nạn khi có yêu cầu.

Bằng những quy định rõ ràng và chi tiết, Thông tư số 21/2018/TT-BGTVT được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý phương tiện giao thông đường sắt, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy loại hình giao thông đường sắt phát triển.

Quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia
Trả lời

Ngày 02/05/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 22/2018/TT-BGTVT quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.

Theo đó, Thông tư số 22/2018/TT-BGTVT quy định việc thực hiện vận tải hàng hóa trên đường sắt cụ thể như sau:

  1. Về xác định tên hàng hóa: Người thuê vận tải có trách nhiệm kê khai đúng tên hàng hóa theo yêu cầu của doanh nghiệp. Trường hợp là hàng nguy hiểm thì phải ghi đúng tên gọi trong Danh mục hàng nguy hiểm vận tải bằng đường sắt. Người thuê vận tải phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra do kê khai không đúng tên hàng hóa.
  2. Về thứ tự ưu tiên trong vận tải hàng hóa: Hàng hóa cùng nhận được vào một thời điểm thì ưu tiên hàng nguy hiểm; thi hài, hài cốt; động vật sống, hàng mau hỏng, hàng nhanh giảm trọng lượng; các loại hàng hóa khác không thuộc loại quy định trên do doanh nghiệp quy định.
  3. Về đóng gói hàng hóa: Tùy theo tính chất của hàng hóa, người thuê vận tải phải đóng gói đúng quy cách để bảo đảm hàng hóa không bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng, giảm chất lượng hoặc gây ảnh hưởng đến các hàng hóa khác trong quá trình xếp, dỡ và vận chuyển. Các loại hàng hóa đóng gói bằng gòm, kiện thùng phải được ghi nhãn hiệu, dấu hiệu, ký hiệu, biểu trưng đặc tính của hàng hóa (nếu có), trọng lượng tên đầy đủ của hàng hóa, bảo đảm chính xác, rõ ràng; riêng đối với thi hài, hài cốt phải có người áp tải và bảo đảm vệ sinh, phòng dịch, bảo vệ môi trường và có đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật.
  4. Về việc đưa toa xe về vào địa điểm xếp dỡ: Chậm nhất 02 giờ trước giờ cấp toa xe, doanh nghiệp phải thông báo cho người thuê vận tải về số lượng, số hiệu của toa xe đưa vào đường xếp dỡ hoặc địa điểm giao tiếp. Khi hợp đồng khai thác đường nhánh, đường chuyên dùng có quy định giờ cấp xe hàng ngày thì doanh nghiệp không cần phải thông báo.

Như vậy, so với các Thông tư trước đây, Thông tư số 22/2018/TT-BGTVT đã đưa ra những quy định mới nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan đến vận tải hàng hóa bằng đường sắt, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng của dịch vụ vận chuyển, tạo điều kiện phát triển ngành dịch vụ vận tải đường sắt.

Bãi bỏ căn cứ quy định về xác định mức lãi suất vốn vay huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư
Trả lời

Ngày 28/03/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 75/2017/TT-BTC ngày 21/07/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 55/2016/TT-BTC ngày 23/03/2016 quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 12/05/2018.

Theo đó, Thông tư số 30/2018/TT-BTC đã bãi bỏ căn cứ quy định về xác định mức lãi suất vốn vay huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư, cụ thể như sau:

  1. Bãi bỏ căn cứ mức lãi suất vốn vay không được vượt quá mức lãi suất trung bình cho vay trung hạn và dài hạn của 04 ngân hàng thương mại nhà nước tại thời điểm đàm phán hợp đồng dự án.
  2. Đối với dự án đã ký hợp đồng dự án trước ngày 12/05/2018 thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng dự án đã ký. Tuy nhiên, nếu sau thời điểm nói trên, dự án có sự điều chỉnh về mức lãi suất vốn vay thì sự điều chỉnh sẽ tuân theo quy định tại Thông tư này.

Thông tư số 30/2018/TT-BTC được kỳ vọng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận với nhiều nguồn huy động vốn hơn nữa, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư, tạo đà cho sự phát triển chung của kinh tế đất nước.

Tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)
Trả lời

Ngày 04/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP quy định  về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 19/06/2018.

Theo đó, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP quy định nguyên tắc xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư như sau:

  1. Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư;
  2. Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%;
  3. Vốn góp của Nhà nước, vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu.

Bằng các quy định chi tiết và cụ thể, so với các văn bản trước đây, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP được đánh giá đã mở ra cơ hội hợp tác lớn hơn cho các nhà đầu tư, phù hợp với cơ chế mở cửa hiện nay của Chính phủ về kêu gọi các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

Bản tin pháp luật số 17/2018
Trả lời

Căn cứ định giá tài sản trong tố tụng hình sự
Trả lời

Ngày 07/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2018.

Theo đó, Nghị định số 30/2018/NĐ-CP xây dựng căn cứ định giá tài sản như sau:

  1. Đối với tài sản không phải là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ sau:

– Giá thị trường của tài sản;

– Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định;

– Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;

– Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có);

– Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.

  1. Đối với tài sản là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau:

– Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác;

– Giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm (nếu có);

– Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;

– Giá thị trường trong khu vực hoặc thế giới của hàng cấm do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông báo hoặc cung cấp thông tin;

– Giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam;

– Giá thị trường trong khu vực và thế giới của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại các thị trường này;

– Các căn cứ khác giúp xác định giá trị của tài sản cần định giá do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tin cậy của các căn cứ này.

Bên cạnh các căn cứ định giá tài sản nêu trên, Nghị định 30/2018/NĐ-CP nêu rõ các mức giá từ các nguồn thông tin quy định nêu trên được xác định tại thời điểm và tại nơi tài sản được yêu cầu định giá. Trường hợp thu thập nguồn thông tin về mức giá tài sản tại thời điểm khác hoặc ở địa phương khác thì mức giá đó cần được điều chỉnh phù hợp về thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.

Như vậy, Nghị định số 30/2018/NĐ-CP được đánh giá đã bổ sung và hoàn thiện tương đối đầy đủ các căn cứ định giá tài sản trong tố tụng hình sự, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho việc thực hiện công tác điều tra, xử lý hành vi phạm tội cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc thi hành án hình sự.

Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp
Trả lời

Ngày 08/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2018.

Theo đó, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP đưa ra một số nội dung quan trọng như sau:

  1. Thu hẹp ngành nghề Nhà nước được duy trì tỷ lệ sở hữu: Nghị định số 32/2018/NĐ-CP loại bỏ một số ngành nghề như sản xuất thuốc lá điếu, phân phối điện, bán buôn xăng dầu, bán buôn lương thực, thoát nước đô thị, hóa chất hữu cơ, vận tải biển quốc tế, vận tải đường sắt, giống cây trồng, hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
  2. Doanh nghiệp nhà nước không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản); không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
  3. Bổ sung quy định về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

– Việc chuyển nhượng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp phải gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp;

– Chuyển nhượng vốn nhà nước phải thông qua phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận hoặc phương pháp “dựng sổ”.

Như vậy, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, góp phần vào việc sử dụng vốn nhà nước hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Từ tháng 5/2018, giảm giá cước kết nối cuộc gọi giữa các mạng di động
Trả lời

Ngày 29/12/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 48/2017/TT-BTTTT quy định giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng viễn thông cố định mặt đất nội hạt vào mạng thông tin di động mặt đất toàn quốc và giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng thông tin di động mặt đất toàn quốc. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2018.

Theo đó, Thông tư số 48/2017/TT-BTTTT quy định giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại như sau:

  1. Mạng nội hạt khởi phát cuộc gọi thoại trả mạng di động kết cuối cuộc gọi giá cước là 320 đồng/phút.
  2. Đối với kết nối giữa các mạng di động, giá cước được quy định theo từng trường hợp cụ thể: Trường hợp gọi đến số thuê bao của nhà mạng Viettel, mạng di động gọi đi phải trả cho Viettel 400 đồng/phút; gọi đến số thuê bao của các nhà mạng MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile, Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu, mạng di động gọi đi phải trả cho các nhà mạng này 440 đồng/phút.
  3. Các mức giá cước kết nối cuộc gọi được nêu trên đã bao gồm phần giá cước kết nối trả cho doanh nghiệp khi phải kết nối gián tiếp qua mạng đường dài trong nước nhưng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ kết nối cuộc gọi thoại của mạng di động và mạng nội hạt phải thực hiện công khai thông tin về giá, niêm yết giá theo đúng quy định tại Luật Viễn thông, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Như vậy, có thể thấy, so với Thông tư trước đây quy định về giá cước cuộc gọi thoại giữa hai nhà mạng thông tin di động, mức giá cước mới quy định tại Thông tư số 48/2017/TT-BTTTT đã giảm đến 20%. Qua đó, Thông tư có ý nghĩa trong việc thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ truyền thông di động, góp phần thực hiện chủ trương hiện đại hóa, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong Cách mạng 4.0 được Chính phủ đề ra.

Quy định chế bản, in, gia công sau in cho tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam
Trả lời

Ngày 28/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/06/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2018.

Theo đó, Nghị định số 25/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định chế bản, in, gia công sau in cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (không hiện diện tại Việt Nam) cụ thể như sau:

  1. Người đứng đầu cơ sở in phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của sản phẩm in;
  2. Chỉ nhận chế bản, in, gia công sau in loại sản phẩm in ghi trong giấy phép hoạt động in hoặc nội dung đã được xác nhận đăng ký hoạt động in;
  3. Có hợp đồng với tổ chức, cá nhân đặt chế bản, in, gia công sau in. Trong hợp đồng phải thể hiện thông tin về tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nước ngoài có sản phẩm đặt chế bản, in, gia công sau in; thông tin về tên, loại sản phẩm in, số lượng in, địa điểm sản xuất, thời gian xuất khẩu, tên cửa khẩu xuất khẩu, quốc gia nhập khẩu sản phẩm in và các thông tin khác có liên quan;
  4. Cập nhật thông tin của sản phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in vào “Sổ quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in”;
  5. Trường hợp nhận chế bản, in, gia công sau in sản phẩm là báo, tạp chí, tờ rời, tờ gấp và các sản phẩm in khác có nội dung về chính trị, lịch sử, địa lý, tôn giáo, địa giới hành chính Việt Nam, chủ quyền quốc gia, cơ sở in phải có văn bản khai báo đầy đủ, chính xác thông tin về tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt chế bản, in, gia công sau in; thông tin về tên, loại sản phẩm in, số lượng in, địa điểm sản xuất, cửa khẩu xuất khẩu sản phẩm in. Văn bản khai báo gửi qua dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính, chuyển phát hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in cấp tỉnh nơi cơ sở in thực hiện chế bản, in, gia công sau in chậm nhất 01 ngày sau khi có hợp đồng quy định tại điểm c khoản này;
  6. Xuất khẩu 100% sản phẩm in ra nước ngoài.

Có thể thấy, so với các quy định trước đây, Nghị định số 25/2018/NĐ-CP đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Qua đó, Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng, đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành in.

Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành
Trả lời

Ngày 11/04/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 529/QĐ-BTTTT về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực xuất bản, in và phát hành thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Thông tin và Truyền thông. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2018.

Theo đó, Quyết định số 529/QĐ-BTTTT quy định việc sửa đổi, bổ sung 13 thủ tục hành chính, bãi bỏ 02 thủ tục hành chính bao gồm các thủ tục sau:

  1. Danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung bao gồm: Cấp giấy phép hoạt động in; Cấp lại giấy phép hoạt động in; Đăng ký hoạt động cơ sở in; Thay đổi thông tin đăng ký hoạt động cơ sở in; Cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in; Đăng ký sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu; Chuyển nhượng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu; Khai báo hoạt động cơ sở dịch vụ photocopy; Thay đổi thông tin khai báo hoạt động cơ sở dịch vụ photocopy.
  2. Danh mục thủ tục hành chính bị bãi bỏ bao gồm: Cấp giấy phép chế bản, in, gia công sau in cho nước ngoài; Cấp giấy phép chế bản, in, gia công sau in cho nước ngoài.

Bằng các sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, Quyết định số 529/QĐ-BTTTT được đánh giá phù hợp với chủ trương, chính sách hiện nay của Chính phủ về đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quyền tự do kinh doanh.